Bạn đã dành hàng tháng trời, thậm chí hàng năm để hoàn thiện một cuốn sách – đứa con tinh thần chứa đựng tâm huyết và tri thức của mình. Nhưng khi cuốn sách đã sẵn sàng ra mắt, một câu hỏi lớn xuất hiện: Giá bán bao nhiêu là hợp lý? Nếu đặt giá quá cao, sách có thể bị giảm sức mua; nếu đặt giá quá thấp, lợi nhuận không đủ để bù vốn, tái đầu tư. 

Bài viết này sẽ giúp bạn tìm ra “con số vàng” để cuốn sách của bạn chạm tay tới đúng người, đúng giá trị. 

Tại sao việc định giá sách lại quan trọng? 

Nhật ký bí ngô và những tiết toán kỳ thú

Định giá sách không đơn thuần là gán cho cuốn sách đó một con số. Giá bán là sự phản ánh chân thực về thời gian, công sức và tâm huyết mà tác giả đã đầu tư. 

Ví dụ, một tác giả dành 6 tháng để viết một cuốn sách và bán với giá 230.000 VNĐ/cuốn. Tuy nhiên, chi phí thực tế thường phân bổ như sau:

  • Chi phí in ấn, giấy và gia công: 40.000 VNĐ/cuốn.
  • Chi phí phát hành qua nhà sách, kênh phân phối: 50-55% giá bìa, tương đương khoảng 126.500 VNĐ/cuốn.
  • Chi phí marketing và quảng bá: khoảng 30.000 VNĐ/cuốn.
  • Chi phí vận hành khác (biên tập, thiết kế bìa, quản lý): 10.000 VNĐ/cuốn.

Tổng chi phí: khoảng 206.500 VNĐ/cuốn.

Như vậy, tác giả chỉ còn lại 23.500 VNĐ/cuốn. Nếu cuốn sách được xuất bản thông qua một nhà xuất bản hoặc đơn vị phát hành, họ thường giữ lại khoảng 90-95% lợi nhuận, để lại cho tác giả 5-10% giá bìa. Điều này có nghĩa là tác giả chỉ nhận được khoảng 1.300-2.300 VNĐ/cuốn – một con số nhỏ bé so với thời gian và công sức họ đã đầu tư.

Lưu ý: Đây là trường giả định nếu tác giả viết và bán bản quyền cho một đơn vị xuất bản hoặc công ty sách. 

Tuy nhiên, viết sách không chỉ là câu chuyện kiếm tiền. Với nhiều người, đó là đam mê, là khát khao chia sẻ câu chuyện, kiến thức của mình. Dưới góc độ này, mỗi cuốn sách được bán ra không chỉ là một giao dịch mua bán, mà còn là sự công nhận mà độc giả dành cho tác giả. 

Vả lại, giá cả cũng là một trong những yếu tố đầu tiên thu hút sự chú ý của độc giả tiềm năng, và nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định mua sách của họ. Do đó, việc tìm ra mức giá để vừa phù hợp với túi tiền của độc giả, vừa đảm bảo tác giả thu được lợi nhuận xứng đáng là vô cùng quan trọng. 

Một số thuật ngữ cơ bản khi định giá sách 

Để đưa ra được mức giá phù hợp cho cuốn sách của mình, tác giả cần quan tâm một số thuật ngữ dưới đây: 

Giá cơ bản

Đây là tất cả các chi phí liên quan đến in ấn và hoàn thiện sách, chẳng hạn như chi phí vật liệu (giấy, mực in, bìa sách), chi phí vận chuyển và các chi phí gia công khác. Giá cơ bản là điểm hòa vốn, tức là số tiền tối thiểu bạn cần thu về để bù đắp chi phí sản xuất.

Ví dụ: Giả sử chi phí in 1.000 cuốn sách là 50 triệu đồng, thì giá cơ bản để hòa vốn cho mỗi cuốn là 50.000 VNĐ/cuốn.

Tuy nhiên, để có lợi nhuận và chi trả các chi phí khác, bạn cần tính toán thêm các yếu tố như:

  • Chiết khấu cho nhà sách: 40% giá bìa.
  • Chi phí phát hành và marketing: 10.000 VNĐ/cuốn.
  • Lợi nhuận mong muốn: 20.000 VNĐ/cuốn.

→ Giá bìa = (50.000 + 10.000 + 20.000) : (1 – 0,4) = 133,333 VNĐ

Vậy bù đắp chi phí và có lợi nhuận, giá bìa cuốn sách của bạn nên là 133.000 – 135.000 VNĐ

Phần trăm chiết khấu phân phối

Là khoản chi phí dành cho các đơn vị phân phối sách, chẳng hạn như nhà bán lẻ trực tuyến (Tiki, Fahasa) hoặc cửa hàng sách truyền thống. Nếu bạn bán sách thông qua các kênh phân phối này, bạn cần tính phần trăm chiết khấu vào giá sách. 

Ví dụ: 

Giả sử giá bìa của cuốn sách là 100.000 VNĐ có mức chiết khấu 48% (tương đương 48.000 VNĐ) cho Fahasa. Vậy số tiền bạn thực nhận sau khi trừ chiết khấu là 52.000 VNĐ.

Tiki thường áp dụng mức chiết khấu 15%, cùng với các khoản phí khác như lưu kho, xử lý đơn hàng, vận chuyển. Giả sử giá bìa là 100.000 VNĐ, mức chiết khấu 15% tương đương 15.000 VNĐ, nghĩa là số tiền bạn nhận được sau chiết khấu là 85.000 VNĐ.

Giá bán lẻ

Là giá cuối cùng mà người tiêu dùng phải trả để mua sách. Giá bán lẻ được tính bằng cách cộng giá cơ bản, phần trăm chiết khấu phân phối và lợi nhuận mong muốn của bạn.

Ví dụ:

Giả sử bạn đặt giá bìa là 180.000 VNĐ/cuốn, đây là mức giá cần cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên:

1. Chi phí sản xuất: Nếu tổng chi phí cho 1.000 cuốn sách là 70 triệu đồng, giá thành cơ bản sẽ là 70.000 VNĐ/cuốn.

2. Chi phí marketing và chiết khấu phân phối:

  • Trích 20% giá bìa (36.000 VNĐ/cuốn) cho marketing, tương ứng với 36 triệu đồng nếu bán hết 1.000 cuốn.
  • Chiết khấu 48% cho nhà phân phối (86.400 VNĐ/cuốn), tương ứng với 86,4 triệu đồng cho 1.000 cuốn.

Sau khi trừ các chi phí trên, bạn còn lại:
180.000 VNĐ – (70.000 + 36.000 + 86.400) = 27.600 VNĐ/cuốn.

Nếu bán hết 1.000 cuốn, tổng lợi nhuận bạn có sẽ là 27,6 triệu đồng.

Lợi nhuận

Là khoản tiền bạn thu được sau khi trừ đi giá cơ bản và phần trăm chiết khấu phân phối từ giá bán lẻ. Mức lợi nhuận phụ thuộc vào mục tiêu xuất bản sách của bạn (ví dụ: tối đa hóa lợi nhuận, quảng bá tên tuổi) và các chi phí xuất bản khác.

Ví dụ: 

Chi phí đầu tư ban đầu cho việc xuất bản 1.000 cuốn sách là 70 triệu đồng. Nếu bạn đặt giá bìa là 100.000 VNĐ/cuốn, tổng doanh thu dự kiến là 100 triệu đồng. 

Sau khi trừ 20% cho chi phí marketing (20 triệu đồng) và chiết khấu 48% cho nhà phân phối (48 triệu đồng), bạn còn lại 32 triệu đồng để bù vào chi phí sản xuất.

Trong trường hợp này, bạn không có lợi nhuận mà còn lỗ 38 triệu đồng. Để có lợi nhuận, bạn cần giảm các chi phí khác hoặc tăng giá bìa sách. Bạn có thể cân nhắc đặt giá bìa khoảng 150.000 VNĐ/cuốn để đạt tổng doanh thu 150 triệu đồng

Cách định giá sách 

Xác định mục tiêu 

Để đưa ra một con số hợp lý, trước tiên, bạn cần xác định rõ mục tiêu xuất bản của mình. Bạn mong muốn điều gì khi cuốn sách này đến tay độc giả? Tối đa hóa lợi nhuận? Đạt được doanh số cao nhất có thể? Hay đơn giản là tiếp cận được nhiều độc giả và xây dựng thương hiệu cá nhân? 

Với mỗi mục tiêu khác nhau sẽ cần cách tiếp cận khác nhau, đặc biệt là trong việc định giá. Giá sách bạn đặt ra sẽ tác động trực tiếp đến từng mục tiêu cụ thể. 

Chi phí sản xuất 

Tiếp theo bạn cần tính toán các chi phí sản xuất mà mình cần bỏ ra. 

  • Chi phí biên tập: Đây là khoản chi phí dành cho việc chỉnh sửa, biên tập nội dung sách. Quá trình này có thể bao gồm việc sửa lỗi chính tả, ngữ pháp, cấu trúc câu, cũng như đảm bảo rằng nội dung của sách rõ ràng và mạch lạc. 
  • Chi phí thiết kế bìa: Bìa sách là yếu tố quan trọng giúp cuốn sách thu hút độc giả, vì vậy chi phí cho việc thiết kế bìa cũng rất quan trọng. Một thiết kế bìa đẹp mắt và chuyên nghiệp có thể giúp sách bán chạy hơn.
  • Chi phí in ấn: Đây là một trong những khoản phí lớn nhất khi xuất bản sách. Chi phí in ấn sẽ phụ thuộc vào số lượng bản in, chất liệu giấy, loại bìa (bìa cứng hay bìa mềm) và độ dài của cuốn sách. Ở khoản phí này, bạn cần chú ý tới định dạng của sách. Các định dạng sách phổ biến bao gồm sách bìa mềm, bìa cứng và ebook, mỗi loại đều có những ưu điểm riêng và phù hợp với từng đối tượng độc giả khác nhau.
  • Chi phí phát hành: Bao gồm các khoản chi phí liên quan đến việc phát hành sách ra thị trường như phân phối sách đến các nhà sách, đại lý, hoặc việc in mã vạch, ISBN.
  • Chi phí marketing và quảng bá: Để cuốn sách có thể đến được tay độc giả, việc quảng bá là rất quan trọng. Các chi phí này có thể bao gồm chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, tổ chức sự kiện ra mắt sách hoặc in ấn các tài liệu quảng cáo như poster, tờ rơi.
  • Chi phí bản quyền: Nếu bạn hợp tác với một nhà xuất bản hoặc sử dụng các tài liệu, hình ảnh có bản quyền, bạn sẽ phải chi trả chi phí bản quyền cho việc sử dụng trong sách.
  • Chi phí thuê dịch vụ: Ngoài biên tập viên và designer, bạn có thể cần thuê thêm các chuyên gia như dịch giả (nếu sách được dịch từ ngôn ngữ khác), người quản lý dự án để hỗ trợ xuất bản sách.
  • Chi phí vận chuyển: Đây là các chi phí liên quan đến việc vận chuyển sách từ nơi in ấn đến các cửa hàng, nhà sách hoặc kho chứa.
  • Chi phí lưu kho: Nếu bạn xuất bản với số lượng lớn, chi phí lưu trữ sách trong kho cũng cần được tính toán, đặc biệt nếu bạn có hợp đồng phân phối dài hạn.

Bảng tính chi phí và lợi nhuận

Lưu ý: Chi phí chỉ mang tính chất tham khảo 

Khoản mục Chi phí (VNĐ)
Chi phí biên tập5.000.000
Chi phí thiết kế bìa7.000.000
Chi phí giấy phép4.000.000
Chi phí in ấn (1.000 cuốn)35.000.000
Chi phí đăng ký bản quyền 2.000.000
Chi phí phát hành 1.000.000
Chi phí marketing8.000.000
Chi phí thuê dịch vụ (quản lý dự án,…)3.000.000
Chi phí vận chuyển2.500.000
Chi phí lưu kho 1.500.000
Tổng chi phí sản xuất 69.000.000
Doanh thu từ bán sách (1.000 cuốn x 150.000 VNĐ)150.000.000
Chiết khấu (48%)72.000.000
Doanh thu sau chiết khấu78.000.000
Lợi nhuận (sau chiết khấu): 78.000.000 – 69.000.000 = 9.000.000

Lưu ý, để tối ưu lợi nhuận, tác giả cần bán nhiều hơn (ví dụ 2.000 – 5.000 bản, hoặc thậm chí trên 10.000 bản) hoặc gia tăng chi phí giá bìa hoặc tạo giá trị cộng thêm cho độc giả. 

Khách hàng của DIMI BOOK có tác giả bản sách ở mức 700.000 VNĐ/cuốn hoặc 1.200.000 VNĐ/cuốn đi kèm là một khoá học hoặc hệ thống tài liệu thực hành. 

Thể loại

sách dimi book xuất bản

Thể loại sách cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định giá bán, vì xu hướng thị trường thường ảnh hưởng đến mức giá của từng thể loại. Tại Việt Nam, các thể loại sách như lãng mạn, khoa học viễn tưởng hay kỳ ảo thường có giá bán thấp hơn so với các thể loại văn học hoặc sách phi hư cấu. 

Chẳng hạn, đối với các cuốn tiểu thuyết giải trí, độc giả thường không sẵn sàng chi trả quá nhiều, thường chỉ dao động trong khoảng từ 100.000 đến 150.000 đồng.

Trong khi đó, với sách phi hư cấu (non-fiction), đặc biệt là những cuốn sách chuyên sâu, cung cấp kiến thức hoặc được coi là tài liệu tham khảo uy tín về một chủ đề cụ thể, độc giả có thể sẵn sàng chi trả mức giá cao hơn, từ 200.000 đồng trở lên.

Tham khảo giá sách trên thị trường 

Sau khi xác định thể loại sách, bạn có thể tham khảo thị trường bằng cách đến các hiệu sách và quan sát các cuốn sách cùng thể loại với tác phẩm của mình. Bạn nên chú ý đến mức giá của những cuốn sách đó và so sánh với sách của mình về kích cỡ, số trang và chất liệu bìa. Nếu sách của bạn không in bìa cứng, hãy chỉ so sánh với sách bìa mềm để có sự tương đồng về giá trị.

Ngoài việc tham khảo trực tiếp tại các hiệu sách, bạn cũng có thể tìm kiếm thông tin trực tuyến về giá của các cuốn sách tương tự, bao gồm cả sách của nhà xuất bản truyền thống và sách tự xuất bản

Một yếu tố quan trọng khác trong việc định giá là đảm bảo rằng giá sách của bạn không quá chênh lệch so với các sách cùng thể loại.

Nếu bạn đặt giá thấp hơn một chút so với các cuốn sách tương tự, bạn có thể thu hút được sự chú ý của độc giả mục tiêu. Tuy nhiên đừng giảm quá nhiều vì bạn vẫn cần đảm bảo rằng giá sách phản ánh đúng công sức và giá trị của tác phẩm cũng như không làm mất đi giá trị của sách trong mắt người tiêu dùng.

Cuốn sách của bạn xứng đáng được trân trọng – và một mức giá được định ra đúng cách sẽ là bước đầu tiên để điều đó trở thành hiện thực. Chúc bạn gặt hái thành công và lan tỏa cảm hứng qua từng trang sách!


Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ZaloGọi điệnFacebook