Ai đã từng lặng lẽ theo chân một người lính già trong đêm mưa rừng sâu và chứng kiến tình cảm thiêng liêng giữa ông và đứa cháu ngoại bé bỏng? Hay cùng người dân Nam Bộ trải qua những tháng ngày kháng chiến đầy khói lửa? Không ai khác đó chính là Nguyễn Quang Sáng – nhà văn tài hoa đã khắc họa nên những hình ảnh chân thực, cảm động về cuộc sống và con người Việt Nam.

“Đừng bao giờ nghĩ tới điều xấu, đừng làm hại bất kỳ ai. Viết văn thì đừng nghĩ đến tiền. Cứ sáng tác bằng toàn bộ tâm sức, đừng khoác lên vai nhà văn những trách nhiệm, nghĩa vụ quá nặng nề. Chơi giúp tôi viết rất tự nhiên, không gò bó, không câu nệ triết lý, tư tưởng. Viết giúp tôi được đi, được chơi, được trải nghiệm và được sống trọn vẹn hơn. Cuộc đời tôi, vậy cũng đã thỏa nguyện lắm rồi” – Nguyễn Quang Sáng

Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Quang Sáng

Nguyễn Quang Sáng, bút danh Nguyễn Sáng (12/1/1932 – 13/2/2014), xuất thân từ xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Sinh ra trong một gia đình thợ bạc, ông đã trải qua tuổi thơ trong bối cảnh đất nước chìm trong chiến tranh. Năm 1946, khi mới 14 tuổi, ông tình nguyện gia nhập quân đội và trở thành liên lạc viên cho đơn vị Liên Chi 2.

nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Năm 1966, Nguyễn Quang Sáng tham gia chiến trường miền Nam và làm cán bộ sáng tác của Hội Văn nghệ Giải phóng. Đến năm 1972, ông trở lại Hà Nội và tiếp tục công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, nơi ông đã là hội viên từ năm 1957 và giữ nhiều vị trí quan trọng. Ông qua đời tại nhà riêng ở Quận 7, TP. Hồ Chí Minh vào ngày 13/2/2014, hưởng thọ 82 tuổi. Ông cũng được biết đến là cha của đạo diễn nổi tiếng Nguyễn Quang Dũng.

Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Ông làm việc chăm chỉ và đầy nghiêm túc, nhờ vào tài năng văn chương mà ông đã định hình được phong cách riêng khi mới hơn hai mươi tuổi. Ngay từ tập truyện đầu tay “Con chim vàng” (1958), ông đã nhận được sự đánh giá cao từ giới văn chương và sự quan tâm của đông đảo độc giả. Với lối viết mộc mạc, chân thành và giọng văn đậm chất Nam Bộ, Nguyễn Quang Sáng đã giành được nhiều giải thưởng: 

  • “Giải thưởng báo Thống Nhất” năm 1959
  • “Giải thưởng tạp chí Văn nghệ Quân Đội” năm 1959
  • “Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam” các năm 1985 và 1993
  • “Giải thưởng Bông sen vàng” tại Liên hoan phim toàn quốc năm 1980
  • “Huy chương vàng tại Liên hoan phim Mát-xcơ-va” năm 1981 cho bộ phim “Cánh đồng hoang”. 
  • Ông còn được vinh danh với “Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt II” năm 2000.

Phong cách sáng tác của nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Nguyễn Quang Sáng xuất thân từ vùng đất Nam Bộ nên ông đã thổi hồn vào các sáng tác của mình với phong cách đậm chất và nhịp sống của quê hương này. Đỗ Ngọc Yên trong bài viết “Một khế ước văn hóa Nam Bộ” đã nhận định rằng:

“Phần lớn những người đã từng tiếp xúc hay đọc các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng ở hầu hết mọi lứa tuổi, giới tính, ngành nghề, học vấn, địa vị xã hội… đều cho rằng ông là người mang đậm chất Nam Bộ như là một khế ước văn hóa, kể cả trong cuộc sống đời thường cũng như trong tác phẩm văn chương”. 

Nguyễn Quang Sáng thể hiện chất Nam Bộ dễ mến ấy ngay trong mối quan hệ giao tiếp với bạn bè: cách nói chuyện mộc mạc, khôi hài, vui vẻ. Còn trong văn chương, ông phản ánh tính cách người dân Nam Bộ với vài nét: tính trung thực, ngay thẳng, không ưa dối trá. Chỉ vài điểm đó tính cách người dân Nam Bộ đã hiển hiện rõ ràng.

nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Quang Sáng luôn hướng ngòi bút về con người và cảnh vật thiên nhiên, mang lại cảm giác gần gũi cho độc giả. Với những gam màu bi tráng và cốt truyện kịch tính, giàu chất thơ, ông đã tạo nên phong cách văn xuôi vô cùng độc đáo và táo bạo để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

Chính Phan Đắc Lập khi viết lời ngỏ giới thiệu cuốn “Nguyễn Quang Sáng – tuyển tập” cũng đã nhận xét: “Văn của Nguyễn Quang Sáng không phải là loại văn óng mượt. Văn của anh bình dị mà trong sáng. Nhiều người đã nhận xét: Nguyễn Quang Sáng có biệt tài kể chuyện. Tôi cũng thấy như vậy. Bằng một lối văn mộc mạc, anh cứ thủ thỉ kể hết cuộc tình này đến cuộc tình khác như một người nông dân Nam Bộ kể chuyện đời xưa và chuyện tiếu lâm. Ấy vậy mà với những trang viết mộc mạc ấy, Nguyễn Quang Sáng đã chạm tới những rung động vi diệu của tình yêu”.

Con người tình nghĩa trong chiến tranh là đề tài nổi bật trong sáng tác của Nguyễn Quang Sáng

Tình người trong chiến tranh là đề tài sáng tác không hiếm trong thời kỳ của Nguyễn Quang Sáng. Nhưng cái tình người của ông sâu đậm, rõ nét, cái tình nghĩa của những con người cùng chung chiến tuyến cách mạng chỉ gặp nhau trong phút chốc nhưng cũng đủ lưu luyến nhớ thương. 

Trong đó, chúng ta phải kể đến cái tình giữa con người với thiên nhiên cây cỏ, với vạn vật, sự giao hòa, gắn bó với thiên nhiên. Chúng ta nhận ra sự xót xa trong buổi chia tay với con gà trống khi cơ quan được lệnh di chuyển. Lời dặn dò của bé Nam với con gà trong tác phẩm “Con gà trống” (năm 1970) khiến người đọc xúc động:

“Nó lại ôm con gà vào lòng, lại vuốt ve, nó về miệng vào con gà thủ thỉ: Đừng để bọn Mỹ nó thịt con nghe con. Nếu cơ quan không về thì con sống với gà rừng. Con phải tập bay, con sẽ làm chúa cái rừng này, Nếu cơ quan trở về thì cơ quan mang cả bầy vợ con về cho con nghe hôn!”

Hoặc khi đến với “Chiếc lược ngà”, tình người ấy chính là tình cảm cha con thiêng liêng. Anh Sáu gặp con sau tám năm xa cách nhưng con không nhận ra ba vì vết thẹo trên mặt. Giây phút con nhận ra và gọi ba, anh hạnh phúc đến rưng rưng nước mắt. “Anh Sáu một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt rồi hôn lên mái tóc con”. Giây phút trước khi anh hy sinh lại càng gieo rắc sự xót thương cho người đọc như chính người thân của mình ra đi. Truyện đã trở thành biểu tượng cho tình cha con trong chiến tranh. 

Nguyễn Quang Sáng

Tình người phủ khắp các mối quan hệ trong các câu chuyện của Nguyễn Quang Sáng xây dựng: một người đồng đội cũng trở thành người anh em, một người vừa mới gặp cũng trở nên thân thiết, dám hy sinh vì nhau, hy sinh cho nhau. Ông Năm Hạng chăm sóc cho nhân vật Trọng – một người chiến sĩ cách mạng làm tôi liên tưởng tới hình ảnh người cha chăm sóc cho con trai. “Ông chăm lo cho tôi từng tí một. Ông ngồi bên hầm gác cho tôi ngủ. Ông dọn đường cho tôi đi hoạt động. Ông lo cho tôi cả cây gậy để đi đêm… Và bất cứ việc gì giao cho ông, ông cũng làm tròn.” (Ông Năm Hạng, 1959).

Đọc truyện Nguyễn Quang Sáng, ta bắt gặp những giây phút gặp nhau ngắn ngủi của những người thân yêu, của những người cùng quê hương hay của những người đồng đội trong chiến tranh. Những cái tình ấy sao lại quý giá thế. Họ trân trọng từng phút giây bên nhau vì chiến tranh không cho họ lãng phí chút thời gian nào.

Triết lý làm nghề của Nguyễn Quang Sáng

Ông luôn chọn cách sống hồn nhiên, vô tư, không đối phó với bất cứ ai, bất cứ điều gì.

“Đừng bao giờ nghĩ tới điều xấu, đừng làm hại bất kỳ ai. Viết văn thì đừng nghĩ đến tiền. Cứ sáng tác bằng toàn bộ tâm sức, đừng khoác lên vai nhà văn những trách nhiệm, nghĩa vụ quá nặng nề. Chơi giúp tôi viết rất tự nhiên, không gò bó, không câu nệ triết lý, tư tưởng. Viết giúp tôi được đi, được chơi, được trải nghiệm và được sống trọn vẹn hơn. Cuộc đời tôi, vậy cũng đã thỏa nguyện lắm rồi.” – Nguyễn Quang Sáng.

nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Ông cũng bảo: “Tôi mê chi tiết. Viết văn mà không có chi tiết đắt thì giống y chang xã luận còn gì. Tôi nghĩ, văn học là tổng hợp của những chi tiết. Mà chi tiết trong đời sống thì chẳng ai có thể sáng tác được. Tôi luôn tránh dùng cụm từ đi thực tế sáng tác, bởi phải sống thật trong thực tế mới có đủ vốn liếng để viết. Vào chiến trường, bom đạn đâu biết anh là nhà văn mà chừa ra. Cũng nhờ những chuyến đi, tôi mới biết xẻ dọc Trường Sơn dù sao cũng khó chết hơn bởi đi chút, nghỉ chút.

Nhưng hành quân trên đồng nước Cửu Long thì đừng hy vọng nghỉ ngơi. Trực thăng luôn soi đèn, Dakota thả pháo sáng, đi giữa đêm vẫn phải ngụy trang. Nấu cơm không được có khói, tắm sông không để lại gợn sóng, con gà trống được đạp mái nhưng không được phép gáy… Vì thế, tôi mới có những cây sứ cùi, mới có chi tiết cô giao liên bán bánh tằm rất đắt hàng vì người ta đồn cô se bánh bằng cái bắp vế của cổ (truyện ngắn Xã đội trưởng),… Rồi vì gái điếm vô đồn Mỹ, nổi hứng xin lính cho bắn thử mà khá nhiều bộ đội ta thương vong vì pháo đĩ…. Những hạt vàng ấy, tôi tài cán cỡ nào mà hư cấu cho nổi”.

Khi được hỏi về đâu là yếu tố quan trọng trong nghề văn, Nguyễn Quang Sáng cho rằng:

“Yếu tố đầu tiên, là phải có tâm huyết với nghề nghiệp. Không nên nghĩ là mình sẽ làm giàu hay được nổi tiếng. Đôi khi chúng ta phải hy sinh vì nghệ thuật. Yếu tố tiếp theo chính là vốn sống, vốn kiến thức nhất định để quyết tâm theo đuổi con đường mình đã chọn. Quan trọng nhất là phải có một niềm say mê, nó sẽ là động lực giúp ta không ngừng học hỏi và sáng tạo.”

Những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Nguyễn Quang Sáng đã để lại một kho tàng đồ sộ cho nền văn học Việt Nam. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông như:

  • Con mèo của Foujita 
  • Nhà văn về làng 
  • Paris – tiếng hát Trịnh Công Sơn
  • Chiếc lược ngà 
  • Người quê hương
  • Đất lửa
  • Nhật ký người ở lại
  • Cái áo thằng hình rơm 
  • Người con đi xa 
  • Bông cẩm thạch 
  • Câu chuyện bên trận địa pháo
  • Con chim vàng
  • Bàn thờ tổ của một cô đào
  • Dòng sông thơ ấu
  • Tôi thích làm vua
  • Mùa gió chướng
tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng

Ngoài viết văn, Nguyễn Quang Sáng còn thành công trong lĩnh vực kịch bản phim và được công chúng yêu mến. Chúng ta hãy cùng điểm qua một số kịch bản phim nổi bật của ông:

  • Cánh đồng hoang 
  • Mùa gió chướng
  • Giữa dòng
  • Thời thơ ấu
  • Pho tượng
  • Mùa nước nổi
  • Cho đến bao giờ
  • Như một huyền thoại
  • Câu nói dối đầu tiên
  • Dòng sông hát 

Xem thêm:

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã để lại một gia tài cho cả dân tộc Việt Nam, đó là những suối văn, thước phim phản ánh chân thực những thăng trầm của đời sống, để thế hệ chúng ta chứng kiến những đoạn thời gian hào hùng xen lẫn bi thương, những hoàn cảnh trớ trêu hay những khoảnh khắc vui sướng… Và cả tình người thấm đượm trong từng kẽ chữ. Thưởng thức các tác phẩm của ông, độc giả như được bước vào câu chuyện, chứng chiến diễn biến tâm lý của các nhân vật với nhiều cung bậc cảm xúc.


Thưởng thức trọn vẹn các tác phẩm DIMI BOOK review qua đường link mua sách phía dưới để ủng hộ chúng tôi tiếp tục tạo ra những nội dung chất lượng và phong phú nhé! Chân thành cảm ơn Quý độc giả đã yêu mến!

Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Xem sách chi tiết Dòng Sông Thơ Ấu (Tái Bản 2022) tại đây

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ZaloGọi điệnFacebook