“Văn như Siêu Quát vô tiền Hán”
Thi đáo tùng tuy thất thịnh Đường”
Dịch nghĩa:
“Văn của ông Siêu, ông Quát khiến thời Tiền Hán phải chịu.
Thơ của Tùng Công, Tuy Công thì thời Thịnh Đường phải nhường”.

Trích câu nói của vua Tự Đức dành cho hai nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát

Cao Bá Quát là một trong những cây đại thụ của nền văn học Việt Nam giữa thế kỷ 19. Tương truyền ông là một người tài hoa, có năng khiếu văn chương từ nhỏ với khả năng xuất khẩu thành thơ. Cuộc đời và sự nghiệp của Cao Bá Quát là một minh chứng cho sự giao thoa giữa tài năng văn chương và tinh thần yêu nước.

Cao Bá Quát đã để lại một di sản văn hóa và tinh thần vô giá, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ người Việt Nam sau này.

Cuộc đời Cao Bá Quát

Cao Bá Quát (chữ Hán: 高伯适), biểu tự Chu Thần (周臣), hiệu Mẫn Hiên (敏軒) hay Cúc Đường (菊堂) xuất thân từ một gia đình nho giáo ở làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Hà Nội), ông sớm bộc lộ tài năng văn chương và học vấn xuất chúng và thường được mệnh danh là “Thánh Quát” với tài văn hay chữ tốt. 

cao bá quát

Tuổi trẻ của Cao Bá Quát được ghi lại bằng hàng loạt bài thơ tràn đầy khí phách như Tài mai (Trồng mai), Thanh Trì phiếm châu nam hạ (Từ Thanh Trì buông thuyền xuôi nam), Quá Dục Thúy Sơn (Qua núi Dục Thúy),…

Ngã dục đăng cao
Hạo ca ký vân thủy
Dịch:
Ta muốn trèo lên đỉnh cao ngất
Hát vang lên để gửi tấm lòng vào mây nước…

(Trích “Quá Dục Thúy Sơn” của Cao Bá Quát)

Sau khi đỗ đạt khoa cử, ông bước vào con đường quan trường, muốn đem tài năng ra giúp đời, nhưng rồi chính sự thẳng thắn và những quan điểm tiên phong đã khiến ông gặp không ít khó khăn trong sự nghiệp làm quan. Ở chốn quan trường đen bạc, Cao Bá Quát bắt đầu cảm thấy nhục chí và bế tắc khi nhìn thấy cảnh thối nát, bất công và hèn yếu của nhà Nguyễn. 

Cho đến khi bị tù, bị tra tấn vì tự ý sửa chữa chữ trong quyển thi phạm huý khiến ông càng đau khổ, uất ức hơn. Sau thời gian đi tù, ông bị đuổi về quê, tại đây ông đã nhìn thấy đời sống của nhân dân nghèo túng thiếu mặc đói rét và bị bị bắt phu bắt lính,… Đứng trước những cảnh tình ấy, cộng thêm nỗi đau của bản thân, Cao Bá Quát luôn trăn trở: 

“Ta đã không nỡ nghe mãi bài thơ Hoàng Điểu nói lên cảnh ly tán của nhân dân do chính sự hà khắc, thì lẽ nào chỉ chịu gửi gắm mãi tâm sự vào khúc ngâm của Gia Cát Lượng khi chưa ra giúp đời” 

(Trích bản dịch bài “Ngẫu nhiên nằm mơ đến thăm ông Tuần phủ” của Cao Bá Quát)
thơ Cao Bá Quát

Tuy nhiên, mãi đến lần Cao Bá Quát bị đổi về làm Giáo thụ ở Quốc Oai, thì suy nghĩ mới trở thành quyết tâm đứng lên đánh đổ nhà Nguyễn và tham gia vào cuộc nổi dậy Mỹ Lương (sử cũ gọi là Giặc Châu Chấu) năm 1854 đến 1856:

“Tài trai sống ở đời, đã không làm được việc phơi gan, bẻ gãy chấn song, giữ vững cương thường.
Lại ngồi nhìn bọn cầm quyền sói lang hoành hành,
Đến lúc tuổi già thì mặc áo gấm ban ngày về bôi nhọ quê hương.
Chỉ cúi đầu luồn xuống mái nhà thấp, nhục cả khí phách,
Đến lúc già thì gối đầu vào vợ con mà chết,
Giả sử hạng người ấy xuống suối vàng gặp hai cụ (Chu Văn An và Nguyễn Trãi),
Thì cũng mặt dầy, trống ngực đánh, thần sắc rũ rượi ra mà thôi…”

(Trích bản dịch nghĩa bài “Tống Nguyễn Trúc Khê xuất lỵ Thường Tín kiêm trí Lê Huy vĩnh lão khê” của Cao Bá Quát)

Đến năm 1855 thì ông bị bắn chết tại trận, sau khi triều đình nhà Nguyễn dẹp được cuộc khởi nghĩa, vua Tự Đức ra lệnh tru di tam tộc dòng họ Cao của ông. Trong thời gian này, có rất nhiều tác phẩm của ông bị tiêu huỷ và cấm lưu hành nên đã bị thất lạc không ít. Tuy nhiên, sự trừng phạt tàn khốc này nhưng cốt cách thanh cao “chỉ cúi mình trước hoa mai” và tư tưởng yêu nước thương dân của Cao Bá Quát vẫn sống mãi trong lòng người dân và được lưu truyền đến tận sau này.

Sự tự do tư tưởng trong văn Thơ Cao Bá Quát

Sự tự do tư tưởng trong văn thơ Cao Bá Quát là điểm nổi bật làm nên phong cách độc đáo của ông. Ông không ngần ngại thách thức những khuôn mẫu và lề thói cứng nhắc, mục nát của xã hội phong kiến, thể hiện qua những vần thơ phóng khoáng, chứa đựng khát vọng tự do và công bằng. 

Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,
Cảnh phù du trông thấy đã nực cười.
Thôi công đâu chuốc lấy sự đời,
Tiêu khiển một vài chung lếu láo.

(Trích “Chén rượu tiêu sầu – Vịnh nhàn” của Cao Bá Quát)

Phong cách văn thơ độc đáo của Cao Bá Quát

Cao Bá Quát là một trong những danh nhân văn học có thể nói là nổi bật nhất trong thời kỳ phong kiến thế kỷ 19 của Việt Nam ta. Ông để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người với phong cách văn thơ độc đáo và tinh tế. Những bài thơ của ông không chỉ đơn thuần là những dòng văn câu đẹp mà còn chứa đựng sự tương tác mạnh mẽ giữa con người và thiên nhiên, giữa nhân văn và đạo lý.

Các tác phẩm của Cao Bá Quát được viết bằng cả chữ Nôm lẫn chữ Hán, mang phong cách trữ tình đậm chất cá nhân, phóng khoáng, táo bạo và đầy sáng tạo. Văn thơ của ông nổi bật với khả năng sử dụng từ ngữ phong phú với nhiều chi tiết hiện thực gợi cảm, bay bổng, lãng mạn để tạo ra những bức tranh thơ mộng, đầy sức sống. 

Phong cách văn thơ độc đáo của Cao Bá Quát

Không chỉ dừng lại ở đó, Cao Bá Quát còn là người nhạy cảm với những vấn đề xã hội, nhân văn. Ông sử dụng văn thơ như là một phương tiện để thể hiện sự bất mãn với thực tế xã hội thời phong kiến, cũng như biểu đạt rõ rệt những tâm tư, tình cảm và khát vọng cá nhân về một cuộc sống tốt đẹp nơi con người được sống trong hòa bình, hạnh phúc và sự công bằng.

Những câu thơ của ông không chỉ đơn thuần là sắc đẹp ngôn ngữ mà còn là những tâm tư, tình cảm chân thành từ đáy lòng con người.

“Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái;
Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.”

(“Câu đối dán nơi nhà dạy học” của Cao Bá Quát)

Triết lý cuộc sống và sự tự do trong tác phẩm Cao Bá Quát

Thơ văn của Cao Bá Quát thể hiện rõ tinh thần tự do, phóng khoáng và ý chí phản kháng mạnh mẽ trước những bất công xã hội và chính trị. Ông sử dụng thơ ca không chỉ để ca ngợi vẻ đẹp của đất nước, mà còn để chỉ trích những bất công trong xã hội. Ông dùng thơ văn để phản ánh hiện thực xã hội, phê phán sự suy thoái đạo đức và sự thối nát của triều đình phong kiến.

“Xưa nay, phường danh lợi,
Tất tả trên đường đời.
Đầu gió hơi men thơm quán rượu,
Người say vô số, tỉnh bao người?
Bãi cát, bãi cát dài ơi!
Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt,
Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít?
Hãy nghe ta hát khúc “đường cùng”…

(Trích Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát từ SGK Ngữ văn lớp 11)

Đa phần những tác phẩm của ông sau khi làm quan đều chứa đựng nhiều tâm sự cá nhân, những nỗi buồn, niềm vui và khát vọng của một con người đầy nhiệt huyết nhưng gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống. 

sách của Cao Bá Quát

Cao Bá Quát là một nhà thơ rất có bản lĩnh, ông sống nghèo nhưng khinh bỉ những kẻ khom lưng uốn gối để được giàu sang và tin rằng mình có thể tự thay đổi đời mình. Nhưng sự bế tắc, mệt mỏi của tác giả trước con đường công danh không lối thoát và cả nỗi niềm trăn trở về cuộc đời về những lựa chọn đúng sai khiến ông càng thêm nặng lòng. Chính vì vậy mà khi đọc các tác phẩm của Cao Bá Quát, ta không khỏi trăn trở về lẽ sống, về sự công bằng và chân lý trong thời đại lúc bấy giờ. 

Thơ văn của ông thường chứa đựng những hình ảnh mạnh mẽ, sống động và ngôn từ sắc bén, đầy sức gợi. Điều này không chỉ làm cho tác phẩm của ông trở nên độc đáo mà còn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

Phong cách nghệ thuật của Cao Bá Quát không chỉ là một phần của lịch sử văn học và nghệ thuật Việt Nam mà còn là một biểu tượng của tinh thần tự do, phóng khoáng và sự đấu tranh không ngừng nghỉ cho những giá trị nhân văn cao đẹp.

Cái nhìn mới mẻ trong thơ Cao Bá Quát

Đối với quan niệm phong kiến đương thời thì cái đạo đức, phẩm hạnh và lễ nghi được coi trọng và là tiêu chuẩn để đánh giá các quan lại và dân sự. Nhưng ở Cao Bá Quát, ta nhận thấy ông có một tâm hồn rộng mở, không bị ràng buộc, không bị hạn chế bởi những khuôn khổ lằng nhằng của tín ngưỡng lễ giáo của Nho học.

Ý tưởng này đã được ông thể hiện qua những tác phẩm văn chương sắc bén và thơ phú, trong đó ông khai phá và truyền tải những hương vị, màu sắc và cảm xúc đa dạng, tự do hơn so với các định kiến thời đó.

“Người thiếu phụ phương Tây áo như tuyết
Tựa vai chồng dưới bóng trăng thanh
Nhìn thuyền người Nam thấy đèn lửa sáng
Kéo áo chồng thì thầm nói
Tay cầm uể oải một chén sữa
Đêm lạnh à đây gió biển thổi
Nghiêng mình đòi chồng đỡ dậy
Biết chăng có người Nam đang chịu cảnh biệt ly.”

(Bài hành về người thiếu phụ phương Tây của Cao Bá Quát)

Ông chấp nhận cách mà “người thiếu phụ phương Tây tựa vai chồng, nghiêng mình đòi chồng đỡ dậy trước mặt mọi người” mà không hề cảm thấy khiếm nhã, mà thay vào đó 

Bài hành về người thiếu phụ phương Tây của Cao Bá Quát

Cao Bá Quát cảm thấy tội nghiệp cho “người Nam đang chịu cảnh biệt ly”. Sự ngưỡng mộ sự độc lập và sự chân thành trong biểu đạt cảm xúc của những con người không bị ràng buộc bởi các quy ước xã hội hay những khung cảnh quen thuộc. 

Có lẽ chỉ Cao Bá Quát là một trong những nhà văn Việt Nam hiếm hoi của thời đại đó, dám thể hiện góc nhìn táo bạo và mới lạ từ nhiều nền văn hóa khác so với các quan niệm truyền thống ăn sâu vào mỗi đồng bào nước ta.

“Thánh Quát” – Một tài năng vượt trội của thời đại

Tương truyền Cao Bá Quát có tư chất thông minh, lên 5 đã đọc được sách Tam Tự Kinh, 14 tuổi đã làm được đủ các thể văn, nổi tiếng hay chữ. Ông có khả năng “ứng khẩu thành chương”, khả năng này không chỉ khiến ông được ngưỡng mộ trong giới học giả, mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu thích văn chương thời bấy giờ. 

Thời còn trẻ Cao Bá Quát từng ngông nghênh nói rằng “Trong thiên hạ có bốn bồ chữ, mình tôi chiếm hai bồ, anh tôi và bạn tôi Nguyễn Văn Siêu chiếm một bồ, còn bồ thứ tư chia cho mọi kẻ khác” nhưng đến khi ông bước chân ra ngoài thế giới khiến ông không thể không tự nhận sự hiểu biết của mình còn quá hạn hẹp chỉ như con giun không thể hiểu được sự cao sâu của bầu trời.

“Nhai văn nhả chữ buồn ta,
Con giun còn biết đâu là cao sâu.
Tân Gia từ vượt con tầu,
Mới hay vũ trụ một bầu bao la.
Giật mình khi ở xó nhà,
Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi.”

(Trích “Đề sau khúc “Yên Đài anh ngữ” của quan Đô sát họ Bùi” của Cao Bá Quát)

Những câu thơ này thể hiện sự tự nhận thức của Cao Bá Quát về việc học và sáng tác văn chương. Ông cảm thấy nỗi buồn vì những gì mình học và viết chỉ là “nhai văn nhả chữ”, “Thánh Quát” cảm thấy mình như chỉ đang ở một góc nhỏ của vũ trụ bao la. 

Cao Bá Quát

Lúc này đây phải chăng Cao Bá Quát đã “giật mình” ý thức rằng văn chương, chữ nghĩa, dù có cao siêu đến đâu, vẫn chỉ là một phần nhỏ trong sự bao la của tri thức và cuộc sống. Có lẽ vì cái “giật mình” này đã khiến ông không thể sống nhàn mà phải tìm một con đường khác để cứu những người dân cùng khổ bị áp bức. Cuối cùng, con đường mà ông chọn là đến với phong trào nông dân khởi nghĩa chống lại triều đình.

“Hội công danh nhớn nhỏ cũng là,
Thôi mặn nhạt đã trải qua mùi thế.
Tìm thú cũ hỏi thăm sơn thuỷ,
Chén hoàng hoa ngồi lắng ngọn thu phong.
Thảnh thơi một giấc bắc song.”

(Trích bài thơ “Thanh nhàn là lãi” của Cao Bá Quát)

Trong cuộc đời và sự nghiệp của Cao Bá Quát, chúng ta thấy một hình ảnh rực rỡ của một nhà thơ, nhà nho và nhà cách mạng với những phẩm chất tinh hoa và tư tưởng sáng tạo. Ông không chỉ là người sáng tác những tác phẩm điển hình cho nền văn học Việt Nam mà còn là một triết gia thấu hiểu sâu xa về cuộc sống và con người.

Xem thêm:

Với những giá trị và tầm nhìn sâu sắc, Cao Bá Quát là một biểu tượng vĩ đại của văn học và tư tưởng Việt Nam về việc tôn vinh vẻ đẹp của cuộc sống thường nhật, với cái nhìn cởi mở và tiến bộ đối với những giá trị truyền thống và nhân văn.


Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Xem sách chi tiết Người làng Sủi kẻ chuyện Cao Bá Quát tại đây

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *