“Lướt trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Tiktok… không khó để tìm thấy hàng trăm đến hàng nghìn video clip nhảm nhí, xấu độc, phản văn hóa. Thậm chí để tăng tính tương tác, rác trên không gian mạng còn được đầu tư bài bản dưới nhiều hình thức, như nhạc chế nhảm nhí, phim bạo lực rẻ tiền, phim hài, clip nhạt nhẽo vỡi những hình ảnh hở hang, nói tục để câu khách, hay bằng cách livestream đấu tố lẫn nhau.
Có thể nói, mạng xã hội hiện nay đang trở thành “con dao hai lưỡi” cho chính người sử dụng. Không ai ngăn cản, cấm đoán sở thích, thị hiếu của người dùng mạng xã hội nhưng chính sự thờ ơ với vấn nạn “rác văn hóa” diễn ra hàng giờ, hàng ngày đang tiêm nhiễm độc hại vào tâm hồn, nhận thức của một bộ phận công chúng.” – Báo động ô nhiễm mạng xã hội – Báo Đại Đoàn Kết
Mặc dù có thể nói đây là điều “ai cũng biết”, nhưng nhiều người trẻ vẫn thờ ơ với việc tiếp cận thông tin hữu ích, đáng tin cậy, lựa chọn hoặc vô tình rơi vào những “bể” thông tin rác gây lệch lạc suy nghĩ so với các chuẩn mực đạo đức đẹp đẽ chung của xã hội, nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng,… Cùng DIMI BOOK tìm hiểu cụ thể về chủ đề “Vì sao người trẻ nên đọc thông tin chất lượng và cách người trẻ lựa chọn thông tin uy tín nhé!
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Như thế nào là thông tin chất lượng?
Thông tin chất lượng là một khái niệm bao hàm nhiều yếu tố quan trọng và mang tính khách quan.
Đúng sự thật, đáng tin cậy, khách quan
Thông tin chất lượng phải là sự thật, được xây dựng trên nền tảng của sự kiểm chứng tỉ mỉ và độ tin cậy cao. Mỗi lời khẳng định, mỗi số liệu, dẫn chứng,… đều phải phản ánh trung thực mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố cá nhân hay động cơ ngoài lề. Tính khách quan là chìa khóa để thông tin không bị lệch lạc, đảm bảo đem đến cái nhìn đa chiều và toàn diện, giúp người đọc tiếp cận thế giới một cách chân thực và không bị che khuất bởi định kiến.
Hữu ích
Mọi thông tin được não bộ tiếp thu có thể được sử dụng hoặc không. Những thông tin chất lượng có thể được dùng làm nguồn tài nguyên hữu ích cho việc học hỏi và giải trí. Nó phục vụ nhu cầu của người đọc bằng cách cung cấp tri thức có tính ứng dụng, giúp người đọc mở mang đầu óc, giải quyết vấn đề trong công việc, học tập hoặc phát triển bản thân.
Đối với các thông tin không hữu ích, tiêu cực, lệch lạc,… nếu tiếp thu vào tâm trí nhiều có thể làm ô nhiễm tư tưởng của người đọc – bào mòn, suy đồi đạo đức hay lối sống, cách người đó tư duy kém sáng suốt và chậm chạp hơn.
Có tính cập nhật liên tục
Chúng ta đang sống trong thời đại mà mỗi một giây trôi qua người ta đã sản xuất ra hàng loạt các thông tin khác nhau, diễn biến của câu chuyện có thể thay đổi theo từng phút. Do đó, thông tin cần phải được cập nhật liên tục để giữ được tính đúng đắn, tính thức thời và độ tin cậy. Mỗi bước tiến trong nghiên cứu, mỗi thay đổi trong bối cảnh xã hội đều có thể làm thay đổi những kiến thức đã được coi là đúng trước đó. Những thông tin được xem là đúng trước đây có thể sai sau khi được chứng minh, nghiên cứu mới nhất.
Rõ ràng, tường minh, logic
Thông tin chất lượng phải được truyền tải một cách rõ ràng và tường minh, không chừa chỗ cho sự mơ hồ hay hiểu lầm. Cách trình bày thông tin phải logic với sự sắp xếp hợp lý của các luận điểm và dẫn chứng, giúp người đọc dễ dàng nắm bắt và phân tích. Tránh xa các chiêu trò mập mờ hay cố tình che giấu sự thật sẽ giúp độc giả tránh xa được các nguy cơ lừa đảo, buôn bán trái phép,… Thông tin phải được công bố một cách minh bạch, cho phép người đọc tiếp cận thực tế một cách trọn vẹn và chính xác.
Một số thực trạng về tác động tiêu cực từ thông tin rác trên Internet đối với người dùng
“(LĐXH) – Theo các chuyên gia, việc lạm dụng mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung sẽ khiến trẻ mất tập trung, ảnh hưởng tới não bộ và trí nhớ giảm sút; thể chất của trẻ cũng sẽ gặp nhiều vấn đề và rơi vào tình trạng rối loạn giấc ngủ, khiến tâm trạng trở nên bất ổn, thậm chí trầm cảm, rối loạn hành vi.” – Báo Dân Sinh.
“Các trang mạng xã hội phổ biến trên toàn cầu hiện nay là Facebook, Twiter, Instagram… Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng hơn 65 triệu tài khoản mạng xã hội trên tổng số hơn 96 triệu dân, tức chiếm khoảng 2/3 dân số.
Với nhiều nguồn thông tin khác nhau, bên cạnh những thông tin tích cực, đúng đắn vẫn có nhiều thông tin giả, bịa đặt, xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử, thù địch, phản động, kích động bạo lực… được viết và đăng tải dưới nhiều hình thức để tiếp cận với hàng triệu người đọc, gây ra những luồng thông tin trái chiều làm nhiễu loạn xã hội.” – Đại học An Ninh Nhân Dân.
“Hiện nay, không gian mạng đang trở thành mặt trận chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch. Trong đó, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới (Facebook, YouTube, TikTok) chính là môi trường lý tưởng để tán phát thông tin độc hại, sai sự thật; thông tin bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác. Công tác đấu tranh với thông tin xấu, độc trên MXH gặp rất nhiều khó khăn, một phần do cơ chế kiểm duyệt dữ liệu của hệ thống vận hành MXH chưa kín kẽ, vô tình hoặc cố tình bỏ lọt những thông tin độc hại.” – Báo Quân Đội Nhân Dân.
Xem thêm các bài báo về người trẻ và nội dung rác trên Internet:
- Báo động ô nhiễm mạng xã hội – Báo Đại Đoàn Kết
- Cảnh giác trước những nội dung “bẩn” trên mạng xã hội – Báo An Ninh Thủ Đô
- Trẻ nghiện mạng xã hội có nguy cơ rối nhiễu tâm trí – Báo Dân Sinh
- Nghiện Internet ảnh hưởng ra sao đến não bộ người trẻ? – Báo Tuổi Trẻ
- Ngăn chặn thông tin độc hại trên mạng xã hội – Báo Quân Đội Nhân Dân
- Thông tin xấu, độc trên mạng xã hội và trách nhiệm công dân – Trường ĐH An Ninh Nhân Dân
3 lý do người trẻ nên đọc thông tin chất lượng
“Chất lượng suy nghĩ của bạn được quyết định phần nhiều do chất lượng thông tin mà bạn có về việc đó.” (Brian Tracy – Chủ tịch công ty Brian Tracy International)
Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0 bùng nổ mạnh mẽ, câu nói của Brian Tracy chưa bao giờ mất đi sự đúng đắn. Cứ mỗi giây trôi qua, hàng triệu thông tin từ khắp nơi trên thế giới được truyền đi thông qua Internet, tạo nên một “biển thông tin” mà đa số người dùng đều đang “ngập” trong đó.
Suy ngẫm từ những vụ việc nổi bật liên quan tới tầm ảnh hưởng của nội dung số như sự lan truyền chóng mặt của tin giả trên mạng xã hội hay những hệ lụy nghiêm trọng từ các thông tin sai lệch trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Theo đó, ta không thể phủ nhận rằng thông tin chất lượng đóng vai trò sống còn trong việc định hình sự hiểu biết, ảnh hướng tới lối tư duy và hành vi của thế hệ trẻ. Các bạn trẻ cần chú trọng hơn tới văn hóa đọc, tiếp cận nội dung vì các lợi ích sau:
Mở rộng kiến thức và nhận thức khách quan, đúng đắn về cuộc sống
Thông tin chất lượng là chìa khóa mở ra cánh cửa tri thức, giúp người trẻ không chỉ tiếp cận những kiến thức bổ ích mà còn hình thành nhận thức khách quan về thế giới. Khi người trẻ tiếp cận thông tin chính xác và được kiểm chứng, họ có thể phát triển một cái nhìn toàn diện về các vấn đề xã hội, từ chính trị đến văn hóa. Từ đó, họ đưa ra quyết định sáng suốt và xây dựng quan điểm đúng đắn về cuộc sống.
Phát triển bản thân lành mạnh, tránh ô nhiễm tư tưởng
Việc tiếp xúc với thông tin sai lệch có thể dẫn đến việc hình thành các quan điểm cực đoan và hành vi tiêu cực ảnh hưởng tới xã hội. Trong khi đó, những nguồn thông tin đáng tin cậy và có giá trị cung cấp cho người trẻ những quan điểm cân bằng và thông tin có ích, giúp họ phát triển tư duy phản biện và kỹ năng sống hợp lý. Ví dụ, các bài viết từ các chuyên gia tâm lý học và giáo dục trên các nền tảng học thuật giúp người trẻ hiểu và đối phó với căng thẳng, từ đó hỗ trợ sự phát triển cá nhân một cách lành mạnh.
Tự vệ, đối phó thông minh với thông tin sai lệch, độc hại, lừa đảo
Trong kỷ nguyên số, thông tin sai lệch và lừa đảo đã trở thành mối đe dọa ngày càng lớn đối với bất kỳ người sử dụng Internet ở lứa tuổi nào. Một thực trạng đã và đang gây ra sự phẫn nộ và đau lòng trong cộng đồng hiện nay là vụ lừa đảo qua các quảng cáo tuyển dụng “việc nhẹ lương cao” tại các nước như Philippines và Campuchia.
Thay vì được làm việc theo thông tin tuyển dụng, nhiều người trẻ rơi vào tình cảnh lừa đảo vượt biên trái phép, lao động cực khổ trong điều kiện tồi tệ. “Báo Thanh Niên” vào năm 2023 đã đưa tin khi nhiều lao động Việt Nam bị lừa đảo và buộc phải trả hàng trăm triệu đồng để chuộc về nước. Ngoài tình trạng này, trẻ em, người lớn còn gặp nhiều vụ lừa đảo khác: giả dạng làm công an yêu cầu người dùng tải app về và đánh cắp hàng tỷ đồng, lừa đảo kết bạn hẹn hò,…
Những tình huống như vậy cho thấy sự cấp thiết trong việc trang bị kỹ năng phân tích và đánh giá thông tin một cách chính xác cho người trẻ. Bằng cách tiếp cận thông tin từ các nguồn uy tín, người trẻ có thể phát hiện và phòng tránh các chiêu trò lừa đảo, đồng thời bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ tiềm ẩn trong thời đại số.
Làm sao để tìm kiếm thông tin chất lượng?
Việc tìm kiếm thông tin chất lượng là một điều vừa dễ lại vừa không hề đơn giản. Với sự bùng nổ của thông tin và sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nguồn tin không đáng tin cậy, kỹ năng lựa chọn và phân tích thông tin trở thành một kỹ năng cần thiết cơ bản. Dưới đây là hai phương pháp quan trọng giúp bạn tìm kiếm thông tin chất lượng.
Chọn nguồn thông tin uy tín
Một trong những bước đầu tiên và quan trọng nhất để đảm bảo thông tin chất lượng là chọn lựa nguồn tin uy tín. Các nguồn tin uy tín bao gồm: báo chí chính thống, sách chính hãng và các kênh mạng xã hội cũng như website chính phủ, tổ chức, hoặc cá nhân có chứng nhận học vấn trong lĩnh vực chuyên môn, tuyền tải nội dung không vi phạm pháp luật, hợp lý và khách quan,…
Kiểm tra chéo thông tin
Phương pháp đọc hiệu quả đóng vai trò quan trọng đối với mỗi chúng ta. Để đảm bảo tính chính xác của thông tin, việc kiểm tra chéo là một phương pháp không thể thiếu. Điều này bao gồm việc so sánh thông tin từ nhiều nguồn chính thống khác nhau để đánh giá tính đúng sai của thông tin. Phương pháp kiểm tra chéo thông tin bao gồm: so sánh giữa các nguồn tin, tra cứu từ các tổ chức chuyên môn, sử dụng công cụ kiểm tra fact-checking có thể giúp xác minh các tuyên bố và thông tin đang phổ biến.
Xem thêm:
Vấn nạn sách giả: Bào mòn văn hóa đọc của người Việt
Nếu bạn đọc sách 30 phút mỗi ngày?
Nhìn vào hệ lụy nghiêm trọng của những thông tin thiếu kiểm chứng trên các nền tảng mạng xã hội cũng như trong các vấn đề toàn cầu, ta không thể phủ nhận rằng thông tin chất lượng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với giới trẻ. Việc người trẻ xây dựng văn hóa đọc lành mạnh, ưu tiên thông tin chất lượng, đáng tin cậy sẽ giúp các bạn hình thành thế giới quan đúng đắn, khách quan. Đồng thời, đây là hành trình khám phá trí thức, trang bị kỹ năng sống hữu ích, mở rộng tầm nhìn và nuôi dưỡng một trí tuệ tinh anh cho các bạn và thế hệ sau.
Thưởng thức trọn vẹn tác phẩm qua đường link mua sách phía dưới để ủng hộ DIMI BOOK tiếp tục tạo ra những nội dung chất lượng và phong phú nhé! Chân thành cảm ơn Quý độc giả đã yêu mến!
Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.