Sách không chỉ là công cụ hiệu quả để xây dựng lượng độc giả tiềm năng, thương hiệu cá nhân, phát triển kinh doanh mà còn là “di sản tri thức” mà nhiều người mong muốn để lại cho đời. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu viết sách, bạn sẽ không tránh khỏi việc mất phương hướng, không biết phải viết như thế nào. Trong bài viết này, chúng mình sẽ gợi ý cho bạn một vài kinh nghiệm viết sách để bạn sớm hoàn thành tác phẩm đầu tay của mình.
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Thay đổi thái độ
Một trong những yếu tố đầu tiên để “đứa con tinh thần” của bạn đến với độc giả chính là thay đổi thái độ. Cuốn sách của bạn sẽ chẳng thể ra đời nếu như bạn chỉ muốn viết sách. Đó mới là yếu tố cần mà thôi. Thái độ sẽ là yếu tố đủ để bạn có thể hoàn thành được bản thảo sách mà không trì hoãn. Bạn sẽ phải tập cho mình thói quen và sự kỷ luật, chuẩn bị nguồn năng lượng dồi dào để hiện thực hóa mong muốn, sẵn sàng vượt qua những thử thách phía trước.
Nếu đủ quyết tâm và đam mê, bạn sẽ sẵn sàng thức dậy sớm hơn và đi ngủ muộn hơn để cố gắng viết quyển sách của mình. Bên cạnh đó, bạn cũng nên đặt ra cam kết sẽ hoàn thành quyển sách của mình trong thời gian bao lâu. Ví dụ, bạn muốn viết sách có độ dài 20.000 từ, bạn sẽ cần bao nhiêu ngày để hoàn thành? Mỗi ngày bạn sẽ viết bao nhiêu từ? Nếu mỗi ngày bạn viết 1.000 từ thì chỉ 20 ngày là bạn đã có thể hoàn thành tác phẩm đầu tay của mình rồi đúng không nè?
>>> Đọc thêm bài viết về chị Hạnh Nguyễn – Founder của DIMI Book về viết sách thuê (chấp bút – Ghostwriting)
Tự lập thời gian biểu viết sách cho mình
Bạn nên chọn khoảng thời gian mà bản thân cảm thấy tinh thần minh mẫn và tập trung nhất trong ngày để viết sách. Ví dụ, bạn cảm thấy mình có nhiều năng lượng và ý tưởng nhất khi mới thức dậy thì bạn có thể chọn khung thời gian này để hoàn thành quyển sách của mình. Và khi đã xác định khoảng thời gian cụ thể, hãy ghi chú vào lịch bàn hoặc dùng chức năng reminder của điện thoại để nhắc nhở bạn thực hiện “bổn phận” của mình.
Nghiên cứu ý tưởng viết sách
Đây là bước vô cùng quan trọng khi bạn bắt tay viết sách. Vì nó sẽ quyết định việc quyển sách của bạn có nhận được sự đón nhận từ độc giả hay không hoặc có được “cái gật đầu” hợp tác từ nhà xuất bản hay không?
Có nhiều cách để nghiên cứu ý tưởng viết sách. Bạn có thể bắt đầu từ chính thế mạnh của bản thân. Chẳng hạn như bạn có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực giáo dục trẻ mầm non, đã tiếp xúc với nhiều vấn đề khác nhau của trẻ, thì bạn có để chọn chủ đề nuôi dạy trẻ cho quyển sách của mình. Sau đó, bạn có thể tìm kiếm trên các trang bán sách online như Tiki, Fahasa,… những quyển sách cùng chủ đề đó để xem những tác giả khác họ viết gì, mức độ đón nhận của người đọc như thế nào, lượng tiêu thụ của sách là bao nhiêu.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các công cụ nghiên cứu từ khóa như Google Keywords Planner, SemRush, Google Trends,… để xác định độc giả đang quan tâm và tìm kiếm điều gì trong chủ đề đó để từ đó triển khai viết sách theo nhu cầu của họ.
Kinh nghiệm viết sách – Lên dàn ý với bố cục chính – phụ rõ ràng
Trước khi bắt tay vào lập dàn ý, bạn cần trả lời những câu hỏi sau:
- Mục đích của quyển sách là gì? Bạn viết cho ai?
- Nội dung chủ đạo là gì? Sách sẽ có độ dài bao nhiêu?
- Sách có mấy chương? Nội dung của từng chương như thế nào?
Mục đích của những câu hỏi này là giúp bạn tạo nên GPS chỉ đường cho riêng mình, giúp quyển sách của bạn có hệ thống và logic hơn.
Bạn có thể lên dàn ý cho quyển sách bằng công cụ mindmap. Từ ý chính là chủ đề của quyển sách, bạn sẽ triển khai thành những ý nhỏ hơn, cụ thể là từng chương trong quyển sách. Sau đó, từ các nhánh chủ đề của từng chương, bạn sẽ triển khai thành những nhánh nhỏ hơn là nội dung trong chương.
Việc lập dàn ý sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bạn. Thay vì lao ngay vào viết để rồi bí ý tưởng, tắc mạch cảm xúc thì một dàn ý chính – phụ rõ ràng sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về những gì cần viết, và biết tiếp theo bản thân cần viết gì.
Kinh nghiệm viết sách – Triển khai các ý tưởng chi tiết
Từ những gạch đầu dòng sơ khai, bạn hãy bắt tay vào triển khai chúng thành những đoạn văn chi tiết hơn. Và đừng quên chú ý đến cách hành văn, lỗi chính tả cũng như ngữ pháp khi viết nhé!
Sau khi triển khai xong mỗi ý, bạn hãy dành thời gian đọc và sửa lại những gì mình đã viết. Việc này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian rà lại lỗi chính tả, ngữ pháp khi hoàn thành xong bản thảo. Thực tế, bạn không cần phải quá lo lắng khi bản thảo của mình chưa được hoàn hảo. Cứ tự do viết và bạn có thể thay đổi chúng sau này nếu đổi ý. Bản thảo ban đầu có thể chỉ là một mớ hỗn độn, không liên kết với nhau, nhưng chẳng sao cả, bạn có thể sửa nó vào những ngày tiếp theo. Do đó, với bản thảo đầu tiên, bạn chỉ cần cố gắng hoàn thành đúng mục tiêu đề ra mỗi ngày là được.
Tìm biên tập viên có kinh nghiệm chỉnh sửa bản thảo
Bản thân bạn là người viết bản thảo nên sẽ khó có cái nhìn công tâm. Do đó, việc tìm một biên tập viên sách sẽ hỗ trợ bạn hoàn thành bản thảo tốt hơn, truyền tải thông điệp của tác phẩm đến người đọc một cách trọn vẹn.
Nhìn chung, biên tập sách có 6 mức độ gồm: Biên tập phát triển, Biên tập đánh giá, Biên tập nội dung, Biên tập dòng, Soát lỗi và Đọc kiểm. Chi phí cho từng mức độ biên tập sẽ khác nhau. Vì vậy, bạn nên xác định bản thảo của mình cần được biên tập ở mức độ nào để tìm biên tập sách phù hợp.
>>> Đọc thêm bài viết “Làm thế nào để bạn tìm được một biên tập sách đáng tin cậy?”
Lựa chọn hình thức xuất bản
Có nhiều hình thức xuất bản như: xuất bản ebook, tự xuất bản, hợp tác xuất bản,…
Ebook là hình thức nhanh và dễ dàng nhất để đưa “đứa con tinh thần” của bạn đến tay độc giả. Vì là người lần đầu viết sách nên việc phát hành ebook miễn phí sẽ đem đến nhiều lợi ích cho bạn như nâng cao thương hiệu cá nhân, xây dựng lượng độc giả ban đầu,…
Nếu với việc in sách, bạn cần đạt trung bình 50.000 – 70.000 từ cho lần ấn bản đầu tay theo như các nhà xuất bản gợi ý thì với sách ebook bạn chỉ cần đạt trung bình khoảng 10.000 – 15.000 từ.
Nếu bạn gửi bản thảo đã hoàn thiện cho nhà xuất bản và họ đồng ý mua bản quyền thì mọi thủ tục phía sau sẽ trở nên đơn giản hơn. Tuy nhiên, mức nhuận bút trung bình cho các tác giả mới thường không cao, khoảng 20 – 30 triệu, trong khi để viết được quyển sách, bạn có thể mất từ 3 – 6 tháng, thậm chí là cả năm. Do đó, nhiều tác giả “trẻ” đã tìm đến hình thức tự xuất bản.
Tự xuất bản nghĩa là bạn chỉ cần mang bản thảo của mình đến đơn vị xuất bản để làm thủ tục xin giấy phép xuất bản, phát hành. Nhà xuất bản sẽ xem xét bản thảo của bạn có vi phạm tiêu chuẩn nào không, nếu không, họ sẽ cấp phép cho bạn. Sau khi có giấy phép xuất bản, bạn có thể bắt tay vào công đoạn in ấn sách để đưa sách ra thị trường. Hình thức tự xuất bản cho phép bạn sở hữu toàn bộ lợi nhuận bán sách thay vì nhận nhuận bút theo % giá bìa và số lượng in.
>>> Đọc thêm bài viết Tự xuất bản sách hay bán bản quyền sách được chia sẻ từ Hạnh Nguyễn – Co-Founder DIMI BOOK
Chúng mình hy vọng với những kinh nghiệm viết sách được gợi ý phía trên, bạn đã hình dung được bản thân cần bắt đầu từ đâu. Bên cạnh đó, để hiểu hơn về việc quy trình viết sách, bạn có thể đọc thêm ebook “Đừng nói ‘Tôi viết sách’ nữa! Hãy thực sự bắt đầu!” của Hạnh Nguyễn – Co-founder DIMI Book và chị Linh Phan.
Nếu bạn đang có ý tưởng viết sách và mong muốn mang quyển sách của mình đến với độc giả thì có thể liên hệ DIMI Book để được tư vấn hỗ trợ tốt nhất nhé! Chúng mình cung cấp đầy đủ dịch vụ từ lên ý tưởng cho sách, chấp bút viết sách, biên tập bản thảo, xin giấy phép xuất bản cho đến in ấn.