Từ xưa đến nay, sách vẫn luôn là món ăn tinh thần quý giá của nhân loại. Bên cạnh vai trò cung cấp kiến thức, sách còn phục vụ cho mục đích giải trí, giúp nâng cao kỹ năng và mài dũa tính cách của mỗi cá nhân.
Cùng với sự phát triển của kỷ nguyên công nghệ, thói quen đọc sách của các thế hệ người trẻ cũng dần có sự thay đổi, trong đó, thể hiện rõ nhất ở văn hóa đọc sách của genZ.
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Văn hóa đọc sách của genZ – “năng động” như lối sống của người trẻ thời kỳ công nghệ số
Thế hệ Z, GenZ hay đôi khi còn được gọi là những Zoomers, là tên gọi chỉ nhóm người sinh từ giữa những năm 1997 đến đầu những năm 2010. Là thế hệ chuyển giao giữa Millennials và gen Alpha, đồng thời lớn lên trong thời kỳ công nghệ bùng nổ, văn hóa đọc sách của genZ vì thế mang nhiều đặc trưng riêng biệt.
Thế hệ người trẻ GenZ thường được mô tả là những độc giả “có chọn lọc”, tư duy phản biện cao. Thay vì tin tưởng hoàn toàn vào sách vở, họ không ngần ngại phản bác các thông tin sai lệch hoặc bỏ qua những vấn đề có vẻ dư thừa. Có thể thấy văn hóa đọc sách của giới trẻ hiện nay đang phản ánh sự linh hoạt và tính chủ động trong việc tiếp thu kiến thức dưới bối cảnh bùng nổ thông tin.
So với những thế hệ trước, genZ cũng tự tin và cởi mở hơn trong lựa chọn đọc của mình. Phần lớn các genX và genY khi nhắc đến sách thường sẽ nghĩ ngay đến dòng sách kinh tế, chính trị hay những tác phẩm văn học kinh điển. Trong khi đó, “thế giới con chữ” của genZ còn có thêm tiểu thuyết (tình cảm, kinh dị, khoa học kỳ ảo,…), sách chữa lành, sách phát triển kỹ năng và cả các tác phẩm tự xuất bản, văn học mạng.
Vì lớn lên trong kỷ nguyên công nghệ thông tin nên hình thức tiếp cận với kiến thức của genZ cũng vô cùng đa dạng, từ sách giấy, sách điện tử, sách nói, bài giảng trực tuyến đến podcast và nhiều nền tảng mạng xã hội khác.
Với genZ, đọc sách không chỉ cách để học hỏi mà còn là hoạt động giải trí và kết nối xã hội. Thông qua các nền tảng đọc sách trực tuyến, người trẻ có thể thoải mái chia sẻ quan điểm và bình luận của mình về nội dung mà họ quan tâm. Nhờ vậy, genZ đã tạo ra không ít cộng đồng đọc lớn với quan điểm đa chiều. Điều này vừa tạo cơ hội cho người trẻ làm quen với những bạn bè mới có chung định hướng, vừa giúp họ mở mang tầm hiểu biết thông qua các cuộc tranh luận có giá trị.
Tuy nhiên, dù có nhiều lựa chọn về hình thức đọc, sách điện tử ngày càng phổ biến và được độc giả trẻ tuổi lựa chọn. Nhưng không thể phủ nhận rằng sách giấy vẫn có một chỗ đứng nhất định trong trái tim của genZ. Theo thống kê của Nielsen BookData, sách giấy chiếm 80% tổng lượng sách bán ra từ năm 2021 – 2022 tại vương quốc Anh. Trong đó, đối tượng độc giả chính cho loại sách này có độ tuổi từ 13 – 24 tuổi.
Nhiều người trẻ chia sẻ rằng họ thấy việc cầm trên tay một cuốn sách giấy mang lại cảm giác “quyến rũ” đặc biệt. Lật giở từng trang sách mềm, hít hà mùi mực in và thả hồn vào những con chữ bay bổng chắc chắn là trải nghiệm tuyệt vời mà không phương tiện số nào có thể thay thế được. (Trích báo)
Nhìn chung, GenZ không chỉ có nhu cầu đọc sách để nâng cao hiểu biết mà còn để giải trí, phát triển bản thân và gián tiếp tham gia vào các cuộc đối thoại xã hội. Điều này chứng tỏ rằng dù công nghệ có phát triển đến đâu, việc đọc vẫn giữ một vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhận thức của con người.
Những yếu tố thu hút người trẻ đọc sách
Trong thời đại công nghệ lên ngôi, có rất nhiều cách để người trẻ tiếp cận với nguồn thông tin mới hay giải trí như lướt mạng xã hội, xem video ngắn,… Vậy tại sao genZ vẫn duy trì sở thích có vẻ “cũ kỹ” là đọc sách?
Nền tảng đọc sách tiện lợi
Nhờ sự xuất hiện của các thiết bị điện tử, giới trẻ ngày nay có thể đọc sách ở mọi lúc, mọi nơi. Nếu gặp phải sự bất tiện khi mang theo cuốn sách in dày cộp, chỉ cần một ứng dụng nằm gọn trong điện thoại như Kindle hay Wattpad là genZ đã có thể đọc hàng ngàn đầu sách thuộc đủ thể loại khác nhau.
Thậm chí, trong trường hợp không tiện đọc bằng mắt, các ứng dụng truyền phát âm thanh sẽ là vị cứu tinh giúp người trẻ “đọc” bằng tai. Có thể thấy để phù hợp với lối sống năng động trong thời đại mới, việc đọc sách cũng đang dần được cải tiến để trở nên linh hoạt và thuận tiện hơn.
Sự đa dạng và mới mẻ trong thể loại sách
Sự đa dạng trong thể loại sách cũng là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến xu hướng đọc sách của giới trẻ. Thể loại sách mà genZ đọc hiện nay không chỉ giới hạn ở những cuốn sách in truyền thống mà còn có thêm tiểu thuyết đồ họa (graphic novels), sách nói (audio books), sách tương tác (interactive books),…
Sự đổi mới trong hình thức tiếp cận với sách này không chỉ làm phong phú thêm trải nghiệm đọc, mà còn tạo điều kiện để người trẻ tìm thấy niềm vui với con chữ theo cách riêng của mình.
Nội dung sách hấp dẫn
Để đáp ứng thị hiếu đọc đa dạng của người trẻ, các nhà xuất bản cùng tác giả sách trong thời đại mới đã không ngừng sáng tạo ra những nội dung thú vị và hấp dẫn.
Sẽ rất khó để đếm hết số lượng các dòng sách có mặt trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, theo thống kê của trang web biên tập sách lớn nhất ở Bắc Mỹ BookRiot, một số dòng sách được người trẻ yêu thích nhất có thể kể đến:
- Tiểu thuyết lãng mạn
- Tiểu thuyết khoa học – kỳ ảo
- Tiểu thuyết kinh dị, trinh thám
- Sách phát triển bản thân
- Tản văn
- Truyện hành động/siêu anh hùng
Tất cả những yếu tố trên đã góp phần tạo nên một bức tranh đa sắc màu cho văn hóa đọc của giới trẻ hiện đại. Đọc sách ngày nay đã không còn là hoạt động học tập đơn thuần mà đã trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu, là cách thức để kết nối và chia sẻ tri thức tới cộng đồng. Điều này cũng góp phần củng cố quan điểm sách là người bạn đồng hành không thể thiếu trong đời sống nhân loại.
Định kiến về văn hóa đọc sách ở GenZ
GenZ thường được gắn với hình ảnh những người trẻ “nghiện” công nghệ và mạng xã hội. Họ thường xuyên bị hiểu lầm là không mặn mà với việc đọc sách, thay vào đó là thích lướt Facebook, sống “ảo” trên Instagram hay xem video ngắn. Định kiến này bắt nguồn từ quan sát của nhiều người về việc Gen Z thường xuyên dành thời gian cho các nền tảng giải trí số. Tuy nhiên, thực tế lại phản ánh một bức tranh đa dạng hơn nhiều.
Mặc dù không thể phủ nhận sức hút của mạng xã hội và các nội dung nghe – nhìn, nhưng đọc sách vẫn là một phần quan trọng trong cuộc sống của nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ này.
Khi được hỏi, nhiều genZ đã chia sẻ rằng sách không chỉ là nơi tìm kiếm thông tin mà còn là phương tiện giúp họ thoát khỏi sự ồn ào ngoài đời thực. Khoảng thời gian đọc sách sẽ là lúc người trẻ có thể tạm thời “ngắt kết nối” với những vướng bận của cuộc sống, quay về bên trong và đắm chìm vào thế giới tưởng tượng của riêng mình.
Không sai khi nói genZ vừa là những “mọt” sách chính hiệu, vừa là thế hệ đi đầu trong việc tiếp cận với các xu hướng đọc mới. Không chỉ đọc đa thể loại, ở đa nền tảng mà người trẻ còn có thể tìm ra điểm khác biệt giúp duy trì giá trị của sách giấy trong thời đại kỹ thuật số.
Xem thêm các tựa sách hay:
- Làm sao học ít hiểu nhiều: Thay đổi tư duy học tập cũ
- Rèn luyện tư duy phản biện: Làm chủ suy nghĩ – Thắp sáng trí tuệ
Chính vì thế, thay vì coi Gen Z là thế hệ ít đọc sách, chúng ta nên nhìn nhận họ như những độc giả có chọn lọc, đồng thời cũng là những người đi đầu trong việc đưa “kỷ nguyên” sách giấy quay trở lại.