Cuốn tự truyện “Đi qua trăm năm” được viết bởi nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Tư, do NXB Tổng hợp TP.HCM phát hành vào đầu năm 2024. Ra mắt như món quà mừng đại thọ tuổi 104 của tác giả, cuốn sách này không chỉ là hồi ký về những năm tháng cuộc đời ông, mà còn là bản ghi chép quý báu về các thời kỳ dân tộc từ một sử gia yêu nước, yêu văn hóa Việt Nam. 

Đôi nét về tác giả Nguyễn Đình Tư

Tác giả Nguyễn Đình Tư là một nhà báo, nhà sử học và nghiên cứu văn hóa nổi tiếng, có nhiều đóng góp to lớn trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử và văn hóa miền Nam Việt Nam. Ông sinh năm 1920 trong một gia đình trí thức yêu nước tại quê hương Nghệ An địa linh nhân kiệt. 

Là người đã sống trong hai thế kỷ, cuộc đời tác giả Nguyễn Đình Tư gắn liền với tất thảy mọi chuyển biến của đất nước từ thời kỳ Pháp thuộc đến nay. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, ông là cộng tác viên báo Độc Lập. Từ năm 1962, ông chuyển về làm việc cho Ty Điền địa Phú Yên. Ở độ tuổi gần 80 (năm 1996) ông trở thành Ủy viên thường trực của Hội đồng đặt TP.HCM và cũng là người đã đặt tên cho hai con đường Hoàng Sa – Trường Sa của thành phố. 

sử gia nguyễn đình tư

Hành trình nghiên cứu và truyền bá lịch sử, văn hóa Việt Nam của tác giả Nguyễn Đình Tư bắt đầu từ năm 1964. Suốt 80 năm miệt mài cầm bút, gia tài của ông có đến 60 cuốn sách địa chí, từ điển địa danh hành chính, tiểu thuyết dã sử,… đã xuất bản. Nổi bật nhất bao gồm: 

  • Non nước Phú Yên (1964)
  • Địa chí Khánh Hòa (1972)
  • Non nước Ninh Thuận (1974)
  • Tiểu thuyết loạn 12 sứ quân (1990)
  • Đường phố nội thành TP.HCM (1994) 
  • Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ (2008) 
  • Giang sơn Việt Nam đây – Non nước Quảng Trị (2011) 
  • Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ (2013)
  • Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (2016)

Với những đóng góp to lớn của mình, ông đã được trao tặng huy chương vì sự nghiệp lịch sử Việt Nam bởi Hiệp hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vào năm 2017. 

Ở độ tuổi 104, độ tuổi xưa nay hiếm, nhà sử học Nguyễn Đình Tư vẫn mê viết sách và dành trọn tâm huyết cho công việc nghiên cứu văn hóa – lịch sử Việt Nam mỗi ngày. Tự truyện “Đi qua trăm năm” được xuất bản vào đầu năm 2024 cũng là món quà đánh dấu cột mốc 104 tuổi của ông. 

Đi qua trăm năm: Hành trình của một nhân chứng lịch sử

Cuốn sách “Đi qua trăm năm” của Nguyễn Đình Tư là một tự truyện đầy cảm hứng, kể lại hành trình đáng kinh ngạc của một nhà nghiên cứu lịch sử đã sống xuyên qua hai thế kỷ. Tác phẩm này ghi chép tất thảy về cuộc đời ông, từ khi còn là một cậu bé ở huyện trung du – miền núi Thanh Chương, Nghệ An.  Xuất bản đầu năm 2024, đây là cuốn tự truyện chứa đựng nhiều giá trị văn hóa Việt Nam, tựa sách mới ra mắt đáng đọc mùa hè này.

Cảm hứng để ông viết cuốn tự truyện này đến từ lời gợi ý của người Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Tự truyện bao gồm 11 chương, dày 384 trang, cuốn sách chứa đựng ký ức vẹn nguyên của tác giả về về quê hương, những bước chân đầu tiên trên con đường chính trị và cả sự nghiệp cầm bút kéo dài 80 năm. 

đi qua trăm năm của tác giả Nguyễn Đình Tư

Qua những trang sách, độc giả sẽ được biết về một “cậu bé” Tư là người con thứ tư trong gia đình, đã phải trải qua năm tháng tuổi thơ côi cút khi mất mẹ từ năm 4 tuổi. Tiếp đến là ký ức về những ngày vất vả đấu tranh giữa cơm áo gạo tiền với giấc mơ con chữ. Độc giả cũng đồng thời được biết thêm nhiều tín ngưỡng dân gian phong phú, phong tục cưới hỏi độc lạ chỉ có ở làng quê Việt Nam xưa.

“Nhìn lại quãng đời đã qua với nhiều kỷ niệm vui buồn, những thăng trầm trong cuộc sống, chứng kiến nhiều biến chuyển của thời cuộc, của vận mệnh quốc gia, của đời sống xã hội, tôi thấy đáng ghi lại để cho con cháu biết về quê hương, về các bậc tiền bối, để rút ra những kinh nghiệm về cuộc sống, biết cái gì nên tránh cái gì nên làm, cái gì nhất thời, cái gì là vĩnh cửu.”

Cuốn sách được viết rất khái quát, sinh động và trực quan, tóm gọn những kiện quan trọng trong xã hội Việt Nam từ thời Pháp thuộc đến thời kỳ đổi mới.   

 tác giả Nguyễn Đình Tư

Ngoài ra, nội dung tự truyện “Đi qua trăm năm” còn nhắc đến cả những công trình nghiên cứu lịch sử tâm huyết của tác giả Nguyễn Đình Tư. Chẳng hạn, ông đã kể về hành trình 20 năm tìm kiếm khắp các thư viện, trung tâm lưu trữ để thu thập tư liệu cho tác phẩm dài 1.600 trang Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm Dài Lịch Sử (1698 – 2020) (tác phẩm bao gồm 2 tập, mỗi tập 800 trang). Qua đó, ông gửi gắm hy vọng rằng cuốn sách sẽ trở thành nguồn thông tin quý giá cho mọi người, đặc biệt là sinh viên đại học, khi tìm hiểu về TP.HCM. 

“Đi qua trăm năm”: Chuyện đời của một nhà sử học

Phong cách viết của tác giả Nguyễn Đình Tư vô cùng khéo léo. Ngay cả khi giới thiệu về gốc gác của mình tác giả cũng lồng ghép vào đó những câu chuyện lịch sử hấp dẫn, khiến người đọc cuốn theo nhưng hành trình ấy.

Ví như mở đầu cuốn tự truyện, tác giả đã viết: 

“Cuối đời Hậu Lê, hậu duệ người con thứ ba của ngài Nguyễn Xí lên lập nghiệp tại làng Chi Nê, H.Thanh Giang (vì tránh tên húy của chúa Trịnh Giang nên đổi thành Thanh Chương), trên phía tả ngạn sông Lam, có lẽ vì ở đây có một số ruộng lộc điền được vua chúa ban, không rõ cho ngài Nguyễn Xí hay con cháu của ngài, vì trong chi họ Nguyễn Đình của tôi, tổ tiên có vài vị sư tổ được phong tước hầu… Vào thời Nguyễn Huệ ra đánh chúa Trịnh có đóng quân tại Nghệ An để bắt lính và thu mua lương thực, một người trong chi họ tôi đem gia quyến chạy lên vùng rừng núi Ngọc Lâm (nay là xã Thanh An) lánh nạn rồi định cư lập ra chi họ Nguyễn Đình…”.

tác giả nguyễn đình tư

Lời văn trong cuốn sách còn như một lời tâm sự mộc mạc. Thi thoảng xen giữa những dòng kể, độc giả có thể thấy được cả niềm vui của tác giả khi có ai đó bày tỏ sự quan tâm và say mê lắng nghe ông chia sẻ. 

“Bỗng nhiên không biết do cơ duyên tốt lành nào đưa tới mà tôi ở tuổi gần đất xa trời, được tin ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đến thăm và qua hôm sau là ông Bí thư Thành ủy. Hai vị lãnh đạo Đảng và Chính quyền cao nhất Thành phố tới thăm một người dân bình thường, mừng thọ tôi 102 tuổi, tặng quà và nhất là chịu khó ngồi cả tiếng đồng hồ nghe tôi kể lại cuộc đời đầy gian khổ của tôi từ nhỏ đến già,…” 

Chỉ vậy thôi cũng đủ thấy tinh thần yêu lịch sử dân tộc và đam mê theo đuổi sự nghiệp biên khảo lịch sử nước nhà của tác giả lớn đến thế nào. 

Nguồn cảm hứng khơi gợi tình yêu lịch sử cho thế hệ trẻ

“Đi qua trăm năm” như một chứng nhận sống động về sức mạnh của tinh thần và ý chí yêu nước, một nguồn cảm hứng cho thế hệ sau về tình yêu quê hương và lòng tự hào dân tộc. Đó là lý do vì sao người trẻ nên đọc “Đi qua trăm năm” để thấy được hình hài đất nước qua góc nhìn của một nhân chứng lịch sử. 

Đặc biệt, quan điểm viết sử của tác giả Nguyễn Đình Tư còn đề cao sự khách quan. Ông không gượng ép hay làm đẹp cho sự thật mà “cái gì đúng, hay thì khen, cái gì sai, dở thì không che giấu, không bênh vực. Nếu viết sử mà không khách quan thì hậu thế sẽ hiểu không đúng quá khứ.” 

sách đi qua trăm năm

Bên cạnh đó, nếu ngẫm kỹ hơn những câu chuyện trong tác phẩm “Đi qua trăm năm”, độc giả còn có thể thấy được nhiều bài học cuộc đời quý giá, được đúc kết bởi một người mang trong mình đầy kinh nghiệm và trải nghiệm sống. Ví như sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng sẽ giúp một người vượt qua gian khó để đến với thành công. Hay “nhân vô thập toàn, thánh nhân còn có cái sai huống chi người trần tục”, nghĩa là chúng ta cần chấp nhận và sửa sai để trở thành những người tốt hơn. Cuối cùng, khi đạt được thành công, chúng ta không nên phủ nhận cội nguồn gốc rễ mà thay vào đó cần trân trọng những giá trị mà gia đình, truyền thống trao cho. 

Xem thêm:

Có thể thấy, “Đi qua trăm năm” của tác giả Nguyễn Đình Tư không chỉ đơn thuần là tác phẩm tự truyện Việt Nam kể về cuộc đời của một nhà sử học yêu nước, yêu nghề, mà còn là tư liệu quý giá – nền tảng giúp các thế hệ sau hình dung rõ hơn về quá khứ, hiện tại và cả tương lai dân tộc. 


Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Xem sách chi tiết Đi qua trăm năm tại đây

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ZaloGọi điệnFacebook