“…Em nói anh thích đi chiến đấu, thích thì không phải nhưng chiến đấu vì có chiến đấu thì mới giải phóng được Tổ quốc, có giải phóng Tổ quốc thì em yêu quý của anh mới đàng hoàng ở Hà Nội được và con cái của chúng ta mới có điều kiện đi học đến nơi đến chốn được. Nếu đời cha không phải phóng được thì đời con phải đi chiến đấu.

Anh rất muốn gần em và không hiểu vì sao càng có tuổi thì anh lại không muốn xa em nữa, nhớ em hơn lúc anh thanh niên nhiều…

Thư cho em

Chìm trong giai điệu bài hát Lá Cờ của chú Tạ Quang Thắng, tôi vô thức với tay lật lại vài trang cuốn sách “Thư cho em” của thầy Hoàng Nam Tiến mà tôi đã đọc xong từ lâu. Đây là một trong những cuốn sách tôi đọc nhanh nhất và cũng chiêm nghiệm được nhiều điều về tình yêu, gia đình, đất nước. Tình yêu đôi lứa mộc mạc xen lẫn sự vụng về chân thành, hành trình dài hàng chục năm vun đắp tình cảm gia đình từ hai phía, sự hy sinh và quyết tâm giải phóng Tổ Quốc mãnh liệt truyền cảm hứng và khơi dậy tình yêu nước trong tim tôi. 

Thư cho em: Ta yêu nhau khi đất nước còn kháng chiến

Sau 13 ngày ra mắt, “Thư cho em” đã được tái bản và liên tục cháy hàng trên nhiều nền tảng thương mại điện tử, trở thành một hiện tượng xuất bản mùa hè 2024 này.

Thư cho em là cuốn sách hiếm hoi kể về chuyện tình yêu có thật thời “ông bà anh”, của Thiếu tướng Hoàng Đan từng là nguyên Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Quốc phòng và vợ ông – bà Nguyễn Thị An Vinh – một nữ đại biểu Quốc hội từ những khóa đầu tiên. Mỗi cột mốc của câu chuyện tình yêu này gắn với một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Tình yêu đôi lứa, không chỉ đơn thuần là anh yêu em, em yêu anh, mà trong đó có cả chúng ta yêu đất nước, yêu các con. Vì yêu em và các con, nên anh có niềm tin chiến thắng, giải phóng tổ quốc. Vì yêu anh, yêu con, nên em nỗ lực học tập để được bằng anh. 

Thư cho em: Ta yêu nhau khi đất nước còn kháng chiến

Cuốn sách “Thư cho em” được ông lấy cảm hứng từ hơn 400 lá thư viết tay của bố mẹ trong suốt 40 năm, từ ngày kháng chiến chống Pháp, tới kháng chiến chống Mỹ, rồi đến những ngày bảo vệ biên cương của Tổ Quốc. Từ khi tình còn là nụ hoa chớm nở, tới lúc yêu thương hóa sâu sắc, mặn nồng. Mặc dù chỉ mới ra mắt nhưng “Thư cho em” trở thành cuốn sách nằm trong top sách bán chạy và tái bản liên tục của Nhã Nam. Chuyện tình nồng nàn được vun đắp từ từ ấy, được tái hiện sống động qua lời kể gần gũi chứa đầy tình yêu, sự ngưỡng mộ của người con trai út – tác giả Hoàng Nam Tiến. 

Thương nhớ nụ cười thiếu nữ xứ Nghệ

Trong khói lửa, đau thương, chàng chiến sĩ trẻ tuổi đã đem lòng thương nhớ nụ cười rạng rỡ của người con gái Nghệ An xinh đẹp. Dù chiến tranh tàn khốc có dốc cạn đi mồ hôi và sức lực, nhưng chẳng thể ngăn nổi tình yêu đôi lứa đang âm thầm nảy mầm. 

“Thoáng nhìn qua anh thấy nơi em là một cô học sinh hiền từ, đẹp kín đáo thùy mị. Chưa yêu đâu nhưng có cảm tình nhiều với cô học sinh anh quen từ nhỏ, biết rõ cả đời tư. Lúc đó anh chỉ nghĩ: ai lấy cô này chắc sẽ có hạnh phúc.

nhìn chị Phượng ca tụng tán dương thêm em, làm cho anh nghĩ thêm bước nữa: người có hạnh phúc đó có thể là anh không?”

“… Anh vẫn tin nhất định chinh phục được trái tim em vì anh viết em chưa yêu ai… Còn chưa yêu ai thì làm sao em lại không yêu anh?”

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thiếu tướng Hoàng Đan mang trọn khát khao muốn cưới được bà An Vinh về làm vợ, trong tay chỉ có vỏn vẹn một tờ đơn xin phép, vượt 1300km trên chiếc xe đạp cũ, dù không biết chắc liệu có gặp được cô ấy hay không, ông vẫn một lòng tiến về phía đó. Tôn trọng mong muốn được tiếp tục học tập và cống hiến của vợ mình, người lính trẻ đã lặng lẽ giấu đi những mong cầu về sự gần gũi cơ thể với vợ lại bên trong. Cái nắm tay dịu dàng và bình dị của đôi vợ chồng trẻ đêm tân hôn đã làm đậm thêm thứ tình yêu đặc biệt thời chiến.

Nội dung sách “Thư cho em” được bao gồm bốn phần

  • “Đi Điện Biên Phủ về, ta cưới!”
  • “Hương gây mùi nhớ”
  • “Thư cho em giữa hai bên súng địch ta vẫn nổ”
  • “Về đây bên nhau” 

Mỗi phần đều tượng trưng cho một giai đoạn quan trọng trong cuộc sống của vợ chồng ông Hoàng Đan và bà An Vinh. Những câu chuyện này tái hiện một cách sinh động quá trình từ lúc họ gặp gỡ và đến khi phải chia xa vì chiến tranh, rồi cuối cùng là sự sum vầy và hạnh phúc của cuộc sống tuổi già.

“Hẹn ngày gặp em trong chiến thắng”

“Hẹn ngày gặp em trong chiến thắng.” Có lẽ là một đích đến, một dấu mốc vô cùng quan trọng của cả chuyện tình của tướng Hoàng Đan – vợ An Vinh và đất nước. Là khi vợ chồng có thể yên ấm sống cạnh nhau, là khi đất nước được giải phóng và bước vào giai đoạn dựng xây. 

“Biết bao nhiêu mến yêu thương nhớ chúng ta làm sao nói hết được. Có lẽ như hôm chia tay chúng ta đã trao đổi nhiều, vì nhiệm vụ chúng ta sẵn sàng hy sinh một phần tình cảm trước mắt.”

“Đi xa ai cũng nhớ, nhưng ba tôi thì đặc biệt hơn, vì ông là người lãng mạn, dạt dào cảm xúc, nên ông luôn luôn cần những tín hiệu, những bày tỏ yêu thương từ người yêu thương mình.”

Trong chuyện tình ấy, tôi thấy sự dịu dàng và hướng dẫn từng chút của tướng Hoàng Đan dành cho vợ Vinh mến yêu. Sự thấu hiểu và nỗ lực của vợ Vinh dành cho người chồng yêu mến. Ngoài vẻ đẹp và sự lãng mạn trong tình yêu, còn là sự hy sinh thầm lặng, đặt lợi ích của bản thân bên cạnh hoặc sau lợi ích của người chồng/ vợ của mình. Đó là sự nhường nhịn và đan xen thấu hiểu. Vẫn có những lúc xảy ra hiểu lầm, vô tư khiến vợ – chồng tổn thương. Nhưng sau tất cả, họ lựa chọn bao dung và cùng vun vén tiếp cho tình yêu ấy. 

“Bé Hồng đau tai mấy nay chưa khỏi, có lẽ thấy cũng đã viết thư cho anh, mỗi lần con đau vất vả có lẽ anh cũng không hiểu hết được vất vả của em phải không nhỉ. Do đó trong thư trước anh có viết là em hiện nay có thể như một cô gái không bận bịu gì cả. Có lẽ anh chưa chưa biết hết được vợ anh như thế nào? 

Em nghĩ tất cả những khó khăn của em, em sẽ khắc phục chịu đựng, công tác tốt và nuôi con tốt để anh yêu yên tâm học tập.”

“… mẹ buổi sáng là cô bán hàng mậu dịch… buổi tối về đi học… Mỗi tối khoảng bảy giờ, sau khi đi làm về, tắm rửa, cho con ăn, mẹ sẽ một tay giữ chị Hồng đang nằm trên lưng- khi ấy mới 1 tuổi, một tay dắt anh An khi ấy mới 4 tuổi, xuyên màn đêm để đến lớp học…. Trong lớp mẹ phải bế chị Hồng trong lòng, anh An ngồi bên cạnh vẽ tranh… Có những đêm đi học về muộn, bước trên đường khuya một mình, bai bên hai con, nhớ chồng, thương mình vất vả, mẹ chỉ biết lặng lẽ khóc… Cứ thế mẹ kiên trì học suốt ba năm.” 

“Năm 1972… Quảng Trị trở thành chảo lửa. Mùa hè năm ấy, mặt trận Quảng Trị đẫm máu, hàng vạn chiến sĩ hy sinh trong những trận tiến công, những lần phòng thủ, xương máu hòa vào dòng sông Thạch Hãn và nằm im trong lòng đất mẹ. Mãi đến tháng tám, từ chiến trường nóng bỏng, ba mới gửi về cho mẹ được một bức thư, báo tin bình an và chia sẻ nỗi nhớ nhà:

“Em Vinh,

Từ ngày xa em đến nay đã mấy tháng rồi nhỉ? Gần 6 tháng rồi. Thời gian chưa lâu nhưng bao việc lớn xảy ra. Cuộc chiến đấu còn tiếp diễn và còn phải một thời gian nữa được như anh mong thì tốt, tức là năm nay kết thúc chiến tranh,… Tháng 5/ năm 1954 kết thúc đánh Pháp. Nếu năm nay kết thúc chiến tranh, anh về sống về sống bên em thì đúng mười tám năm em nhỉ. Mười tám năm xa nhau để làm nhiệm vụ đánh Mỹ. Xa nhau bao thương nhớ, nhưng nếu thắng lợi thì sự hy sinh đó cũng xứng đáng.

Anh vẫn khỏe, năm nay chiến đấu liên tục. Khá căng thẳng nhưng anh vẫn chịu đựng được.”

Tướng Hoàng Đan đi du học Liên xô, nam tiến để chỉ huy quân ngũ đánh giặc,… Trong tiếng súng ngày đêm không dứt, những lá thư tay thắp lên ngọn lửa hồng, vượt chiến trường và vượt cả đại dương. Theo những nỗi nhớ thương da diết, cùng lời tâm tình dịu dàng, lãng mạn, tình yêu của ông bà đi qua từng năm tháng, trải dài trên từng mốc lịch sử hào hùng của dân tộc.

Đó không còn đơn thuần là tình yêu đôi lứa của thế hệ cha ông đi trước mà còn là tình yêu của cả một thời đại anh hùng. Thời đại đó, trái tim chẳng lớn được bao nhiêu, một nửa dành yêu nước, nửa kia để thương người. Là nơi mà sức mạnh hậu phương đồng hành cùng tình yêu đất nước, nơi những bao dung và hy sinh của người phụ nữ làm chắc thêm tay súng của người lính ngoài sa trường. 

Như những lời tâm tình dịu dàng của tướng Hoàng Đan dành cho vợ nơi hậu phương:

“Cuộc chiến đấu còn tiếp diễn và còn phải một thời gian nữa và được như anh mong thì tốt”, tức là năm nay kết thúc được chiến tranh, năm nay sẽ có một Điện Biên của 1972, Điện học Liên Xô làm lời đề dẫn: “Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi không gào thét, và sẽ còn lại không phôi pha tấm lòng em dịu dàng, nhẫn nại và chan chứa yêu thương”. Tác giả tự nhận mối tình của cha mẹ mình mang cảm hứng lãng mạn cách mạng và nó cho anh những bài học cùng yêu, cùng sống, cùng trưởng thành của thế hệ trước.

“Rất nhiều đôi vợ chồng bây giờ còn chưa hiểu được sự đồng điệu về mặt trí tuệ là hết sức quan trọng. Dù yêu nhau bao nhiêu, thương nhau thế nào, nhưng sự khác biệt về đời sống văn hóa, tinh thần sẽ tạo ra khoảng cách, dần dần đẩy hai người yêu thương nhau về hai phía, cho đến khi tan vỡ hạnh phúc.”

“Em cho anh biết hiện nay em học lớp mấy nhé. Và theo anh em cứ cố gắng học hết lớp 10 đi rồi lúc anh về hai con ở với anh, em có điều kiện học trường hơn…”

“Nhưng ba không hề biết rằng, thời gian đó, vợ mình đã kiên trì học hết phổ thông rồi… Ở đây xuất hiện một câu chuyện tuyệt vời: khi yêu nhau thật sự, người ta thay đổi vì nhau.”

“Tháng 7/1964, ba hoàn thành khóa học ở trường quân sự Frunze Liên Xô trở về.

Khi ấy, mẹ cũng đã tốt nghiệp phổ thông.”

“Năm 1965 sau khi từ Liên Xô trở về, ba là phó tư lệnh Sư đoàn 304B. Năm 1967, ông cầm quân vượt Trường Sơn vào tham chiến ở chiến trường Bình – Trị – Thiên… Chiến dịch nào, Sư đoàn 304 cũng lập chiến công lớn.

Tại Hà Nội, mẹ tiếp tục nuôi con và công tác trong ngành thương nghiệp, tiếp tục học cao hơn và hoàn thành bậc đại học. Năm 1968, bà được chọn vào danh sách đề cử đại biểu Quốc hội,.. 1970 trở thành đại biểu Quốc hội chính thức.”

Điều tôi ngưỡng mộ trong chuyện tình này chính là sự đồng hành, vun đắp và cùng nhau xem “người thương” là một động lực để tiến lên. Dù phải xa cách để học tập và làm việc bởi hơn 40 năm tháng chiến tranh đằng đẵng, nhưng tình cảm giữa tướng Hoàng Đan và vợ An Vinh luôn hướng về nhau, tình cảm ngày càng đậm sâu. Hơn 400 lá thư tay được viết vội vàng trong khói lửa chiến tranh gửi về, những dòng thư được chắp bút gửi đi nơi hậu phương xa xôi, tất cả đều mang theo tình yêu thương, nỗi nhớ nhung và niềm hy vọng đoàn tụ. Chính sự sống, sự tiến bộ của người thương cũng chính là ngọn lửa thắp sáng hành trình tương lai của mình, con đường cùng có nhau.

Lật từng trang sách, có lẽ tôi chẳng thể nào diễn tả được hết tình cảm và sự nỗ lực của tướng Hoàng Đan và vợ Vinh yêu mến. Bởi trang sách nào cũng chứa những kỷ niệm, tâm tư tình cảm khi dạt dào mãnh liệt – khi êm đềm bình yên, lúc vội vã – khi chăm chút,… tràn đầy cung bậc cảm xúc của họ dành cho nhau và dành cho đất nước. 

“Ngày 1/4/1975

Em,

Xa em cho đến hôm nay là đúng một tháng, các anh đã hoàn thành hai chiến dịch, chiến dịch giải phóng Quảng Nam – Đà Nẵng. Riêng đơn vị anh bắt được ba vạn từ binh. Như thế chắc em hết thắc mắc tại sao anh ra gặp em được ba ngày đã vào ngay. Anh nghĩ anh cũng như mấy đồng chí khác, cũng phải cố gắng kết thúc chiến tranh sớm để khỏi phải phiền đến con chúng ta, để cho cũng được hòa bình học tập xây dựng đất nước….

Anh chỉ chúc cho em khỏe, mong em săn sóc các con cho chúng khỏe và ngoan. 

Anh vẫn khỏe. Hẹn ngày gặp em trong chiến thắng. 

Anh

Đan.”

Đó không còn đơn thuần là tình yêu đôi lứa của thế hệ cha ông đi trước mà còn là tình yêu của cả một thời đại anh hùng. Thời đại đó, trái tim chẳng lớn được bao nhiêu, một nửa dành yêu nước, nửa kia để thương người. Là nơi mà sức mạnh hậu phương đồng hành cùng tình yêu đất nước, nơi những bao dung và hy sinh của người phụ nữ làm chắc thêm tay súng của người lính ngoài sa trường. 

Nội dung Thư cho em

“Định nghĩa lại” tình yêu

Cuốn sách “Thư cho em” gây ấn tượng cho độc giả bởi ngôn ngữ giản dị và chân thành. Lời kể của tác giả như không chỉ cho ta thấy tình yêu giữa vợ chồng của hai nhân vật chính mà còn mang đầy ắp tình yêu của con dành cho cha mẹ. Lời văn trong sách mang đậm sự mộc mạc, gần gũi, khiến người đọc cảm thấy như đang “ngồi” lại cùng nghe kể chuyện xưa.

Tác phẩm này gợi lên những cảm xúc chân thực, đầy mạnh mẽ về tình yêu, nỗi nhớ, niềm tin và hy vọng. Các trang sách đánh thức sự đồng cảm và rung động tận sâu trong lòng người đọc, tạo nên một trải nghiệm đầy cảm xúc, đặc biệt là độc giả trẻ hiện nay.

Thư cho em

“Thư cho em” cũng đã mô tả ra bức tranh lịch sử sinh động, giúp người đọc hiểu thêm về cuộc sống, con người và xã hội Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Từ những trang sách, người đọc được đắm chìm trong hình ảnh sống động của quá khứ, và từ đó, họ cảm nhận sâu sắc và trân trọng hơn giá trị của tình yêu, độc lập tự do và sự hy sinh của những người anh hùng.

Cuốn sách này không chỉ nói về tình yêu, sự trung thành, hy vọng và sức mạnh của con người trong thời kỳ chiến tranh, mà còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với thế hệ trẻ. Những giá trị đích thực và lâu dài về tình yêu đôi lứa, tình vợ chồng, cha mẹ và con cái. Đặc biệt, các bạn trẻ cảm nhận được tinh thần yêu nước, yêu đồng bào, quý trọng hòa bình và có ý thức góp sức của mình vào dựng xây đất nước phát triển hơn. Từ đó, người trẻ ý thức được thêm nhiều giá trị của bản thân với đời, với những người thân yêu và với đất nước hơn.

Nếu chiến đấu giải phóng tổ quốc để thế hệ sau được sống trong hòa bình là nhiệm vụ của cha ông, đọc xong cuốn sách này, tôi ý thức được sâu sắc rằng dựng xây đất nước là một trong những nhiệm vụ của bản thân. Mặc dù không có dự án lớn lao, câu chuyện chấn động như nhiều người, tôi tin rằng không phải “đao to búa lớn” mới được gọi là xây dựng, bằng tình yêu, tôi vẫn có thể bằng những hành động nhỏ vừa sức lực của mình để làm đẹp hơn cho quê hương mình. Tình yêu của tôi dành cho quê hương dòng chảy đỏ liên tục trong cơ thể chính mình.

Tác giả Hoàng Nam Tiến

“Thư cho em” là một tác phẩm đặc biệt, mang dấu ấn của tác giả Hoàng Nam Tiến – con trai của hai nhân vật chính trong câu chuyện. Sinh ra vào ngày 28/06/1969 tại Hà Nội, ông Hoàng Nam Tiến không chỉ là một nhà lãnh đạo xuất sắc mà còn là một người đóng góp quan trọng cho tập đoàn FPT, với vị trí nguyên Chủ tịch của FPT Software và FPT Telecom. Hiện nay, ông cũng là Phó Chủ tịch Hội đồng trường tại Trường Đại học FPT, chịu trách nhiệm quan trọng trong hoạt động đào tạo sau đại học.

Hoàng Nam Tiến

Mặc dù không phải là một nhà văn hay nhà thơ chuyên nghiệp, tác giả đã viết cuốn sách này nhằm kể lại một câu chuyện tình đẹp từ quá khứ, một mối tình đáng kính giữa người cha và người mẹ của ông. Cuốn sách mang trong mình sự chân thành và tình cảm sâu sắc của ông dành cho cha mẹ, là một món quà đặc biệt từ tác giả đến cho độc giả, để khám phá và trân quý những giá trị gia đình và tình yêu mang đậm nét văn hóa Việt xen lẫn cái hiện đại mới mẻ của tri thức tiến bộ.

Xem thêm:

Cuốn sách “Thư cho em” của tác giả Hoàng Nam Tiến được hứa hẹn là tác phẩm thắp lên ngọn lửa về tinh thần học tập bền bỉ, tình yêu đôi lứa chân thành và tình yêu nước nồng nàn cho những người trẻ Việt Nam. Khi đọc cuốn sách này, chắc chắn bạn sẽ có những chiêm nghiệm đặc biệt mà chưa cuốn sách nào đem đến!


Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Mua sách Thư Cho Em tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *