Chúng ta đang sống ở thế kỉ XXI với đầy đủ và dư thừa tiện nghi về vật chất, khi mà rất nhiều người có thói quen lãng phí thức ăn và năng lượng. Chỉ cách đây hơn 70 năm thôi, Việt Nam còn chịu sự tàn phá nặng nề của các nạn đói nghèo, mù chữ,… 

Nạn đói khủng khiếp đó đã cướp đi sinh mạng của hơn hai triệu người Việt Nam, để lại những ký ức đau thương và những câu chuyện buồn thảm. Hình ảnh hàng triệu con người phải rời bỏ nhà cửa, lang thang tìm kiếm thức ăn ngày qua ngày, những đôi mắt mờ đục vì đói khát, những thân hình gầy gò, yếu ớt, và những tiếng khóc thảm thiết của trẻ thơ… Tất cả đều là những ký ức không thể nào quên đối với những ai đã từng trải qua thời kỳ đen tối ấy.

“Vợ nhặt” của Kim Lân tựa như một khúc ca bi thương, bức tranh sinh động về cuộc sống của những con người nhỏ bé giữa cơn bão lịch sử ấy. Sự khốn khó và nghèo đói khiến không ít người biến chất, nhưng còn rất nhiều người giữ được tình người, văn hóa tương thân tương ái quý giá của dân tộc. Bằng ngôn từ giản dị nhưng chứa đựng biết bao cảm xúc, tác giả đã khéo léo đưa ta vào thế giới của Tràng và người “Vợ nhặt” – những con người tưởng chừng như không còn gì để mất nhưng lại tìm thấy niềm an ủi trong tình yêu và sự đùm bọc lẫn nhau. Kim Lân không chỉ kể chuyện mà còn thổi hồn vào từng câu chữ, khiến người đọc cảm nhận sâu sắc sự khốn khó, gian truân nhưng cũng ngập tràn hy vọng và tình người.

Nhà văn Kim Lân – “Nhà văn quê hương”

Kim Lân (1920-2007) được xem là một trong những nhà văn hiện đại xuất sắc của nền văn học Việt Nam thế kỷ 20, được biết đến với những tác phẩm đậm chất quê hương, khắc họa chân thực cuộc sống và tâm hồn người nông dân Việt Nam. Sinh ra tại làng Phù Lưu, Từ Sơn, Bắc Ninh, Kim Lân sớm gắn bó với mảnh đất quê hương và thấm nhuần tinh thần, phong tục tập quán của người nông dân. Ông bắt đầu viết văn từ năm 1941 và nhanh chóng gặt hái thành công với tác phẩm “Đứa con người vợ lẽ” được đăng trên báo “Trung Bắc chủ nhật” năm 1942. Tuy số lượng tác phẩm không đồ sộ, nhưng mỗi tác phẩm của ông đều mang đậm dấu ấn riêng, thể hiện tài năng và sự am hiểu sâu sắc về cuộc sống người dân Việt Nam, được độc giả và cộng đồng văn học đánh giá cao.

kim lân

Ngòi bút của ông tập trung khai thác đề tài nông thôn Việt Nam, khắc họa những bức họa chân thực và sống động về cuộc sống vất vả, lam lũ của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Những tác phẩm nổi tiếng tiêu biểu cho giai đoạn này của Kim Lân phải kể đến “Vợ nhặt”“Làng”. Sau Cách mạng tháng Tám, Kim Lân tiếp tục theo đuổi con đường văn học và báo chí. Ông dành nhiều tâm huyết cho mảng đề tài làng quê Việt Nam – nơi ông có vốn sống và sự am hiểu sâu sắc. Các tác phẩm tiêu biểu của ông trong giai đoạn này bao gồm “Nên vợ nên chồng” (1955)“Con chó xấu xí” (1962).

Tóm tắt truyện “Vợ nhặt”

“Vợ nhặt” là một trong những truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Kim Lân in trong tập “Con chó xấu xí”. Có thể nói, hoàn cảnh sáng tác “Vợ nhặt” có chút đặc biệt, tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và mất bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại vào năm 1954, ông dựa vào một phần truyện cũ để viết truyện ngắn này.

truyện vợ nhặt

“Vợ nhặt” là một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Kim Lân, được sáng tác trong bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm 1945 tại Việt Nam. Tác phẩm kể về Tràng – một người đàn ông nghèo khó, sống cùng mẹ già trong xóm lao động nghèo. Trong một lần đi làm về, Tràng tình cờ gặp một cô gái gầy xơ mặc quần áo tả tơi, đang bị cơn đói lâu ngày hành hạ, lang thang khất thực ngoài chợ. Bằng 4 bát bánh đúc cùng một lời nói đùa, anh đã “nhặt” cô về làm vợ. Tràng đưa cô gái về nhà trong sự ngạc nhiên của bà cụ Tứ – mẹ anh.

Thời gian đầu, bà cụ Tứ cũng bất ngờ và lo lắng, nhưng sau đó bà chấp nhận và thương cảm cho hoàn cảnh của cô gái. Bữa cơm đầu tiên của gia đình họ dù đạm bạc chỉ có “độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo”, nhưng ấm áp tình người, thể hiện sự đoàn kết và hy vọng vào tương lai. Qua câu chuyện giản dị nhưng đầy xúc động, Kim Lân đã khắc họa rõ nét tình người và lòng nhân ái trong hoàn cảnh bi đát, thắp lên niềm tin vào sự sống và một tương lai tốt đẹp hơn. 

Tình huống truyện đặc biệt của “Vợ nhặt”

Thành công của “Vợ nhặt” không thể tách rời khỏi tình huống truyện độc đáo, đầy hấp dẫn. Ngay từ tựa đề “Vợ nhặt”, Kim Lân đã khơi gợi sự tò mò và hứa hẹn những chi tiết bất ngờ, ly kỳ cho người đọc. Tình huống truyện xoay quanh Tràng, một anh nông dân nghèo khổ, xấu xí lỡ cỡ, bỗng dưng “nhặt” được vợ trong cảnh đói kém.

Trong nạn đói cùng cực những 1945, Tràng may mắn kiếm được việc kéo xe bò thuê trở thóc cho liên đoàn lên tỉnh. May rủi làm sao, số phận đưa đẩy khiến cho Tràng gặp thị ở chợ tỉnh. Nhưng đây là lần thứ hai gặp nhau. Lần này gặp lại, Tràng thấy thị “cái ngực lép nhô lên”, “áo quần tả tơi như tổ đỉa”, “gầy sọp đi”, “trên khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Trong cái không khí u ám và nặng nề tại chợ, “không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”, “người chết trông như ngả rạ”, “người sống xanh xám dật dờ như những bóng ma”. Đó cũng là hình ảnh của Thị hiện tại.

truyện vợ nhặt

Sau những câu nói tầm phơ tầm phào, Tràng đã mời thị ăn. “Thị ngồi sà xuống ăn thật, thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì”. Cái đói hành hạ thị trong thời gian dài đã khiến cho người phụ nữ không còn chút ý tứ, chấp nhận theo Tràng làm vợ chỉ vì bốn bát bánh đúc – thức ăn xa xỉ lúc bấy giờ mà thị được nhận.

Sự kiện này khiến chính Tràng cũng hoang mang, ngờ vực, “ngờ ngợ như không phải thế”. Giữa bối cảnh xã hội đầy rẫy bất công, nạn đói hoành hành cướp đi hàng loạt sinh mạng, việc Tràng lấy vợ là một quyết định táo bạo, liều lĩnh, đặt nhân vật trước “bàn cân” lớn của cuộc đời. 

Cảnh gia đình Tràng đoàn viên, sum vầy mang đến cho người đọc cảm giác thanh thản, niềm vui lan tỏa. Đặc biệt là sự thay đổi của nhân vật thị: “Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ chao chát, chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ngoài phố.” Nhờ đôi bàn tay của thị, ngôi nhà của gia đình Tràng được dọn dẹp sạch sẽ đến nỗi bà cụ Tứ và Tràng vô cùng kinh ngạc. Sự thay đổi tích cực của bản thân thị, ngôi nhà tươm tất và những bữa cơm nhạt nhưng ấm cúng đã sưởi ấm trái tim của cả gia đình. Đồng thời cũng sưởi ấm cho độc giả, đem đến sự hy vọng về tình thương, lòng nhân ái và hạnh phúc giản dị trong thời điểm nạn đói khủng khiếp nhất của đất nước ta.

Thoạt đầu, tiêu đề truyện “Vợ nhặt” khiến ta mường tượng một tình huống hài hước, nhưng càng đọc, ta càng bất ngờ, càng lo âu, thậm chí sợ hãi cùng vợ chồng Tràng trước viễn cảnh bấp bênh, mịt mờ. Tuy nhiên, sau những giây phút căng thẳng, truyện lại có một kết thúc nhẹ nhàng, ấm áp. Tài năng của Kim Lân thể hiện rõ nét trong việc xây dựng và dẫn dắt tình huống truyện một cách hợp lý, logic. Từ tình huống ngẫu nhiên, bất ngờ, thậm chí có phần vô lý, Kim Lân đã khéo léo biến chuyển thành tình huống tất nhiên, hợp lý trong bối cảnh xã hội thời bấy giờ.

“Vợ nhặt” thể hiện một giá trị nhân đạo sâu sắc của Kim Lân về sự sống, niềm tin và hy vọng

“Vợ nhặt” là câu chuyện về tình người thể hiện rõ nhất quan niệm sống của Kim Lân:  “Khi đói, con người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Dù ở trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết, vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hy vọng ở tương lai”.  Ở tác phẩm, người đọc chứng kiến những tình cảm thật đáng quý: đó là tình cảm mẫu tử thật đáng quý của người mẹ nghèo, hay tình cảm vợ chồng thật ấm áp và đầy sự cảm thông, chia sẻ.

truyện vợ nhặt

Bà cụ Tứ – hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam

Bà cụ Tứ – người mẹ già của Tràng, hiện lên với hình ảnh lam lũ, tảo tần, nhưng trái tim bà luôn dành cho con những tình cảm yêu thương tha thiết. Bà lo lắng cho con trai, xót xa cho số phận của con và cả người con dâu mới về nhà. Nỗi lo âu hiện rõ trong câu nói: “biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không”. Nỗi lo ấy càng thêm da diết khi bà nhìn thấy “cái ngực lép nhô hẳn lên của thị đã phải nén một tiếng thở dài”. Bà thấu hiểu sự khó khăn, nhọc nhằn mà hai con sẽ phải đối mặt, nhưng bà vẫn âm thầm hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn.

Tràng và Thị: nghĩa vợ chồng đầy trân trọng, cảm thông

Giữa khung cảnh tăm tối của nạn đói 1945 vẫn le lói những tia sáng ấm áp được thể hiện qua hành trình của Tràng và Thị, hai con người cùng chung số phận, cùng nhau tìm kiếm hy vọng và nhen nhóm ngọn lửa sống. Hai cá thể đơn độc trong cơn bão tố cuộc đời như hai cành củi khô tìm đến nhau để sưởi ấm. Họ đến với nhau không phải vì tình yêu lãng mạn, mà vì nhu cầu được sống sót, vì mong muốn thoát khỏi kiếp sống bấp bênh.

Nói tóm lại là họ liều, nhưng cái liều của họ làm người ta bật khóc. Họ liều vì muốn sống, liều vì muốn được hạnh phúc, liều để vượt qua ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Nỗi liều lĩnh ấy xuất phát từ bản năng sinh tồn mãnh liệt của con người, từ khao khát được sống, được yêu thương và được hạnh phúc. Chỉ vì để sống, họ phải gạt qua tất cả, danh dự, vẻ đẹp, nhân cách, ước mơ. Chỉ vì để có được hạnh phúc, họ phải chấp nhận làm liều với thời cuộc: “Thóc gạo này chẳng biết có nuôi nổi cái thân mình không, lại còn đèo bòng” bằng một câu nói “Chậc! Kệ!”. Câu nói tưởng chừng đơn giản ấy lại thể hiện sự dũng cảm phi thường của họ. Dũng cảm để đối mặt với thực tế nghiệt ngã, dũng cảm để nắm lấy hy vọng mong manh, dũng cảm để bước tiếp trên con đường đầy gian nan thử thách.

Hiện thực tàn khốc trong “Vợ nhặt”

Đọc “Vợ nhặt”, chúng ta như đang cảm nhận, đang chứng kiến cảnh làng xóm, cỏ cây, nhà cửa nhuộm trắng trong sắc lạnh của chết  chóc. Một không khí khủng khiếp, ghê rợn khi khắp nơi ngổn ngang xác người chết đói và cả những người…. sắp chết đói. Con người như đang mấp mé bên bờ vực thẳm, tranh giành  từng gang tấc giữa sự sống và cái chết. Miêu tả chi tiết, sinh động nạn đói trong một không gian, thời gian cụ thể, “Vợ nhặt” của Kim Lân đã làm nổi bật số phận thê thảm, khốn cùng của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Họ sống mà chẳng khác nào những ngọn đèn leo lét, vật vờ trước gió.

Cưới hỏi là một sự kiện trọng đại trong đời người, nó nên được diễn ra khi con người ở trong thời điểm đẹp nhất, thế mà, cuộc hôn nhân của Tràng là một điều bất thường, nó là một sự kết hợp từ cơn đói khát và nỗi tuyệt vọng gặm nhấm sự sống. Những người hàng xóm trong “Vợ nhặt” được Kim Lân tái hiện còn thê thảm hơn nữa: “Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào.

truyện vợ nhặt

Những gia đình từ vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ  lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người làng  đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người ”. Tả xen kẽ cảnh sống và cảnh chết, những câu văn như đan cài vào nhau tạo nên bức tranh ám ảnh về ranh giới mong manh giữa hai cõi sống và chết. Chỉ cần một bước ngoặt nhỏ, con người ta có thể dễ dàng trượt dài vào cõi âm u tăm tối. 

Cái duyên vợ chồng của Tràng cũng nảy sinh từ nhu cầu mưu sinh, từ miếng ăn. Và thật đáng thương biết bao cho người đàn bà trở thành vợ Tràng, vì đói, vì miếng cơm mà theo chân người xa lạ về làm vợ, mang kiếp “vợ nhặt” đầy tủi nhục.

Tác phẩm “Vợ nhặt” đã khẳng định tài năng viết truyện ngắn của Kim Lân. Không một lời tố cáo hay kết tội, chỉ là những dòng miêu tả, khắc họa chi tiết, sinh động cái đói ghê gớm và chuyện lấy vợ khác người của Tràng, vậy mà sức nặng tố cáo của tác phẩm cứ dậy lên từng câu từng chữ. Tố cáo tội ác bóc lột, tố cáo tội ác hủy diệt bắt dân nhổ lúa trồng đay của Pháp – Nhật đã khiến hàng triệu người lao động nghèo rơi vào cảnh chết đói thảm thương. Giá trị con người trong nạn đói trở nên rẻ rúng như “rơm rác” có thể “nhặt” được nơi khu chợ. “Vợ nhặt” xứng đáng là một truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân và cũng là một trong những truyện ngắn hay nhất viết về cái đói và thân phận của người lao động nghèo trong văn xuôi hiện thực Việt Nam.    

Xem thêm:

“Chết không phải là hết, còn sống cũng không phải là sung sướng. Sống là phải nỗ lực, phải đấu tranh.” (Hồ Chí Minh). Tác phẩm “Vợ nhặt” là bức tranh miêu tả cuộc sống cơ cực, đói khát của những người dân lao động trong nạn đói năm 1945 và thể hiện tinh thần vươn lên, khao khát sống mãnh liệt của con người. Dù cuộc sống đầy khó khăn và thử thách, những nhân vật trong truyện vẫn nỗ lực, đấu tranh để tồn tại và giữ vững niềm tin vào tương lai. Tác phẩm khép lại, nhưng dư âm về kiếp người trong nạn đói và vẻ đẹp tâm hồn của những người nông dân nghèo khổ vẫn còn vang vọng, thôi thúc ta trân trọng cuộc sống và hướng đến những giá trị nhân văn cao đẹp. 

“Vợ nhặt” đã mang đến cho bạn những suy ngẫm nào về kiếp người và giá trị của cuộc sống?


Thưởng thức trọn vẹn tác phẩm qua đường link mua sách phía dưới để ủng hộ DIMI BOOK tiếp tục tạo ra những nội dung chất lượng và phong phú nhé! Chân thành cảm ơn Quý độc giả đã yêu mến!

Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK, trích dẫn từ chính tác phẩm.
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Xem sách chi tiết Vợ Nhặt (Tái Bản 2023) tại đây

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ZaloGọi điệnFacebook