Thế kỷ 20 là một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ của nền văn học Việt Nam, khi các tác phẩm văn học không chỉ kể về những câu chuyện tình cảm của các nhân vật mà còn phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội, khơi gợi những suy tư về con người và cuộc sống. Trong bối cảnh đầy biến động của lịch sử này, nhiều nhà văn đã thể hiện sự tinh tế và sáng tạo qua những tác phẩm để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả. 

Hãy cùng DIMI BOOK khám phá 7 tác phẩm văn học Việt Nam tiêu biểu đầu thế kỷ 20, để hiểu thêm về vẻ đẹp và giá trị của văn học Việt Nam trong thế kỷ qua.

Tắt đèn – Đâu là ánh sáng cho người nông dân Việt Nam đầu thế kỷ 20

“Tắt Đèn” là một tác phẩm văn học đặc sắc và nổi tiếng của nhà văn Ngô Tất Tố, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1937. Đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học hiện thực xã hội Việt Nam trong thế kỷ 20, mang đến cái nhìn sâu sắc về cuộc sống của tầng lớp nông dân trong thời kỳ thực dân phong kiến.

Cuốn tiểu thuyết xoay quanh việc chị Dậu phải đối mặt với nỗi khổ cực của việc bị cưỡng bức nộp thuế, dẫn đến việc gia đình chị phải sống trong cảnh nghèo đói. Hành trình của chị Dậu là một chuỗi tình huống bất công và sự “đấu tranh” không ngừng để duy trì sự sống cho gia đình mình. Sự áp bức tàn nhẫn của bọn quan lại, cường hào và bọn địa chủ tầng tầng lớp lớp khiến chị “Tức nước vỡ bờ”, đẩy chị đến bờ vực của tuyệt vọng.

“Tắt đèn”

“Tắt Đèn” không chỉ đơn thuần là một câu chuyện về nỗi khổ cực của người nông dân mà còn là một tác phẩm mang đậm tính tư tưởng và phê phán xã hội lúc bấy giờ. Ngôn ngữ trong tác phẩm được Ngô Tất Tố đã khéo léo sử dụng sắc sảo và sâu sắc, với những hình ảnh và biểu cảm mạnh mẽ, tạo nên một tác phẩm đầy cảm xúc và dễ khiến người đọc cảm nhận được sự đau đớn và nỗi bất công mà các nhân vật trong truyện phải trải qua. Từ đó giúp người đọc hiểu hơn về cuộc sống của người nông dân trong thời kỳ phong kiến, đồng thời khơi dậy tinh thần phản kháng và đấu tranh cho công lý.

Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng khẳng định: “Trên cái tối giời, tối đất của đồng lúa ngày xưa hiện lên sừng sững bức chân dung lạc quan của chị Dậu”. Hình ảnh của chị Dậu như một điểm sáng trong bức tranh u tối của thời đại, dù đối diện với những thách thức, chị vẫn giữ được niềm tin vào cuộc sống và tinh thần nhân văn, qua đó làm nổi bật một hình mẫu lý tưởng trong xã hội.

Số đỏ – Tác phẩm trào phúng tiêu biểu bậc nhất nền văn học Việt

“Số Đỏ” là một tác phẩm nổi bật của nhà văn Vũ Trọng Phụng, được in thành sách lần đầu vào năm 1938. Với sự sắc sảo trong miêu tả xã hội và tinh thần châm biếm sâu cay, “Số Đỏ” đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng độc giả và được xem là một trong những tác phẩm trào phúng tiêu biểu của văn học Việt Nam.

Câu chuyện diễn ra tại Hà Nội vào những năm 1930 và xoay quanh nhân vật chính là Xuân Tóc Đỏ, một kẻ xảo quyệt và vụ lợi, đại diện cho những thói hư tật xấu trong xã hội thời bấy giờ. Xuân Tóc Đỏ, với bản chất mưu mẹo, đã lợi dụng sự nhẹ dạ của người khác để thăng tiến trong xã hội, từ một kẻ làm thuê trở thành một ông trùm xã hội thượng lưu.

“Số đỏ”

“Số Đỏ” không chỉ đơn thuần là một câu chuyện giải trí mà còn là một tác phẩm mang đậm tính phê phán xã hội. Vũ Trọng Phụng đã khéo léo lồng ghép trong tác phẩm những vấn đề xã hội nóng bỏng như sự đạo đức giả, tham nhũng; với những chi tiết sống động và hài hước, làm nổi bật sự mỉa mai và lố bịch trong xã hội đương thời để thể hiện sự châm biếm sâu cay về mặt trái của xã hội. Đặc biệt là sự giả dối và ngây thơ của tầng lớp tư sản thời bấy giờ thông qua các nhân vật và tình huống hài hước nhưng đầy ý nghĩa.

Đọc “Số Đỏ”, người đọc không chỉ được thưởng thức một câu chuyện hài hước, mà còn được mời gọi suy ngẫm về những vấn đề sâu sắc và đáng lưu ý trong xã hội. Đúng như GS. Đỗ Đức Hiểu đã nhận xét: “Số đỏ là cái cười nhại với một tầm cỡ lớn. Số đỏ nhại một xã hội, một phong trào chính trị, một thời đô thị hóa. Nó nhại một trào lưu văn hóa, một trào lưu văn học, một nghệ thuật trừu tượng cực đoan. Nó nhại một ngôn ngữ đang hình thành, hổ lốn, tạp nham, lổn nhổn, khấp khếnh, xiêu vẹo, tạp pí lù”.

Những ngày thơ ấu: Đứa trẻ nào mà chẳng thèm hơi ấm của mẹ?

“Những ngày thơ ấu” của nhà văn Nguyên Hồng là tác phẩm tự truyện nổi bật đã khiến rất nhiều độc giả xúc động kể từ khi được xuất bản thành sách lần đầu vào năm 1940 cho đến nay. Đây là một trong những tác phẩm mở đầu cho thể loại tự truyện trong văn học Việt Nam, mang đậm dấu ấn của văn học hiện thực lúc bấy giờ. Đặc biệt là trong việc miêu tả sâu vào nội tâm của cậu bé Hồng trong mối quan hệ với mẹ, gia đình và những hoàn cảnh khó khăn.

Tác phẩm mở đầu với hình ảnh về gia đình của cậu bé Hồng, nơi mà sự giả dối và bất hạnh đã gắn chặt vào cuộc sống hằng ngày. Cha mẹ của Hồng kết hôn không phải vì tình yêu mà vì “bài tính” của hai gia đình, tạo nên một cuộc sống hôn nhân lạnh lẽo và tẻ nhạt. Trong một gia đình như vậy, tình cảm chỉ là thứ xa xỉ. Hồng vốn là cậu bé thông minh, khát khao tình yêu thương nhưng lại lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm từ gia đình, sự thờ ơ và tàn nhẫn của họ hàng và thầy cô,… vùi dập. 

“Những ngày thơ ấu”

Ngôn ngữ của Nguyên Hồng trong tác phẩm giàu cảm xúc, đầy hình ảnh và chi tiết, mang lại cho người đọc cảm giác chân thực về nỗi đau và sự khốn khổ mà nhân vật chính phải trải qua. Từng câu chữ như thấm đượm nỗi niềm, những khát khao và uất ức của một đứa trẻ bị cuộc đời bỏ quên.

Đến với tác phẩm hồi ký “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng, người đọc được cảm nhận sự khát khao, nỗi đau của một đứa trẻ, mời gọi suy ngẫm về trách nhiệm của xã hội đối với những đứa trẻ bất hạnh. Tác phẩm này không chỉ là một câu chuyện về tuổi thơ, mà còn là một lời nhắc nhở về tình yêu thương, lòng trắc ẩn, và sự quan tâm đến trẻ em.

Vang bóng một thời – Lời thở dài nuối tiếc của nghệ thuật  

“Vang bóng một thời” là một tập truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Tuân, xuất bản lần đầu vào năm 1940. Tập truyện gồm 14 truyện ngắn và tùy bút, viết về những con người tài hoa, nghệ sĩ nhưng sống giữa thời kỳ xã hội biến động, khi giá trị cũ dần bị phai nhạt. 

Vang bóng một thời

Ở đây, Nguyễn Tuân đã khắc họa chân thực những con người có niềm đam mê với cái đẹp, nghệ thuật và lòng yêu nước. Những nhân vật trong tác phẩm thường là những người có kỹ năng đặc biệt hoặc lòng yêu nghệ thuật, chẳng hạn như Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” với tài năng thư pháp. Họ sống với những giá trị cao quý, luôn giữ vững phẩm chất và lý tưởng của mình, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Trong tác phẩm “Vang bóng một thời”, Nguyễn Tuân đã sử dụng nhiều từ ngữ phong phú, tạo nên những trang văn đầy màu sắc và âm điệu, với cách kể chuyện tinh tế và sâu sắc. 

“Tập truyện đã làm sống lại cả một thời phong kiến đã qua với những nghệ thuật cổ thanh cao, những nếp sống, sinh hoạt xã hội nho phong của một nền văn minh xưa cũ, nó cũng là niềm nuối tiếc của một tâm hồn hoài cổ trước những cái hay, cái đẹp, những nghệ thuật cầu kỳ của một thời đại đã qua, cái thời ấy nay đã chết rồi, chỉ còn để lại một tiếng vang. – Vang Bóng Một Thời.” (Theo GS. Vũ Ngọc Phan)

“Vang bóng một thời” không chỉ là một tác phẩm văn học miêu tả quá khứ mà còn là lời nhắc nhở về giá trị của những điều đẹp đẽ đã từng tồn tại trong xã hội, cùng với nỗi tiếc nuối về sự biến mất của chúng. Đồng thời ông cũng gửi gắm một thông điệp mạnh mẽ về sự cần thiết phải bảo vệ và duy trì những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống, và sự kiên cường của con người trong việc giữ vững những lý tưởng cao quý.

Gánh hàng hoa – Sự phản ánh sâu sắc về gia đình và sự nghiệp

“Gánh hàng hoa” được viết bởi hai cây bút nổi tiếng của Tự Lực Văn Đoàn là Nhất Linh và Khái Hưng, cuốn sách xuất bản lần đầu năm 1933.  Với nội dung giản dị nhưng đậm chất nhân văn, tác phẩm mang đến một cái nhìn sâu sắc về tình yêu, gia đình và sự nghiệp.

Cuốn sách tập trung vào mối quan hệ giữa ba nhân vật chính: Minh, Liên và Văn. Minh và Liên là một cặp vợ chồng nghèo nhưng sống giản dị và hạnh phúc; Văn là bạn thân từ thuở nhỏ của Minh và cũng là người bạn thân thiết của cả hai. Cuộc sống của họ tưởng chừng như mãi vui vẻ và bình yên, nhưng nhiều hiểu lầm và biến cố bất ngờ đã xảy đến đã dần phá vỡ mối quan hệ tốt đẹp từng có giữa họ…

Gánh hàng hoa

“Gánh hàng hoa” không chỉ là một tác phẩm văn học lãng mạn mà còn là một bài học nhân sinh về giá trị của gia đình và sự đồng cảm. Cuốn sách là một minh chứng cho việc gia đình không phải là gánh nặng mà là nguồn sức mạnh và niềm hạnh phúc lớn nhất. Đọc “Gánh hàng hoa” chúng ta không chỉ tìm thấy những giây phút cảm động mà còn nhận ra tầm quan trọng của việc trân trọng những người yêu thương và không để sự nghiệp làm mờ đi giá trị của tình cảm gia đình.

Chính vì vậy mà đạo diễn Hà Sơn từng chia sẻ: “Việc chuyển thể “Gánh hàng hoa” … không đơn thuần là việc nhắc lại những mẫu mực văn chương, mà quan trọng hơn là làm lan tỏa những câu chuyện đầy giá trị về mặt đạo lý, quan hệ ứng xử nhằm xây dựng một cuộc sống gia đình, xã hội thuần Việt.” (Trước đó cuốn tiểu thuyết cũng đã có hai phiên bản chuyển thể phim điện ảnh cùng tên được sản xuất năm 1971 và năm 1989). 

Đây chắc chắn sẽ là một tác phẩm không thể thiếu trong danh sách đọc của những ai yêu thích văn học Việt Nam, với những bài học sâu sắc về tình yêu, tình bạn và giá trị của sự tha thứ.

Lều chõng – Bức tranh sống động về hệ thống khoa cử đã lỗi thời

“Lều Chõng” là một tiểu thuyết phóng sự của nhà văn Ngô Tất Tố, được xuất bản lần đầu vào năm 1939. Đây có thể nói là một tác phẩm mang đậm phong cách nghề báo của Ngô Tất Tố, bản thân tác giả cũng là một người đã từng thi hương, vì vậy ông đã khắc họa một cách chân thực và sắc nét những khía cạnh của chế độ thi cử Việt Nam thời bấy giờ.

Mở đầu tác phẩm, tác giả sử dụng phong cách phóng sự để mô tả một buổi vinh quy bái tổ với những chi tiết hài hước nhưng không kém phần nghiêm trang. Từ đó, câu chuyện chuyển trọng tâm sang cuộc sống của Vân Hạc và vợ là cô Ngọc. Cô Ngọc có một ước mơ là được làm bà Thám bà Bảng, danh phận cao quý biết bao. Vậy nên để thực hiện được điều đó, bắt buộc Vân Hạc phải đỗ đầu khoa nguyên, trở thành ông Thám ông Bảng. Trong khi đó thì chàng Vân Hạc dù văn hay, chữ tốt, nhưng lại không có chí làm quan, mà chỉ thi “cho có” để vui lòng vợ mà thôi. 

Lều Chõng

Bằng ngòi bút phóng sự sắc sảo và tinh tế, Ngô Tất Tố đã phản ánh rõ nét sự phức tạp và bất cập của chế độ thi cử. Những sĩ tử trong “Lều Chõng” không phải là những hình mẫu lý tưởng mà là những thanh niên bình thường, sống với những thói quen và sở thích như đi hát cô đầu. Hình ảnh trường thi với sự chen chúc của các sĩ tử mang theo lều, chõng và những đồ dùng thi cử, mặc dù không được mô tả thái quá, nhưng vẫn tạo nên những cảnh tượng vừa thực vừa hài hước.

Với nhịp truyện vừa phải, hội thoại tự nhiên và lối viết hài hước nhưng sâu sắc, Ngô Tất Tố đã thành công trong việc đưa đến cho người đọc một cái nhìn rõ nét và chân thực về hệ thống khoa cử Việt Nam và những vấn đề mà nó mang lại. Đây thực sự là một tác phẩm văn học quan trọng trong việc phản ánh những giá trị xã hội và lịch sử mà chúng ta cần suy ngẫm.

Mười hai bến nước – Cảm nhận nỗi buồn lãng mạn của hồn thi sĩ

Bài thơ “Mười hai bến nước” của Nguyễn Bính được in trong tập thơ cùng tên do nhà xuất bản Hương Sơn ấn hành năm 1942. Tác phẩm mang đậm chất trữ tình và suy tư, diễn tả những cảm xúc u buồn, nỗi nhớ nhung và sự cô đơn của một người trong cuộc đời, những cảm xúc này được truyền tải qua thể thơ lục bát mượt mà, nhẹ nhàng.

“…Viết đi, tôi dạo khúc đờn
Theo dòng linh lạc của hồn bạn đi.
Viết đi rồi nhớ gửi về
Bến mơ trong gió, mây se chiều buồn.”
(“Mười hai bến nước” – Nguyễn Bính)

Mười hai bến nước

Người đọc có thể cảm nhận được tâm trạng u uất, lẻ loi của tác giả, khi ông diễn tả nỗi lòng của mình qua những hình ảnh quen thuộc nhưng đầy tính tượng trưng như “lá rơi”, “gió động”, “nắng vàng”, và “bến mơ”. Từng dòng thơ là sự hoài niệm, sự mơ ước về một điều gì đó xa xôi, khó nắm bắt, nhưng cũng là nỗi sợ hãi trước sự vô tình, lãng quên của cuộc sống.

Tác phẩm “Mười hai bến nước” không cố gắng che giấu nỗi đau hay khắc khoải; trái lại, Nguyễn Bính để chúng thấm đẫm trong từng dòng thơ, khiến người đọc không chỉ cảm nhận được mà còn thấy mình như hòa nhập vào những xúc cảm ấy. Nỗi buồn, sự cô đơn trong thơ Nguyễn Bính mang tính chất tự nhiên, giản dị, nhưng lại chạm đến tầng sâu của tâm hồn, gợi nhớ về những trải nghiệm tương tự trong cuộc sống của chính người đọc.

Xem thêm:

Mỗi tác phẩm trên đều mang trong mình những câu chuyện, cảm xúc và triết lý sâu sắc, phản ánh một cách chân thực và đa dạng các khía cạnh của cuộc sống và con người Việt Nam trong những giai đoạn lịch sử khác nhau.

Việc tìm hiểu và trân trọng những kiệt tác này không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa và lịch sử dân tộc mà còn khơi dậy niềm tự hào về di sản văn học phong phú của đất nước. Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn đọc sẽ có thêm những gợi ý hữu ích để tiếp tục hành trình khám phá và yêu mến văn học Việt Nam.


Thưởng thức trọn vẹn tác phẩm qua đường link mua sách phía dưới để ủng hộ DIMI BOOK tiếp tục tạo ra những nội dung chất lượng và phong phú nhé! Chân thành cảm ơn Quý độc giả đã yêu mến!

Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *