Ai trong chúng ta chưa từng nghe về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam? Chủ tịch Hồ Chí Minh (với cái tên thân thương là Bác Hồ), một cái tên đã trở nên bất tử trong tâm khảm mỗi đồng bào ta. Lịch sử nhân loại đã chứng kiến nhiều cuộc cách mạng, nhưng cuộc cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo mang một dấu ấn riêng biệt. Người không chỉ là một nhà lý luận chính trị xuất sắc mà còn là một nhà cách mạng thực thụ, một nhà thơ, một nhà văn tài ba.

Sinh ra và lớn lên trong một xã hội đầy bất công, Nguyễn Sinh Cung (tên khai sinh của Bác) đã sớm ý thức được trách nhiệm của mình đối với dân tộc. Người đã trải qua một cuộc đời đầy sóng gió, từ một thanh niên yêu nước đến một nhà lãnh đạo cách mạng lỗi lạc. Vậy điều gì đã thôi thúc Người không ngừng phấn đấu vì độc lập, tự do cho dân tộc?

Tác giả Sơn Tùng và hoàn cảnh ra đời của “Búp sen xanh”

Bùi Sơn Tùng (1928 – 2021) thường được biết đến với bút danh Sơn Tùng, sinh tại Nghệ An. Ông là một nhà văn Việt Nam nổi tiếng, chuyên viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng các nhân vật cách mạng và văn hóa Việt Nam. 

Trong quá trình viết lách, ông đã cho ra đời 16 tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài, bút ký, kịch bản phim và truyện tranh. Trong số đó, nổi bật nhất là cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh” được xuất bản năm 1982, cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên mô tả một cách đầy đủ về tuổi trẻ và hành trình tìm đường cứu nước của Hồ Chủ tịch. Đây là tác phẩm mà nhà văn Sơn Tùng đã dốc hết tâm huyết để tôn vinh vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam ta.

Nhà văn Sơn Tùng

Nhà văn Sơn Tùng đã chuyển thể cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh” thành kịch bản mang tên “Cuộc chia ly trên Bến Nhà Rồng”, sau đó được chuyển thể thành phim truyện với tựa đề “Hẹn gặp lại Sài Gòn” do đạo diễn Long Vân thực hiện. Ngoài ra, tiểu thuyết này còn được nhà nghiên cứu Mịch Quang dàn dựng thành vở tuồng với tên gọi “Cậu bé làng Sen”.

Mỗi trang sách của “Búp Sen xanh” như một cánh cửa thời gian đưa ta trở về tuổi thơ của Bác Hồ. Qua ngòi bút tài hoa của Sơn Tùng, chúng ta như được sống cùng những cảm xúc vui buồn, những trăn trở của một cậu bé thông minh, giàu lòng yêu nước. Hương sen thơm ngát, những câu dân ca, bài vè, câu ví dặm… tất cả hòa quyện tạo nên một bức tranh quê hương xứ Nghệ bình dị mà sâu lắng những năm cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX.

“Búp sen xanh” được chia thành ba chương: “Thời thơ ấu”, “Thời niên thiếu” và “Tuổi hai mươi”. Cuốn sách đưa người đọc theo bước chân của cậu bé Côn qua những biến cố lịch sử của đất nước và gia đình, từng bước hình thành nhân cách của Hồ Chí Minh. Đến ngày 5/6/1911, tại Bến Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành lúc này đã là một chàng trai trẻ, quyết định ra đi tìm con đường giải phóng dân tộc.

Những lời kể chân thật nhất về tuổi thơ của Bác Hồ

Những câu chuyện về Bác Hồ luôn mang lại sự gần gũi và thân thiết cho chúng ta. Không xem mình là vĩ nhân, Bác luôn là người khiêm tốn và quý mến mọi người, đặc biệt là trẻ em. Cũng đã từng là những đứa trẻ bình thường như bao người khác, cậu bé Sinh Cung cũng đầy sự ngây thơ, hoạt bát, và cả… nghịch ngợm. Cậu thường “đầu têu” những trò quậy phá, Bác đã từng trèo mái nhà để phá tổ chim, leo cây để hái quả, chọc ghẹo chó của hàng xóm, và rủ cả lớp đi câu cá trong giờ học! Những trò nghịch ngợm ấy, cùng với một tuổi thơ đầy vất vả đã dạy Bác trưởng thành.

bác Hồ

Sinh ra tại làng Kim Liên, là một làng quê nghèo khó tại Nghệ An. Phần lớn dân chúng không có ruộng, phải làm thuê cấy rẽ, mặc quần ít, đóng khố nhiều. Vào đời Bác, phần lớn dòng họ của ông đều cơ hàn, kiếm sống bằng nghề làm thuê, và cũng có người tham gia các hoạt động chống Pháp.

Gia đình của Bác là một gia đình nho giáo yêu nước, luôn đề cao việc dạy dỗ con cháu về đạo lý và những giá trị tốt đẹp. Là một gia đình nhà nho thường dạy học cho con cái của các quan chức trong triều đình, nhưng gia đình Bác không bao giờ sử dụng địa vị đó để trục lợi cá nhân, mà luôn sống chân thành và giản dị. Dù có tiếng nói trong xã hội thời bấy giờ, họ không bao giờ khinh thường những người nghèo khó hay tật nguyền, mà luôn sẵn sàng giúp đỡ và chăm sóc họ bằng tất cả tình thương.

Bố của Bác đã đôi lần khiến người đọc cảm thán bằng cách giáo dục nghiêm khắc nhưng vô cùng thuyết phục:

“Con đã thuộc bài, các bạn của con chưa thuộc mà con rủ bạn đi câu cá là phạm lỗi. Cái lỗi ấy là: con chỉ thấy phần mình đã xong, không nghĩ đến phần người khác, như vậy là ích kỷ. Con đã rõ chưa?”

“Côn! Vì đang ở trên đường, nếu ở nhà thì cha bắt con nằm xuống đánh mười roi vì tội bất đễ. Anh con có nói sai, xử sự sai với con  thì đã có cha phân xử, hoặc con phải nói với anh bằng một thái độ lễ phép. Con không được nói với anh câu nói của nhà vô giáo dục như vậy. Con khoanh tay xin lỗi anh đi con.”

Bác được sinh ra trong một gia đình đặc biệt nhưng điều đó chưa đủ để tạo nên một Bác Hồ vĩ đại của chúng ta sau này. Yếu tố chính nằm ở sự nỗ lực và kiên cường của Bác. Trong những năm tháng tuổi thơ, dù nghịch ngợm nhưng cậu bé Côn vẫn rất chăm chỉ, chịu khó và biết vâng lời cha mẹ. Cậu luôn thể hiện tình yêu thương với mọi người và có những quan điểm chín chắn. Dù đối mặt với nhiều khó khăn như mất mẹ từ sớm, phải một mình chăm sóc em và theo cha sống xa quê hương, Côn đã bộc lộ sự nghị lực phi thường của mình: 

“Với cái tuổi lên mười, Côn đã phải nấu cháo, sắc thuốc, chăm sóc bệnh tình của mẹ. Hằng ngày, Côn còn phải bế em sang hàng xóm xin những bà mẹ đang nuôi con thơ cho em được bú nhờ”.

Cuốn sách dành cho mọi lớp người dù đang ở bất kì độ tuổi nào

Ban đầu, “Búp sen xanh” được viết với mục đích dành cho thiếu nhi và được trao giải đặc biệt trong cuộc vận động sáng tác về đề tài thiếu nhi. Tuy nhiên, cuốn sách đã vượt xa khỏi phạm vi của một tác phẩm dành riêng cho trẻ em. Đọc “Búp sen xanh”, người ta tìm thấy những phẩm chất, đạo lý mà ngay cả người lớn chúng ta phải học hỏi. 

sách búp sen xanh

Lúc ở nhờ nhà bạn cha trong lần thứ hai đi Huế thứ hai, Bác cho thấy mình là một con người được giáo dục tử tế với cách hành xử và kinh nghiệm sống đáng học hỏi.

“Bữa cơm khách đầu tiên, ăn xong Thành tự đi lấy tăm đặt lên miệng chén trà cho từng người. Thành thu dọn bát đĩa và đi rửa….”

“Đến ở ngày hôm trước, hôm sau Thành đã đi chợ đong gạo, mua thức ăn. Thành biết rành từng loại cơm ở chợ Đông Ba như gạo lốc dâu, gạo chăm, gạo té, gạo hẻo…”

“Búp sen xanh” chứa đựng nhiều hoàn cảnh cảm động đến mức bất kỳ ai cũng đều xúc động, đặc biệt là trong những khoảnh khắc chia ly, đó là khoảnh khắc Bác mất đi mẹ mãi mãi hay khi người con phải từ biệt cha để theo đuổi con đường của mình và phục vụ cho dân tộc. Đó là một phần cuộc đời Bác và cũng là những yếu tố hoàn thiện lý tưởng và cống hiến hết mình cho Tổ quốc.

bản thảo sách búp sen xanh

“Búp sen xanh” không chỉ đơn thuần là câu chuyện về một lãnh tụ, mà còn là một tác phẩm đầy ý nghĩa về cách sống và làm người.

Sơn Tùng đã thành công khi trở thành người đi tiên phong trong việc mở ra một góc nhìn mới mẻ và gần gũi khi viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Với sự kết hợp tư liệu lịch sử và hư cấu, Sơn Tùng đã bổ khuyết nhiều khoảng trống của chính sử về thời tuổi trẻ của cụ Hồ. Trước “Búp sen xanh”, tuổi thanh xuân với bao kỉ niệm, cảm xúc và suy tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa từng được đề cập kỹ như thế. 

Xem thêm:

“Búp sen xanh” vừa là một tác phẩm lịch sử cũng vừa cuốn sách hay dành cho thiếu nhi, câu chuyện của Bác Hồ đã giúp truyền cảm hứng cho thế hệ bằng cách kết nối các em với tinh thần của dân tộc. Giờ đây, các em có thể biết vị lãnh tụ của đất nước đã trải qua tuổi thơ như thế nào và chính các em cũng sẽ trở thành người nối bước Bác phát triển đất nước thêm phát triển, vững bền.


Thưởng thức trọn vẹn tác phẩm qua đường link mua sách phía dưới để ủng hộ DIMI BOOK tiếp tục tạo ra những nội dung chất lượng và phong phú nhé! Chân thành cảm ơn Quý độc giả đã yêu mến!

Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Xem sách chi tiết Búp Sen Xanh (Tái Bản 2020) tại đây

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *