Bạn đã bao giờ tự hỏi điều gì thúc đẩy một người không ngừng sáng tạo và vượt qua mọi khó khăn để theo đuổi đam mê của mình?
Giữa lòng Sài Gòn nhộn nhịp, có một phòng tranh nhỏ mang tên Lotus. Đó là nơi nuôi dưỡng bao ước mơ và đam mê của những người yêu nghệ thuật. Hãy cùng đến với cuốn sách “Khắc đi Khắc đến” và khám phá câu chuyện đầy cảm xúc về hành trình xây dựng và phát triển phòng tranh Lotus. Qua từng trang sách, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và cảm nhận được tấm lòng yêu nước, tinh thần lạc quan của một nghệ sĩ chân chính.
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Sự đặc biệt của tác giả Xuân Phượng
Đạo diễn Xuân Phượng là một bông hoa muộn nở trên mảnh đất văn chương Việt Nam, bà đã chứng tỏ tuổi tác không phải là rào cản cho sự sáng tạo. Ở tuổi 70 – cái tuổi mà nhiều người đã chọn cuộc sống an nhàn, bà lại dấn thân vào một hành trình mới: viết hồi ký – cuốn hồi ký viết bằng tiếng Pháp có tựa đề “Ao dai” (Áo dài). Mười chín năm sau, tự bà chuyển ngữ cuốn “Ao dai” sang tiếng Việt và lấy tên là “Gánh gánh… gồng gồng”. Ngay vừa khi ra mắt, tác phẩm đặc biệt này đã ngay lập tức nhận Giải thưởng “Hội Nhà văn Việt Nam” 2020 và được tái bản nhiều lần liên tục. Đặc biệt, bà Xuân Phượng là tác giả nhiều tuổi nhất trong lịch sử văn học Việt Nam nhận giải thưởng của “Hội Nhà văn Việt Nam”.
Tác giả Xuân Phượng có quá trình nghề nghiệp vô cùng phong phú và để lại nhiều thành quả giá trị cho đất nước. Một số nghề bà đã làm như: kỹ thuật viên thuốc nổ, phóng viên chiến trường, bác sĩ nhi khoa, dịch và thuyết minh phim tiếng Pháp, đạo diễn phim tư liệu chiến trường đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.
Nổi bật trong đó là bộ phim “Vĩ Tuyến 17: Chiến tranh Nhân dân” – tác phẩm tiêu biểu về Chiến tranh Việt Nam được công chiếu tại nhiều nước trên thế giới. Bà hỗ trợ đạo diễn nổi tiếng thế giới người Hà Lan Joris Ivens quay thành công trên “miền đất thép” Vĩnh Linh, thời điểm Mỹ thả bom vào Việt Nam mạnh mẽ nhất.
“Khắc đi Khắc đến”: Câu chuyện về hành trình đem nghệ thuật – văn hóa Việt ra thế giới
Vào tháng 8/2024, bà Xuân Phượng ra mắt tác phẩm “Khắc đi Khắc đến”, trong đó bà chia sẻ câu chuyện về việc sáng lập phòng tranh Lotus – đứa con tinh thần của nữ đạo diễn. Cũng từ đó, đọc giả nhìn thấy niềm tin mạnh mẽ của bà đối với bản thân, niềm tin đối với các nghệ sĩ trẻ và khát vọng đưa nghệ thuật, văn hóa Việt Nam vươn tầm quốc tế:
“Kể từ những bước đầu tiên vác chuông đi đánh xứ người đầy vấp váp, thiếu kinh nghiệm của năm 2001, trong hai mươi năm đi triển lãm tranh ở một số nước từ châu Á, Châu Âu, Châu Úc đến Châu Mỹ, càng dày dặn kinh nghiệm càng có thêm thành tựu.”
Với lối viết nhẹ nhàng và gần gũi quen thuộc từ “Gánh gánh… Gồng gồng”, hồi ký “Khắc đi Khắc đến” tiếp tục thể hiện dấu ấn văn chương độc đáo của đạo diễn Xuân Phượng. Cuốn sách đem lại cho người đọc những trải nghiệm đặc biệt, hiếm hoi mà khó có thể cảm nhận được giữa guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại.
Phía sau ánh hào quang là gì?
“Nhưng phía sau những nụ cười, những thành công ấy là những chông gai, cạm bẫy rình rập. Gai nhọn hoắt bất ngờ đâm thẳng vào người, cạm bẫy khéo léo đưa mình vào tròng.
Đấy là những giây phút bang hoàng, điêu đứng, lảo đảo gắng gượng khôn cùng để níu giữ cho bằng được cuộc sống của phòng tranh thân yêu, cuộc sống nửa đời sau của tôi bước và tuổi hưu.
Chỉ xin kể vài chuyến đi còn để lại những điều khó quên…”
Đây là đôi lời tâm tình của bà Xuân Phượng trong “Khắc đi khắc đến” và cũng đã trả lời phần nào câu hỏi “Phía sau ánh hào quang” là gì? Hành trình sáng lập phòng tranh Lotus là một đoạn đường đầy chông gai, đó là khi bà Xuân Phượng phải vật lộn với những khó khăn tưởng chừng như có thể đốn gục bất cứ người nào mạnh mẽ nhất: nợ nần chồng chất nhưng căn nhà ngập tràn tranh thì không bán được, cả nỗi đau tột cùng khi chứng kiến xưởng tranh bị thiêu cháy. Những bức tranh đẹp đẽ nhất từng chất đầy căn nhà của bà giờ chỉ còn là đống tro tàn.
Thế nhưng, chính trong những khoảnh khắc tưởng chừng như tuyệt vọng nhất, bà đã tìm thấy sức mạnh từ tình người, từ sự tin tưởng mà những người đồng hành dành cho mình. Bà đã biến những khó khăn thành chất xúc tác, biến những giọt nước mắt thành nguồn cảm hứng sáng tạo. Để rồi, chúng ta có phòng tranh Lotus của hiện tại – một Lotus trở thành ngôi nhà chung cho những tâm hồn yêu nghệ thuật, nơi những tài năng được tỏa sáng, nơi mang nghệ thuật Việt Nam ra thế giới.
Nỗi lòng của tuổi chín mươi
“Những thùng tranh cuối cùng đã được chở đến địa chỉ mới của phòng tranh Lotus tại quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.
Tấm bảng hiệu bằng sơn mài nền nâu, chữ vàng PHÒNG TRANH LOTUS – TỪ NĂM 1991 đã đổ xuống, để lại một mảng trắng trơ trụi trên mặt tiền ngôi nhà 100 Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Từ hai năm nay, tôi đã có những chuyến đi dài: đi xuyên Việt từ Sài Gòn ra Hà Nội, đến từng tỉnh thành, thăm lại bạn bè, họa sĩ, tận hưởng những cảnh đẹp mê hồn của con đường ven biển chạy suốt dọc miền Trung. Cùng một bạn văn tâm đắc, chúng tôi đã dọc ngang kênh rạch đồng bằng sông Cửu Long, xuyên qua rừng được U Minh, về ngắm mặt trời lặn trên dòng sông Ông Trang của Đất Mũi Cà Mau…
Mười lăm tháng qua, Thắng, chú lái xe trung thành gắn bó với phòng tranh Lotus hơn ba mươi năm nay, đã đưa tôi đi hơn hai mươi lăm ngàn kilômét đường trường.
Cứ tưởng rong chơi như vậy vào tuổi chín mươi tư sẽ quên được sự bơ vơ, hụt hẫng, trống vắng khi phải xa một công việc, hay đúng hơn là phải xa một đứa con tinh thần gắn bó với mình từ khi bước vào “tuổi hưu”.
Nhưng nỗi buồn dai dẳng ấy cứ chờ dịp tràn về, nhất là vào những đêm mất ngủ.
Dứt ra bằng cách nào đây?
Không quên được thì phải sống chung vậy.”
Sự chấp nhận “sống chung” với nỗi buồn của bà Xuân Phượng cho thấy một tâm hồn đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống và nhuộm chút u buồn. Bà hiểu rằng có những nỗi niềm không thể nào vượt qua, ta chỉ có thể học cách sống cùng chúng như một phần tất yếu của cuộc sống ở tuổi xế chiều. Đây là sự trưởng thành rất hiếm gặp ở người trẻ tuổi, sự trưởng thành này không đi đôi với kháng cự hay kêu ca, đó là thái độ chấp nhận mọi việc bằng tâm hồn bình thản và sâu sắc.
Đôi lời nhắn nhủ đến giới trẻ
Nữ đạo diễn Xuân Phượng đã tâm sự trong buổi ra mắt cuốn sách “Khắc đi Khắc đến” diễn ra tại Phòng tranh Lotus: “Lớp trẻ bây giờ hiểu biết nhiều hơn, điều kiện vật chất tốt hơn, hoài bão lớn hơn, nhưng sự chán chường, mệt mỏi đến cũng nhanh hơn, nhiều hơn. Tôi biết nhiều bạn trẻ có một dự định gì đó, sau một thời gian gặp lại tôi đã kêu lên: “Cô ơi con oải quá rồi!”. Với cuốn sách này, tôi muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ, mượn tinh thần của Francoise Sagan: “Buồn ơi chào mi” và một câu của ông Trịnh Công Sơn: “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!”. Nếu các bạn đã đặt được bước chân đầu tiên, rồi các bạn sẽ đến đích”.
Giới trẻ là những người chưa có quá nhiều kinh nghiệm để đối mặt với những khó khăn đầu đời, đôi khi họ chênh vênh trong những sự lựa chọn, hoài nghi về bản thân và tuyệt vọng bởi kỳ vọng quá nhiều. Nhưng như tác giả Xuân Phượng đã đề cập “Khắc đi Khắc đến”, có những điều bắt buộc phải trải qua để đem lại những điều ắt sẽ đến, hãy để cho quá trình của nó được tự nhiên. Nếu ta đã đi những bước đầu tiên thì đừng lo lắng, rồi sẽ có ngày ta tới được đích.
“Khắc đi Khắc đến” cũng là một cuốn sách tuyệt vời để giới trẻ tiếp cận với văn hóa Việt. Cuốn sách không đơn thuần là một cuốn hồi ký về hành trình làm nghệ thuật của đạo diễn Xuân Phượng, nó còn là một bức tranh sinh động về văn hóa Việt Nam. Cuốn sách như một cuốn nhật ký ghi lại những trải nghiệm chân thực, những khó khăn và thành công mà tác giả đã trải qua trong suốt quá trình xây dựng và phát triển phòng tranh Lotus.
Xem thêm:
- Búp sen xanh: Hành trình tìm ánh sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Vợ nhặt: Bốn bát bánh đúc thay đổi một cuộc đời
Qua những trang sách của “Khắc đi Khắc đến”, ta hiểu rõ hơn về hành trình của phòng tranh Lotus và cảm nhận được tình yêu nghệ thuật cháy bỏng của bà Xuân Phượng. Câu nói “Khắc đi Khắc đến” vừa là tựa đề của cuốn sách vừa là một triết lý sống, bà đã chứng minh rằng thành công không phải là điều tự nhiên mà đến, nó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ.
Thưởng thức trọn vẹn tác phẩm qua đường link mua sách phía dưới để ủng hộ DIMI BOOK tiếp tục tạo ra những nội dung chất lượng và phong phú nhé! Chân thành cảm ơn Quý độc giả đã yêu mến!
Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.