Banker tự truyện của Dương Hằng giống như một bức tranh theo trường phái hiện thực. Ở đó có sự đối lập của nhiều mảng màu khác nhau…

“Trong công việc hay cuộc sống, hãy luôn cháy hết mình, hãy sống và làm việc như thể hôm nay là ngày tận thế. Vật chất, sức khỏe, nhan sắc… có thể hao mòn theo năm tháng, nhưng niềm tin, tình yêu, kết nối, sự khát khao, nỗ lực cống hiến và lòng nhiệt thành vẫn sẽ luôn còn mãi”

Cuộc đời con người, ai cũng mong đợi thành công, nhưng trước khi làm người thành công, chúng ta đều phải học cách làm người trưởng thành.

Từ bước chân lần đầu lạc vào chốn công sở một cách có chủ đích, đến những phân vân lựa chọn khi đứng trước những giới hạn, quy tắc nghề nghiệp, từ những cảm nhận chân phương về mối quan hệ giữa con người với con người đến khi nhận ra ai là tri kỷ, ai là người hai mặt, từ nhân viên thử việc với biết bao bỡ ngỡ đến khi đã trở thành quản lý cấp cao của một tổ chức có tiếng,…Mỗi cuộc đời – thành công càng cao vời thì thử thách, cám dỗ lại càng lớn.

Banker tự truyện của Dương Hằng giống như một bức tranh theo trường phái hiện thực. Ở đó có sự đối lập của những mảng màu sáng – tối, giữa tốt và xấu, thành công và thất bại, khiêm tốn và tự cao, chân thành và giả dối, non nớt và trải nghiệm, hạnh phúc và bất hạnh… Đặc biệt là sau khi chiêm nghiệm tác phẩm, Dương Hằng đã chắp bút để độc giả tự vẽ nên trong tâm trí mình một bức tranh khác – bức ký họa chân dung sự nghiệp của những Banker.

Banker tự truyện của tác giả Dương Hằng

1. “Cái tôi” của banker tự truyện

Đúng như tác giả chia sẻ: “Giữa một rừng những cuốn sách về ngành ngân hàng, từ học thuật tới kinh nghiệm chuyên môn, tôi thấy quá ít cuốn sách viết về chuyện làm nghề và cuộc sống VÔ CÙNG ĐA DẠNG của các banker”, Banker tự truyện đã không những cho độc giả thấy toàn cảnh con đường sự nghiệp của những Banker, mà trên hành trình đó, tác giả còn chỉ ra những “vùng cấm” của nghề. 

Giá trị hiện thực trong cuốn sách được coi là một “cái tôi” rất khác tạo nên sức hấp dẫn của cuốn tự truyện. Tự truyện những nhân vật chính không phải chỉ có một Dương Hằng. Những ai đã từng làm ngân hàng, những ai đã từng đi qua bão tố ngoài kia đều có thể thấy hình bóng của mình trong đó. 

Bởi vậy, nếu nói Banker tự truyện chỉ đóng khung và có ý nghĩa đối với những người trong nghề thì quả thật là một sự lãng phí. Trong cốc nước luôn chứa đựng cả một bầu trời, với sự trải nghiệm và nhân sinh quan sâu sắc, đến với Banker tự truyện, độc giả sẽ thấy mình được nhận nhiều hơn thế. Đón đọc Lời chào cao hơn mâm cỗ, Đồng phục có đơn giản chỉ là bộ áo quần, Thành công không dành cho riêng ai, Góc khuất,…để thấy được hình bóng của những năm tháng thanh xuân, nhìn lại những chuyến tàu vội vã đi qua cuộc đời mình, những gương mặt từng bị tháng năm che khuất,…

Đâu đó, đã không ít lần chúng ta từng xúc động trước hình ảnh giọt mồ hôi rơi trên trán cô thợ làm bánh, hay phút giây miệt mài bên giá vẽ của người nghệ sĩ. Banker tự truyện thật hay cũng có một người nghệ sĩ chân chính, luôn miệt mài và say mê với con đường đã lựa chọn, kiên định, tỉnh táo, xem mỗi thử thách trong đời là nhịp cầu tất yếu phải trải qua: “Trong công việc hay cuộc sống, hãy luôn cháy hết mình, hãy sống và làm việc như thể hôm nay là ngày tận thế. Vật chất, sức khỏe, nhan sắc… có thể hao mòn theo năm tháng, nhưng niềm tin, tình yêu, kết nối, sự khát khao, nỗ lực cống hiến và lòng nhiệt thành vẫn sẽ luôn còn mãi”. (Banker tự truyện – Dương Hằng). 

Nếu không phải là một tác giả có nhân sinh quan sâu sắc, một tư chất thông minh và say mê với nghề, đã trải qua nhiều thăng trầm đến vậy, khó có thể nhớ và ghi nhận rất nhiều mảnh ghép với những chi tiết nhỏ nhặt đời thường. Đời thường nhưng không tầm thường, bởi lẽ những câu chuyện của Banker tự truyện chứa đựng rất nhiều đạo lý và cách hành xử nhân văn trong đó.  

2. Không phải là một cuốn sách có thể đọc vội

Chỉ gói gọn trong khoảng gần 300 trang với năm chương chính, nhưng Banker tự truyện hoàn toàn không phải là cuốn sách có thể đọc vội. Khác với tiểu thuyết tình cảm hay những sách chuyên môn mang tính hàn lâm, Banker tự truyện vốn là một sản phẩm mang tính giáo dục cao, bên cạnh đó vẫn lắng đọng những xúc cảm thâm trầm, lặng lẽ. Bởi vậy, đọc Banker tự truyện nên đọc chậm. Đọc chậm để thong dong kết nối với cuộc đời, để sự liên tưởng và những trải nghiệm dẫn đường, mang ta đến với mảnh đất của những triết lý sống và những bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá. 

“Winston Churchill – Cựu Thủ tướng Vương quốc Anh đã từng nói rằng: “Ta sống bằng thứ ta thu được, nhưng ta tạo ra cuộc đời bằng thứ ta cho đi” (We make a living by what we get, but we make a life by what we give). Hãy trân trọng tất cả những người ta gặp gỡ trong cuộc sống, trong bất kỳ hoàn cảnh nào!” (Banker tự truyện – Dương Hằng)

“Điều tối quan trọng trên cuộc đời này là tìm thấy chiếc đòn bẩy của mình, tác động vào đó nhiều nỗ lực, niềm tin, sự khao khát, kiên trì và nắm bắt lấy cơ hội tiến tới thành công…Dù xuất phát điểm thế nào thì ai cũng có cơ hội thành công và tỏa sáng nếu biết từng bước nỗ lực hoàn thiện và phát triển bản thân, hướng tới những giá trị cao đẹp trong công việc và cuộc sống”  (Banker tự truyện – Dương Hằng)

3.  Người trẻ thấy gì khi đọc Banker tự truyện

Câu chuyện định hướng nghề nghiệp luôn là chủ đề quan trọng bậc nhất của giới trẻ. Học gì và làm gì trước ngưỡng cửa cuộc đời? Sự lựa chọn nào là đúng đắn để các bạn có thể thỏa sức vẫy vùng hay khép mình chịu trận? Banker tự truyện cho độc giả thấy nghề ngân hàng không phải nghề dành cho những người “yếu bóng vía”, cũng không phải nghề có thể “cưỡi ngựa xem hoa”. Đó là một môi trường làm việc đầy vinh quang nhưng vô cùng khắc nghiệt, rủi ro và cám dỗ, hôm nay một Banker có thể có tất cả, sau một đêm đã trở thành tội phạm. 

Nếu trải nghiệm hết Banker tự truyện, các bạn trẻ sẽ có cảm giác như mình được một lần sống đời sống của Banker. Họ hiểu được con đường mình sắp đi qua phải trang bị những gì, đối mặt với những áp lực nào, cần phải kiên định và tuân thủ nguyên tắc gì để giữ mình trước sức mạnh của đồng tiền, rủi ro của nghề nghiệp. Dương Hằng như một người thầy đưa cho các bạn trẻ nguyên liệu để họ tự quyết định hình hài, số phận sự nghiệp của mình. 

4. Nhà quản lý thấy gì khi đọc Banker tự truyện

“Lãnh đạo vừa là ngọn đèn dẫn lối, vừa là tấm gương cho nhân viên noi theo và cần lắm nhãn quan sâu rộng để có thể nhìn thấu mọi vấn đề. Điều giản đơn có thể bắt đầu chính là lắng nghe một cách thấu cảm, thực sự gần gũi và luôn dang tay đón nhận chia sẻ của bất kỳ nhân viên nào” (Banker tự truyện – Dương Hằng),

Câu chuyện “đồng phục có đơn giản chỉ là bộ áo quần” là một trích đoạn khá thú vị. Ở đó không những có bài học cho cô nhân viên thử việc mà còn là một gợi ý thông minh cho các CEO khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Đôi khi, đào tạo hội nhập nhân viên mới không cần những quy định cứng nhắc, hãy để chính đồng nghiệp và những giá trị văn hóa sẵn có định hướng hành vi của họ. 

Bên cạnh đó, góc tuyển dụng, góc bổ nhiệm, góc điều chuyển nhân sự,…tất cả đều ấm áp ánh sáng của lòng nhiệt thành, sự nghiêm túc, kiên trì trong công việc của tác giả Dương Hằng: “Tôi đã từng ngồi trước bao nhiêu ứng viên, nhìn sâu vào mắt họ để cảm nhận sự miễn cưỡng hay nỗi khát khao để có một việc làm đúng với tâm nguyện của mình. Mỗi lần như vậy, trong lòng trào dâng một cảm xúc có tả, giống như một nút chạm tới tâm hồn của những con người cùng chung sứ mệnh” (Banker tự truyện – Dương Hằng)

“Mỗi người có những động lực khác nhau và thay đổi theo từng thời điểm. Nếu người lãnh đạo có thể nắm bắt được điều này thì có thể tạo được động lực bên ngoài cho nhân viên một cách tốt hơn…Thể hiện sự ghi nhận đúng mực hay trao cơ hội phù hợp chính là thúc đẩy nhiệt huyết, phát huy tối đa tiềm năng của mỗi nhân viên – những mảnh ghép làm nền một tổ chức trọn vẹn, bền vững”. (Banker tự truyện – Dương Hằng)

Hay đôi khi là những phút nặng lòng vì một trải nghiệm buồn đã đến trong cuộc đời: “Mặc dù có cả ngàn nhân viên nhưng ai nấy đều có một ngăn trong trái tim nhỏ bé của tôi. Trái tim nhiều ngăn mang đến cho tôi niềm vui và sự tự hào to lớn. Tuy nhiên trong đó có hai ngăn cá biệt mà tôi chỉ muốn xóa đi mãi mãi” (Banker tự truyện – Dương Hằng)

Lời kết: “Những điều nhỏ to viết trong cuốn sách này được bước ra từ câu chuyện thực tế của chính tôi và đồng nghiệp. Đây không phải là bức tranh toàn cảnh về ngành ngân hàng Việt Nam từ xưa tới nay, mà giống như những thước phim đầy sống động về một phần cuộc đời những con người đứng sau thành công và ánh hào quang ngân hàng” (Banker tự truyện – Dương Hằng). Banker tự truyện thực sự đã mang đến cho độc giả những trải nghiệm vô cùng đáng quý để một lần nữa được sống với thanh xuân, với nông – sâu của đời người và nhận ra thành công hay thất bại trong cuộc đời phần lớn đều do ta chọn lựa.  

ĐẶT MUA SÁCH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *