Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi là cuốn sách được viết bởi thiền sư Thích Nhất Hạnh. Cuốn sách cho biết chúng ta được tạo ra từ nước, không khí, đất, cát bụi… Khi chết đi chúng ta cũng trở về với mẹ thiên nhiên. Khi sinh ra chúng ta đã không có gì vậy thì lúc ra đi chúng ta cũng chẳng có gì. Nếu đã không diệt, không sinh vậy chúng ta còn sợ hãi điều gì?

Photo Internet

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh có tên khai sinh là Nguyễn Đình Lang, sau đổi thành Nguyễn Xuân Bảo. Sinh ngày 10 tháng 11 năm 1926, tại Thừa Thiên Huế. Ông là một thiền sư, giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội và nhà hoạt động hòa bình người Việt Nam. Đồng thời cũng là người sáng lập tông phái Truyền thống Làng Mai, cha đẻ của phương pháp chánh niệm.

Ông đã xuất bản trên 100 cuốn sách, trong đó có hơn 70 cuốn bằng tiếng Anh. Các bài giảng trong các tạp chí Mindfulness Bell của Dòng tu Tiếp Hiện. Một số tác phẩm rất được bạn đọc yêu thích như: Phép lạ của sự tỉnh thức, Đường xưa mây trắng, Từng bước nở hoa sen, Giận, Tâm tình với đất mẹ, Hướng đi của đạo bụt cho hòa bình và sinh môi,…

Photo by Peter Kramer/Getty Images

Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi

Không diệt, không sinh đừng sợ hãi gồm 219 trang và 9 chương. Cuốn sách chứa đầy một tầm nhìn nhìn sâu vào bản chất sinh, tử. Đưa ra một cái nhìn thoải mái giúp chúng ta tìm thấy chính mình trong đó. 

Ta từ đâu tới, ta đi về đâu?

Nhà khoa học người Pháp, ông Lavoisier đã từng nói: “Không có gì được sinh ra, cũng không có gì mất đi.” Dù không thực hành đạo Bụt, nhưng nhà khoa học ấy đã tìm ra chân lý giống như Bụt. Bản chất thực của chúng ta là bản chất không sinh không diệt. Chỉ khi nào chạm được vào bản chất chân thực đó, chúng ta mới chuyển đổi được nỗi sợ hãi mình không hiện hữu.

Nỗi sợ hãi lớn lao nhất của chúng ta là khi chết, chúng ta sẽ trở thành không. Bụt dạy không có sinh, không có diệt. Không tới cũng không đi, không giống nhau cũng không khác nhau. Không có cái ngã thường hằng cũng không có hư vô. Đó là sự giải thoát. 

Cái sợ đích thực

Tất cả các giáo pháp chính thống của đạo Bụt đều có ba yếu tố căn bản gọi là Tam pháp ấn. Ba dấu ấn đó là vô thường, vô ngã và Niết bàn. 

  1. Vô thường có nghĩa là mọi sự đều thay đổi, không có sự vật nào bất biến trong hai thời điểm nối tiếp nhau. Vì nó thay đổi mỗi phút giây, nên chúng ta không thể mô tả một cách chính xác là lúc này nó giống hay khác với lúc trước đây.
  2. Vô ngã cũng có nghĩa là trống rỗng, một thuật ngữ trong Phật giáo có nghĩa là không có tự tánh độc lập.
  3. Niết bàn là không vướng vào một ý tưởng, ý niệm kể cả ý niệm về thường hay vô thường.

Chuyển hóa khổ đau và sợ hãi 

Khi thực tập nhìn sâu, bạn sẽ nhìn thấy bản chất không sinh – không diệt, không có – không không, không đến – không đi, không giống cũng không khác. Khi nhìn được như thế, bạn sẽ được tự do, không sợ hãi là niềm vui tuyệt đối. Khi bạn giác ngộ về cái sợ là bạn được tự do. Và giống như các bậc đại nhân, bạn sẽ bình thản cưỡi trên sóng sinh tử.

Bắt đầu lại

Ta cũng cần hỏi: “Nếu Jesus không sinh ra thì làm sao Ngài chết đi được? Dù cho bị đóng đinh, nhưng Ngài có ngừng hiện hữu không? Và Jesus có cần phục sinh không?” Bản chất thật của Ngài là vô sinh bất diệt. Chúng ta không được sinh ra mà cũng không chết đi. Theo giáo pháp và trong các lý giải Phật giáo, chúng ta đều có chung nhau bản chất vô sinh bất diệt. Không chỉ loài người mà các loài vật, cây cỏ và đất đá cũng có cùng bản thể đó. 

Địa chỉ của hạnh phúc

Chỉ khi có tự do người ta mới có hạnh phúc. Số lượng hạnh phúc bạn có tùy thuộc vào số lượng tự do mà bạn có trong tâm. Đây không phải là tự do chính trị. Tự do là sự vượt thoát khỏi những tiếc nuối, sợ hãi, lo âu và buồn phiền. “Đã về, đã tới, bây giờ, ở đây.” Ngay cả khi không âu lo, bạn cũng không thể có hạnh phúc nếu bạn không vững chãi, thảnh thơi. Nuôi dưỡng sự vững chãi và thảnh thơi là món quà quý nhất chúng ta có thể tự cho mình.

Tiếp tục biểu hiện 

Chúng ta chuyển hóa và tiếp tục biểu hiện ở những hình thái khác vào mọi lúc. Nếu mỗi ngày bạn tập đi ra ngoài theo chiều rộng và tái sinh trong mỗi giây phút, thì bạn có thể tìm được bạn của tương lai trong bình diện rộng đó. Tập nhìn sâu như thế, những tiếc nuối, tự ti nơi bạn sẽ được chuyển hóa. Bạn sẽ có nguồn năng lượng mới, không chỉ tỏa sáng trong quá khứ mà còn tỏa sáng trong thời hiện tại và tương lai nữa.

Sợ hãi, chấp nhận và tha thứ

Phép thực tập địa xúc (lạy xuống sát đất) có thể giúp ta tiếp xúc được với bản chất vô sinh bất diệt. Địa xúc là phép thực tập rất sâu có thể giúp ta chuyển hóa sợ hãi, nghi ngờ, thiên kiến và giận dữ. Thực tập phép này một ngày kia bạn sẽ tiếp xúc được với bản chất vô sinh bất diệt. Và từ lúc đó bạn sẽ dứt hẳn được các mối lo sợ. Bạn sẽ trở thành con người cưỡi trên sóng sinh tử một cách oai phong vì bạn không còn bị sợ hãi và phiền giận lay động nữa.

Sống cạnh người hấp hối 

Khi bạn sắp chết, có lẽ bạn không tỉnh thức gì mấy về cái thân mình. Bạn bị kẹt vào ý tưởng là khi thân đó chết thì bạn cũng bị diệt. Vì vậy mà bạn sợ hãi, sợ trở thành hư vô. Sự hoại diệt của cái thân người không thể đụng tới bản chất thật sự của người đó. Cái thân này chỉ là một biểu hiện, như đám mây. Khi đám mây không còn là mây nữa, nó cũng không mất đi đâu hết. Nó không trở thành hư không mà chỉ chuyển hóa ra thành mưa mà thôi. Vậy thì ta không nên đồng hóa ta với cái thân này. “Thân này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào nơi thân ấy. Tôi là sự sống thênh thang.”

Ý nghĩa của “Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi”

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng nói: “Nỗi sợ hãi lớn nhất của chúng ta là chúng ta sẽ chẳng là gì khi chết đi. Nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta không còn tồn tại khi chết, chúng ta đã không nhìn sâu vào bản thân mình.” Có thể sống mỗi ngày mà không sợ điều gì xảy ra khi chúng ta chết. Chúng ta là ai, tồn tại sống như thế nào, có thể chiến thắng nỗi sợ hãi của mình để sống một cuộc sống tự do và hạnh phúc hơn. Thông qua những câu chuyện và những lời dạy sáng suốt, Thích Nhật Hạnh chỉ ra cách sống một cuộc sống hạnh phúc hơn, không còn sợ hãi. 

Nhân duyên đầy đủ thì sự vật biểu hiện ra chứ không phải sinh ra. Sinh là từ không mà trở thành có. Nhân duyên thiếu thì nó ẩn tàng, ta không thấy nó nhưng không có nghĩa là nó không hiện hữu. Cũng vậy, sinh ra và chết đi chỉ là những ý niệm do nhận thức. Thực tại vượt ra khỏi ý niệm sinh diệt. Lúc chết không phải là lúc ngừng mọi sự, mà chính là lúc tiếp tục biểu hiện dưới một hình thức khác. Khi hiểu được như thế, người ta không còn sợ chết nữa.

Kết

Cái chết thực ra không quá đáng sợ, chúng ta cũng hiểu được rằng những người đã khuất đang hiện diện bên ta, đang thôi thúc ta sống cuộc đời sao cho trọn vẹn. Hy vọng rằng trong những lúc bị tổn thương hay sợ hãi, “Không diệt không sinh đừng sợ hãi” sẽ là liều thuốc chữa lành cho trái tim cũng như tầm hồn bạn.

ĐẶT MUA SÁCH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *