Nhà thơ Chế Lan Viên – một trong những cây bút tiêu biểu của nền thơ ca Việt Nam, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc bằng những tác phẩm giàu tính triết lý và chất thơ sâu lắng. Hãy cùng DIMIBOOK khám phá về cuộc đời và những nét đặc trưng trong phong cách thơ của ông trong bài viết này nhé.

Tiểu sử nhà thơ Chế Lan Viên

Chế Lan Viên (14/1/1920 – 24/1/1989), tên khai sinh là Phan Ngọc Hoan. Ông được sinh ra tại xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Vào năm ông 7 tuổi, cả nhà ông chuyển vào Bình Định sinh sống, nên ông dùng các bút danh Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Mai. Ông lớn lên và theo học tại Quy Nhơn. Sau khi đỗ bằng Thành Chung thì ông thôi học, tự đi dạy để kiếm sống. Có thể nói rằng, Quy Nhơn, Bình Định là quê hương thứ hai của tác giả Chế Lan Viên, nơi đã để lại những dấu ấn không thể xoá nhoà trong tâm hồn của người thi sĩ tài ba này.

Chế Lan Viên

Thi sĩ Chế Lan Viên bắt đầu con đường sáng tác thơ ca từ năm 17 tuổi và ông đã để lại nhiều tập thơ ấn tượng trong lòng các độc giả. Với tập thơ đầu tay “Điêu tàn” năm 17 tuổi, Chế Lan Viên đã thể hiện lòng xót xa khi Đế Chế Chiêm Thành đang ngày một điêu tàn. Cùng với sự thương xót tột cùng, ông đã lấy họ Chế để đặt bút danh cho bản thân. Ông xót thương cho một triều đại đã từng là “Giặc phương Nam” của nước Việt ta với các Thủ lĩnh như Chế Củ, Chế Bồng Nga,… Từ đây, cái tên Chế Lan Viên trở nên một trong những cái tên nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Yến Lan và Quách Tấn được người đương thời mệnh danh là “Bàn thành tứ hữu” của Bình Định. Bên cạnh “Điêu tàn”, ông còn được biết đến với nhiều tập thơ khác như: Sau điêu tàn, Gửi các anh, Ánh sáng và phù sa,…..

Ngoài sự nghiệp thành công, tác giả Chế Lan Viên còn có một gia đình hạnh phúc với vợ là nhà văn Vũ Thị Thường và con gái là nhà văn Phan Thị Vàng Anh.

Sự nghiệp và cảm hứng sáng tác của Chế Lan Viên

Thơ của Chế Lan Viên để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc bằng những tác phẩm giàu chất triết lý và mang đậm tính nhân văn. Sự nghiệp văn chương của ông là một hành trình sáng tạo không ngừng nghỉ, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử văn học Việt Nam với những đặc trưng riêng biệt.

Sự nghiệp văn chương của Chế Lan Viên

Năm 1939, Chế Lan Viên bắt đầu ra dạy học tại Hà Nội. Sau đó, ông chuyển vào Sài Gòn làm báo và tiếp tục chuyển ra Thanh Hoá để dạy học. Vào những năm Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Tác giả Chế Lan Viên đã tham gia vào phong trào Việt Minh tại Quy Nhơn. Sau đó, ông lại di chuyển ra Huế để tham gia Đoàn xây dựng cùng với Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh và Đào Duy Anh. Trong thời kỳ kháng chiến, ông làm biên tập cho các tờ báo Cứu Quốc, Quyết thắng và Kháng chiến. Vào tháng 7 năm 1949, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương khi tham gia chiến dịch Tà Cơn-đường 9 tại Quảng Trị. Sau đó vào năm 1954, ông lại tập kết ra Bắc làm biên tập viên cho trang báo Văn học.

Từ 1956 đến 1958, Chế Lan Viên làm việc tại phòng văn nghệ, Ban tuyên huấn trung ương. Tuy nhiên, vào cuối năm 1958 ông lại quay trở lại làm biên tập viên cho tuần báo Văn học. Kể từ năm 1963, Chế Lan Viên là uỷ viên thường vụ và uỷ viên ban thư ký Hội nhà văn Việt Nam. Ông cũng là đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong các khóa IV, V và VI và là ủy viên Ban văn hóa – giáo dục của quốc hội.

Chế Lan Viên

Bên cạnh sự nghiệp đời thường đầy lừng lẫy của ông, sự nghiệp văn học của ông cũng đồ sộ, to lớn không kém. Ông vẫn còn để lại một kho tàng thơ ca khổng lồ cho con cháu đời sau. Bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi nhưng đến tận năm 17 tuổi với bút danh Chế Lan Viên, ông mới thực sự để lại một dấu ấn khó quên với tập thơ “Điên tàn”. Sau đó, vào năm 1943, ông cho ra đời một tập văn đầy triết luận về cuộc đời với màu sắc huyền bí, siêu hình – tập văn “Vàng sao”. Sau khi tham gia kháng chiến, ông chuyển dần về đề tài kháng chiến, trường phái hiện thực cùng với những bài thơ nổi tiếng như: Người đi tìm hình của nước, Đất nước ta,…. 

“…Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương

Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp
Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn

Trăm cơn mơ không chống nổi một đêm dày
Ta lại mặc cho mưa tuôn và gió thổi
Lòng ta thành con rối
Cho cuộc đời giật dây

Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê
Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ
Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ
Tìm đường đi cho dân tộc theo đi…”

Trích “Người đi tìm hình của nước” – Chế Lan Viên

Trong suốt cả cuộc đời sự nghiệp văn học của Chế Lan Viên, ông đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam một khối lượng tác phẩm đồ sộ. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông như:

  • Điêu tàn
  • Gửi các anh
  • Hoa trước lăng Người
  • Ta gửi cho mình
  • Tuyển tập thơ Chế Lan Viên
  • Vàng sao
  • Bác về quê ta
  • Tiếng hát con tàu
  • Nói chuyện thơ văn

Cảm hứng sáng tác của Chế Lan Viên

Cảm hứng sáng tác của Chế Lan Viên là một dòng chảy đa dạng, được nuôi dưỡng bởi những trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời, lịch sử và con người.

Trước cách mạng tháng 8, khi phong trào thơ mới dâng cao, Chế Lan Viên là một “đóa hoa Lan” đặc biệt tỏa sắc giữa vườn hoa thi nhân lãng mạn. Thơ ông mang đậm phong cách hoài cổ, u sầu và cả… kinh dị. Bởi cuộc sống của ông lúc bấy giờ gắn liền với mảnh đất Quy Nhơn, Bình Định – nơi nhà thơ đã cảm nhận được những dấu tích điêu tàn của Chiêm Quốc. 

Chính từ đó, cảm hứng thơ ca của ông bắt nguồn từ thực tại cuộc sống, từ những câu chuyện linh thiêng, những truyền thuyết về một đất nước xa xôi mà ông được nghe kể. Ta có thể dễ dàng nhìn thấy những chứng tích của một nền văn minh bị mai một theo thời gian và sự buồn thương, nuối tiếc trong thơ ông lúc bấy giờ.

Sau cách mạng tháng 8, cuộc đời thơ ca của Chế Lan Viên đã chịu ảnh hưởng lớn bởi cuộc cách mạng dân tộc. Theo tiếng gọi của Tổ Quốc, cảm hứng thơ ca của ông gắn liền với đời sống kháng chiến anh hùng, gian khổ và sự hy sinh quả cảm của nhân dân ta.

“Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc
Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng
Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất
Nay rạt rào đã chín trái đầu xuân

Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường
Con đã đi nhưng con cần vượt nữa
Cho con về gặp lại mẹ yêu thương

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa

Con nhớ anh con, người anh du kích
Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn
Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách
Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con…”

Trích “Tiếng hát con tàu” – Chế Lan Viên

Sau kháng chiến chống Pháp, đất nước ta kiêu hãnh giành được độc lập, bước vào thời kì xây dựng chủ nghĩa Xã Hội ở miền Bắc, Chế Lan Viên hòa mình vào cuộc sống mới với niềm vui và hân hoan từ tận đáy lòng. Trong niềm hạnh phúc lớn lao sau những năm dài kháng chiến chống giặc ngoại xâm, hơn ai hết ông thấu hiểu được nỗi khổ đau và vất vả của dân tộc và trân trọng hơn những ngày tháng hiện có. Bởi vậy trong giai đoạn này, cuộc sống với niềm vui và hạnh phúc chính là cảm hứng để ông sáng tác thơ ca. Thơ ca của ông mang đậm tình yêu quê hương đất nước, ta có thể thấy niềm vui sướng như tràn ra qua từng câu chữ.

Trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Tổ Quốc tươi đẹp và dân tộc anh hùng là cảm hứng chủ đạo của Chế Lan Viên, ông muốn dùng vần thơ, con chữ để góp công cho đời, cho đất nước: “Ta muốn thơ ta thành hầm chông giết giặc/ Thành một nhành hoa má mắt cho đời”. Đối với ông những năm tháng đánh Mỹ, là những năm tháng rực rỡ, huy hoàng nhất của Tổ Quốc, của nhân dân. Bởi vậy thơ ông là cả một bầu trời tự hào, hãnh diện, là ánh sáng rực rỡ và tràn đầy sức sống.

Đặc trưng về phong cách viết và chủ đề chính

Phong cách thơ của Chế Lan Viên nổi bật với sự kết hợp hài hòa giữa lý trí và cảm xúc. Thơ ông không chỉ là tiếng lòng của một cá nhân mà còn là những suy ngẫm sâu sắc về cuộc đời, về con người và xã hội. Ông thường sử dụng những hình tượng giàu tính biểu tượng, những câu hỏi triết lý để khám phá những vấn đề lớn của nhân sinh. Ngôn ngữ thơ của ông vừa giàu chất nhạc, vừa mang tính triết lý, tạo nên một âm hưởng độc đáo, khó lẫn. 

Đặc biệt, thơ Chế Lan Viên luôn có sự biến đổi qua các giai đoạn sáng tác, từ những hình ảnh u ám, hoang tàn trong giai đoạn đầu đến những hình tượng lạc quan, tin tưởng vào tương lai trong giai đoạn sau. Chính sự đa dạng và sâu sắc ấy đã đưa thơ Chế Lan Viên trở thành một trong những đỉnh cao của thơ ca Việt Nam hiện đại.

“…Nay ta hồi sinh cho cây chò đại thụ ngàn năm
Nay voi xa về uống lại Bạch Đằng
Nay xẻ vạn ngọn núi che trời làm bước tiến
Chỗ ngất trời là chỗ sẽ hành quân.
Nay múa sạp, xòe hoa với những gót hồng,
Mùa vui sao năm lúa chín thơm đồng
Hạt lúa mới gửi Người đi tuyến lửa
Có câu chèo điệu hát nằm trong…”

Trích “Ngoảnh về Pắc Bó” – Chế Lan Viên

Chủ đề sáng tác của Chế Lan Viên xoay quanh những vấn đề lớn của cuộc đời, con người và xã hội. Ông thường hướng tới những câu hỏi triết lý về sự sống, cái chết, ý nghĩa tồn tại, và tìm kiếm câu trả lời qua những hình tượng thơ độc đáo. Bên cạnh đó, thơ ông còn phản ánh sâu sắc những biến động của lịch sử, những vấn đề xã hội, và tình cảm con người. Từ những nỗi niềm u buồn, cô đơn trong “Điêu tàn”, đến niềm tin vào tương lai tươi sáng trong “Người cầm lái”, thơ Chế Lan Viên luôn mang đậm dấu ấn cá nhân nhưng đồng thời cũng phản ánh chung những tâm tư, nguyện vọng của một thế hệ.

Một số thành tựu nổi bật của nhà thơ Chế Lan Viên

Chế Lan Viên là một trong những nhà thơ lớn của Việt Nam. Ông đã để lại dấu ấn sâu đậm trong nền văn học nước nhà. Ông được đánh giá cao về sự sáng tạo, phong phú trong hình tượng và tư tưởng. Ông đã có những thành tựu to lớn trong nền văn học thơ ca của nước nhà. Ông là một trong những nhà thơ tiên phong trong việc đổi mới thơ ca Việt Nam. Ông đã phá vỡ những khuôn mẫu cũ của thơ ca, đem lại những hơi thở mới, luồng gió mới cho thi ca Việt Nam.

Một số thành tựu nổi bật của nhà thơ Chế Lan Viên

Ông đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ cho độc giả Việt Nam với những tập thơ nổi tiếng như:

  • Điêu tàn
  • Gửi các anh
  • Ánh sáng và phù sa
  • Hoa ngày thường – Chim báo bão
  • Tình ca ban mai
  • Người đi tìm hình của nước
  • Tiếng hát con tàu

Cùng với những đóng góp to lớn của ông cho nền văn học nước nhà, ông đã được nhận nhiều giải thưởng lớn. Đặc biệt vào năm 1996 Chế Lan Viên được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

Chiêm nghiệm tác phẩm của Chế Lan Viên

Khi đọc những vần thơ của Chế Lan Viên, độc giả như được bước vào một thế giới đầy triết lý và cảm xúc sâu lắng. Qua những áng thơ ca của ông, chúng ta được cùng suy ngẫm về cuộc đời, về con người và xã hội, tìm kiếm những câu trả lời cho những câu hỏi lớn về sự sống và cái chết. Chúng ta không chỉ được thưởng thức vẻ đẹp của ngôn ngữ mà còn được nuôi dưỡng tâm hồn, nâng cao tầm hồn. Hơn thế nữa, chúng ta còn có thêm những hiểu biết về quá khứ của dân tộc Việt Nam ta qua nhiều thời kỳ khác nhau. 

Xem thêm:

Thơ của Chế Lan Viên không chỉ là những vần thơ, mà còn là những ngọn hải đăng soi sáng tâm hồn độc giả. Qua những trang viết của ông, chúng ta tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc, được khơi gợi những suy tư về cuộc sống, về con người và xã hội. Chế Lan Viên đã để lại một di sản văn học quý báu, tiếp thêm động lực cho nhiều thế hệ độc giả, khơi dậy trong họ tình yêu với thơ ca và niềm tin vào cuộc sống. 


Thưởng thức trọn vẹn tác phẩm qua đường link mua sách phía dưới để ủng hộ DIMI BOOK tiếp tục tạo ra những nội dung chất lượng và phong phú nhé! Chân thành cảm ơn Quý độc giả đã yêu mến!

Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Xem sách chi tiết Chế Lan Viên - di cảo thơ tại đây

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ZaloGọi điệnFacebook