Huy Cận là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thi ca hiện đại Việt Nam, được biết đến với sự kết hợp tinh tế giữa triết lý sâu sắc và cảm xúc chân thành trong thơ ca. Nghệ thuật thơ của ông không chỉ thể hiện cái nhìn sâu rộng về thế giới và con người mà còn chạm đến những cung bậc cảm xúc sâu thẳm của tâm hồn.

Cuộc đời của nhà thơ đa tài Huy Cận 

Huy Cận có tên đầy đủ là Cù Huy Cận, sinh ngày 31 tháng 5 năm 1919 tại xã Hồng Linh, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam. Ông xuất thân trong một gia đình trí thức có truyền thống học vấn và yêu thích văn học.

Huy Cận đã được cha cho học chữ Hán từ khi còn bé và theo học tại quê nhà đến lớp bốn. Sau đó, ông chuyển lên Huế để sinh sống và học tập tại đó cho đến khi hoàn tất chương trình tú tài. Sau khi rời Huế, Huy Cận lên Hà Nội để theo học tại Trường Cao đẳng Canh nông. 

Huy Cận 

Trong thời gian học tập tại Hà Nội, ông sống tại phố Hàng Than và đã kết bạn với nhà thơ Xuân Diệu. Và tạo nên “Cặp bài trùng Xuân Diệu – Huy Cận thường được coi là cặp nghệ sĩ sáng giá nhất trong Thơ mới. Xuân Diệu thể hiện sự tươi trẻ, rất mới trong sáng tạo. Trong khi đó, Huy Cận khẳng định dấu ấn riêng với tiếng thơ trầm lắng, sâu sắc, gửi gắm nhiều nỗi niềm bâng khuâng, vui buồn của một hồn thơ đa cảm,” theo giáo sư Hà Minh Đức.

Huy Cận cũng gặp gỡ và kết bạn với nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng cùng thời của phong trào Thơ Mới, chẳng hạn như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên,… Ông cũng từng cộng tác với nhóm Tự Lực Văn Đoàn, một tổ chức văn học tiên phong trong việc đổi mới văn chương Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.

Đến tháng 8 năm 1945, Huy Cận là thành viên phái đoàn Chính phủ Lâm thời tiếp nhận lễ thoái vị của Vua Bảo Đại tại Kinh thành Huế. Cũng trong năm 45 ông trở thành Bộ trưởng Bộ Canh nông trong Chính phủ liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến cuối năm 1945, ông giữ chức Ủy viên Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ, sau đó là Thứ trưởng Bộ Văn hóa và Bộ trưởng đặc trách Văn hóa Thông tin.

Từ năm 1984, Huy Cận là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và vào tháng 6 năm 2001, ông được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ Thế giới.

Trong suốt những năm tháng tham gia cách mạng, dù bận rộn với các công tác chính trị và văn hóa, Huy Cận vẫn không ngừng sáng tác và cống hiến cho nền văn học Việt Nam. Thơ ông trong giai đoạn này không chỉ thể hiện lòng yêu nước và niềm tin vào tương lai mà còn mang âm hưởng của sự đổi mới và tinh thần dân tộc, góp phần khẳng định vị thế của thơ ca trong công cuộc cách mạng và xây dựng đất nước.

Cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Huy Cận là tấm gương sáng về lòng yêu nước và sự cống hiến không ngừng nghỉ cho sự phát triển của đất nước thời kỳ cận đại. Trên thi đàn văn học Việt Nam, Huy Cận được mệnh danh là một nhà thơ đa tài, không chỉ bởi sự phong phú trong sáng tác mà còn bởi những đóng góp đáng kể trong việc dịch thuật các tác phẩm kinh điển. 

Ông đã dịch nhiều tác phẩm thơ của các tác giả nổi tiếng, bao gồm các nhà thơ cổ điển Việt Nam như Cao Bá Quát, Ngô Thì Nhậm và Nguyễn Trãi. Bên cạnh đó, bằng dịch thuật, Huy Cận còn đưa các tác phẩm của những nhà thơ nước ngoài đến gần hơn với độc giả Việt Nam, như “thi thánh” Đỗ Phủ của Trung Quốc, Louis Aragon và Victor Hugo của Pháp, René Depestre của Haiti, và Rabindranath Tagore của Ấn Độ,… Sự nghiệp dịch thuật của ông đã góp phần làm phong phú thêm văn hóa văn học và giúp độc giả Việt Nam tiếp cận được những tinh hoa văn học thế giới.

Huy Cận 

Nhà thơ Huy Cận qua đời ngày 19 tháng 2 năm 2005 tại Hà Nội và được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch. Có thể nói Huy Cận là một nhà thơ và chính trị gia nổi tiếng, sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại trong thơ của ông đã tạo nên những tác phẩm sâu lắng và có sức ảnh hưởng lâu dài trong văn học Việt Nam.

Sự nghiệp văn học của Huy Cận

Sinh ra trong thời loạn, sự nghiệp văn học của Huy Cận có thể chia thành hai giai đoạn chính gắn liền với ba giai đoạn lịch sử của đất nước đó là: Giai đoạn đầu trước năm 1945 với phong trào Thơ Mới; Giai đoạn hai sau năm 1945 với cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và sau khi đất nước lập lại hòa bình.

Giai đoạn Phong trào Thơ Mới trước năm 1945

Trong giai đoạn này, Huy Cận là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ Mới – một phong trào văn học đổi mới thi ca Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Ông cùng với các nhà thơ khác như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, và Chế Lan Viên, đã tạo ra những bước đột phá trong cách viết thơ, phá vỡ những khuôn mẫu truyền thống và mở ra một hướng đi mới cho thơ ca Việt Nam.

Các tác phẩm của ông trong thời kỳ này thường phản ánh sự ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực, đồng thời thể hiện sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại trong văn học. Thơ của ông phản ánh nỗi buồn, sự cô đơn và những suy tư sâu sắc về thiên nhiên và cuộc sống. 

“Cái buồn Huy Cận là cái thương vô hạn hoá thành cái tủi vô cùng: ấy là thứ “hận sầu dài dặc lâu bền nó gieo hoạ trong lòng bọn thi sĩ”.

Trích lời tựa của Xuân Diệu trong tập “Lửa thiêng” in năm 1940.
sách lửa thiêng

Nghệ thuật trong thơ Huy Cận mở ra một không gian đa chiều, nơi sự hòa quyện giữa triết lý sâu sắc và cảm xúc chân thành tạo nên những tác phẩm đậm chất nghệ thuật và nhân văn. Những vần thơ của ông như là những dòng chảy tâm hồn, dẫn dắt người đọc qua các tầng lớp của suy tư và cảm xúc.

“Tràng giang” là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất cho phong cách sáng tác thơ mang đậm chất lãng mạn, trữ tình, và triết lý với đầy những ngôn ngữ hình tượng, tạo ra những bức tranh thiên nhiên sống động và giàu cảm xúc.

Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài.
Tặng Trần Khánh Giư

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

(Bài thơ “Tràng Giang” của Huy cận được sử dụng trong các chương trình SGK Văn học 11)

Ta thấy rõ sự tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời và sự lạc lõng trong thế giới hiện đại, phản ánh một tâm hồn nhạy cảm và trăn trở. Huy Cận khéo léo sử dụng hình ảnh và biểu tượng như biển cả, sông dài, không chỉ để miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên mà còn để biểu đạt sự rộng lớn và khát vọng vươn tới điều tốt đẹp.

Nắng chia nửa bãi; chiều rồi…
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau;
Em ơi! hãy ngủ… anh hầu quạt đây.
Lòng anh mở với quạt này;
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ru em sẵn tiếng thuỳ dương mấy bờ…
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ…

Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi…

(Bài thơ “Ngậm ngùi” của Huy Cận đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát cùng tên.)

thơ “Ngậm ngùi" của Huy Cận

Với khoảng hơn 100 bài thơ lẻ và hai tập thơ nổi tiếng “Lửa Thiêng” (1940), “Vũ Trụ Ca” (1942), Huy Cận đã phát triển một phong cách thơ trữ tình độc đáo. Sự kết hợp hài hòa giữa hình ảnh thiên nhiên và cảm xúc cá nhân ông để tạo nên những tác phẩm đầy sức gợi cảm và sâu lắng. Thơ của Huy Cận không chỉ đơn thuần miêu tả cảnh sắc mà còn là những dòng suy ngẫm về con người, số phận, và những trăn trở trước vũ trụ bao la.

Giai đoạn hai sau năm 1945 với cuộc đấu tranh thống nhất đất nước

Sau năm 1945, khi Việt Nam trải qua nhiều biến động lịch sử lớn, từ cuộc kháng chiến chống Pháp đến cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước, sự nghiệp văn học của Huy Cận cũng có những thay đổi đáng kể. Giai đoạn này chứng kiến sự chuyển mình của ông từ một nhà thơ lãng mạn thành một nhà thơ gắn bó với thực tiễn xã hội và cuộc sống thời chiến.

Sau Cách mạng tháng Tám thơ của Huy Cận chuyển hướng sang các vấn đề xã hội và chính trị. Ông trở nên gắn bó với thực tiễn xã hội, sáng tác nhiều tác phẩm phản ánh đời sống và khát vọng của nhân dân trong thời kỳ chiến tranh và xây dựng đất nước. Phong cách thơ của ông trở nên thực tiễn hơn, tập trung vào các chủ đề về cuộc sống và tương lai của dân tộc.

Với các tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng (1958)”, “Tập thơ vùng mỏ”, “Biển rộng sông dài”, “Đất nở hoa” (1960), “Hai bàn tay em” (1967) và “Hạt lại gieo” (1984) ta có thể thấy rõ sự thay đổi trong phong cách thơ của Huy Cận, ông sáng tác với một tâm hồn yêu nước nồng nàn và lạc quan. 

Thơ Huy Cận

Thơ Huy Cận trong giai đoạn này không chỉ thể hiện lòng yêu nước và niềm tin vào tương lai mà còn mang âm hưởng của sự đổi mới và tinh thần dân tộc, góp phần khẳng định vị thế của thơ ca trong công cuộc cách mạng và xây dựng đất nước. Ông chuyển từ sự tìm kiếm cái đẹp lãng mạn sang việc tôn vinh vẻ đẹp bình dị, đời thường, và tinh thần lao động của nhân dân.

Mặt trời xuống biển như hòn lửa,
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!

Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

Hồng Gai, 4-10-1958

(Trích đoạn hai khổ thơ đầu và khổ thơ cuối bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận)

Tinh thần dân tộc và lòng yêu nước thấm đẫm trong từng câu chữ của ông đã tạo nên những tác phẩm không chỉ phản ánh tâm tư cá nhân mà còn gắn bó mật thiết với vận mệnh của dân tộc. 

Dù có sự thay đổi trong phong cách và nội dung, Huy Cận vẫn giữ được sự sắc sảo và sâu lắng trong thơ ca của mình. Sự thay đổi này không chỉ phản ánh quá trình trưởng thành của Huy Cận trong tư tưởng và nghệ thuật mà còn thể hiện sự thích ứng của ông với những biến đổi lớn lao của đất nước qua các thời kỳ. 

Nghệ thuật thơ Huy Cận đi từ triết lý sâu sắc đến cảm xúc chân thành

Huy Cận có khả năng nắm bắt những vấn đề lớn lao của đời sống và thể hiện chúng một cách tinh tế qua ngôn từ và hình ảnh. Triết lý trong thơ Huy Cận không phải là những lý thuyết khô khan mà là những quan điểm sâu sắc, được truyền tải qua những bài thơ đầy sức gợi cảm.

Mặc dù thơ Huy Cận thường có yếu tố triết lý sâu sắc, nhưng không thể không nhắc đến cảm xúc chân thành, một đặc điểm quan trọng khác trong nghệ thuật thơ của ông. Cảm xúc trong thơ Huy Cận thường rất mộc mạc, gần gũi, và dễ gây xúc động cho người đọc. 

Ông có khả năng diễn tả những cảm xúc riêng tư một cách rõ ràng và chân thực, với thứ ngôn ngữ thơ vừa giàu hình ảnh, vừa ngân vang với âm điệu và nhạc tính, tạo ra một bản hòa ca đầy cảm xúc và sâu lắng. 

Thơ Huy Cận

Chẳng hạn, trong bài thơ “Áo trắng” của Huy Cận viết tặng nhà văn Nhất Linh (Bài thơ này đã được nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc thành bài hát cùng tên). 

“Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng.
Nở bừng ánh sáng. Em đi đến,
Gót ngọc dồn hương, bước toả hồng.

Em đẹp bàn tay ngón ngón thon;
Em duyên đôi má nắng hoe tròn.
Em lùa gió biếc vào trong tóc
Thổi lại phòng anh cả núi non.

Em nói, anh nghe tiếng lẫn lời;
Hồn em anh thở ở trong hơi.
Nắng thơ dệt sáng trên tà áo,
Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài.

Đôi lứa thần tiên suốt một ngày.
Em ban hạnh phúc chứa đầy tay.
Dịu dàng áo trắng trong như suối
Toả phất đôi hồn cánh mộng bay.”

Huy Cận không chỉ miêu tả vẻ đẹp của người con gái trong bài thơ mà còn kết hợp với hình ảnh thiên nhiên để tạo ra một không gian lý tưởng, nơi tình yêu và cảm xúc được hòa quyện hoàn hảo. Hình ảnh “Nắng thơ dệt sáng trên tà áo” không chỉ nói về ánh sáng mặt trời mà còn ám chỉ sự kết hợp giữa vẻ đẹp con người và vẻ đẹp của thiên nhiên.

Sự chân thành và gần gũi trong thơ của ông khiến cho mỗi tác phẩm như một cuộc trò chuyện thầm lặng với người đọc, đồng thời mở ra những cánh cửa để khám phá sự phong phú và đa dạng của tư tưởng và cảm xúc con người.

Tất cả những yếu tố này kết hợp lại đẫ tạo nên một phong cách thơ độc đáo, vừa mang tính triết lý sâu sắc, vừa gần gũi và có sức chạm đến trái tim người đọc. Thơ của Huy Cận trải qua từng giai đoạn, đều chứa đựng những giá trị sâu sắc và để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc. 

Xem thêm:

Huy Cận không chỉ là một nhà thơ tài năng mà còn là một nhà tư tưởng, một người gắn bó mật thiết với những thay đổi lớn lao của đất nước. Sự kết hợp giữa những giá trị nghệ thuật và tinh thần yêu nước trong thơ của ông đã tạo ra một di sản văn học độc đáo, tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ nhà văn và độc giả, khẳng định vị thế của ông trong lòng văn học Việt Nam.


Thưởng thức trọn vẹn tác phẩm qua đường link mua sách phía dưới để ủng hộ DIMI BOOK tiếp tục tạo ra những nội dung chất lượng và phong phú nhé! Chân thành cảm ơn Quý độc giả đã yêu mến!

Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Xem sách chi tiết Phong Cách Nghệ Thuật Thơ Huy Cận Qua Lửa Thiêng tại đây

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *