“Đừng vội, người đàn ông phù hợp cuối cùng cũng sẽ đến… Đôi khi người cuối cùng trên trái đất mà bạn muốn ở bên lại là người mà bạn không thể thiếu.”
(Trích tác phẩm “Kiêu hãnh và định kiến” )
“Kiêu hãnh và Định kiến” của Jane Austen được đánh giá là một kiệt tác văn học Anh thế kỷ 19, tác phẩm không chỉ nổi bật với câu chuyện tình yêu lãng mạn giữa Elizabeth Bennet và Mr. Darcy mà còn với sự phê phán sâu sắc về xã hội đương thời.
Với sự thông minh, hài hước và tài năng viết lách, Austen đã tạo ra những nhân vật sống động và câu chuyện đầy ý nghĩa, khiến “Kiêu hãnh và Định kiến” trở thành một tác phẩm văn học kinh điển khắc họa rõ nét những định kiến giai cấp, vai trò của phụ nữ và những áp lực hôn nhân trong xã hội trọng nam khinh nữ.
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Jane Austen – Tiểu thuyết gia viết cho phụ nữ Anh thời đại Regency
Jane Austen sinh năm 1775 và qua đời năm 1817, là một trong những nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất của Anh vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Austen bắt đầu viết từ khi còn trẻ, sáng tác ban đầu là những câu chuyện ngắn và tiểu thuyết chưa hoàn chỉnh. Trong suốt cuộc đời, Austen dành toàn bộ thời gian của mình cho niềm đam mê văn học và không bao giờ kết hôn và sống tại nông thôn một cách yên bình.
Vào thời đại Regency đó, vai trò lý tưởng của một người phụ nữ là làm vợ và làm mẹ; việc một người phụ nữ muốn trở thành một nhà văn toàn thời gian được coi là đang hạ thấp nữ tính của mình, vì vậy sách của Jane Austen thường được xuất bản ẩn danh. Mặc dù không nổi tiếng khi còn sống, nhưng các tác phẩm của bà cũng đã trở thành tác phẩm kinh điển vượt thời gian, được giới phê bình và yêu thích trong hơn hai thế kỷ sau khi bà qua đời.
Jane Austen không chỉ nổi tiếng với những tác phẩm văn học tình yêu và hôn nhân mà còn là những nhận xét tinh tế về kinh tế, địa vị xã hội và sự mong manh của hạnh phúc cá nhân trong bối cảnh xã hội đó. Bằng cách kết hợp tinh tế giữa hài hước và châm biếm, bà đã tạo nên những câu chuyện hấp dẫn, sâu sắc và đậm chất nhân văn, đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác giả văn học hiện đại.
Các tác phẩm của bà đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ, chuyển thể thành phim, phim truyền hình và kịch sân khấu, mang lại sự phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới. Một số tác phẩm nổi tiếng của Jane Austen bao gồm: Kiêu Hãnh và Định Kiến (Pride and Prejudice ), Lý Trí và Tình Cảm (Sense and Sensibility), Emma, Mansfield Park, Tu viện Northanger (Northanger Abbey), Thuyết Phục (Persuasion),…
Câu chuyện tình lãng mạn trong “Kiêu hãnh và định kiến”
“Kiêu hãnh và định kiến” (tựa gốc tiếng Anh: “Pride and Prejudice”) được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1813, là một trong những tác phẩm lãng mạn vĩ đại nhất nhất của nhà văn Anh Jane Austen. Cho đến nay, tác phẩm này vẫn là nguồn cảm hứng dồi dào cho nhiều thế hệ nhà văn trẻ tuổi khắp thế giới.
“Kiêu hãnh và định kiến” xoay quanh câu chuyện tình yêu Elizabeth Bennet – một cô gái thông minh, độc lập và Fitzwilliam Darcy – chàng quý tộc kiêu hãnh nhưng tốt bụng. Câu chuyện lấy bối cảnh ở vùng nông thôn nước Anh vào đầu thế kỷ 19, khi mà việc kết hôn là một vấn đề quan trọng và được coi là cơ hội để giữ vững cơ ngơi hay cải thiện hoàn cảnh gia đình.
“Có một triết lý hiển nhiên và quen thuộc là một anh chàng đơn thân giàu có hẳn phải cần một người vợ.
Điều này ăn sâu vào tâm thức của các gia đình đến nỗi hễ một người đàn ông như vậy chuyển đến cư ngụ trong vùng của họ thì dù chưa hiểu rõ về cảm nhận hay quan điểm của anh ta, họ cũng tin tưởng rằng người đàn ông này sẽ cưới một cô con gái của mình.”
(Trích đoạn mở đầu tác phẩm “Kiêu hãnh và định kiến” )
Câu chuyện bắt đầu khi hai quý ông giàu có Bingley và Darcy, đến định cư tại vùng Longbourn, gần gia đình Bennet. Cả hai nhân vật chính Elizabeth và Darcy dù có tình cảm với nhau, nhưng ở họ đều có những sự kiêu hãnh riêng khiến họ có những đánh giá sai lầm về nhau. Cùng với đó những định kiến về giai cấp, gia đình và địa vị xã hội cũng góp phần làm cho mối quan hệ của cặp đôi trở nên gay gắt hơn. Trong khi đó, Mr. Collins – người thừa kế gia tài của Longbourn, đến để tìm vợ và quyết định theo đuổi Elizabeth, tuy nhiên cô từ chối lời cầu hôn của Mr. Collins.
Trải qua nhiều thử thách và hiểu lầm, Darcy chứng minh mình là người đàn ông tốt bụng, hào hiệp, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác, trong khi Elizabeth cũng bớt kiêu hãnh và nhìn nhận Darcy một cách khách quan hơn: “Tôi có thể dễ dàng tha thứ cho sự kiêu hãnh của anh ấy, nếu anh ấy không làm nhục sự kiêu hãnh của tôi.” (Elizabeth Bennet). Cuối cùng cả hai đã cùng nhau vượt qua những hiểu lầm và định kiến của xã hội để đến với nhau. Câu chuyện kết thúc với hạnh phúc cho các cặp đôi và giải quyết các mâu thuẫn gia đình.
“Kiêu hãnh và Định kiến” – Bức tranh về xã hội Anh thế kỷ 19
Thật vậy, tác phẩm “Kiêu hãnh và Định kiến” không chỉ là một câu chuyện tình yêu lãng mạn mà còn là bức tranh chân thực về xã hội Anh thế kỷ 19, với những định kiến về giai cấp, vai trò của người phụ nữ và hôn nhân. Jane Austen khéo léo sử dụng câu chuyện của Elizabeth Bennet và Mr. Darcy để phơi bày những bất công và hạn chế mà phụ nữ thời đó phải đối mặt. Đồng thời bà cũng đề cao giá trị của tình yêu chân chính dựa trên sự thấu hiểu, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.
Một trong những điểm nổi bật trong tác phẩm là sự phân chia giai cấp và những định kiến đi kèm. Darcy ban đầu tỏ ra kiêu ngạo và khinh thường tầng lớp thấp hơn, điều này phản ánh rõ ràng thái độ phổ biến trong xã hội quý tộc Anh. Tuy nhiên, qua sự phát triển của nhân vật, Darcy dần nhận ra rằng giá trị thực sự của một người không nằm ở địa vị xã hội mà ở phẩm chất cá nhân. Sự thay đổi này không chỉ là sự phát triển cá nhân mà còn là lời phê phán của Austen đối với hệ thống giai cấp cứng nhắc. Đọc tới đây, độc giả hoàn toàn hiểu được tại sao tên tác phẩm lại là “Kiêu hãnh và Định kiến”.
Bên cạnh đó, vai trò của người phụ nữ trong xã hội cũng được phân tích kỹ lưỡng. Elizabeth Bennet một nhân vật nữ mạnh mẽ, với sự thông minh, độc lập và lòng tự trọng, nổi bật và khác biệt so với những khuôn mẫu thông thường. Cô không chấp nhận hôn nhân chỉ vì lợi ích vật chất, mà đi tìm kiếm tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau. Sự quyết đoán của Elizabeth là lời tuyên bố mạnh mẽ chống lại sự phụ thuộc và lệ thuộc của phụ nữ vào hôn nhân để đảm bảo về tài chính.
Tuy nhiên đối với bà Bennet mẹ của Elizabeth, đại diện cho thế hệ phụ nữ truyền thống cũ của Anh tin rằng hôn nhân là con đường duy nhất để con gái mình thoát khỏi cuộc sống khó khăn. Tương tự như vậy nhân vật Charlotte Lucas, chấp nhận cuộc hôn nhân không tình yêu với Mr. Collins như một sự thỏa hiệp với thực tế xã hội nước Anh lúc bấy giờ.
“Kiêu hãnh và Định kiến” là một tác phẩm mang tính xã hội sâu sắc, không chỉ phản ánh những khía cạnh tiêu cực của xã hội mà còn truyền tải thông điệp về sự thay đổi và khả năng vượt qua định kiến. Thông qua sự phát triển và trưởng thành của các nhân vật, Austen kêu gọi một xã hội công bằng hơn, nơi giá trị thực sự của con người được công nhận và tôn trọng, bất kể giai cấp hay giới tính.
Bài học về giá trị thực sự trong hôn nhân và gia đình
Từ câu đầu tiên của “Kiêu hãnh và định kiến”, người kể chuyện đã tiết lộ cách tiếp cận châm biếm của mình đối với hôn nhân lợi ích lúc bấy giờ. Nếu đó là “một chân lý được công nhận rộng rãi rằng một người đàn ông độc thân sở hữu tài sản lớn phải cần một người vợ” thì những người phụ nữ trong tiểu thuyết sẽ không phải đấu tranh nhiều đến thế.
Bà Bennet sẽ không phải chủ động tìm kiếm chồng cho năm cô con gái của mình “Một anh chàng độc thân khá giả, lợi tức bốn đến năm ngàn bảng mỗi năm. Thật may phước cho các con gái chúng ta!”. Và xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, chị em nhà Bennet sẽ chẳng cần phải tham gia nhiều buổi vũ hội và gặp gỡ với một số chàng độc thân như Charles Bingley, Darcy, Trung úy George Wickham và Mr. Collins,…
Sự tương phản ánh dí dỏm của Austen về hôn nhân không chỉ giới hạn ở việc phụ nữ cần chồng; nó còn chỉ ra rằng tình hình tài chính đóng vai trò hàng đầu trong quá trình chọn lựa. Việc ổn định về tiền bạc và xã hội mà hôn nhân mang lại cho phụ nữ trong xã hội đó còn quan trọng hơn là tình yêu và sự tương hợp của cặp đôi.
Austen không nhận định chính xác rằng hôn nhân phải dựa trên tiền đề kinh tế, bà chỉ đưa ra một góc nhìn mới mẻ cho người đọc thấy được rằng hôn nhân là một loại nghề nghiệp cho phụ nữ trong xã hội của bà.
Những cuộc hôn nhân trong “Kiêu hãnh và Định kiến” đều mang những sắc thái khác nhau, từ sự thuận tiện và lợi ích cá nhân đến tình yêu thực sự. Sự tương phản giữa các cặp đôi như Lydia và Wickham, Charlotte và Mr. Collins; hay Jane và Bingley, Elizabeth và Darcy, giúp làm rõ những động lực và hệ quả khác nhau của hôn nhân. Theo quan điểm của Austen hôn nhân là một lựa chọn phức tạp và thường chứa đựng những áp lực từ gia đình, xã hội và kinh tế.
“Kiêu hãnh và định kiến” – Từ trang sách đến màn ảnh
Bên cạnh độ phổ biến của sách, tác phẩm đã được chuyển thể thành nhiều bộ phim truyền hình, phim điện ảnh, kịch, và cả truyện tranh, điều này đã chứng tỏ sức ảnh hưởng và sự yêu thích của nó qua nhiều thế hệ.
Các phiên bản chuyển thể thành công thường giữ được tinh thần và nội dung chính của tiểu thuyết, đồng thời phải biết cách làm nổi bật những yếu tố văn hóa và xã hội của thời kỳ đó. Tiêu biểu với:
- Phim điện ảnh: Phiên bản năm 2005 do Joe Wright đạo diễn, với Keira Knightley trong vai Elizabeth Bennet và Matthew Macfadyen trong vai Mr. Darcy. Phiên bản này nổi bật với cách dựng phim đẹp mắt và cảm xúc sâu sắc, mang lại một góc nhìn mới mẻ về câu chuyện.
- Phim truyền hình: Phiên bản năm 1995 của BBC với Jennifer Ehle và Colin Firth trong vai chính. Bộ phim truyền hình này được đánh giá rất cao bởi sự trung thành với nguyên tác và diễn xuất xuất sắc của dàn diễn viên.
Cuốn tiểu thuyết “Kiêu hãnh và định kiến” của Jane Austen không chỉ là một câu chuyện tình yêu đẹp giữa Elizabeth Bennet và Fitzwilliam Darcy mà còn là một tác phẩm văn học kinh điển, giúp người đọc hiểu hơn về các mối quan hệ của con người và những giá trị nhân văn sâu sắc trong hôn nhân và gia đình.
Xem thêm:
- 9 tiểu thuyết chuyển kinh điển thể thành phim ăn khách bạn không thể bỏ lỡ
- Bá tước Monte Cristo: Tình yêu, hận thù và lòng vị tha qua lăng kính của người bị oan
Tới nay, tác phẩm “Kiêu hãnh và định kiến” vẫn còn nguyên giá trị và sức hấp dẫn, là nguồn cảm hứng dồi dào cho nhiều thế hệ sau này. Bởi những vấn đề mà Austen đề cập vẫn còn mang tính thời sự và thách thức chúng ta suy ngẫm về những định kiến và bất công trong xã hội hiện đại.
Thưởng thức trọn vẹn tác phẩm qua đường link mua sách phía dưới để ủng hộ DIMI BOOK tiếp tục tạo ra những nội dung chất lượng và phong phú nhé! Chân thành cảm ơn Quý độc giả đã yêu mến!
Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.