Một con chó vàng trung thành, một bát cháo loãng nguội lạnh và cuối cùng là cái chết đầy bí ẩn của một kiếp người – những hình ảnh ám ảnh ấy sẽ được tìm thấy trong truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao. Bằng ngòi bút tài hoa, Nam Cao đã vẽ nên một bức tranh u ám về cuộc sống của người nông dân nghèo khổ Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, đồng thời đã đánh thức những suy ngẫm sâu sắc về số phận con người.

Đôi nét về tác giả Nam Cao 

Nam Cao (1917 – 1951) sinh ra và lớn lên tại vùng đất nghèo khó ở một huyện nhỏ tỉnh Hà Nam. Tuổi thơ vất vả đã rèn luyện cho ông một ý chí kiên cường và một trái tim đồng cảm sâu sắc với những số phận bất hạnh. Ước mơ trở thành người thầy không thành, Nam Cao đã tìm thấy niềm vui trong việc sáng tạo văn chương. Với ngòi bút sắc sảo, ông đã vẽ nên những bức tranh chân thực về cuộc sống của người nông dân Việt Nam trước cách mạng, bộc lộ những khát vọng, nỗi đau và cả những phẩm chất cao quý của họ.

nam cao

Ông dùng văn chương để phơi bày những góc khuất tối tăm của xã hội, để lại cho kho tàng văn học Việt Nam những tác phẩm giàu giá trị, lưu giữ lại một giai đoạn vô cùng quan trọng mà người dân phải trải qua, thể hiện đậm nét truyền thống văn hóa – nhân cách cao đẹp của dân tộc Việt. Ta thấy được một trái tim ấm áp, giàu lòng yêu thương và một tâm hồn nhạy cảm trước những bất công của cuộc đời.

Khi Trần Đăng Suyền đi vào khám phá thế giới nghệ thuật của Nam Cao trong văn học, ông đã cảm thán rằng: “Những nhân vật của Nam Cao là những “con người nhỏ bé”, những con người bình thường trong cuộc sống hằng ngày. Nhà văn, với một sự cảm thông lớn lao đã chăm chú quan sát cuộc sống hằng ngày của nhân vật. Cái đói, sự nghèo khổ, bệnh tật, tất cả những cái đó cứ đeo đuổi, cứ bám riết trên con đường đời của họ.”

Tác phẩm “Lão Hạc”

“Lão Hạc” là một trong những truyện ngắn nổi tiếng nhất của nhà văn Nam Cao, được sáng tác vào những năm 1943. Tác phẩm khắc họa chân thực và cảm động cuộc sống khổ đau của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, đồng thời còn phản ánh hiện thực xã hội bất công, tàn ác đã đẩy người nông dân vào đường cùng. 

Tác phẩm “Lão Hạc”

Nhờ chất văn mộc mạc, giản dị nhưng vô cùng giàu sức biểu cảm, tác phẩm “Lão Hạc” thể hiện rõ nét các tâm trạng và sự đấu tranh nội tâm của nhân vật, giúp làm nổi bật những phẩm chất tốt đẹp của con người như lòng tự trọng, tình yêu thương, sự hy sinh. Thưởng thức tác phẩm “Lão Hạc”, chúng ta như làm giàu thêm cho cảm xúc và sâu sắc cho tâm hồn.

Hoàn cảnh sáng tác truyện ngắn “Lão Hạc”

“Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao là một tác phẩm văn học Việt Nam xuất sắc, được viết vào năm 1943 – những năm 40 của thế kỷ XX với một xã hội đầy biến động. Chính cái nghèo đói, bất công đã đẩy con người vào những ngõ cụt. 

Tóm tắt truyện ngắn “Lão Hạc”

“Làng mất về sợi, nghề vải đành phải bỏ. Đàn bà rỗi rãi nhiều. Có tí việc nhẹ nào, họ tranh làm mất cả. Lão Hạc không có việc. Rồi lại bão. Hoa màu bị phá sạch sành sanh. Từ ngày bão đến nay, vườn lão chưa có tí gì bán. Gạo thì cứ kém mãi đi. Một lão với một con chó, mỗi ngày ba hào gạo, mà gia sự vẫn còn đói deo đói dắt…” 

Lão Hạc là con người giàu đức hi sinh, giàu lòng tự trọng và nhân hậu. Vợ mất sớm, Lão Hạc sống cùng đứa con trai, hai cha con làm thuê làm mướn nuôi nhau. Rồi con ông đến tuổi lấy vợ nhưng gia đình không đủ tiền để lo cho việc cưới xin. Thế là con trai lão phẫn uất bỏ đi đồn điền cao su với hy vọng được thật nhiều tiền để trở về cưới vợ. Nhưng anh ra đi bằng bẵng mấy năm trời không thấy trở về cũng không tin tức gì về cho ông. Lão Hạc một mình vò võ trông chờ con, ăn dè xẻn từng xu để dành tiền cho con trở về cưới vợ. Lão cũng không dám xài vào những đồng tiền làm vườn và cố gắng giữ gìn nó cùng với mảnh vườn để trao lại cho con. 

Lão Hạc sống với con chó vàng, con chó mà ông gọi một cách thân mật là “cậu Vàng” và yêu thương nó như yêu thương một đứa con. Con chó là bạn thân của lão và cũng là một kỉ niệm với người con trai, anh nuôi định đến lúc cưới vợ thì giết thịt. Lão Hạc và con chó yêu thương quấn quýt bên nhau sống lay lắt với hi vọng mong manh một ngày kia con lão sẽ trở về. 

Tác phẩm “Lão Hạc”

Nhưng cuộc đời không buông tha cho lão, nghèo đói không loại trừ lão ra. Rồi đến một ngày ông gạt nước mắt bán “cậu Vàng” cho người ta giết thịt vì ông không còn đủ cơm để nuôi nó nữa. Bán chó nhưng lão cũng không nuôi nổi thân lão. Sau một trận ốm, lão tiêu sạch số tiền dành dụm được từ việc bán vườn. Lão vô cùng đau khổ. Để không phải tiêu vào số tiền dành dụm còn lại, không phải bán mảnh vườn đi vì đói, lão đã gửi tất cả số tiền cho ông giáo – người hàng xóm láng giềng của Lão Hạc. Sau đó lão… ăn bả chó mà chết. Cái chết của lão đã chấm dứt mối nghi ngờ của một số người xung quanh lão, họ đã hiểu ra dù nghèo đói nhưng lão vẫn giữ trọn vẹn nhân cách tốt đẹp của mình. 

Giá trị hiện thực sâu sắc trong tác phẩm “Lão Hạc”

Hiện thực cuộc sống tàn khốc của người nông dân trong tác phẩm “Lão Hạc” có lẽ được tái hiện từ làng Đại Hoàng – quê hương của Nam Cao, một nơi ở xa phủ, huyện nên bọn hương lý càng hoành hành, trong làng thường chia nhiều phe cánh để bán ngôi thứ, chiếm ñoạt quyền lợi ruộng đất, bóc lột nhân dân. Quanh năm thường xảy ra các vụ kiện tụng đánh chém nhau giữa người giàu kẻ nghèo và những bọn địa chủ kỳ hào có thế lực. Tác phẩm làm nổi bật hai giá trị hiện thực lúc bấy giờ:

“Mùa màng bội thu cũng chẳng có gì vào bụng”

Lão Hạc có một mảnh vườn ba sào, một con chó béo và hai mươi lăm đồng bạc nhưng lão sống như thể lão chẳng có gì, lão vẫn phải sống bằng những thứ rẻ tiền như “ốc”, “rau má”, “củ chuối”, “sung luộc”,…. Vì nạn đói dẫn đến tình cảnh thiếu thức ăn, mùa màng mất trắng, nên  mảnh vườn của lão không sao giúp lão có cuộc sống no đủ được.

Tác phẩm “Lão Hạc”

Nào là tô tức, nợ nần, thuế má, tạp dịch vô lý đã tầng tầng lớp lớp đè lên lưng của những người nông dân thấp cổ bé họng, bòn rút cho bằng hết mồ hôi nước mắt của họ, khiến họ oằn mình từng ngày với cuộc sống. Mặc dù nào những vườn trầu không, nào chuối xanh ngát bao phủ xóm làng, nhưng cuộc đời người dân ở đây vẫn cơ cực, quanh năm thiếu ăn, thiếu mặc.

Tác phẩm không những làm ca ngợi vẻ đẹp chất phác, thiện lương của lão Hạc mà còn phê phán và tuyệt vọng với xã hội nông thôn Việt Nam suy tàn và mục nát trước Cách mạng tháng Tám với đầy rẫy những bất công. Chính hiện thực ấy đã đẩy con người ta vào bước đường cùng, khiến họ phải đối mặt với những khó khăn không thể vượt qua.

Tính mạng con người bị coi rẻ một cách vô nhân tính

Lão Hạc có con trai, nhưng con trai lão lúc này đã đi đồn điền cao su. Đây không phải là một chuyến đi lao động bình thường. Vào giai đoạn lúc bấy giờ, đi đồn điền cao su gần như đồng nghĩa với việc một đi không trở lại: làm việc đã vất vả, ăn uống thiếu thốn, thiếu thuốc men nên sinh ra bệnh tật làm chết dần mòn thân thể của bao người công nhân. Đồn điền như một lãnh địa, người lao động như những nô lệ…

 “…Bán thân đổi mấy đồng xu 

Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng..”  

Chính vì những điều này mà khi con trai lão Hạc đi đồn điền cao su, lão Hạc đã coi như mình thực sự mất đi đứa con trai này. Vậy cho nên, lão Hạc mới thốt lên những lời đầy cay đắng:

“Tôi chỉ còn biết khóc, chứ còn biết làm sao được nữa? Thẻ của nó, người ta giữ. Hình của nó, người ta đã chụp rồi. Nó lại lấy tiền của người ta. Nó là người của người ta rồi, chứ đâu còn là con tôi?”. 

Lão Hạc

Lão Hạc đã phải trải qua những chua chát, tủi cực của một kiếp người, khi phải đối mặt với hiện thực nghiệt ngã là phải đứt ruột tiễn đưa người con trai ra khỏi vòng tay của lão, cái đói cái nghèo lại tiếp tục cướp đi cậu Vàng. Suy cho cùng, việc bán chó cũng xuất phát từ tấm lòng của một người cha yêu thương con và luôn lo lắng cho hạnh phúc, tương lai của con sau này. Sau khi bán “ cậu Vàng”, cuộc sống của lão Hạc rất chật vật, vô cùng khó khăn: 

“Luôn mấy hôm, tôi thấy lão Hạc chỉ ăn khoai. Rồi thì khoai cũng hết. Bắt đầu từ đấy, lão Hạc chế tạo được món gì, ăn món ấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy, hay bữa trai, bữa ốc.”  

Nhân vật Lão Hạc tượng trưng cho người nông dân lùi tới bước đường cùng, không còn lối thoát đành phải tìm đến cái chết – cái chết đó cũng không thanh thản như bao người. Nếu lão Hạc muốn đứng vững trên bờ lương thiện thì cái chết là giải pháp cuối cùng để lão khỏi ngã quỵ giữa vực sâu của sự tha hoá. Ngòi bút sắc bén và có phần lạnh lùng của Nam Cao đã chạm tới ranh giới giữa thương yêu và khinh bạc, ông đã đi chông chênh một cách tự tin trên lằn mức Thiện – Ác để thể hiện cái khốn nạn của cái kiếp người trong xã hội thực dân nửa phong kiến.  

Phẩm chất cao đẹp của Lão Hạc

Qua hình ảnh lão Hạc, nhà văn Nam Cao đã khắc họa một bức tranh sinh động về phẩm chất đạo đức cao đẹp của người nông dân, đặc biệt là lòng tự trọng, tình yêu thương và sự hy sinh. Dù sống trong cảnh thiếu ăn, lão Hạc luôn cố gắng tự lực cánh sinh, không muốn trở thành gánh nặng cho người khác.

Sự hy sinh vô điều kiện 

Một đức hy sinh lớn lao trong từng nếp nghĩ đã thành lẽ sống ở đời của Lão Hạc. Lão luôn ý thức rõ ràng từng việc mình làm. Nếu ông muốn tiếp tục sống và dành dụm tiền cho con là điều không thể được, cuộc sống đói nghèo buộc ông phải lựa chọn. Có thể là lão làm phiền xin ăn hàng xóm, nhưng hàng xóm của ông cũng rất nghèo khó nên tuyệt đối sẽ không thể giúp ông mãi được hoặc nếu không đi ăn xin thì lão chỉ còn một con đường đó là trộm như Binh Tư và ông giáo đã từng hiểu lầm. Nhưng cả hai con đường ấy ông đều không muốn đi. Vì thế, ông chỉ còn cách phủ định chính mình. Ông phải chết đi thì mới đảm bảo mình không mất đi những gì ông cố công gìn giữ và trân quý. Cái chết của lão là một sự hy sinh, một nghĩa cử cao đẹp trong tình phụ tử và cũng là nỗi bi ai nhất trong lúc tuyệt vọng, là bi kịch cho một con người không muốn mất đi linh hồn của chính mình.  

Tác phẩm “Lão Hạc”

“Mấy người hàng xóm đến trước tôi đang xôn xao ở trong nhà. Tôi xồng xộc chạy vào. Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nẩy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội. Chẳng ai hiểu lão chết vì bệnh gì mà đau đớn và bất thình lình như vậy…

Tôi sẽ cố giữ gìn cho lão. Đến khi con trai lão về, tôi sẽ trao lại cho hắn và bảo hắn: “Đây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn: cụ thà chết chứ không chịu bán đi một sào…”

Một con người sống nhân hậu, nghĩa tình, trung thực

Nam Cao đã viết về một ông lão cô đơn, sống giữa giai đoạn nạn đói đang bao trùm toàn xã hội. Lão Hạc có con trai nhưng con trai lão vì hoàn cảnh nghèo khó nên đã phẫn chí đi đồn điền cao su. Bỏ lại lão một mình cô độc và một con chó mà ông yêu thương gọi con chó ấy là “cậu Vàng”. Lão sống tình cảm, lão xem con chó như một người bạn trung thành của lão. Khi lão Hạc quyết tâm để dành mảnh vườn lại cho con, lão đã bán “cậu Vàng” mà lão yêu thương đi vì không nuôi nổi “cậu Vàng”, và cũng vì để nuôi lão. Thời điểm bán cậu Vàng là lúc đau khổ nhất của cuộc đời Lão. 

lão hạc

Khoảnh khắc “lão cố tỏ ra vui vẻ” cũng không giấu được với khuôn mặt “Cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước”. Nỗi đau đớn cố kìm nén của lão Hạc như cắt nghĩa cho một việc làm bất đắc dĩ, khiến ông Giáo là người được lão tin tưởng cũng không tránh khỏi cảm giác ái ngại cho lão. Ông Giáo hiểu được tâm trạng của một con người phải bán đi con vật bầu bạn trung thành duy nhất của mình. Cảm giác ân hận cứ đeo đuổi, giày vò lão Hạc tạo nên sự đột biến trên khuôn mặt “Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những nếp nhăn xô lại với nhau, ép cho ra nước mắt. Cái đầu lão nghẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít, lão huhu khóc.”

Bản chất lương thiện, tính chất của người nông dân nghèo khổ nhưng nhân hậu, trung thực và giàu lòng vị tha của lão được thể hiện rõ ràng trong đoạn văn này. Chỉ vì bán một con chó mà lão tự trách mình đau khổ đến vậy. Liệu Binh Tư, vợ ông Giáo và những người khác có hiểu được hay họ chỉ thấy lão gàn dở, ngu ngốc? Chúng ta cảm thương số phận của lão, cảm phục trước đức hy sinh và lòng nhân hậu của lão – một con người cao đẹp.

Khi đến với những trang văn của Nam Cao, Lê Đình Kỵ cô cùng xót xa và thương cảm đối với quá trình con người bị tha hóa biến chất: “Quần chúng nghèo khổ dù hiện ra dưới màu sắc sáng sủa hay u ám, ý nghĩa khách quan của truyện ngắn Nam Cao vẫn là một: phải cứu lấy cuộc sống, phải cứu lấy con người”.

Xem thêm:

Có lẽ thông điệp “cứu lấy cuộc sống, phải cứu lấy con người” chính là mục tiêu mà Nam Cao hướng tới trong tác phẩm của mình. Cái chết của Lão Hạc không chỉ đơn thuần là kết thúc của một cuộc đời đau khổ mà còn là lời tố cáo mạnh mẽ về một xã hội đầy bất công. Lão Hạc đã ra đi, mang theo bao nỗi đau và bất hạnh, nhưng câu chuyện của ông vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay, nhấn mạnh cái đẹp của tình người, sự thanh khiết của nhân cách để tạo ra một xã hội giàu tình thương. Đây là tác phẩm văn học hiện thức đầy triết lý về đạo đức và tình người dành cho thanh thiếu niên và người trưởng thành.


Thưởng thức trọn vẹn tác phẩm qua đường link mua sách phía dưới để ủng hộ DIMI BOOK tiếp tục tạo ra những nội dung chất lượng và phong phú nhé! Chân thành cảm ơn Quý độc giả đã yêu mến!

Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK, trích dẫn từ sách “Lão Hạc” – Nam Cao
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Mua sách Nam Cao - Lão Hạc (Tái Bản) tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *