Cuốn sách “Đi tìm lẽ sống” của nhà tâm lý học người Áo Viktor Frankl là một trong những tác phẩm kinh điển về ý nghĩa cuộc sống. Được viết dựa trên trải nghiệm đau khổ tột cùng của chính tác giả trong các trại tập trung của Đức Quốc xã. Tác phẩm không chỉ là một lời khẳng định về ý nghĩa cuộc sống dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều do chính bản thân người đó tạo nên từ niềm tin và sức mạnh tinh thần bên trong của mỗi người; mà còn đưa đến “liệu pháp ý nghĩa”, một phương pháp tâm lý giúp con người trên hành trình tìm và tìm lại ý nghĩa cuộc sống của mình.
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Viktor E. Frankl – Người dệt lên câu chuyện cuộc sống từ “liệu pháp ý nghĩa”
Viktor Emil Frankl (1905-1997) là một nhà thần kinh học, bác sĩ tâm thần, triết gia người Áo và là người may mắn sống sót sau Holocaust – nạn diệt chủng người Do Thái của Đức quốc xã và phe trục. Ông được biết đến như người sáng lập liệu pháp ý nghĩa, một nhánh của phân tích hiện sinh tập trung vào việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.
Khi cuộc khủng bố người Do Thái bước vào giai đoạn ác liệt năm 1942, dù đã được cấp phép qua Mỹ nhưng ông quyết định không chạy trốn phát xít để ở lại chăm sóc mẹ cha già. Có thể nói, đây là một quyết định đầy tính tự do và trách nhiệm của một cá nhân trong giờ phút sinh tử, mà sau này ông đã phát triển thành một nhánh nghiên cứu về tâm lý của mình.
Không tránh khỏi số phận bi thảm như những người Do Thái khác, tháng 9 năm 1942 cả gia đình ông bị phát xít bắt. Suốt 3 năm chuyển qua 4 trại tập trung, Frankl trải qua nhiều lằn ranh giữa cái chết và sự sống trong các trại tập trung và trại hủy diệt của Đức quốc xã. Năm 1945, khi được giải thoát khỏi trại tập trung, là người duy nhất trong gia đình còn sống sót, ông trở về và tiếp tục làm việc tại Vienna với tư cách là một bác sĩ, chuyên gia tâm thần học và chữa trị cho các nạn nhân chiến tranh.
Nhờ xuất thân là một bác sĩ, một nhà tâm thần học, Frankl đã biết cách tự điều chỉnh bản thân, điều chỉnh suy nghĩ của mình để đối diện và chấp nhận thực tại cuộc sống khốc liệt đang diễn ra trước mắt. Ông không cho phép mình sợ hãi và gục ngã ngay nơi được gọi là “địa ngục trần gian”. Ông đã nuôi hy vọng để giữ cho mình sống sót bằng cách nghĩ về người vợ của mình và trông vào ngày gặp lại, sẽ được thuyết giảng về các bài học tâm lý mà ông đã học được từ các trại tập trung. Và ông đã trị liệu tâm lý cho bạn tù cùng cảnh ngộ với niềm tin vào cuộc sống và lòng yêu thương con người.
Năm 1946, bắt đầu sự nghiệp viết lách của mình từ những ám ảnh và hồi tưởng về sự tàn khốc của chiến tranh, chỉ trong 9 ngày ông đã hoàn thành xong “Đi tìm lẽ sống” (Man’s Search for Meaning), mà đến ngày nay giá trị của tác phẩm vẫn còn vẹn nguyên.
“Đi tìm lẽ sống” – Khi con người bị đẩy vào tận cùng của số phận
“Đi tìm lẽ sống” lấy cảm hứng từ chính trải nghiệm khắc nghiệt đến nghẹt thở mà Frankl và cộng đồng người Do Thái phải gánh chịu trong suốt khoảng thời gian từ năm 1941 – 1945. Sau khi ra mắt, cuốn sách đã tạo tiếng vang với số lượng phát hành kỷ lục. Viktor E. Frankl được mời diễn thuyết ở khắp các châu lục, giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng như Harvard, Stanford và được 29 trường đại học trao học vị danh dự.
Đến với cuốn sách kỹ năng truyền cảm hứng “Đi tìm lẽ sống”, dù phải đi qua tự truyện của tác giả về những chuỗi ngày ngục tù nhưng người đọc dường như ít bị ngột ngạt bởi những đau thương của một cuộc chiến phi nghĩa tàn khốc, thay vào đó là ý chí quật cường, niềm tin mạnh mẽ về sự sống và tình yêu thương con người, ngay cả khi cái chết thường trực xung quanh, như chính tiêu đề của tác phẩm.
Trại tập trung của Đức quốc xã – cơn ác mộng của loài người, nơi tận cùng của nỗi đau thể xác và tâm hồn, là “địa ngục trần gian”. “Người chết và người sắp chết nằm gần nhau. Tôi băng qua xác chết này đến xác chết khác, cho đến khi tôi nghe thấy một giọng nói phía trên đang rên rỉ nhẹ nhàng. Tôi đã tìm thấy một cô gái – một bộ xương sống. Không thể đoán tuổi của cô ta, vì cô ta thực tế không còn tóc trên đầu, và khuôn mặt của cô ấy chỉ là một tờ giấy da màu vàng, với hai lỗ trên đó làm mắt” (Lời của Hạ sĩ Ian Forsyth). Việc tiếp xúc hằng ngày với sự ra đi của bạn tù khiến cho những người tù còn lại dần chai sạn cảm xúc và nước mắt không còn để tiếc thương bởi biết đâu ngày mai người ra đi sẽ là mình.
Do vậy, đó không chỉ là những giờ phút đấu tranh kiên cường với kẻ thù mà còn với cả chính mình để được sống sót trong các “công xưởng của thần chết”. Vượt lên trên tất cả, Frankl đã luôn tự nhủ với chính mình và các bạn tù mọi cách để có thể sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt nhất mà họ đang phải đối mặt:
“…hãy cạo râu hàng ngày, vào mọi lúc có thể, dù cho phải cạo râu bằng mảnh kính hay dù các anh có phải cho đi mẩu bánh mì cuối cùng vì nó. Các anh sẽ trông trẻ hơn và việc cạo râu sẽ làm gò má các anh trông hồng hào hơn. Nếu các anh còn muốn sống, cách duy nhất là hãy chứng tỏ cho bọn lính thấy là mình còn sức làm việc. Để tôi nói cho nghe, nếu như một tay SS thấy các anh đi cà nhắc vì bị thương ở gót chân thì ngày hôm sau chắc chắn anh sẽ bị đưa đến phòng hơi ngạt”.
Gạt qua một bên thực tại tàn khốc, đời sống nội tâm của những người tù vẫn rất sâu sắc và kiên cường. “Sức mạnh bên trong giúp cho người tù tìm thấy sự cứu rỗi trong nỗi cô đơn, trống vắng và buồn chán trước cuộc sống”. Họ dần biết cách rút mình ra khỏi hoàn cảnh khắc nghiệt đến mức cùng cực ngày qua ngày để tìm về cuộc sống tinh thần tự do và phong phú vốn có của người Do Thái – “nhờ đó mà đôi khi họ quên mất hoàn cảnh tồi tệ của mình”. Họ nhớ đến người thân, người vợ, từ hình dáng đến nụ cười, ánh mắt động viên đầy khích lệ. “Linh hồn của con người chỉ có thể tìm thấy sự cứu rỗi thông qua tình yêu và trong tình yêu”, “không gì có thể vượt qua sức mạnh tình yêu”. Phải chăng, tình yêu chính là mục đích và đích đến cao cả nhất của con người, là cái neo cuối cùng còn sót lại để giúp con người vượt qua những tận cùng nỗi đau.
Xem thêm:
- [Review]Chủ nghĩa Khắc kỷ – Phong cách sống bản lĩnh và bình thản
- Vang bóng một thời: Hà Nội xưa thấm đẫm nét đẹp thanh tao
“Đi tìm lẽ sống” là một cuốn sách được dệt lên từ chính thực tế cuộc sống của tác giả – Viktor Frankl – một nhà tâm lý học – phản ánh chân thật về một giai đoạn lịch sử đầy bi thương của nhân loại. Từ chính trong nghịch cảnh đó, một ý chí được sống, một khát khao mãnh liệt được sống như là một niềm tin dù le lói đã rọi đường để tác giả vượt lên số phận và làm chủ cuộc sống của mình trong những ngày ngục tù tối tăm nhất.
Thưởng thức trọn vẹn tác phẩm qua đường link mua sách phía dưới để ủng hộ DIMI BOOK tiếp tục tạo ra những nội dung chất lượng và phong phú nhé! Chân thành cảm ơn Quý độc giả đã yêu mến!
Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.