Đã bao giờ bạn tự hỏi về cuộc sống của những đứa trẻ với bản chất hồn nhiên nhưng lại sinh ra ra trong thời chiến không?

Cuốn sách “Tuổi thơ dữ dội” của tác giả Phùng Quán sẽ đưa bạn đến một thế giới đầy cảm xúc, nơi những đứa trẻ Việt Nam chỉ mới cao tới bụng của người lớn, với những chiếc mũ tai bèo, những khẩu súng nhỏ đã không ngần ngại xông pha vào chiến trường trở thành những chiến sĩ dũng cảm bảo vệ Tổ quốc. Những cánh đồng lúa chín vàng, những dòng sông hiền hòa hay những ngôi làng yên bình,… tất cả đều trở nên mờ nhạt trước những âm thanh của bom đạn và khói lửa chiến tranh. “Tuổi thơ dữ dội” là một bản hùng ca bi tráng, khắc họa hình ảnh những con người nhỏ bé nhưng có trái tim vĩ đại.

Tác giả Phùng Quán 

Phùng Quán (1932-1995) là một nhà văn nổi bật trong nền văn học Cách mạng Việt Nam từ giữa thế kỷ XX. Trước năm 1975, ông đã đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị cho văn học Việt Nam, bao gồm “Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo” (1954), “Tôi tự hào chế độ nước tôi” (1955), và đáng chú ý nhất là tiểu thuyết đầu tay “Vượt Côn Đảo” (1955) từng được coi là sách gối đầu giường của thế hệ thanh niên Việt Nam. Cũng chính tác phẩm này đã giúp Phùng Quán nhận giải thưởng từ Hội nhà văn Việt Nam.

tác giả phùng quán

Đời văn của ông bị gián đoạn bởi án Nhân văn – Giai phẩm. Hình phạt nặng nề không chỉ tước đoạt quyền tự do mà còn giáng một đòn chí mạng vào tinh thần ông. Thế nhưng, giữa những ngày tháng tăm tối ấy, ngọn lửa sáng tạo vẫn âm ỉ cháy, nuôi dưỡng những tác phẩm giá trị, vượt qua mọi rào cản. 

Giới thiệu sách “Tuổi thơ dữ dội” 

“Tuổi thơ dữ dội” không chỉ là một trong các tác phẩm văn học thiếu nhi xuất sắc vô cùng xúc động mà còn là một bản anh hùng ca về trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Năm 2007, giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật được truy tặng cho Phùng Quán như một sự minh oan, trả nợ cho ông.  Thành công của “Tuổi thơ dữ dội” không thể tách rời hình ảnh những chú bé trinh sát với những cá tính độc đáo. Mỗi em đều là một mảnh ghép, cùng nhau tạo nên một bức tranh toàn cảnh về thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến, vừa hồn nhiên, trong sáng lại vừa dũng cảm, kiên cường. Cuốn tiểu thuyết đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc và khẳng định giá trị bất diệt của những con người nhỏ bé trong cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do.

sách tuổi thơ dữ dội phùng quán

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng đánh giá về tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội”: “Có một viên ngọc quý thời gian dành riêng để ban tặng con người, đó là “tuổi thơ” – viên ngọc màu nhiệm, trong sang nhưng quá mong manh, không thể tìm thấy lần thứ hai trong đời. Và có một thế hệ người Việt chưa bao giờ cầm viên ngọc trên tay. Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được viết cho thế hệ đó. Hãy đọc để nhớ lại, để tự hào, và để cầu nguyện cho những tuổi thơ sắp ra đời.”   

Nội dung chính của sách “Tuổi thơ dữ dội”

Khi đọc “Tuổi thơ dữ dội”, chúng ta gặp gỡ những hình ảnh sống động của các chiến sĩ trẻ tuổi, những nhân vật chính trong tác phẩm. Các em được khắc họa rõ nét trong những tình huống sống và chiến đấu cụ thể, từ đó làm nổi bật bản chất và số phận của từng nhân vật. Mỗi em đều có những đặc điểm và khả năng riêng biệt, nhưng chúng đều có sự ngây thơ và trong sáng của tuổi thơ qua tiếng cười, nước mắt, trò chơi và các mối quan hệ tình cảm trong sáng với bạn bè và lãnh đạo. Tuổi thơ của các em đầy khó khăn với những công việc nặng nhọc từ khi còn nhỏ như Mừng, Vệ, Vịnh,… Song song đó, các em còn thể hiện tinh thần anh hùng trong cuộc chiến vì lý tưởng độc lập và tự do của dân tộc, tiêu biểu là Mừng, Vịnh sưa, Lượm sứt và Quỳnh sơn ca. Các nhân vật trong truyện đều mang những nét tính cách riêng biệt và đáng nhớ. 

Giới thiệu sách “Tuổi thơ dữ dội” 

Mừng – cậu bé thông minh, lạc quan, Mừng tham gia đội trinh sát với mục đích ban đầu chỉ để hái lá thuốc chữa bệnh cho mẹ. 

Hay một Quỳnh Sơn ca đã từ bỏ những bản nhạc du dương trên cây đàn piano để hòa mình vào sự sục sôi của chiến trường. Tài năng âm nhạc của em không chỉ làm say đắm lòng người mà còn trở thành vũ khí sắc bén, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta qua ca khúc bất hủ “Sông Ô Lâu kháng chiến”. 

Lượm – cậu bé “con nhà nòi” chính hiệu, ngay từ nhỏ đã ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với đất nước. Tư dát – một cậu học trò nghịch ngợm, đã không ngần ngại bỏ lại sách vở để lên đường nhập ngũ, trở thành một chiến sĩ dũng cảm. 

Bồng da rắn với đôi mắt tinh tường như đại bàng, luôn là người phát hiện ra những dấu hiệu bất thường, giúp đồng đội tránh khỏi những hiểm nguy. … 

Tất cả các em đều có những ước mơ, hoài bão riêng, nhưng đều có một điểm chung, họ đều hướng về một mục tiêu chung: giành độc lập cho Tổ quốc.

Tác phẩm không chỉ miêu tả cuộc sống khó khăn, gian khổ của những đứa trẻ trong chiến tranh, mà còn khắc họa sâu sắc tình bạn, tình đồng đội keo sơn. Những tình huống hài hước, những khoảnh khắc xúc động xen kẽ nhau, tạo nên một bức tranh đa màu sắc về cuộc sống của những đứa trẻ sinh ra trong thời chiến.

Nét đẹp của những đứa trẻ trong “Tuổi thơ dữ dội”

Xuân Diệu đã có đôi lời viết về trẻ thơ:
“Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo
Hãy để tuổi trẻ nói hộ tình yêu.”

Sự hồn nhiên và trong sáng của trẻ thơ

Tuổi thơ của bất kỳ ai cũng đầy ắp kỷ niệm, có vui, có buồn. Trong tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán, thế giới trẻ thơ hiện lên rất đỗi chân thực, đời thường, sinh động và lôi cuốn. Dù các chiến sĩ nhỏ phải lớn lên giữa bom đạn nhưng điều đó không làm mất đi sự hồn nhiên trong tâm hồn các em, khói lửa chiến tranh không thể dập tắt được nụ cười của chúng. Sự ngây thơ của các em được thể hiện qua lòng tự hào và kiêu hãnh, ham muốn lập công và nhận phần thưởng. Hòa đen dù có làn da sẫm màu nhưng vẫn tự nhận da mình chỉ “đen vừa vừa”, nên khi bị nhầm là Mừng vì nước da đen, em đã nổi cáu: 

“Lầm, lầm cái chi rứa! Tớ đen nhưng chỉ đen vừa vừa, có mô đen thui như hắn! Một đứa đứng bên trái vẻ mặt liến láu, đưa tay vuốt ngực Hòa-đen, ngoác miệng ra cười: Đưa mình vuốt bớt cục tự ái xuống cho. Hề, hề, hề,… đen vừa hay đen thui thì cũng là họ “cột nhà cháy” cả thôi mà. Tự ái làm chi cho cực! 

Hòa-đen bực tức hất mạnh tay bạn đang vuốt ngực, làm cả đội cười vang”  

sách “Tuổi thơ dữ dội” 

Sự hồn nhiên của các em còn được thể hiện ngay trong cả giấc ngủ: “Từng tổ một nằm úp thìa lên những tấm phản, những mặt bàn kê liền nhau, ôm nhau ngủ ngon lành. Nhiều chiếc chăn bị đạp tung, mấp mé tạt xuống đất. Có em nằm xoay ngang đầu lộn xuống chân, chân gác lên bụng bạn nằm bên cạnh. Có em bật cười lên khúc khích, ú ớ nói mê … Có lẽ đây là giấc ngủ ngon lành, bình thản nhất của những người chiến sĩ trước giờ ra trận.” 

Sự hồn nhiên và trong sáng ấy có sức mạnh cảm hóa tuyệt vời, đủ sức thanh lọc tâm hồn và đưa chúng ta trở về những ký ức tươi đẹp của tuổi thơ – khoảng thời gian vui vẻ nhất của đời người, không lo âu, không buồn phiền trước những thay đổi của cuộc sống đầy biến động. Các em mang theo cả ước mơ đánh giặc cứu nước vào trong giấc ngủ bình yên của mình.

Tuổi thơ anh hùng với lý tưởng lớn lao

Những thiếu niên Vệ quốc đoàn đã viết nên một trang sử hào hùng bằng chính tuổi trẻ của mình. Mặc dù thiếu thốn về mặt vật chất nhưng thay vì trốn tránh, các chiến sĩ tí hon đã dũng cảm cùng nhau vượt qua những thử thách ấy. Vì thế, khi trở về thăm mẹ, Mừng không dám để mẹ thấy mặt mình mà chỉ dám lặng lẽ nhìn từ xa rồi nhanh chóng trở lại đơn vị để tiếp tục nhiệm vụ. Quỳnh sẵn sàng từ bỏ tương lai rộng mở để trở thành chú chim sơn ca hát vang trên bầu trời cách mạng. Nhiều đứa trẻ khác như Tư dát, Hòa đen, Vệ to đầu, Bồng da rắn, Lượm… cũng tìm mọi cách để gắn bó và cống hiến cho Cách Mạng.

nội dung “Tuổi thơ dữ dội” 

Đặc biệt, nhân vật Mừng gây thổn thức cho người đọc khi em bị nghi ngờ là Việt gian. Cái chết của Mừng là một vết sẹo sâu trong lòng những người đồng đội. Hình ảnh cậu bé nhỏ nhắn, nằm yên giấc trên chiến trường, mãi mãi khắc sâu trong tâm trí chúng ta. Trước khi ra đi em chỉ kịp thốt lại những lời yếu ớt nhưng thật đau lòng: “Anh ơi, anh đừng nghi em là Việt gian nữa, anh hí!”. 

Đó là lời nói trăn trối của người thiếu niên vừa tròn mười ba tuổi đời, yếu ớt và nhỏ dần như một hơi thở nhưng trong khoảnh khắc ấy đã bao trùm lấp cả tiếng bom đạn giặc và cả tiếng sấm rền của trận địa đã làm tanh bành hơn hai đại đội giặc. Sự hy sinh của Mừng và sự minh oan cuối cùng của em phản ánh nỗi khát khao và tuyệt vọng của Phùng Quán. Tuổi thơ của ông cũng đầy sóng gió và anh hùng. Tuy nhiên, nửa đời sau, ông bị gán là kẻ phản bội Tổ quốc. 

Việc để Mừng hy sinh dường như là cách Phùng Quán bộc lộ nỗi tuyệt vọng của chính mình, ngay cả khi ông hy sinh vì Tổ quốc, ông vẫn không thể chứng minh sự trong sạch của mình. Vì vậy, những trang viết về Mừng vừa mang đậm tinh thần hào hùng, vừa nhuốm màu bi kịch.

Xem thêm:

Qua từng trang sách, “Tuổi thơ dữ dội” đã thể hiện sinh động hình ảnh những thiếu niên anh dũng, kiên cường đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Tác phẩm là một lời nhắn nhủ đầy ý nghĩa về sức mạnh của tinh thần yêu nước và sự hy sinh và cũng là ngọn lửa nhỏ thắp sáng tâm hồn người đọc. Nếu bạn là một người trẻ, “Tuổi thơ dữ dội” chắc chắn là cuốn sách kéo tâm hồn bạn gần hơn với văn hóa, tinh thần dân tộc, thêm yêu đất nước và xây dựng nhân cách đẹp. Nếu bạn là một người trưởng thành, đây là tựa sách đem đến nhiều chiêm nghiệm ý nghĩa về cuộc sống, thêm yêu quê hương và con người Việt Nam ta.


Thưởng thức trọn vẹn tác phẩm qua đường link mua sách phía dưới để ủng hộ DIMI BOOK tiếp tục tạo ra những nội dung chất lượng và phong phú nhé! Chân thành cảm ơn Quý độc giả đã yêu mến!

Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Mua sách Tuổi thơ dữ dội (tái bản 2019) tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *