“Người đua diều” của Khaled Hosseini là tiểu thuyết kinh điển nền văn học hiện đại Afghanistan, phản ánh về đất nước và con người đất nước này, thông qua cuộc đời nhân vật chính Amir. Từ một cậu bé tự ti, nhút nhát dẫn tới tội lỗi nghiêm trọng thời thơ ấu, trưởng thành dần trong hành trình trốn chạy khỏi chiến tranh và sinh tồn nơi nước Mỹ xa xôi, cuối cùng Amir đã quyết định trở về cố hương để chuộc lại lỗi lầm.

Đưa người đọc trải qua tất cả các cung bậc cảm xúc, từ tột cùng của cắn rứt, khổ đau đến đỉnh cao của thanh thản, hạnh phúc, “Người đua diều” xứng đáng là tiếng chuông cảnh tỉnh đánh thức lương tri triệu triệu con người.

Khaled Hosseini – Người con Afghanistan xa xứ đau đáu nỗi lòng “cố hương”

Khaled Hosseini sinh năm 1965 tại Kabul, Afghanistan. Có cha là nhà ngoại giao, tuổi thơ của ông gắn liền với những chuyến ly hương theo gia đình từ Afghanistan đến Iran, Pháp và Mỹ. 

Hosseini viết “Người đua diều” từ 2001 và hoàn thành bản thảo khi vẫn là một bác sĩ. Ngày 29 tháng 5 năm 2003, tiểu thuyết được phát hành lần đầu. Tháng 12 năm 2004, ông quyết định chia tay ngành y sau hơn 10 năm gắn bó “và dành toàn bộ thời gian cho việc viết lách”[3]. 

Khaled Hosseini

Sau “Người đua diều”, tác giả đã cho ra mắt độc giả 3 cuốn tiểu thuyết: A Thousand Spendid Suns (2008), And the Mountains Echoed (2013), Sea Prayer (2018). 

Các tác phẩm của Hosseini, tựu chung lại, là tiếng lòng thổn thức của một người con xa xứ hướng về cố hương, với tình yêu tha thiết và mong ước đất nước thoát khỏi chiến tranh, nghèo đói, phân biệt giới tính và chủng tộc; người dân được sống hoà bình, ấm no.

Từ bản thảo bị lãng quên đến “Người đua diều” gây chấn động thế giới

Theo Hosseini, bản thảo đầu tiên của “Người đua diều” đã bị 30 nhà xuất bản từ chối trước khi được phát hành bởi Riverhead Books [4]. Và chỉ khi ấn bản bìa mềm ra mắt năm 2004, “Người đua diều” mới thực sự gây được tiếng vang: trở thành cuốn sách bán chạy nhất của The New York Times (2005) [1] và đứng ở vị trí đó suốt hai năm [2]; nhận giải Boeke Prize của Nam Phi (2004); lọt vào danh sách Reading Group Book of the Year (2006, 2007). 

Từ bản tiếng Anh, tác phẩm văn học đặc sắc này được dịch sang 42 thứ tiếng, có mặt tại 38 quốc gia [5]. Tiểu thuyết cũng được chuyển thể sang các loại hình nghệ thuật khác: phim (The Kite Runner, 2007), kịch, sách nói và tiểu thuyết hình ảnh. 

người đua diều

“Người đua diều” được giới phê bình đón nhận nồng nhiệt. Entertainment Weekly nhận định đây là “một bức chân dung cảm động về Afghanistan thời hiện đại”. The New York Times cho rằng, “cuốn sách mãnh liệt bậc nhất này kể lại câu chuyện về những điều tàn bạo khủng khiếp và một tình yêu mãnh liệt chưa được đền đáp”. Theo The Buffalo News, tiểu thuyết là “một tác phẩm văn học sâu sắc với sức mạnh hàn gắn hiếm có”. 

Với nhà văn Isabel Allende, “đây là một trong những câu chuyện sẽ ở lại trong tâm tư bạn trong nhiều năm nữa. Những chủ đề văn học và nhân sinh đã tạo nên một cấu trúc tiểu thuyết tuyệt vời: tình yêu, danh dự, tội lỗi, sợ hãi và cứu chuộc. Cuốn sách tràn đầy sức mạnh, tới nỗi trong suốt cả một quãng thời gian dài sau đó những gì tôi đọc được dường như đều nhạt nhẽo”.

“Người đua diều” – nghệ thuật thắt nút và gỡ nút Hosseini

“Người đua diều” gây cuốn hút ngay từ những câu chữ đầu tiên, dẫn dắt cảm xúc người đọc theo mạch tâm tư các nhân vật thông qua nghệ thuật thắt nút và gỡ nút câu chuyện tài tình của nhà văn Hosseini.

Mở đầu tác phẩm, với tâm sự trĩu nặng, Amir đưa người đọc ngược về quá khứ đến mảnh đất Kabul yên bình. Các nhân vật trong truyện dần được hiện lên: Hassan – cậu bé môi hẻ; Ali – ông chú không cười; Baba – Ngài bão tố; Rahim – chú biết tuốt; bọn Assef – lũ ngông cuồng.

Nút thắt quan trọng đầu tiên của tiểu thuyết là sự kiện xảy ra vào ngày hội đua diều truyền thống năm 1975 ở Kabul, khi nhân vật chính 12 tuổi. Vào cái đêm sau trận đấu cuối cùng, Amir đã hèn nhát, sợ hãi, im lặng nhìn người anh em Hassan bị hạ nhục trong lúc xả thân đi lấy chiếc diều để bảo toàn chiến thắng cho mình. Từ đó, cuộc đời “tôi” bước sang trang mới – trang của những dằn vặt, ám ảnh. Amir cố vùng vẫy hòng thoát ra khỏi sự trừng phạt của “tòa án lương tâm” nhưng việc đuổi cha con ông Ali ra khỏi nhà lại càng khiến cậu bị lún sâu trong hố đen tội lỗi.

nội dung Người đua diều

Cuộc điện thoại của chú Rahim cho Amir sau khi anh đã ổn định cuộc sống bên Mỹ là nút thắt quan trọng thứ hai của tác phẩm. Người đọc được chứng kiến những đấu tranh nội tâm giằng xé trong nhân vật chính. Tiếp tục với cuộc sống hiện tại hay trở về, đối diện, chuộc lại tội lỗi của quá khứ? 

Những tưởng tiểu thuyết đã cởi được nút thắt khi “tôi” quyết định về Pakistan gặp chú Rahim. Nhưng không, mâu thuẫn truyện tiếp tục được đẩy lên và đạt đến đỉnh điểm khi Hassan – người đã bị Amir phản bội một cách hèn hạ, người đã chết dưới họng súng Taliban – lại chính là đứa em ruột của cậu, là đứa con trong bóng tối của Baba. Amir lao ra khỏi phòng còn độc giả cũng sững sờ, chết lặng. Còn sự thật nào phũ phàng và khủng khiếp hơn thế? Những nỗi lòng quá khứ nhức nhối liên tục chà xát trong Amir. Lại một cuộc tranh đấu nội tâm kịch liệt xảy ra. Dừng lại hay bước tiếp?

Và sự thiện lương đã dẫn đường, mâu thuẫn truyện được nới lỏng. Amir quay lại Kabul, giải cứu thành công Sohrab, con trai Hassan, mong muốn nhận cậu bé làm con nuôi và đưa về Mỹ sinh sống. 

nội dung Người đua diều

Nút gỡ quyết định trong “Người đua diều” chính là bức tâm thư Rahim để lại cho Amir khi ông rời đi. Tôi có cảm giác, Rahim hay chính Hosseini đã quặn thắt, rút ruột gan mà viết những dòng thư ấy. Từng câu chữ thực sự lay động và chạm đến đáy tim mỗi con người, giúp cởi bỏ những mâu thuẫn cha con, anh em, chú cháu, dần đẩy lùi bóng đen tội lỗi trong tâm trí Amir.

Tiểu thuyết khép lại với cái kết mở khi Amir chạy đuổi theo con diều xanh cùng câu nói: “Vì cháu, cả ngàn lần rồi”. Có lẽ Amir đang muốn bắt lấy con diều – bắt lấy cơ hội của cuộc đời mình, với hi vọng mở được cánh cửa vào tâm hồn đang im lặng của cháu trai, chuộc lại phần nào những sai lầm của quá khứ, từ đó bắt đầu một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. 

Người đua diều – luôn có một con đường tốt lành để trở lại

Xuyên suốt “Người đua diều”, bên cạnh khổ đau và mất mát, tình yêu thương và sự thiện lương trong con người vẫn luôn được đề cao. Nhân vật Rahim và Hassan chính là hiện thân của điều đó. Những câu nói của chú Rahim, từ lời thủ thỉ bên điện thoại đến những giãi bày trong tâm thư là kim chỉ nam cho Amir trên con đường quay lại để giải thoát chính mình, hoá giải những mâu thuẫn và kết nối, hàn gắn tình cha con, anh em, chú cháu.

“Luôn có một con đường để tốt lành trở lại” là câu nói của nhân vật Rahim mà tôi yêu thích nhất. Không chỉ đúng với Amir, tôi tin rằng nó còn là lời động viên khích lệ với hàng triệu triệu độc giả đang cầm trên tay cuốn sách “Người đua diều”. 

Hãy dũng cảm quay đầu để đối diện với sai lầm và chuộc tội. Ta không thể thay đổi quá khứ nhưng có thể thay đổi phiên bản của chính ta trong hiện tại để khép lại quá khứ và hướng tới tương lai. Đây thực sự là thông điệp mang đầy tính nhân văn của tác phẩm.

nội dung Người đua diều

Xem thêm:

Dù đã ra mắt công chúng hơn 20 năm nhưng “Người đua diều” vẫn giữ được tính thời sự đối với độc giả. Thông qua cuốn sách, người đọc thế giới hiểu hơn về cuộc sống, văn hoá và con người Afghanistan; những đau thương, mất mát đã và đang giày xéo đất nước này. Từ tác phẩm, các thông điệp sâu sắc [4] đã đi vào đời thực, dẫn đường cho mỗi chúng ta dám sống thành thật, dũng cảm và nhân ái hơn. 

Bạn đang có những nỗi lòng trắc ẩn? Bạn đang cần một cuốn sách giàu cảm xúc và đậm tính nhân văn, hãy đọc “Người đua diều” bạn nhé! 


Thưởng thức trọn vẹn tác phẩm qua đường link mua sách phía dưới để ủng hộ DIMI BOOK tiếp tục tạo ra những nội dung chất lượng và phong phú nhé! Chân thành cảm ơn Quý độc giả đã yêu mến!

Tài liệu tham khảo:

  1. Guthmann, Edward (ngày 14 tháng 3 năm 2005). “Before ‘The Kite Runner,’ Khaled Hosseini had never written a novel. But with word of mouth, book sales have taken off”. San Francisco Chronicle. 
  2. Italie, Hillel (ngày 29 tháng 10 năm 2012). “’Kite Runner’ author to debut new novel next year”. NBC News.  
  3. Linh Trang (ngày 13 tháng 10 năm 2023). Khaled Hosseini và hành trình của “Người đua diều”. vannghequandoi.com.vn.  
  4. Minh Ngọc (ngày 27 tháng 11 năm 2023) “Những dòng chữ khắc sâu: 22 trích dẫn hay nhất từ ‘Người đua diều’”. pibook.vn  
  5. Tonkin, Boyd (ngày 28 tháng 2 năm 2008). “Is the Arab world ready for a literary revolution?”. The Independent.  

Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Xem sách chi tiết Người Đua Diều (Tái Bản 2018) tại đây

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ZaloGọi điệnFacebook