Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nghề viết lách đã không còn giới hạn ở nhà thơ, nhà văn hay nhà báo mà ngày càng đa dạng với sự góp mặt của những danh xưng mới như KOL, content creator, người viết blog,… với mức thu nhập vô cùng “ổn áp”. Với một số người, khả năng viết lách của họ như được trời phú, nhưng phần lớn những người khác có được kỹ năng này là nhờ nỗ lực trau dồi và rèn luyện. Nếu bạn đang chập chững những bước đi đầu tiên trong hành trình “bán chữ nuôi thân”, cuốn sách Bút hết nặng, viết hết đau sẽ là người bạn đồng hành tuyệt vời dành cho bạn.

Bút hết nặng, viết hết đau chia sẻ kinh nghiệm viết từ một cộng đồng đầy năng lượng

Được chấp bút bởi gần 20 tác giả là những cây viết trẻ giàu năng lượng đến từ cộng đồng On Writing Daily – OWD, cuốn sách sẽ mang đến cho bạn một lượng thông tin khổng lồ với những gam màu rất riêng. 

Qua ba chương đầu của quyển sách, bạn sẽ lần lượt được hướng dẫn cách vượt qua những “chướng ngại vật” khi viết như sự trì hoãn, nỗi lo bị phán xét,… Ở những phần tiếp theo của cuốn sách, bạn sẽ được hướng dẫn “viết sao cho đúng, ai đọc cũng khen chuẩn?” cũng như “viết thế nào để đáp ứng yêu cầu công việc?”

Và, ở mỗi hướng dẫn trong sách đều có bài tập thực hành đi kèm để bạn có thể củng cố lại kiến thức tốt hơn.

Những kỹ thuật viết mà bạn học được từ Bút hết nặng, viết hết đau

Viết tự do – Thả mình vào con chữ

Viết tự do cho phép bạn viết tất cả những suy nghĩ, ý tưởng xuất hiện trong đầu trong khoảng thời gian nhất định mà chẳng cần quan tâm về chính tả, ngữ pháp, nội dung hay hay dở. 

Viết tự do giúp bạn có được tâm lý thoải mái để hòa mình cùng những con chữ, tìm lại nguồn cảm hứng, và kết nối với bản thân nhiều hơn. Và vì bạn không có kế hoạch trước khi viết nên não sẽ được tự do hoạt động, những ý tưởng mới cũng từ đó ra đời.

Đối thoại cùng độc giả

Tâm lý chung của hầu hết độc giả chính là thích đọc những bài viết mang tính chia sẻ kinh nghiệm, tâm tình hơn là những bài nặng tính học thuật, khô khan. Nếu bạn có thể tạo được cảm giác như đang trong một buổi trò chuyện, người đọc sẽ cảm thấy bản thân được thấu hiểu, từ đó giữ chân họ đến cuối bài viết. Vậy làm sao để làm được điều này?

Đầu tiên, bạn không nên sử dụng những đại từ xưng hô chung chung như “các bạn”, “mọi người” mà thay vào đó hãy dùng từ “bạn” để tạo cho người đọc cảm giác bài viết này dành riêng cho họ.

Tiếp theo, bạn nên nghiên cứu và sử dụng ngôn từ mà người đọc thường sử dụng. Việc này sẽ tạo cảm giác gần gũi cho người đọc, khiến họ cảm thấy bạn và họ có cùng trải nghiệm. 

Ngoài ra, việc sử dụng các câu hỏi cũng tăng tính tương tác giữa người đọc và người viết. Độc giả có thể đồng tình hoặc có ý kiến khác với bạn nhưng chắc chắn họ sẽ tò mò việc bạn nghĩ thế nào về câu hỏi đó. Ví dụ, “Bạn có sợ chia sẻ quan điểm của mình trên mạng xã hội không? Mình thì cảm thấy hơi sợ. Một phần vì mình ngại chia sẻ quan điểm của bản thân với người khác, một phần mình sợ ý kiến của mình sẽ bị công kích, chê bai.”

Bên cạnh đó, bạn nên sử dụng câu chủ động trong phần lớn bài viết vì nó sẽ tự nhiên, gần gũi với giao tiếp hàng ngày hơn. Bạn thường nghe là “mình mất 2 ngày để  đọc quyển sách này”, chứ ít ai nói là “quyển sách này được mình đọc mất 2 ngày” đúng không nào?

Và cuối cùng là, nếu bạn muốn lời văn tự nhiên, mang đến cảm giác như đang trò chuyện cùng độc giả thì từ cách xưng hô, cách dùng từ, viết câu đều cần tạo sự thân quen, dễ hiểu, và không gây nhàm chán.

Viết chậm – nghệ thuật thả lỏng bản thân

Viết chậm đôi khi khiến người mới bắt đầu hoài nghi về năng lực của mình, khiến người viết lâu năm cảm thấy bản thân thiếu năng suất so với những cây viết khác.

Tuy nhiên, việc viết chậm chẳng đáng sợ đến thế. 

Khi viết chậm, bạn sẽ bật chế độ nghiêm khắc với bản thân hơn, đánh giá từng con chữ trong bài viết một cách khắt khe hơn. Bạn hãy tưởng tượng mà xem khi cơ thể và tinh thần hoàn toàn “thả lỏng”, bạn sẽ có thể chầm chậm ngắm nhìn, từ từ cảm nhận những điều chưa ổn để chỉnh sửa và tìm ra phiên bản ưng ý nhất.

Nghệ thuật viết nhanh

Để tăng tốc viết nhanh mà vẫn đảm bảo mang đến nội dung chất lượng cho độc giả, cuốn sách Bút hết nặng, viết hết đau đã đưa ra những gợi ý như sau:

Tăng tốc độ đánh máy

Tốc độ đánh máy nhanh và thuần thục sẽ giúp bạn giảm thiểu lỗi chính tả và theo kịp mạch ý tưởng xuất hiện trong đầu.

Chuẩn bị sẵn sàng trước khi bắt tay vào viết

Lập dàn ý

Nếu viết bài ngắn, bạn chỉ cần vài gạch đầu dòng liệt kê ý chính là đủ. Còn trường hợp bài dài, dàn ý cần phải chi tiết để khi bắt tay vào viết nội dung sẽ mạch lạc, không bị trùng lặp.

Tập trung viết

Hạn chế chỉnh sửa trong khi viết 

Việc ghi chép hoặc đánh máy quá nhanh đôi khi sẽ để lại lỗi chính tả hoặc ngữ pháp, hay bạn đơn giản là bạn nảy ra ý tưởng mới và muốn bổ sung. Dù là lý do gì đi chăng nữa cũng đừng dừng lại vì nó sẽ khiến tốc độ của bạn bị giảm. Bạn có thể quay lại chỉnh sửa sau khi đã viết xong. Trường hợp bạn sợ quên ý tưởng mới của mình thì có thể trực tiếp ghi chú vào bài viết .

Có thể ví von cuốn sách “Bút hết nặng, Viết hết đau” như chiếc la bàn cho những bạn “chân ướt, chân ráo” bước chân vào nghề viết lách, giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về nghề này. Cuốn sách được DIMI Book phát hành, và hiện đang được mở bán trên toàn quốc, nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về sách thì có thể tham khảo link dưới đây:

XEM SÁCH NÀY

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *