Bà huyện Thanh Quan là một nữ nhà thơ bật trong lịch sử văn học Việt Nam thời phong kiến. Trong hành trình sáng tác của bà, với vỏn vẹn khoảng chục tác phẩm nhưng phong cách thơ ca của Bà huyện Thanh Quan vẫn mang đậm hồn riêng và để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc.

Những bài thơ của bà nổi bật với ngôn ngữ tinh tế, cảm xúc sâu lắng và sự khéo léo trong việc miêu tả cảnh vật và tâm trạng; kết hợp hài hòa giữa cổ điển và hiện thực, mang đến cho người đọc những trải nghiệm đầy xúc cảm và suy ngẫm về cuộc sống và sự biến động trong lịch sử xưa.

“Duyên với giang sơn nên dán chữ;
Nợ gì giời đất phải trồng nêu.”

(Câu đối ngày tết của Bà huyện Thanh Quan)

Tiểu sử Bà huyện Thanh Quan

Bà Huyện Thanh Quan (1805-1848) tên thật là Nguyễn Thị Hinh, là một trong số ít những nữ thi sĩ xuất sắc nhất trong văn học Việt Nam vào đầu thế kỷ 19.  Bà kết hôn với với Lưu Nguyên Ôn (Lưu Nghị), ông Nghị đỗ cử nhân năm 1821 (Minh Mạng thứ 2), từng làm tri huyện Thanh Quan (nay là huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình), nên người ta thường gọi bà là Bà huyện Thanh Quan.

“In như thảo mộc trời Nam lại
Đem cả sơn hà đất Bắc sang.”

(Câu đối đề thơ của Bà huyện Thanh Quan)

Nhờ có tài văn chương lỗi lạc, Bà huyện Thanh Quan được vua Minh Mạng vời vào cung và phong chức “Cung trung Giáo tập” để dạy cho các cung nhân học. Trọng tài học của bà, vua Minh Mạng có ban cho bà được đề thơ vào một cái chén cổ, có bức hoạ sơn thuỷ. Bà đã ứng khẩu đọc hai câu:

Đến năm 1847, khoảng một tháng sau khi chồng mất, bà lấy cớ sức yếu xin thôi việc, rồi dẫn bốn con về lại Nghi Tàm và ở vậy cho đến hết đời. 

thơ của Bà huyện Thanh Quan

Bà huyện Thanh Quan nổi tiếng với các bài thơ mang đậm tính chất trữ tình, lãng mạn và thường mang trong mình nỗi buồn và sự cô đơn. Thơ của bà thường miêu tả cảnh thiên nhiên, những cảm xúc riêng tư và tình yêu quê hương đất nước.

Hiện nay các sáng tác của Bà huyện Thanh Quan còn lại rất ít ỏi, các bài thơ Đường luật  hay câu đối chữ đều được viết bằng chữ Nôm. Một số tác phẩm nổi tiếng của bà bao gồm “Qua Đèo Ngang”, “Chiều Hôm Nhớ Nhà”, “Thăng Long Hoài Cổ”, “Nghỉ Chân Bến Phủ”, “Tĩnh Dạ Tứ”,… 

Bà huyện Thanh Quan – Người kết hợp hoàn hảo thơ Đường luật và chữ Nôm

“Thơ Đường trước bà người ta đã làm vô số, sau bà người ta cũng còn làm vô số. Nhưng trước cũng như sau, có lẽ không ai vượt được nữ sĩ Thanh Quan” – cố giáo sư Phạm Thế Ngũ.

Chính vây, điểm độc đáo trong phong cách nghệ thuật của nữ thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan là khả năng kết hợp hoàn hảo giữa thể thơ Đường luật chính thống với chữ Nôm mà vẫn giữ trọn vẹn cái hồn cốt của thơ Đường.

Bà huyện Thanh Quan sinh ra trong một gia đình nhà nho, là học trò của danh sĩ Phạm Quý Thích (1760-1825), vì vậy không lạ mà phong cách thơ của bà thường mang nét đoan trang và nghiêm nghị của phụ nữ quyền quý thời phong kiến.

Hầu hết trong thơ của bà, ta có thể tìm thấy những đường nét hao hao giống tám bức cổ hoạ của Trung Hoa: Bình sa lạc nhạn (đàn chim nhạn bay xuống bãi cát), Sơn thị tình lam (cảnh chợ chiều dưới chân núi), Viễn phố quy phàm (thuyền buồm ở phố xa về), Ngư thôn tịch mịch (cảnh xóm thuyền chài buổi chiều), Sơn tự hàn chung (tiếng chuông chùa văng vẳng trên núi), Động Đình thu nguyệt (trăng thu trên hồ Động Đình), Giang biên mộ tuyết (cảnh gần tối tuyết sa ở bên sông), Tiêu Tương dạ vũ (cảnh đêm mưa trên sông Tiêu Tương).

thơ của Bà huyện Thanh Quan

Bà Huyện Thanh Quan có thể được như xem là một trong những nhà thơ hàng đầu của thi pháp thơ Đường luật cổ điển Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự phát triển và hoàn thiện thể loại thơ này trong văn học trung đại Việt Nam.

Thơ Đường luật của bà sử dụng chữ Nôm thuần Việt giản dị nhưng tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc về niêm luật và đối, những hình ảnh trong thơ chứa đựng nhiều tình cảm và cảm xúc, khiến người đọc cảm nhận được sự gần gũi và tinh tế. Sự kết hợp giữa tính nghiêm trang, giản dị và trữ tình trong thơ của bà không chỉ tạo nên một phong cách riêng biệt mà còn góp phần nâng cao giá trị của thể loại thơ Đường luật trong văn học Việt Nam.

Nữ sĩ Thanh Quan mang khuynh hướng thơ hoài cổ (hoài Lê)

Thơ của Bà huyện Thanh Quan thường chứa đựng những nỗi niềm hoài cổ, nhớ về một thời kỳ huy hoàng đã qua. Qua từng dòng thơ, bà thể hiện nỗi nhớ về những giá trị văn hóa và lịch sử trong quá khứ. Bà huyện Thanh Quan làm thơ như một cách để ghi lại ký ức, giữ lại những gì đã qua.

Lớn lên trong thời Lê mạt và Nguyễn sơ, Bà huyện Thanh Quan có thể xem như một “di thần” nhà Lê. Bà đau lòng khi chứng kiến cảnh thay ngôi đổi vị, những cuộc chiến tranh tang thương và sự suy tàn của triều đại Lê. Điều này đã khiến phần lớn thơ văn của Bà huyện Thanh Quan có phần hoài cổ, tiếc thương quá khứ vàng son của tiền triều. 

phong cách thơ của Bà huyện Thanh Quan

Là một người con của giai cấp sĩ phu Bắc Hà, Bà huyện Thanh Quan khi đi qua cố đô, chợt bâng khuâng trước sự di đô đổi triều, đau lòng trước sự tang thương bà viết:

“Tạo hoá gây chi cuộc hý trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn chau mặt với tang thương.
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.”

(Bài thơ “Thăng Long hoài cổ” của Bà huyện Thanh Quan)

Hay khi đến thăm chùa Trấn Bắc, nữ thi sĩ trông chùa mà lòng chỉ thấy “Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu”:

“Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu,
Khách đi qua đó chạnh niềm đau.
Mấy toà sen rớt mùi hương ngự,
Năm thức mây phong nếp áo chầu.
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn,
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau.
Người xưa, cảnh cũ, nào đâu tá?
Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu!”

(Bài thơ “Chùa Trấn Bắc” của Bà huyện Thanh Quan)

Với tài năng và tấm lòng tha thiết với quá khứ, Bà Huyện Thanh Quan đã gửi gắm trong những bài thơ của mình nỗi hoài niệm về một triều đại huy hoàng đã qua. Những vần thơ của bà không chỉ chứa đựng cảm xúc chân thành mà còn phản ánh tình yêu quê hương và lòng tự hào dân tộc. 

Qua từng câu chữ, bà đã vẽ nên bức tranh phong cảnh thiên nhiên tĩnh lặng, chứa đựng những nỗi niềm sâu kín của con người trước sự biến đổi của cuộc sống và lịch sử. Nỗi buồn man mác trong thơ bà vì thế đã tạo nên những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và cảm xúc sâu lắng, đi sâu vào lòng người đọc.

Nỗi buồn man mác trong thơ Bà huyện Thanh Quan

Thế giới thơ của Bà huyện Thanh Quan ngập tràn trong nỗi buồn man mác khi đứng trước cảnh vật thay đổi nhưng con người thì lẻ loi, cô đơn. Nhưng có lẽ vì quen nếp sống cổ kính của đạo lý Khổng Mạnh thời phong kiến, nỗi buồn trong thơ của bà rất nhẹ nhàng và kín đáo với những lời văn khuê các, đoan trang. 

Thiên nhiên trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan không chỉ là cảnh vật mà còn là bối cảnh để bà bày tỏ cảm xúc và suy tư. Cảnh sắc thiên nhiên thường được miêu tả rất tinh tế, tỉ mỉ, mang đến cho người đọc cảm giác thanh bình, nhưng cũng chất chứa nỗi buồn và sự cô đơn.

Cảm xúc này được thể hiện qua từng từ ngữ và hình ảnh thơ, như trong bài “Qua đèo Ngang” với cảnh thiên nhiên hùng vĩ nhưng lòng người lại cô đơn và trống trải.

“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông rợ mấy nhà.
Nhớ nước, đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà, mỏi miệng cái da da.
Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.”

(Bài thơ “Qua đèo Ngang” của Bà huyện Thanh Quan)
Bài thơ “Qua đèo Ngang” của Bà huyện Thanh Quan

Thơ của bà mang đậm nỗi niềm u hoài, như một lời nhắn nhủ về sự vĩnh hằng của thời gian và sự nhỏ bé của con người trước vũ trụ. Hay tác phẩm như “Chiều hôm nhớ nhà” diễn tả sự cô đơn, lạc lõng của bà trong không gian rộng lớn và tĩnh lặng.

“Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc xa đưa lẩn trống đồn.
Gác mái, ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu sương sa khách bước dồn.
Kẻ chốn trang đài, người lữ thứ,
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?”

(Bài thơ “Chiều hôm nhớ nhà” của Bà huyện Thanh Quan)

Những cảm xúc thầm kín của một người phụ nữ trong bối cảnh xã hội phong kiến cũng được bà thể hiện một cách chân thực và xúc động. Những tâm sự về tình yêu, gia đình, và sự cô đơn thường xuất hiện trong thơ của bà, tạo nên sự đồng cảm sâu sắc với người đọc.

Thơ của Bà Huyện Thanh Quan không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật đẹp mà còn là những tài liệu quý giá giúp chúng ta hiểu hơn về tâm tư, tình cảm của người phụ nữ và xã hội Việt Nam trong thời kỳ nhà Nguyễn.

Tìm đọc một số giai thoại của Bà huyện Thanh Quan

Các giai thoại về Bà Huyện Thanh Quan không được ghi chép nhiều và thường được truyền miệng trong dân gian. Tuy nhiên, một số câu chuyện hay giai thoại nổi tiếng về bà đã được khảo nghiệm trong các tài liệu về văn học, lịch sử dân gian Việt Nam, nổi tiếng nhất có lẽ là ba giai thoại dưới đây:

Giai thoại 1: Bà huyện Thanh Quan khéo chê Vua Minh Mạng viết chữ xấu

Chuyện kể lại rằng, trong thời gian Bà Huyện Thanh Quan vào Huế làm Cung trung giáo tập, dạy cho các cung phi mỹ nữ. Một hôm nhân dịp chúc mừng một vị quan lớn của triều đình, Vua Minh Mạng ban ơn bằng cách viết tặng hai chữ đại tự theo nghệ thuật thư họa. 

Viết xong, Nhà Vua đưa cho Bà huyện Thanh Quan và hỏi: “Được không?”. Ngắm nét chữ “rồng bay phượng múa” của Nhà Vua, Bà Huyện Thanh Quan trả lời:

“Tâu Bệ Hạ, phúc tối hậu, thọ tối trường” (phúc rất dày, thọ rất dài).

Chợt nghe, Vua Minh Mạng chưa hiểu ý của Bà Huyện Thanh Quan, nhưng nhìn kỹ lại chữ của mình, Vua mỉm cười gật đầu. Té ra Vua đã viết chữ Phúc béo tròn và chữ Thọ dài ngoẵng!

Bà huyện Thanh Quan vốn rất đoan trang, đôn hậu, nên khi bà “phê” Nhà Vua một cách khéo như vậy khiến Vua Minh Mạng cảm thấy thú vị, không tức giận.

Giai thoại 2: Chuyện Bà huyện Thanh Quan thay chồng xử án lần 1

Một sự việc khá đặc biệt trong đời của Bà Huyện Thanh Quan. Khi ông huyện Thanh Quan (Lưu Nghi) vắng nhà, bà Nguyễn Thị Đào đã nộp đơn xin ly hôn, tuyên bố rằng chồng cô đã ruồng bỏ cô để lấy vợ mới.

Bà Huyện Thanh Quan

Bà huyện Thanh Quan cảm thấy thương cảm và đã tự ý thay chồng phê đơn cho Nguyễn Thị Đào để được ly hôn. Bằng một số câu thơ ngắn, bà đã bày tỏ sự đồng cảm với sự cô đơn lẻ bóng của người vợ goá:

“Phò cho con Nguyễn Thị Đào
Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai?
Chữ rằng: Xuân bất tái lai
Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già!”

Tuy nhiên, chẳng bao lâu chồng của Nguyễn Thị Đào kiện lên quan trên. Quan trên vì đã ăn hối lộ và giáng chức ông huyện Thanh Quan xuống. Đây là một câu chuyện thú vị về sự can đảm và lòng nhân đạo của Bà huyện Thanh Quan trong một tình huống phức tạp của đời sống xã hội thời bấy giờ.

Giai thoại 3: Chuyện Bà huyện Thanh Quan thay chồng xử án lần 2

Đây cũng lại là một câu chuyện thú vị về sự hài hước và thông minh của Bà Huyện Thanh Quan trong việc thay chồng xử án.

Khi ông đỗ hương Cống tới xin phép mổ trâu để giỗ cha, và trong khi đó triều đình lại có lệnh hạn chế mổ trâu để bảo vệ nguồn sống của nông dân, Bà Huyện Thanh Quan đã đáp lại bằng một câu thơ hóm hỉnh:

“Người ta thì chẳng được đâu

‘Ừ’ thì ông Cống làm trâu thì làm.”

Bằng cách này, bà đã sử dụng chữ nghĩa một cách khéo léo để giải quyết vấn đề mà vẫn giữ được sự vui vẻ và hài hước. Ông đỗ hương Cống, mặc dù không được phép mổ trâu như mong đợi, nhưng cũng hiểu được lòng nhân từ và hài lòng về sự thông cảm của Bà huyện Thanh Quan.

Câu chuyện này không chỉ thể hiện sự thông minh của bà trong biện pháp giải quyết mà còn cho thấy tinh thần hài hước và sự độ lượng của bà đối với nhân dân và văn hóa dân gian.

Xem thêm:

Cuộc đời và sáng tác của Bà huyện Thanh Quan không chỉ thể hiện tinh thần nhân văn cao đẹp và tình yêu nước của người phụ nữ truyền thống Việt Nam, mà còn phản ánh sự biến động của thời đại phong kiến lúc bấy giờ. Bà là một nữ sĩ văn học có tài năng, là một biểu tượng của tinh thần trí thức và nhân đạo trong văn hóa Việt Nam cổ điển, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người qua thời gian. Đọc các tác phẩm của bà, độc giả sẽ được bước cảnh vật của triều đại cũ, cảm nhận những tâm tư giàu cảm xúc của một người phụ nữ tài giỏi của Việt Nam xưa.


Thưởng thức trọn vẹn tác phẩm qua đường link mua sách phía dưới để ủng hộ DIMI BOOK tiếp tục tạo ra những nội dung chất lượng và phong phú nhé! Chân thành cảm ơn Quý độc giả đã yêu mến!

Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ZaloGọi điệnFacebook