Nếu hỏi nữ thi sĩ nào nổi tiếng với phong cách thơ phồn thực trong lịch sử văn học Việt Nam, Hồ Xuân Hương chắc chắn sẽ là cái tên đầu tiên được nhắc đến. Mang phận người phụ nữ hèn mọn trong xã hội phong kiến bảo thủ, nữ thi sĩ chẳng ngại bỏ qua lễ giáo khắt khe để viết nên những câu thơ đậm chất phong tình và có phần táo bạo.
Cái táo bạo trong thơ Hồ Xuân Hương không hề sáo rỗng hay phản cảm. Thay vào đó, nó thể hiện vẻ đẹp sống động của thiên nhiên cùng tiếng nói đấu tranh cho quyền sống của con người, đặc biệt là người phụ nữ trong thời đại “nam quyền”.
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương – “Bà chúa thơ Nôm”
Hồ Xuân Hương là một nữ thi sĩ nổi tiếng của nền văn học trung đại Việt Nam. Từ xưa đến nay, có không ít thắc mắc xoay quanh lai lịch của bà, rằng liệu Xuân Hương có thật hay chỉ là một huyền thoại hay là “ẩn thân” của một nhóm nhà thơ nào đó? Không có bất cứ tư liệu cổ nào ghi chép về lai lịch và cuộc đời của Hồ Xuân Hương. Hậu thế chỉ biết đến bà qua sách “Giai nhân di mặc” của tác giả Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, ấn hành từ năm 1916 tại Hà Nội.
Theo tài liệu ghi chép này, Hồ Xuân Hương sinh năm 1772 tại Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An và mất năm 1822 tại Thăng Long, nội trấn Bắc Thành (nay là Hà Nội). Tuy nhiên, một giả thuyết khác được John Balaban – dịch giả người Mỹ, chuyên gia văn học Việt Nam – lại cho rằng bà sinh ra ở phường Khán Xuân (nay là đất thuộc Vườn Bách Thảo, phường Ngọc Hà, thành phố Hà Nội).
Tất cả tác phẩm mà Hồ Xuân Hương để lại cho nền văn học Việt Nam đều là thơ, hầu hết đều được viết bằng chữ Nôm, chỉ có một số ít là thơ chữ Hán. Thơ của bà đặc trưng bởi phong cách độc đáo và khoáng đạt xưa nay hiếm thấy. Đó là lý do tại sao nhà thơ Xuân Diệu đã gọi nữ sĩ Hồ Xuân Hương là Bà Chúa thơ Nôm trong tập tiểu luận phê bình xuất bản năm 1961 của mình.
Phong cách sáng tác của nhà thơ Hồ Xuân Hương
Vẫn sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú và thất ngôn tứ tuyệt đậm chất thi cổ nhưng thơ Hồ Xuân Hương lại mang nét độc đáo khó nhầm lẫn. So với phần lớn các nhà thơ khác, thơ Hồ Xuân Hương đặc biệt từ cách chọn đề tài đến cách sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu và các hình tượng ẩn dụ.
Cảm hứng trong thơ Hồ Xuân Hương
Cảm hứng sáng tác trong thơ cả của Hồ Xuân Hương rất đa dạng và phong phú, chủ yếu dựa trên trải nghiệm và chính những quan sát của bà về thế giới xung quanh.
Sinh ra trong một gia đình nghèo vào thời phong kiến suy tàn, Hồ Xuân Hương đầy sóng gió. Khi bà mới 13 tuổi, cha của bà qua đời. Bà phải theo mẹ về làng Thọ Xương, gần Thăng Long để tiếp tục học tập và sinh sống. Sau này, Hồ Xuân Hương đã trải qua hai cuộc hôn nhân không hạnh phúc, cả hai đều làm vợ lẽ. Nhưng cũng chính những trắc trở này đã mang đến cho bà chất liệu để sáng tạo nên các tác phẩm thi ca của mình.
Ví như ở cuộc hôn nhân đầu tiên với ông Tổng Cóc làng Giáp, xã Tứ (nay thuộc tỉnh Phú Thọ), vì xung khắc trong phong cách sống, bà quyết định bỏ đi và gửi về làng bài thơ “Khóc Tổng Cóc” để cắt đứt duyên vợ chồng:
“Chàng Cóc ơi, chàng Cóc ơi
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé
Ngàn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi.”
Hay như khi kết thúc cuộc hôn nhân thứ hai kéo dài chỉ 27 tháng với tri phủ Vĩnh Tường, bà lại tiếp tục làm bài thơ “Khóc ông phủ Vĩnh Tường”:
“Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi!
Cái nợ ba sinh đã trả rồi
Chôn chặt văn chương ba tấc đất
Tung hê hồ thỉ bốn phương trời
Cán cân tạo hoá rơi đâu mất?
Miệng túi tàn khôn khép lại rồi
Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc
Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi!”
Trải qua lần hôn nhân đổ vỡ, bà quyết định chọn sống cuộc đời cô độc, ngao du sơn thủy, gặp khách văn chương. Cũng từ đây, bà bắt đầu có thêm chất liệu để ca ngợi thiên nhiên nước Nam sơn thủy hữu tình.
“Phong cảnh Tây Hồ chẳng khác xưa
Người đồng châu trước biết bao giờ
Nhật Tân đê lở nhưng còn lối
Trấn Bắc rêu phong vẫn ngấn thơ”
(Chơi Hồ Tây nhớ bạn)
Một cảm hứng nhân văn tiêu biểu khác có thể dễ dàng bắt gặp trong thơ Hồ Xuân Hương là niềm cảm thương cho thân phận người phụ nữ. Cùng là phận đàn bà trong xã hội “tam tòng tứ đức”, hơn ai hết, Hồ Xuân Hương là người hiểu rõ nhất sự bất công của phận nữ nhân lúc bấy giờ.
Nhưng thay vì âm thầm chịu đựng như phần lớn những người phụ nữ khác, bà không ngại dùng chính lời thơ của mình vạch trần bộ mặt của xã hội thối nát, giễu cợt từ vua đến quan cùng một bộ phận trí thức Nho học – những kẻ “hiền nhân quân tử” – là nguyên căn của những định kiến bất công.
Phong cách sáng tác: Tiếng nói đồng cảm với người phụ nữ
Nói về phong cách sáng tác trong thơ Hồ Xuân Hương, trước nhất phải nói đến cái “chất” phồn thực. Sự phồn thực được bà lấy từ hai nguyên mẫu chính là thiên nhiên Bắc Bộ và người phụ nữ Việt xưa.
Ngâm đôi ba câu thơ tả cảnh của Hồ Xuân Hương, bạn có thể dễ dàng nhận ra thiên nhiên qua miêu tả của bà luôn thật trẻ trung và tươi mới. Dù chỉ là những hình ảnh quen thuộc như khe nước, giếng khơi, ghềnh thác hay thậm chí là cây cỏ gà, trong mắt nữ sĩ Hồ Xuân Hương đều có sức sống căng tràn.
“Cầu trắng phau phau hài ván ghép
Nước trong leo lẻo một dòng thông
Cỏ gà lún phún leo quanh mép
Cá diếc le te lội giữa dòng”
(Cái giếng)
Nhưng chỉ vậy có lẽ chưa đủ để khiến thơ Hồ Xuân Hương trở nên đặc biệt. Thay vào đó, bà thường coi thiên nhiên là “đối tác”, giống như một nhân vật hiện ra với đầy vẻ gợi mời:
“Lườn đá cỏ leo sờ rậm rạp
Lách khe nước rỉ mó lam nham”
(Hang Thanh Hóa)
Trái ngược với cảnh thiên nhiên lớn lao và sống động, người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương lại hiện lên với dáng dấp nhỏ bé, hèn mọn cùng số phận đau khổ.
Cũng với hình ảnh ẩn dụ táo bạo và trần trụi nhưng Hồ Xuân Hương lại miêu tả người phụ nữ với giọng điệu bi hài, pha chút xỏ xiên và chua xót.
“Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi,
Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi.
Quân tử có thương thì bóc yếm,
Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi.”
(Ốc nhồi)
Nhiều nhà phê bình đã nhận định thơ của Hồ Xuân Hương đặc trưng bởi nét “thanh tục, tục thanh”, nghĩa là dùng chữ thanh nhưng nói về cái tục.
Khác với phần lớn những người thi sĩ luôn cố gắng đưa vào thơ ca của mình hình ảnh trau chuốt và đẹp đẽ, Hồ Xuân Hương lại thường xuyên dùng những ý tứ khiến người đọc phải “đỏ mặt”, ngay cả khi việc nói ra những ý tứ ấy là điều cấm kị trong lễ nghĩa Nho giáo nặng nề.
Bà còn sử dụng đa dạng cách xưng hô như “em, chị, thiếp, thân này”, danh xưng “Xuân Hương”, thậm chí có lúc chỉ lửng lơ một chữ “đây”. Những cách xưng hô này khi thì ủy mị, khi lại tinh quái, lắm lúc cũng đầy ngạo nghễ, đúng với cá tính mạnh mẽ của người phụ nữ phóng khoáng.
Một số tác phẩm tiêu biểu & thành tựu
Kho tàng thi phẩm của Hồ Xuân Hương có khoảng 150 bài với 100 bài là thơ chữ Nôm, còn lại là chữ Hán. Phần lớn được ghi chép trong 2 tập thơ “Xuân Hương thi tập” và “Lưu Hương Ký”.
Những bài thơ quen thuộc và được lưu truyền rộng rãi nhất có thể kể đến:
- Bánh trôi nước
- Tự tình
- Họa nhân
- Cảnh thu
- Vấn nguyệt
- Vịnh cái quạt
- Động Hương Tích
- Vịnh Hằng Nga
- Đá ông chồng, bà chồng
- Tặng tình nhân
- Mời khách ăn trầu
Ngoài ra, bà còn có chùm thơ “Cặp xướng họa” đối đáp cùng nhà thơ Chiêu Hổ.
Cho đến hiện tại, lối suy nghĩ táo bạo cùng triết lý nhân sinh trong thi ca Hồ Xuân Hương vẫn còn giữ nguyên giá trị, trở thành nguồn tư liệu quý báu cho giáo dục và nghệ thuật Việt Nam.
Hai bài thơ “Bánh trôi nước” và “Tự tình II” trong tập thơ của Hồ Xuân Hương đã được đưa vào chương trình sách giáo khoa Ngữ Văn THCS và THPT như những đại diện tiêu biểu cho thơ ca trung đại. Tại nhiều trường đại học lớn, “Thơ Nôm Hồ Xuân Hương” cũng là một bộ môn được giảng dạy trong chuyên ngành Văn Học Việt Nam.
Về lĩnh vực nghệ thuật, bên cạnh các tác phẩm thi ca, chính hình ảnh của bà cũng đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác như:
- Truyện ngắn “Thoáng chút Xuân Hương” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
- Phim “Nàng Xuân Hương” của hãng phim Phương Nam công chiếu năm 2003.
- Vở chèo “Hồ Xuân Hương” của đạo diễn Bùi Đắc Sử.
- Loạt họa phẩm “Minh họa Hồ Xuân Hương” của họa sĩ Bùi Xuân Phái.
Với tư tưởng thức thời cùng những đóng góp giá trị cho nền văn hóa đại chúng, Hồ Xuân Hương đã trở thành 1 trong 6 nhân vật Việt Nam được UNESCO công nhận là Danh nhân Văn hóa Thế giới. Vào 2021, bà cũng được UNESCO vinh danh trong hồ sơ kỷ niệm năm sinh/năm mất của 60 nhân vật lịch sử nổi tiếng toàn nhân loại.
7 bài thơ hay của Hồ Xuân Hương
Bánh trôi nước
Thân em vừa trắng, lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Rắn nát mặc dù tay kẻ nặn,
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Tự tình I
Tiếng gà xao xác gáy trên vòm
Oán hận trông ra khắp mọi chòm
Mõ thảm không khua mà cũng cốc
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om
Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ
Sau hận vì duyên để mõm mòm
Tài tử văn nhân ai đó tá
Thân này đâu đã chịu già tom.
Tự tình II
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con.
Vịnh cái quạt
Một lỗ xâu xâu mới cũng vừa
Duyên em dính dán tự ngàn xưa
Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
Mát mặt anh hùng khi tắt gió
Che đầu quân tử lúc sa mưa
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng:
“Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?”
Cảnh thu
Thánh thót tầu tiêu mấy hạt mưa,
Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ,
Xanh ôm cổ thụ tròn xoe tán,
Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ.
Bầu dốc giang sơn say chấp rượu.
Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ.
Ơ hay, cánh cương ưa người nhỉ,
Ai thấy, ai mà chẳng ngẩn ngơ.”
Vấn nguyệt
“Trải mấy thu nay vẫn hãy còn,
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn?
Hỏi con Bạch Thố đà bao tuổi?
Hỏi chị Hằng Nga đã mấy con?
Đêm tối cớ sao soi gác tía?
Ngày xanh còn thẹn mấy vầng tròn.
Năm canh lơ lửng chờ ai đó?
Hay có tình riêng mấy nước non?
Hỏi trăng
Một trái trăng thu chín mõm mòm,
Nảy vừng quế đỏ đỏ lòm lom!
Giữa in chiếc bích khuôn còn méo,
Ngoài khép đôi cung cánh vẫn khòm.
Ghét mặt kẻ trần đua xói móc,
Ngứa gan thằng Cuội đứng lom khom.
Hỡi người bẻ quế rằng ai đó,
Đó có Hằng Nga ghé mắt dòm.
Xem thêm:
- Thơ Xuân Diệu: Tiếng nói cuồng nhiệt của tâm hồn tràn đầy tình yêu
- 20 bài thơ Tố Hữu hay và đầy ý nghĩa
Hồ Xuân Hương không chỉ là một nữ thi sĩ nổi tiếng trong lịch sử văn học Việt Nam, mà còn là một biểu tượng tiên phong về sự độc lập và sáng tạo của phái nữ. Di sản vĩ đại mà bà để lại dù đã trải qua hơn 200 năm nhưng vẫn đang sống và sẽ tiếp tục sống mãi trong lòng của những người yêu thơ Việt Nam.
Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “DIMI BOOK” hoặc “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.