Được mệnh danh là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, bên cạnh thủ pháp thi ca độc đáo, những người yêu thơ còn nhớ đến tên Xuân Diệu qua những dòng thơ tình lãng mạn.
Từ những đêm trăng thanh khiết đến những ngày mưa rào, dù ở hoàn cảnh nào, với ông tình yêu vẫn luôn hiện hữu. Đặc biệt, cái “tình” trong thơ Xuân Diệu không chỉ là tình yêu đôi lứa mà còn là tình cảm gia đình, tình yêu với quê hương đất nước.
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Sơ lược về nhà thơ Xuân Diệu
Nhà thơ Xuân Diệu tên đầy đủ là Ngô Xuân Diệu (1916-1985), là một trong những nhà thơ hiện đại tiêu biểu của Việt Nam. Ông được sinh ra tại quê mẹ Bình Định nhưng quê gốc của ông lại ở làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Sau này, ông cũng lấy chính tên làng Trảo Nha làm bút danh sử dụng trong một số tác phẩm của mình.
Nhắc đến Xuân Diệu, hẳn rất nhiều người Việt sẽ nghĩ ngay đến những bài thơ viết về tình yêu nồng nàn và say đắm. Có thể bạn chưa biết, từ năm 1945, sau khi gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, ông còn sáng tác thêm nhiều tác phẩm về cách mạng và tình yêu quê hương đất nước. Ngoài sáng tác thơ, Xuân Diệu cũng là một nhà văn, nhà tiểu luận phê bình và dịch giả của những tập thơ nổi tiếng thế giới.
Sau khi qua đời vào năm 1985, ông đã để lại cho nền văn học Việt Nam khoảng 17 tập thơ tự sáng tác (khoảng 450 bài), 17 truyện ngắn, một số tập bút ký và nhiều tiểu luận có giá trị.
Phong cách sáng tác của Xuân Diệu
Xuân Diệu là một trong những nhà thơ Việt Nam đầu tiên đưa các thủ pháp thơ ca phương Tây vào văn học nước nhà, chẳng hạn như thủ pháp “vắt dòng” (enjambment). Nhiều lời thơ của ông cũng mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa tượng trưng Pháp. Đó là lý do tại sao Xuân Diệu có danh xưng “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” của thế kỷ XX.
Cảm hứng & chủ đề tác phẩm của Xuân Diệu
Cảm hứng sáng tác trong thơ ca Xuân Diệu có sự phân hóa thành 2 giai đoạn rõ rệt: trước năm 1945 và sau năm 1945.
Trước năm 1945, thơ Xuân Diệu đặc trưng bởi chất “tình” lãng mạn. Các tác phẩm của Xuân Diệu trong giai đoạn này chủ yếu đề cao niềm say mê, những rung động lãng mạn của tình cảm lứa đôi; triết lý nhân sinh và khát khao sống mãnh liệt. Nổi bật nhất là những bài thơ được ông sáng tác trước năm 1945 trong tập “Thơ Thơ” và “Gửi hương cho gió”.
“Giữa vườn inh ỏi tiếng chim vui,
Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời.
Sao buổi đầu xuân êm ái thế!
Cánh hồng kết những nụ cười tươi.”
(“Nụ cười xuân” trong tập Thơ Thơ)
Đã bao lúc màu hoa đem nhớ tới;
Biết nhớ ai! đành chỉ nhớ xa xôi.
Lời ái ân ngừng lại ở nơi môi,
Mặc ánh sáng tha hồ reo trên nội.
(“Mời yêu” trong tập Gửi hương cho gió)
Từ sau năm 1945 trở đi, thay vì tập trung vào cái “tôi” nhỏ bé, Xuân Diệu đã ưu tiên cho cái “ta” chung của cả dân tộc. Ông hăng say viết về Đảng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và về công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa miền Bắc. “Phát súng” đầu tiên trong giai đoạn văn học cách mạng của Xuân Diệu là tập thơ “Ngọn Quốc Kỳ” (1945).
Tình yêu lứa đôi, tình yêu đồng bào, tình yêu cách mạng cùng tình yêu quê hương đất nước – tình yêu luôn là nguồn cảm hứng mãnh liệt nhất cho thơ ca Xuân Diệu. Đây cũng là nguồn gốc của danh xưng “Ông hoàng thơ tình Việt Nam”.
Phong cách sáng tác
Rất khó để những người yêu thơ tìm thấy một Xuân Diệu thứ hai vì những dòng ngâm của ông vừa mang nét “mới” từ những thủ pháp thơ ca phương Tây, lại vừa giữ được vẻ đẹp của hồn cốt dân tộc.
Bên cạnh các thể thơ truyền thống, Xuân Diệu còn tìm tòi và và sáng tạo ra những tứ thơ, cách đặt câu, gieo vần mới lạ. Chẳng hạn, giữa những câu thơ tròn nghĩa, thi thoảng người đọc sẽ thấy vài dòng “lấp lửng”, đặc trưng bởi lối viết “vắt dòng” của phong cách thơ Pháp.
“Yêu ngẩn ngơ rồi đau xót xa,
Số anh là khổ, phận anh là
Suốt đời nuốt lệ vào trong ngực,
Đem ái tình dâng kẻ phụ ta.”
(“Muộn màng” trong tập Thơ Thơ)
Mặt khác, Xuân Diệu lại rất hay sử dụng những từ cổ, đậm chất phương Đông như: buồn cô liêu, buồn tiêu tao, người du tử,… Bút pháp tả cảnh ngụ tình – mượn thiên nhiên để giãi bày nỗi lòng – như những nhà thơ xưa cũng được Xuân Diệu đưa vào nhiều tác phẩm.
Đặc trưng trong phong cách thơ ca của Xuân Diệu còn là sự kết hợp giữa chút man mác buồn, chút cô đơn cùng đôi phần lãng mạn.
Hồn thơ của Xuân Diệu giống như một dòng suối trong khu vườn tâm hồn, luôn giữ nhịp chảy dịu dàng và sâu lắng. Là ông hoàng thơ tình, phần lớn tác phẩm của Xuân Diệu đều đưa người đọc đắm chìm trong biển cảm xúc, hướng người đọc tìm kiếm vẻ đẹp của tình yêu, khát khao được tồn tại và những triết lý mà cuộc đời ẩn giấu.
Xuân Diệu đã đem đến cho lịch sử thi ca Việt Nam nói chung và trào lưu thơ mới nói riêng nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận. Không sai khi nói ông là một nhà thơ của nỗ lực cách tân thơ ca Việt, không ngại phá cách với sự độc đáo, thậm chí có phần “kỳ lạ” trong từng dòng ngâm.
Một số tác phẩm tiêu biểu & thành tựu
Xuân Diệu đã đóng góp vào nền văn học hiện đại Việt Nam một lượng tác phẩm đồ sộ, xuất bản suốt từ năm 1938 đến năm 1985. Một số tác phẩm tiêu biểu nhất của Xuân Diệu, được đại chúng đón nhận mạnh mẽ có thể kể đến:
- Tập thơ “Thơ Thơ” với 46 bài được ông viết từ năm 1938 – 1970.
- Tập thơ “Gửi hương cho gió” với 51 bài được viết từ năm 1945 – 1967.
- Tập thơ “Ngọn Quốc kỳ” được viết từ năm 1945 – 1961.
- Tập thơ “Mũi Cà Mau – Cầm tay” với 49 bài thơ được xuất bản năm 1962.
- Tập thơ “Thanh Ca” được xuất bản năm 1982.
- Tập truyện ngắn “Phấn thông vàng” với 17 truyện được xuất bản năm 1939.
- Bút ký “Trường ca” với 9 bài được xuất bản năm 1945.
- Hồi ký “Những bước đường tư tưởng của tôi” xuất bản năm 1958.
- Tiểu luận phê bình “Hồ Xuân Hương bà chúa thơ Nôm” xuất bản năm 1961, “thơ Trần Tế Xương” xuất bản năm 1970,….
Với những đóng góp giá trị cho lịch sử thơ ca nhân loại, vị thi sĩ Việt Nam đã được bầu làm Viện sĩ thông tấn Việt Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa dân chủ Đức năm 1983. 11 năm sau khi Xuân Diệu qua đời, ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật (1996).
Những bài thơ hay của Xuân Diệu
Nhiều tác phẩm của ông được lồng ghép vào chương trình văn học các cấp bậc của Việt Nam, những di sản văn chương ông để lại vẫn luôn là nguồn cảm hứng dồi dào và đặc sắc cho các thế hệ yêu thơ cả, văn học sau này.
Trong số các tập thơ của Xuân Diệu, hai tập thơ được xem là thành công nhất và làm nên tên tuổi của ông hoàng thơ tình là “Thơ Thơ” và “Gửi hương cho gió”.
Hẳn người yêu thơ Việt nào cũng sẽ cảm thấy quen thuộc với những áng thơ Xuân Diệu sau đây:
Yêu
Yêu, là chết ở trong lòng một ít,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?
Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu:
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.
Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt.
Tưởng trăng tàn, hoa tạ với hồn tiêu,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu!
Yêu, là chết ở trong lòng một ít.
Họ lạc lối giữa u sầu mù mịt,
Những người si theo dõi dấu chân yêu;
Và cảnh đời là sa mạc cô liêu.
Và tình ái là sợi dây vấn vít
Yêu, là chết ở trong lòng một ít.
Vội vàng
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Của ong bướm này đây tuần trăng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại.
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt…
Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Đây mùa thu tới
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;
Đây mùa thu tới – mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh;
Những luồng run rẩy rung rinh lá…
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ…
Non xa khởi sự nhạt sương mờ…
Đã nghe rét mướt luồn trong gió…
Đã vắng người sang những chuyến đò…
Mây vẩn từng không, chim bay đi,
Khí trời u uất hận chia ly.
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì.
Biển
Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê…
Bờ đẹp đẽ cát vàng
– Thoai thoải hàng thông đứng
Như lặng lẽ mơ màng
Suốt ngàn năm bên sóng…
Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ, thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi
Đã hôn rồi, hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt…
Cũng có khi ào ạt
Như nghiến nát bờ em
Là lúc triều yêu mến
Ngập bến của ngày đêm
Anh không xứng là biển xanh
Nhưng cũng xin làm bể biếc
Để hát mãi bên gành
Một tình chung không hết
Để những khi bọt tung trắng xoá
Và gió về bay toả nơi nơi
Như hôn mãi ngàn năm không thoả,
Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!
Xem thêm:
Có thể thấy thơ Xuân Diệu không chỉ đồ sộ ở số lượng, mà còn phong phú ở thể loại và đa dạng ở đề tài. Đặc biệt hơn cả, bút pháp của ông luôn đặc sắc khiến Xuân Diệu trở thành ngòi bút “độc nhất” trong lòng người yêu thơ. Bởi vậy, Xuân Diệu quả nhiên xứng đáng với danh xưng “nhà thơ mới nhất trong phong trào thơ mới của Việt Nam đầu thế kỷ XX”. Cùng rung động trái tim với những bài thơ say đắm và nồng nàn của Xuân Diệu nhé!
Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “DIMI BOOK” hoặc “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.