Hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng về một miền quê Việt Nam thanh bình, nơi những cánh đồng lúa chín vàng trải dài, những con trâu thong dong gặm cỏ và tiếng chim líu lo trong tán cây. Nơi đây, ta sẽ bắt gặp những vần thơ hồn nhiên, trong sáng, mang đậm hương vị tuổi thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Dường như có một phép màu nào đó trong những vần thơ của Trần Đăng Khoa, khiến tôi trở về với tuổi thơ hồn nhiên, vô tư, để được sống trong những khoảnh khắc bình yên và hạnh phúc nhất. 

Và cũng trong thơ ông, tôi bắt gặp bóng dáng của những suy tư về cuộc sống, con người và quê hương đất nước. Thơ ca của ông như một bức tranh đa chiều, phản ánh những góc nhìn khác nhau của một tâm hồn nghệ sĩ tài hoa.

Tiểu sử và cuộc đời Trần Đăng Khoa

Trần Đăng Khoa (26/4/1958) tại làng Điền Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ năng khiếu thơ ca phi thường. Lên 8 tuổi, thơ của ông đã được đăng báo. Năm 1968, khi mới 10 tuổi, tập thơ đầu tiên của ông mang tên “Từ góc sân nhà em”.

Trần Đăng Khoa

Sự nghiệp thơ ca của Trần Đăng Khoa có thể chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn thơ thiếu nhi nổi tiếng với những bài thơ hồn nhiên, trong sáng, mang đậm hương vị tuổi thơ như “Hạt gạo làng ta”, “Mưa”, “Góc sân và khoảng trời”. Và giai đoạn thơ trưởng thành mang tính triết lý, sâu sắc hơn, thể hiện những suy tư về cuộc sống, con người và quê hương đất nước, tiêu biểu như “Bên cửa sổ máy bay”, “Khúc hát người anh hùng”, “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn”,…

Đặc điểm thơ Trần Đăng Khoa

Trần Đăng Khoa được xem là một hiện tượng của thơ ca Việt Nam đương đại. Nổi tiếng như một thần đồng thơ từ năm tám tuổi, thế nhưng điều đáng quý là Trần Đăng Khoa vẫn tiếp tục hành trình cuộc đời và nghệ thuật của mình một cách tự tin dù “phải mang cả một cây thánh giá trên lưng”. 

Từ lâu thơ Trần Đăng Khoa đã đi vào tiềm thức của bao thế hệ thiếu nhi. Những vần thơ trong trẻo, hồn nhiên, ngộ nghĩnh vô cùng tươi vui, gắn  bó  sâu  sắc  với con người, cảnh vật,  thiên  nhiên, quê hương, đất nước trở thành một dấu ấn khó phai mờ trong tâm hồn tuổi thơ. Đọc thơ Trần Đăng Khoa, ta như được sống với những hình ảnh dung dị nhất về một vùng quê yên bình, ấm áp tình người. Tất cả những sự vật, sự việc, con người dưới con mắt trẻ thơ đã đi vào thơ một cách sinh động đầy sáng tạo.

Trần Đăng Khoa

Vân Thanh đã khái quát về nội  dung và giá trị của thơ Trần Đăng Khoa, cùng với tình yêu thơ, khao khát được làm thơ mãi mãi: “Thơ Khoa, những dòng thơ tươi mát, hồn nhiên, những dòng ấm áp tình người, đã làm tăng lên trong người đọc tình yêu quê hương và lòng tự hào  dân  tộc”. 

Và chính trong cuốn “Văn học thiếu nhi như tôi được biết” Vân Thanh cho rằng Trần Đăng Khoa biết lắng nghe, quan sát những gì xảy ra xung quanh, làm cho cảnh vật dưới ngòi bút của ông có hình nét và cả tâm hồn: 

“Thơ Khoa nắm bắt được nhiều màu sắc âm thanh, hương vị của thế giới bên ngoài, của thiên nhiên, hoa cỏ, của sinh hoạt quê hương, đồng nội. Em biết lắng nghe những gì đã xảy ra quanh mình. Cảnh vật dưới ngòi bút của hoa có cả hình nét và có cả tâm hồn”. 

Sống gần gũi với thiên nhiên, chan hòa tình cảm với con người, Trần Đăng Khoa đã góp nhặt những gì quý giá nhất của cuộc sống vào trong thơ mình. Mỗi bài thơ là một  câu  chuyện thân thương nhưng mang nhiều triết lý.

Mùa xuân năm 1975 là cột mốc của dân tộc, cũng là cột mốc để đánh  giá sáng tác Trần Đăng Khoa. Thời kỳ trưởng thành của Trần Đăng Khoa được tính từ khi anh nhập ngũ, chính thức trở thành người lính cụ Hồ năm anh mười bảy tuổi. Khi đó anh đang học lớp 10 tại trường phổ thông Nam Sách. Nghe tiếng gọi của đất nước, anh lên đường tham gia đợt “Tổng động viên” mùa xuân năm 1975. Và cũng kể từ đó, Trần Đăng Khoa từ giã thời niên thiếu với thế giới mộng mơ của “Góc sân và khoảng trời” để sải đôi cánh của tuổi trẻ bay cao và bay xa với những ước mơ, nhưng cũng thật nhiều gian nan và thử thách. 

Một số bài thơ nổi tiếng của Trần Đăng Khoa

Tác phẩm của Trần Đăng Khoa chủ yếu viết về chủ đề tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm gia đình, bạn bè và những suy nghĩ của tuổi thơ. Ta sẽ cảm nhận được ngôn từ thơ đơn giản, mộc mạc nhưng đầy chất thơ và chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Một số như:

“Nghe thầy đọc thơ” – Khoảng không bình yên trong tâm hồn

Không cầu kì, bóng bẩy, không hào nhoáng bề ngoài, Trần Đăng Khoa vẫn đến với người đọc bằng “gương mặt mộc” giản dị dễ gần dễ mến của mình. Hình như thơ Trần Đăng Khoa không biết làm dáng, nhưng lại có duyên – cái duyên thầm lặng lặn vào bên trong những vần thơ đằm sâu nỗi niềm. Hãy thử đọc lại mấy dòng thơ của Trần Đăng Khoa thuở bé, ta sẽ nghe lòng dịu đi biết mấy:

“Em nghe thầy đọc bao ngày
Tiếng thơ đỏ nắng, xanh cây quanh nhà
Mái chèo nghiêng mặt sông xa
Bâng khuâng nghe vọng tiếng bà năm xưa
Nghe trăng thở động tàu dừa
Rào rào nghe chuyển cơn mưa giữa trời…”

(Trần Đăng Khoa)
thơ Trần Đăng Khoa

Những câu thơ đủ sức làm thức dậy cả một vùng thương nhớ trong tâm thức của mỗi người. Ấy là kí ức tuổi thơ, kí ức làng quê, là những xúc cảm hồn nhiên mà ngày xưa ít nhiều gì ai cũng có. Thương câu thơ của thầy đọc vì em thương quá quê hương mình: có dòng sông êm trôi, có tiếng bà ru giấc trưa bồng bềnh câu chuyện cổ, có vầng trăng trong và cơn mưa rào ngày hạ… Câu thơ không một chút màu mè, chỉ là cảm nhận, là hình dung của cậu bé khi “nghe thầy đọc thơ”, và tâm hồn cậu gợi lên bao nhiêu cảm xúc đằm thắm, thân thương, trìu mến… Câu lục bát của Trần Đăng Khoa đã ôm chứa được bấy nhiêu tâm tình đó, trong một điệu thơ ngọt ngào như thể lời ra.

“Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” – Ước mơ giản dị của người lính

Trong số những bài thơ về biển đảo của Trần Đăng Khoa, “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” có lẽ là được đánh giá cao nhất. Đã ba mươi năm qua đi từ khi bài thơ ra đời, nhưng mỗi lần đọc lại, ta vẫn nghe được cái cảm xúc của ngày hôm qua, vẫn cứ thấy luôn mới mẻ, vẫn là thơ của ngày hôm nay. Cơn khát mưa của người lính đảo đã trở thành hiện thân cho những gian khổ nhọc nhằn đồng thời cũng là hiện thân của những khát vọng thầm kín và mãnh liệt trong tâm hồn người lính. Một lần nữa, cái giọng đằm thắm, trẻ trung vốn quen thuộc của Trần Đăng Khoa lại được phát huy ở bài thơ này: 

“Chúng tôi ngồi trên đảo Sinh Tồn
Bóng đen sẫm như gốc cây khô cháy
Mắt đăm đăm nhìn về nơi ấy
Nơi cơn mưa thăm thẳm xa khơi
Ảnh chớp xanh lấp loáng phía chân trời…”

(Trần Đăng Khoa)
thơ trần đăng khoa

Những gian khổ hôm nay nơi biển cả cũng không kém phần khốc liệt so với gian khổ của người lính những năm chống Mĩ: “Chúng tôi ngồi ôm súng đợi mưa rơi”. Bài thơ mang hơi thở của chiến trường, là thơ của những người cầm súng. Kẻ thù không rõ mặt, đôi khi còn vô hình nữa. Đó là lí do vì sao người lính có mặt ở nơi xa xôi này, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Nhưng cái đáng sợ nhất, khắc nghiệt nhất với người lính đảo không phải là kẻ thù, lũ cá mập hay bão tố, mà là thiếu nước. 

Biển bốn phía và ngay dưới chân mênh mông và đầy ắp nước, nhưng nước ngọt với người lính là sinh mệnh, là sự sống và cực kì khan hiếm, nhất là vào những tháng mùa khô. Vì thế mà cảm giác chờ đợi cơn mưa đã trở thành nỗi khát khao mãnh liệt. Câu thơ “Ôi ước gì được thấy mưa rơi” trở thành điệp khúc láy đi láy lại như một niềm khắc khoải. 

“Chúng tôi không cạo đầu để tóc lên như cỏ
Rồi khao nhau bữa tiệc linh đình bày toàn nước ngọt…
Chúng tôi sẽ trụi trần nhảy choi choi trên cát/ giãy giụa tới bởi trên cát
Như con cá rô rạch nước đón mưa rào …”

(Trần Đăng Khoa)
thơ trần đăng khoa

Bao nhiêu hình ảnh được nói đến là bấy nhiêu hình dung, mơ ước, mong đợi, khát khao. Những câu thơ là sự kết đọng của tâm tình người lính, vừa trang nghiêm sâu lắng vừa tinh nghịch dí dỏm, vừa có nỗi buồn vừa chất chứa niềm hi vọng, tự hào. Thiên nhiên và con người. Có và không. Thực tế và mơ ước. Hi vọng và thất vọng. Tất cả đan xen vào nhau để đưa đến một nhận thức sâu xa: Sẽ không bao giờ là tuyệt vọng, khi trái tim vẫn đập những nhịp thiết tha trong ngực, khi con người mạnh mẽ như đá vẫn kiêu hãnh trụ vững giữa trùng khơi với khát vọng sinh tồn bất diệt.

Vì lẽ đó, “dẫu mưa chẳng bao giờ đến nữa” thì vẫn còn đấy “niềm vui đón đợi”, bởi với con người, sức mạnh tinh thần là vô cùng kì diệu. Khi niềm tin vẫn vẹn nguyên thì con trở thành một chân lý sống – giản dị như cuộc đời người lính mà cũng thiêng liêng như trách nhiệm của người lính đối với đất nước.

Xem thêm:

Thơ của Trần Đăng Khoa, với sự tinh tế và cảm xúc chân thành đã khắc họa sâu sắc những giá trị cuộc sống, tình yêu quê hương và sự kiên cường của con người Việt Nam. Từ “Góc sân trường em” đến “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn,” mỗi bài thơ đều là một bức tranh sống động, gợi nhớ những kỷ niệm đẹp và truyền cảm hứng mạnh mẽ. Thơ Trần Đăng Khoa không chỉ là niềm tự hào của văn học thiếu nhi mà còn là tấm gương sáng về lòng yêu nước và tinh thần bất khuất.

Tham khảo: Hồ Thị Thu Thanh,…


Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Xem sách chi tiết Góc sân và khoảng trời (Tái bản 2023) tại đây

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ZaloGọi điệnFacebook