Sau “Người Đua Diều” thì “Cây Cam Ngọt Của Tôi” là quyển sách lấy đi nhiều nước mắt của mình. Khép lại quyển sách trên tay, tâm trạng mình trở nên khá nặng nề. Một phần vì những mẩu chuyện và hoàn cảnh của cậu bé Zezé, một phần vì nó khiến mình trăn trở rất nhiều về cái cách mà người lớn chúng ta đối xử với những đứa trẻ.

Mỗi đứa trẻ đều thông minh theo cách của riêng chúng

Zezé là một cậu bé sáng dạ và tinh nghịch. Như bao đứa trẻ 5 tuổi khác, cậu cũng luôn tò mò về thế giới xung quanh. Cậu luôn khám phá mọi thứ bằng những trò nghịch ngợm mà bản thân nghĩ ra từ những chuyện làm hỗn loạn xóm làng như làm giả con rắn bằng quần tất để dọa người đi đường cho đến đốt tờ báo của ông bác họ. 

Chính những trò chơi tinh nghịch của cậu đã khiến bản thân bị gia đình, hàng xóm chỉ trích cùng những trận đòn roi trừng phạt lên người cậu diễn ra nhiều như cơm bữa. Và dần dần, điều này hình thành trong cậu một suy nghĩ rằng “Đáng lẽ con không nên được sinh ra trên đời”. Cậu buộc bản thân phải trưởng thành trong sự tuyệt vọng.

Có thể trong mắt người lớn những trò chơi của Zezé là những trò đến từ “quái vật”, “quỷ”,… nhưng đó là cách mà cậu bé tự khám phá thế giới cho riêng mình. Người lớn biết phân biệt đúng sai vì chúng ta đã học được điều đó trong quá khứ, nhưng còn những đứa trẻ thì sao? Chúng sẽ chẳng thể học được nếu “bị cấm” mắc phải sai lầm.

Đừng “bạo lực” với trí tưởng tượng của trẻ

Thế giới của trẻ con đầy ắp sự sáng tạo. Thứ mà người lớn phải tốn rất nhiều tiền để học còn những đứa trẻ lại có thừa. Thử một lần ngồi chơi và trò chuyện cùng một đứa nhỏ, bạn sẽ thấy trí tưởng tượng và sự sáng tạo của chúng “dữ dội” đến mức nào.

Quay trở lại quyển sách Cây cam ngọt của tôi, cậu bé Zezé trong truyện cũng có trí tưởng tượng vô cùng phong phú. Những cái cây trong khoảng sân sau nhà, móc phơi đồ, con mương nhỏ, hay chuồng gà dưới ánh mắt trẻ thơ của Zezé và em trai trở thành rừng rậm Amazon, sư tử, báo, rồi cả một châu Âu rộng lớn để hai anh em tha hồ khám phá. Nhưng những niềm vui này chẳng bao giờ kéo dài được lâu, và thường bị dập tắt vì bị cho là ngớ ngẩn.

Hãy luôn tin trẻ vô điều kiện

Tất cả những đứa trẻ đến với cuộc đời này đều là một trang giấy trắng, và trang giấy ấy biến thành một bức họa tuyệt tác hay trở nên “nhăn nhúm” khó coi đều tùy thuộc vào ngòi bút mà người lớn vẽ nên. Tuổi thơ thiếu thốn tình thương từ gia đình, ánh mắt căm ghét của những người hàng xóm đã khiến tờ giấy tâm hồn cậu lem luốc đôi phần. 

Nhưng chính ông Bồ và cô giáo Dorotília đã “cứu” cậu khỏi tuổi thơ tăm tối. Họ cho cậu biết yêu thương và ánh sáng ấm áp là như thế nào, và luôn tin tưởng cậu là một đứa trẻ tuyệt vời. Chính vì nhận được sự tin tưởng này nên Zezé luôn cố gắng nuôi dưỡng phần tốt đẹp bên trong con người cậu.

Để rồi khi trở thành một người đàn ông trung niên, Zezé đã chia sẻ rằng: “Cháu bây giờ đã bốn mươi tám tuổi và thỉnh thoảng cháu lại nhớ ông nhiều đến mức cháu có cảm giác mình vẫn còn là một đứa trẻ. Cháu tưởng tượng rằng ông sẽ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào cùng với những tấm thẻ bài và những viên bi. Chính ông đã dạy cháu biết sự trìu mến là gì, ông Bồ yêu quý ạ. Giờ đây cháu lại cố gắng trở thành người cố gắng trao tặng những viên bi và những tấm thẻ bài, bởi vì nếu không có sự trìu mến thì cuộc sống chẳng còn đặc biệt nữa.” (Trích từ Cây Cam Ngọt Của Tôi – Tác giả José Mauro de Vasconcelos)

Nếu không có sự yêu thương và tin tưởng của ông Bồ và cô giáo thì có lẽ tuổi thơ của cậu bé Zezé sẽ mãi mãi dừng lại ở giai đoạn tăm tối, hay kết thúc cuộc đời ở tuổi đôi mươi như những anh chị em của mình.

Vấn đề nằm ở trẻ hay là chính người lớn?

Trẻ con chẳng kêu gào: “Hãy cho con đến với thế giới này”, chính người lớn tự tạo cho mình áp lực phải có con, rồi sau đó lại chịu áp lực nuôi nấng chúng. Và họ trút hết những áp lực ấy lên đầu con trẻ để giãy giụa khỏi sự bất lực của bản thân. 

Tại sao lại mang đứa trẻ đến cuộc đời này rồi khiến chúng chịu nỗi “giày vò” về cả thể xác lẫn tâm hồn?

Bố của Zezé cũng thế. Áp lực từ sự nghèo đói và thất nghiệp đã “nhấn chìm” người đàn ông này, ông trở thành con người nghiện rượu, có thể lấy thắt lưng đánh con mình đến bất tỉnh dù cậu bé chỉ muốn làm ông vui bằng bài hát học lỏm từ người khác. 

Có lẽ mọi chuyện sẽ khác, tuổi thơ của Zezé sẽ khác nếu như bố cậu có một công việc ổn định để ông có thể chăm lo cho gia đình và không cảm thấy bị sỉ nhục, bị chạm vào lòng tự tôn của một người đàn ông, một người cha khi những câu từ trong lời bài hát mà đứa con vô tội của ông cất lên.

“Cây cam ngọt của tôi” cho chúng ta thấy tâm hồn một đứa trẻ mong manh đến dường nào, và tất cả những gì chúng cần là tình yêu thương. Con chim non sau vài ngày đã có thể sải cánh trên bầu trời, chó con chỉ mất 2 – 5 tuần để chập chững những bước đi đầu tiên. Nhưng trẻ con thì luôn cần sự chăm sóc của người lớn. Đôi khi là cần cả một xã hội để nuôi dạy một đứa trẻ.

“Tất cả những người lớn đều từng là trẻ con, nhưng chỉ rất ít người nhớ được điều đó.” – Trích từ Hoàng Tử Bé của tác giả Antoine de Saint-Exupéry

Khi còn là một đứa trẻ, người lớn cũng khao khát có được sự quan tâm, yêu thương và bảo vệ của cha mẹ như thế nào. Nhưng khi trưởng thành, họ lại quên mất điều đó.

Ngoài ra, các bạn có thể đọc thêm những bài review sách khác của DIMI Book tại đây nhé!

ĐẶT MUA SÁCH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ZaloGọi điệnFacebook