Hành trình về phương Đông là một phần của tập hồi ký có tên Life and Teachings of the Masters of the Far East. Cuốn sách về cuộc hành trình gay go nhưng lý thú và tràn đầy sự huyền bí ở Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa và Ba Tư. Với cách trình bày trong sáng, từ ngữ gần gũi, cuốn sách đã nằm trong TOP bán chạy nhất của danh mục tâm linh. 

Tác phẩm hành trình về phương Đông 

Ảnh: Internet

Cuốn sách thuật lại những cuộc hành trình vào năm 1894 đến Ấn độ và các nước lân cận của một phái đoàn nghiên cứu gồm 11 nhà khoa học. Trong chuyến đi, họ xác nhận đã có những cuộc tiếp xúc với “Những bậc Chân Sư cao cả trên dãy Himalaya“, những người đã thắng đoạt tử thần. Phái đoàn đã cùng sống, nghiên cứu với những bậc Chân Sư và đã gặt hái được sự hiểu biết sâu sắc về cuộc sống và thế giới tâm linh. Nhờ sự tiếp xúc gần gũi đó, phái đoàn đã chứng kiến rất nhiều vị Chân Sư hiển lộ những quyền năng tinh thần trong cuộc sống hàng ngày, những điều mà đối với người bình thường là phép lạ. 

Hành trình về phương Đông lần đầu được xuất bản năm 1924 tại Ấn Độ. Vậy nhưng lại gây ra nhiều tranh cãi không chỉ tại Anh mà còn cả châu Âu cùng Châu Mỹ. Chính phủ Anh còn nghiêm cấm phát hành cuốn sách này ở Anh quốc. Khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, cuốn sách không còn được xuất bản tại bất kỳ quốc gia nào -trên thế giới. Bản dịch tiếng Việt được Nguyên Phong phóng tác lại từ năm 1984, xuất bản năm 1987.

Tóm tắt nội dung cuốn sách 

Mở đầu cuốn sách là lời giới thiệu về chuyến hành trình của các nhà khoa học đến Ấn Độ để giải thích những điều huyền bí. Tuy nhiên, sau 2 năm tìm kiếm, điều họ nhận lại chỉ là các trò bịp bợm. Giai thoại về các bậc hiền triết, thánh nhân chỉ là những huyền thoại để tô điểm cho vẻ huyền bí Á châu. 

Mang trong mình nỗi thất vọng, bỗng nhiên giáo sư Spalding gặp một người đàn ông Ấn Độ. Ông ta cho giáo sư biết nên đến Rishikesh, một thị trấn bao phủ bởi dãy Hy Mã Lạp Sơn.  Người đó còn nói, những vị chân sư không thể tìm thấy tại những nơi trần tục mà, họ cũng không tự xưng mình là những bậc chân sư như những người mà các nhà khoa học đã gặp. Để gặp được những vị chân sư đó, tất cả chỉ dựa vào nhân duyên. 

Sau đó, giáo sư Spalding đã gặp một người đạo sĩ thành Benares. Đạo sĩ đã cho giáo sư biết khái niệm sơ đẳng môn Hatha Yoga, những kiến thức mà ông chưa từng biết trước đó. Vị đạo sĩ cũng nói thêm: “Tại sao ta cứ nghĩ pháp môn này mới hay, tôn giáo kia mới tốt? Không một đường nào có thể là duy nhất được. Tốt hơn cả hãy tự biết mình. Thay vì tìm một chân lý tuyệt đối, hãy tìm sự tuyệt đối nơi mình vì chân lý để sống chứ không phải để dạy.”

Theo bạn, khoa học thực nghiệm và khoa học chiêm tinh bí truyền khác gì nhau? Các nhà giáo sư đã không hề tin cái gọi là chiêm tinh, họ nghĩ rằng đó chỉ là trò bói toán bịp bợm. Cho đến khi họ gặp được Sudeih Babu, nhà chiêm tinh giỏi nhất Ấn Độ. Theo như lời Sudeih Babu, từ ngàn xưa, chiêm tinh học vẫn được coi là một môn khoa học quan trọng. Nhìn chung, thật khó để hiểu được khoa học chiêm tinh nếu không tin vào luật luân hồi, nhân quả. Con người chết và tái sinh trở lại trong nhiều kiếp. Định mệnh theo dõi và ảnh hưởng lên đời sống của chúng ta theo luật nhân quả. 

Cuộc gặp gỡ vị đạo sĩ tại thành Benares và Badu đã thay đổi tất cả. Cho đến lúc đó, phái đoàn mới công nhận rằng đằng sau khu rừng mê tín dị đoan, còn có những chân lý cao siêu đáng học hỏi và nghiên cứu. Phái đoàn bắt đầu cuộc hành trình hướng đến Rishikesh để quan sát, học hỏi thêm về nền minh triết bí truyền của Á châu. 

Trên đường, phái đoàn đi qua một đền thờ của đạo Jain. Các đạo sĩ đã dạy cho các vị giáo sư hiểu rằng minh triết phát sinh từ sự yên lặng. Tâm có an thì việc bên ngoài mới không vọng động, dục vọng mới chịu yên tĩnh. Khi tâm hồn hoàn toàn an tĩnh, ta có thể tự phân tích mình, trau dồi phẩm hạnh, ý thức năng lực trong và chung quanh mình.

Trải qua một cuộc hành trình, cuối cùng các vị giáo sư cũng đặt chân đến Rishikesh. Thành phố của các bậc chân tu đạo hạnh, đâu đâu cũng có các đạo sĩ và tín đồ hành hương. Phái đoàn tìm đến đức Mahayasa, môn đệ của hiền triết nổi danh, Ramakrishna được coi là một vị thánh của Ấn giáo. Theo Ramakrishna sự sợ hãi, đau khổ, dục vọng và ham muốn đều do sai lầm và sự thiếu hiểu biết của con người mà thành. Sách vở không thể tạo ra minh triết cho con người, nó chỉ là la bàn giúp con người xác định phương hướng, thay vì thảo luận, hãy tự mình đi tìm sự thật, thì khi đó vấn đề sẽ được giải quyết.

Trong chương VI, phái đoàn đã đến gặp pháp sư Vishudha để nghiên cứu những sự kiện huyền bí, những phép thuật lạ lùng. Vị đạo sĩ chỉ cho các nhà khoa học ý thức về sự sáng tạo của con người khi thực hành trong sự tĩnh lặng.

Ram Gopal Mukundar là một đạo sĩ nổi tiếng có thể chữa trị mọi bệnh tật. Ông thành lập một đạo viện (Ashram) ở ngoại ô Rishikesh và có khá đông môn đệ. Theo ông, muốn trừ bệnh hoàn toàn, chỉ có một cách duy nhất là bệnh nhân phải rời bỏ cái nếp sống cũ. Lo nghĩ, phiền não, dinh dưỡng không đúng cách là nguyên nhân chính của hầu hết các thứ bệnh. Phải dẹp bỏ, dứt sạch tất cả cho tâm hồn thật thảnh thơi, thoải mái, rồi mới có thể chữa trị được.

Tiếp tục hành trình, phái đoàn tìm đến một đạo sĩ tu hành vốn thường qua lại nhiều trong dãy Tuyết Sơn và có kiến thức rộng về những hiền triết ẩn tu nơi đây. Ông đã giải thích cho phái đoàn về sự tiến hóa của con người, chính là về với Thượng đế, về với con người thật của mình để giác ngộ.

Một lần nữa, qua lời giới thiệu, phái đoàn được gặp Hamud là một pháp sư có kiến thức rất rộng về cõi vô hình. Khác với những đạo sĩ phái đoàn đã gặp, ông này không phải người Ấn mà là một người Ai cập. Ông đã khai mở thể vía của mình và tiếp xúc được với các tinh linh và giải thích cho phái đoàn về sự tồn tại của bảy cõi giới. 

Bất ngờ, một bức điện tín yêu cầu các nhà khoa học chấm dứt cuộc du khảo và trở về London. Định mệnh con người luôn luôn có những thay đổi lớn, mặc dù không thấy rõ nhưng chúng ta vẫn vô tình tiến đến mục tiêu đã vạch sẵn. Không đầy hai tuần lễ sau, phái đoàn đã đứng trong làng Potar, ngay sát chân dãy Hi Mã Lạp Sơn hùng vĩ. Họ đã bỏ lại tất cả, danh vọng, địa vị, đoạn tuyệt với thành kiến, tự ái cố hữu của người Tây phương. Cuộc hành trình về phương Đông bắt đầu. 

Cảm nhận về cuốn sách Hành trình về phương Đông

Xuyên suốt cuốn sách là sự so sánh giữa phương Đông và phương Tây. Tuy nhiên, “Bạn giống như một ly nước đầy, có cố gắng rót thêm cũng chỉ tràn ra ngoài.” Vì vậy, để có thể đổ nước vào ly việc đầu tiên bạn phải đổ bớt nước trong đó ra, nghĩa là hãy loại trừ định kiến trước khi dung nạp thêm kiến thức mới.

Cuốn sách khó hay dễ còn tùy thuộc vào thời điểm và người đọc. Nếu bạn muốn tìm hiểu thế giới linh thì cuốn sách vô cùng lôi cuốn với những triết lý sâu sắc của Phật giáo và khả năng vô tận của con người. Mặt khác, lại có ý kiến cho rằng những điều trong cuốn sách chỉ là những câu chuyện không có tính xác thực. 

Tóm lại, nếu bạn không theo 1 tôn giáo nào, không quan tâm đến tâm linh, không tò mò về tôn giáo và khoa học. Hành trình về phương Đông sẽ giúp các bạn có cái nhìn rộng hơn về cuộc sống để biết sống lành mạnh.

ĐẶT MUA SÁCH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *