Lang thang trong cõi ta bà, Basho từng đón lấy một nhành hương mà cất lên tiếng thở nhẹ nhàng:

“Mùi hoa mơ ơi
Con đường núi mọc
Bỗng nhiên mặt trời”

Có lẽ tâm hồn ông đã rung động bởi hương hoa mơ nhẹ nhàng đằm thắm. Và nó cũng làm tôi chợt nhớ về đồi hoa sim tím trong “Mắt biếc” của Nguyễn Nhật Ánh. Đồi hoa ấy là nơi lưu giữ những mảnh kí ức ấu thơ của Ngạn và Hà Lan, cũng là nơi chứng kiến đôi mắt si tình của Ngạn dành cho cô bạn của mình. Đồi hoa sim ấy không chỉ là một bức tranh thật đẹp, mà còn là biểu tượng của những kỷ niệm không thể nào phai nhạt, của những mơ mộng trong sáng và những ước mơ chưa trọn vẹn trong “Mắt Biếc”.

Vài nét về Nguyễn Nhật Ánh

Nguyễn Nhật Ánh (7/5/1955) là một trong những nhà văn nổi tiếng và được yêu thích nhất tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực văn học dành cho thanh thiếu niên. Ông không chỉ là một nhà văn mà còn là một nhà thơ, nhà báo và biên kịch tài năng. Nguyễn Nhật Ánh bắt đầu viết văn từ khi còn rất trẻ và nhanh chóng được công nhận với nhiều tác phẩm xuất sắc. 

Trong suốt sự nghiệp sáng tác, Nguyễn Nhật Ánh đã viết hơn 100 cuốn sách, bao gồm cả tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ. Văn phong của ông mang đậm tính nhẹ nhàng, sâu lắng, đậm chất trữ tình và gần gũi với cuộc sống hàng ngày, khiến người đọc dễ dàng đồng cảm và yêu mến. 

Nguyễn Nhật Ánh

Những tác phẩm của ông thường lấy bối cảnh làng quê yên bình, nơi ông đã lớn lên và khắc họa những câu chuyện tình yêu trong sáng, những tình bạn đẹp đẽ và những kỷ niệm tuổi thơ đầy màu sắc. Các nhân vật trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh thường là những đứa trẻ, những cậu bé và cô bé với những ước mơ, hy vọng và nỗi buồn rất đỗi chân thật.

Chính sự chân thực và gần gũi này đã làm cho các tác phẩm của ông trở thành những câu chuyện sống động, phản ánh sâu sắc những góc khuất trong tâm hồn con người. Bạn đọc khi đọc sách của ông như tìm thấy niềm vui, sự thư giãn, họ như thấy bóng dáng mình trong những trang sách, trong những câu chuyện giản dị mà sâu sắc.

Mắt biếc: Tình yêu, tuổi trẻ và những nuối tiếc

Một trong những tác phẩm nổi bật nhất của Nguyễn Nhật Ánh là “Mắt biếc”, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1990. “Mắt biếc” là một câu chuyện tình yêu cảm động, tinh tế và sâu sắc kể về mối tình đơn phương của “Ngạn” dành cho cô bạn thanh mai trúc mã “Hà Lan”.”Mắt biếc” không chỉ là một tác phẩm văn học thành công mà còn được chuyển thể thành phim điện ảnh vào năm 2019, do đạo diễn Victor Vũ thực hiện. 

Mắt biếc

Tôi đã đọc “Mắt biếc” trong vòng năm tiếng mà không thể dừng vì tôi muốn biết cái kết cho mỗi nhân vật là gì. Và khi gấp sách lại, trong tôi đầy lên một cảm giác tiếc nuối. Tôi không tiếc vì Ngạn không thể đến với Hà Lan mà tôi tiếc bởi đến cuối truyện Ngạn vẫn không thể buông bỏ được cô gái ấy. Tôi trách chàng trai si tình tại sao không nói thẳng cho Hà Lan biết nỗi lòng mình sớm hơn và cũng trách anh quá si tình, trách cả Hà Lan tại sao không chấm dứt hoàn toàn để Ngạn hết hi vọng mà cứ dây dưa hết lần này đến lần khác.

Nhưng đó chỉ là suy nghĩ trong lúc xúc động của tôi, khi ngẫm nghĩ lại, tôi chợt nhớ đến câu nói của Karen Salmansohn: “Ta sẽ chẳng bao giờ có thể thấu hiểu tận tường những vật lộn đời thường của người khác.”

Như thể tôi sẽ không bao giờ hiểu được nỗi si tình và sự cố chấp của Ngạn. Có lẽ Ngạn biết rất rõ mình phải buông bỏ nhưng vẫn không nỡ vì anh vẫn còn yêu. Và Hà Lan cũng không nỡ xoá bỏ ranh giới giữa tình bạn và tình yêu để cô vẫn có thể dựa vào Ngạn lúc khó khăn, cho dù biết mình đang ích kỉ. Suy cho cùng, con người trong một số thời điểm sẽ hành động theo chân lý của riêng mình, bất chấp tiếng nói của lý trí dù biết nó nói đúng, và sự buông bỏ sẽ không được thực hiện dễ dàng cho dù biết nó rất cần thiết. 

Mắt biếc

Đến với tác phẩm “Mắt biếc” của Nguyễn Nhật Ánh, tôi được chứng kiến quá trình trưởng thành của những đứa trẻ làng Đo Đo, khi chúng vẫn còn bé với những suy nghĩ thơ ngây và một đôi mắt đầy màu sắc khi nhìn đời. Tuổi thơ luôn đẹp vì ta luôn nhìn nhận mọi thứ một cách giản đơn. Ngạn và Hà Lan khi ấy vẫn chưa hứng chịu những nỗi buồn, chưa tiếp xúc với sự phức tạp của xã hội. 

Khi ấy, Hà Lan vẫn là một thiếu nữ trong sáng đơn thuần cùng với Ngạn – chàng nghệ sĩ gửi tâm tư mình vào những nốt nhạc, họ cùng nhau nô đùa trên đồi hoa sim với nụ cười thuần khiết. Nhưng một khi những đứa trẻ ấy bước vào đời, hai nhân vật này sẽ không còn vô tư như thế nữa. Sự trưởng thành sẽ tước đi cách nhìn nhận hồn nhiên của hai bạn. 

Chính Ngạn khi trải qua những nỗi buồn của cuộc đời đã tâm sự với Trà Long rằng: “Trà Long, làng mình bao giờ cũng đẹp. Cháu hiểu rõ điều đó hơn mẹ cháu. Làng mình đẹp nhưng buồn. Hồi chú còn nhỏ, làng vui hơn. Cũng có thể làng vẫn thế thôi, nhưng bây giờ chú thấy khác. Khi lớn lên, người ta thường thấy mọi thứ khác đi, cháu ạ! Chúng ít rực rỡ hơn và ít trong sáng hơn.” 

sách mắt biếc

Cảnh vật vẫn vậy, mọi thứ vẫn nguyên vẹn như thuở ban đầu, chỉ có cái nhìn của con người sẽ khác đi. Lúc nhỏ, chưa trải qua nỗi buồn sâu thẳm nên vẫn thấy thế giới rất đẹp, nhưng khi trưởng thành, khi họ đã đi qua những thăng trầm của cuộc đời, thế giới trong mắt họ sẽ bớt đi chút màu sắc nhưng lại sâu sắc hơn. Cái giá của sự trưởng thành là đánh đổi niềm vui của tuổi thơ. 

Có lẽ nhiều người sẽ không muốn trưởng thành đâu, có lẽ Ngạn và Hà Lan vẫn muốn dừng lại ở đồi hoa sim để được giữ mãi những thơ ngây ngày ấy. Nhưng quy luật của cuộc đời không cho phép, nó bắt Ngạn và Hà Lan phải lớn lên, phải chịu những sóng gió của cuộc sống. Thế nên, “Mắt biếc” làm cho tôi biết mình phải lớn lên đối mặt với những nỗi niềm lớn lao của tương lai dù tôi muốn mình mãi mãi chỉ là một đứa trẻ. 

Trong lời bài hát “Có chàng trai viết lên cây” của Phan Mạnh Quỳnh, tôi như nhìn thấy Ngạn trong những câu hát: 

“Chàng trai bơ vơ từ xa trong tim hụt hẫng như mất một thứ gì
Không ai hiểu thấu vì
tình yêu những đứa trẻ con thì
Vu vơ nhanh qua đâu nghĩ gieo tương tư đến dài như thế.”

“Có chàng trai viết lên cây” của Phan Mạnh Quỳnh

Trẻ con đôi khi bị xem nhẹ những suy nghĩ, những xúc cảm trong nội tâm của chúng. Và Nguyễn Nhật Ánh đã đánh thức cái nhìn của thế giới người lớn đối với trẻ con. Những đứa trẻ nên được lắng nghe và đừng bao giờ nghĩ đó chỉ là những thứ nhất thời, giống như tình cảm non trẻ của Ngạn đối với Hà Lan, cứ ngỡ chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc nhưng không ngờ đó là cơn say theo cả một đời.

Xem thêm:

“Mắt biếc” của Nguyễn Nhật Ánh, cái tên như một lời thì thầm, một nỗi niềm man mác, đã khẽ khàng len lỏi vào tâm hồn mỗi người đọc và lưu lại đó những dư vị khó phai. Tác phẩm chứa đựng những câu chuyện tình yêu dang dở giữa Ngạn và Hà Lan và còn khắc họa bức tranh sinh động về tuổi trẻ, về làng quê Việt Nam bình dị và những giá trị nhân văn sâu sắc.

Những câu chuyện tình yêu trong tác phẩm không chỉ là những câu chuyện đơn thuần mà còn là những lát cắt của cuộc sống, là những thông điệp về sự chân thành và những giá trị đích thực của hạnh phúc. Đọc “Mắt biếc”, chúng ta không chỉ được cuốn vào những cảm xúc lãng mạn, buồn vui mà còn được soi mình vào những giá trị sâu sắc, những bài học quý giá mà tác phẩm mang lại.


Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Mua sách Mắt Biếc tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *