Trên hành trình trưởng thành, chắc hẳn ai cũng sẽ có những lúc xốc nổi để rồi mắc sai lầm và phải đánh đổi bằng nhiều mất mát. Đôi khi đó chỉ là một sai lầm nhỏ, nhưng đôi khi, có những sai lầm lớn đến mức khiến chúng ta phải ray rứt và ghi nhớ suốt cuộc đời.

Thông qua truyện Dế Mèn phiêu lưu ký, tác giả Tô Hoài đã mượn hình tượng chú Dế Mèn để phác họa hành trình đầy ngông cuồng và ngạo mạn của tuổi trẻ, giúp câu chuyện trở nên vô cùng hấp dẫn và dễ truyền tải thông điệp đối với các độc giả nhỏ tuổi. Mặc dù tuổi trẻ mắc phải những sai lầm, nhưng nhìn lại, đó mới chính là khoảng thời gian quý giá vì ta được trưởng thành qua mỗi bước chân.

Tác giả Tô Hoài – Văn sĩ một đời dành cho Hà Nội

Nhà văn Tô Hoài (1920 – 2014) tên thật là Nguyễn Sen, sinh ra tại quê nội ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ (nay thuộc thành phố Hà Nội).

Sống trong gia đình làm nghề dệt lụa thủ công, cuộc sống của Tô Hoài từ thuở nhỏ đã gắn liền với những khó khăn và thiếu thốn. Vì thế, đương từ khi còn là thanh niên, ông đã không ngại bươn trải qua nhiều công việc để kiếm sống: từ bán hàng, dạy trẻ cho đến kế toán hiệu buôn và sau đó là bén duyên với sáng tác. Nhưng có lẽ nhờ vậy mà ông mới có chất liệu để viết lên những tác phẩm của mình – những tác phẩm mang giá trị hiện thực cùng giá trị nhân văn sâu sắc.

Tác giả Tô Hoài
Nguồn Internet

Nhắc đến tác giả Tô Hoài, hẳn độc giả sẽ nghĩ ngay đến những áng văn xuôi viết về Hà Nội. Sinh ra tại Thanh Oai nhưng cả bầu trời tuổi thơ của ông lại gắn liền với quê ngoại ở làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội).

Với hơn 100 tác phẩm để lại cho nền văn học Việt Nam, không ít trong số đó được nhà văn Tô Hoài lấy bối cảnh ngay tại quê hương mình. Chẳng hạn như tác phẩm kinh điển dành cho thiếu nhi Dế Mèn phiêu lưu ký (xuất bản năm 1941) kể về cuộc đời của chú Dế Mèn bên đầm nước, cũng chính là bãi bồi ven sông Tô Lịch của vùng Nghĩa Đô – nơi nhà văn đã gắn bó cả tuổi thơ với trò đúc dế.

“Tôi vừa bước khỏi tuổi thiếu niên, tất cả những trò chơi ở bãi sông đầu làng của tuổi thơ đã vào thẳng tác phẩm của tôi. Khi cầm bút, những nhân vật trong truyện không cần phải nghĩ mãi mới ra mà nó đã nằm giữa những say mê của mình.”

– Nhà văn Tô Hoài từng chia sẻ như vậy.

Đến cả bút danh Tô Hoài thực chất cũng bắt nguồn từ “Tô” của sông Tô Lịch và “Hoài” của phủ Hoài Đức. Bên cạnh Hà Nội, nhà văn Tô Hoài còn gắn liền với các tác phẩm viết về miền núi Tây Bắc, Việt Bắc. Tiêu biểu nhất có thể kể đến Vợ Chồng A Phủ, Mường Giơn, Cứu đất cứu Mường, Núi cứu quốc,…

Dế Mèn phiêu lưu ký – Tác phẩm làm nên tên tuổi của Tô Hoài trong nền văn học Việt Nam

Truyện Dế Mèn phiêu lưu ký là bộ tiểu thuyết hư cấu dành cho thiếu nhi được nhà văn Tô Hoài sáng tác khi ông chỉ mới 17, 18 tuổi. Nhưng sau cùng, đây lại là tác phẩm đặc sắc và nổi tiếng nhất, đánh dấu sự xuất hiện của cái tên Tô Hoài trong nền văn học Việt Nam thời kỳ cận đại.

Truyện ban đầu có tên là “Con dế mèn” với 3 chương: Tôi sống độc lập từ thuở bé – Cuộc phiêu lưu bất ngờ – Thoát khỏi các lồng tù. Nhờ tình yêu và sự ủng hộ của độc giả, nhà văn Tô Hoài đã viết thêm tập truyện mới “Dế Mèn phiêu lưu ký” với 7 chương tiếp nối hành trình của “Con dế mèn”. Đến năm 1955, hai tập truyện chính thức được gộp thành một, trở thành tiểu thuyết Dế mèn phiêu lưu ký với 10 chương như hiện tại.

truyện dế mèn phiêu lưu ký
Nguồn Internet

Ngay từ thời điểm ra mắt, Dế Mèn phiêu lưu ký đã lấy lòng không ít độc giả nhí trong nước và sau đó còn nổi danh ra cả quốc tế, trở thành tác phẩm văn học Việt Nam:

  • Có 50 lần tái bản
  • Được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, xuất bản tại hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản,…

Tóm tắt truyện Dế Mèn phiêu lưu ký

Truyện thiếu nhi Dế Mèn phiêu lưu ký kể về hành trình trưởng thành của chú Dế Mèn với tính cách độc lập nhưng lại vô cùng hống hách. Chú là út ít trong lứa sinh có 3 anh em. Chỉ 3 ngày sau khi ra đời, Dế Mèn và các anh đã được mẹ cho ra ở riêng theo đúng tục lệ nhà dế. Từ đây, cuộc sống tự lập với những chuyến phiêu lưu ly kỳ và đầy ắp bài học của Dế Mèn chính thức bắt đầu.

Nhờ ngòi bút miêu tả tài tình của tác giả Tô Hoài, ngay từ chương đầu tiên, Dế Mèn đã xuất hiện như một “chàng thanh niên” cường tráng với “Đôi càng mẫm bóng. Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt. Đôi cánh dài kín xuống tận chấm đuôi. Hai cái răng đen nhánh. Sợi râu dài và uốn cong. Cho ra kiểu cách con nhà võ.”

tóm tắt sách dế mèn phiêu lưu ký 1
Nguồn Internet

Chính ngoại hình này là thứ khiến Dế Mèn sinh ra tính cách hung hăng ngạo mạn, coi khinh kẻ yếu, không ngại cà khịa tất thảy bà con nơi đầm nước chú ở. Cho đến một ngày không may gây ra cái chết của hàng xóm Dế Choắt, chú đã phải ân hận suốt đời và nhận về bài học đắt giá đầu tiên.

Sang đến chương 2, cuộc phiêu lưu của Dế Mèn đã ra khỏi cái đầm nước khi bị bắt bởi những cậu bé tinh nghịch. Tính cách vốn đã bớt ngông nghênh lại một lần nữa được khơi dậy trong vài trận chọi dế. Phải đến khi được bác Xiến Tóc dạy cho bài học nhớ đời, chú mới tỉnh ngộ và tìm cách trở về nhà trên đoạn đường đầy gian nan ở chương 3. Mặc dù vậy, đây cũng là cơ hội để Dế Mèn chuộc lỗi khi làm được nhiều việc tốt, chẳng hạn như cứu chị Nhà Trò khỏi lũ Nhện.

Từ chương 4 trở đi là hành trình chủ động khám phá thế giới của Dế Mèn vì “Tôi không muốn cho đến lúc nhắm mắt vẫn phải ân hận chẳng biết là cuối cánh đồng mênh mông kia còn những gì lạ và cuộc đời ở đấy ra sao”.

Sử dụng ngôi kể thứ nhất với đại từ nhân xưng “tôi”, người đọc như được trực tiếp đặt chân vào thế giới đầy những loài vật nhỏ bé và quen thuộc của làng quê Việt Nam. Nào là các chị Cào Cào áo xanh áo đỏ, hay như anh Gọng Vó đen sạm, rồi đến chị Cốc nóng tính và cả đại vương Ếch Cốm thích khoe khoang.

tóm tắt sách dế mèn phiêu lưu ký 2
Nguồn Internet

Với thủ pháp nhân hóa tài tình, thế giới loài vật trong Dế Mèn phiêu lưu ký hiện lên náo nhiệt và đầy màu sắc, sống động không kém gì thế giới của con người. Chính phép nghệ thuật này góp phần tạo ra sự yêu thích của rất nhiều bạn nhỏ dành cho tác phẩm.

Ở thế giới ấy, các loài vật cũng có đời sống nội tâm phong phú, cũng phân chia tầng lớp kẻ yếu – người mạnh, cũng phải đối mặt với đầy rẫy nguy hiểm và cơ man là biến cố nhưng cũng có những tình cảm đẹp cùng những sự giúp đỡ chân thành. Đồng thời, bằng phép nhân hóa, tác giả truyền tải các thông điệp một cách nhẹ nhàng và hài hước hơn cho đối tượng độc giả thiếu nhi.

Từ truyện thiếu nhi đến những bài học nhân văn cao cả dành cho tuổi trẻ

Dế Mèn bước vào đời với một vẻ ngoài hào nhoáng nhưng lại có thái độ ngông cuồng và kiêu ngạo. Trong mắt Dế Mèn lúc đó vạn vật đều thật nhỏ bé, tất cả đều phải ngước nhìn mình. Đây không chỉ đơn thuần là hình tượng nhân vật “vô thưởng vô phạt” mà nhà văn Tô Hoài nghĩ ra cho tập truyện, mà còn là ẩn ý về tuổi trẻ xốc nổi của mỗi con người.

Sai lầm mà Dế Mèn gây ra ở chương 1 và chương 2 là cơ sở dẫn đến bước ngoặt tâm lý lớn, làm nền cho hành trình trưởng thành từ chương 3 trở đi. Thay vì đi thị uy và bắt nạt kẻ yếu, nhờ bài học từ những sai lầm, Dế Mèn đã biết tận dụng sức trẻ để khám phá thế giới, đấu tranh cho chính nghĩa và làm nhiều việc tốt cho đời.

bài học từ sách dế mèn phiêu lưu ký
Nguồn Internet

10 chương truyện của Dế mèn phiêu lưu ký là 10 bài học giá trị. Trong đó, bài học sâu sắc nhất vẫn là lời khẳng định cuộc sống ai cũng sẽ có lúc mắc sai lầm, thậm chí là sai lầm liên tiếp và gây ra hậu quả không thể cứu vãn. Mặc dù vậy, điều quan trọng hơn cả là chúng ta nhận thức được sai lầm của mình, từ đó từng bước sửa sai và tích lũy kinh nghiệm để trở nên vững vàng hơn.

Không ẩn ý sâu xa, mỗi bài học mà Dế Mèn nghiệm ra đều được tác giả trích dẫn rõ ràng khi kết thúc một hành trình phiêu lưu mới. Có thể nó nằm ở lời khuyên của nhân vật nào đó dành cho Dế Mèn, hoặc cũng có thể là suy nghĩ chú tự nhủ với bản thân.

Bằng sức sáng tạo của mình, chỉ qua hình ảnh của những loài vật nhỏ bé mà nhà văn Tô Hoài đã gửi đến toàn nhân loại thông điệp lớn lao về tình người, về sức mạnh của sự đoàn kết cùng niềm khao khát cho một thế giới hòa bình.

Những bài học trải qua 80 năm vẫn mang giá trị giáo dục cao

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội đã từng nói về Dế Mèn phiêu lưu ký vào năm 2012:

“Mèn vẫn luôn đồng hành cùng những thế hệ đang tới. Cuộc phiêu lưu của Dế Mèn không dừng lại. Tuổi trẻ luôn phiêu lưu với những đam mê, háo hức và cả ngây thơ, dại dột. Dế Mèn được là Dế Mèn trong bảy chục năm qua chính vì đó là tuổi nhỏ và tuổi trẻ, là sức trẻ của mỗi đời người.”

Thật vậy, Dế Mèn phiêu lưu ký đã gắn bó với rất nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Không chỉ nằm trong những tập truyện xuất bản, hành trình trưởng thành của Dế Mèn còn được đưa vào sách giáo khoa như “Bài học đường đời đầu tiên”.

giá trị giáo dục của sách dế mèn phiêu lưu ký
Nguồn Internet

Cho đến hiện tại, khi tuổi đời của Dế đã qua 80 năm thì nó vẫn là nguồn cảm hứng nghệ thuật cho nhiều bộ phim hoạt hình cùng những vở nhạc kịch đầy cảm xúc.

Có thể nói Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài là một tác phẩm có giá trị văn học và giáo dục vượt thời gian. Những bài học ý nghĩa truyện Dế Mèn phiêu lưu ký truyền tải không chỉ đúng tại thời điểm những năm 1941, mà cho đến 70 năm, 80 năm hay thậm chí cả trăm năm sau đó vẫn còn đáng được ghi nhớ và học hỏi.

Xem thêm:

Nếu bạn có con nhỏ đang trong độ tuổi dễ va vấp với cuộc sống, hoặc bạn đang trên hành trình như Chú Dế Mèn trong truyện, cuốn sách “Dế mèn phiêu lưu ký” có thể sẽ là ngọn đèn dẫn lối tuyệt vời cho hành trình ấy.


Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Xem sách chi tiết Dế mèn phiêu lưu ký tại đây

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *