“Văn chương đời nay còn dùng làm gì nữa
Áo xiêm về già càng hổ thẹn nhiều”
(Xuân nhật thị gia nhi II – Nguyễn Khuyến)

Câu thơ ấy như tiếng thở dài não nề của thi hào Nguyễn Khuyến giữa một thời cuộc loạn lạc trong thời đại phong kiến Việt Nam. Nó là lời than vãn của một tâm hồn yêu nước trước cảnh đất nước tan hoang, đồng thời cũng là sự phản ánh chân thực về cuộc sống của tầng lớp sĩ phu lúc bấy giờ. Tuy những vần thơ của ông mang nặng nỗi đau thời đại nhưng vẫn ánh lên niềm hy vọng và lòng tin vào tương lai, tô đậm thêm giá trị văn hóa và lịch sử của đất nước.

Tiểu sử và sự nghiệp văn chương của Nguyễn Khuyến

Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) hay còn gọi là “Tam nguyên Yên Đổ”, tên thật là Nguyễn Thắng, sinh ra tại làng Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định nhưng ông chủ yếu lớn lên tại quê cha ở làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Mặc dù tên ông được ghi chép là Nguyễn Khuyến trong hầu hết các tài liệu nhưng người dân vẫn thường tôn kính gọi ông là “Tam nguyên Yên Đổ” hoặc “Hoàng Và”.

Nguyễn Khuyến sinh ra trong một gia đình nho giáo nghèo có truyền thống học hành. Từ nhỏ, ông đã nổi bật với sự ham học và thông minh xuất chúng. Ông đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, Hội và Đình, ông nhận được cờ biển vua ban và danh hiệu “Tam nguyên Yên Đổ” cũng từ đó mà ra. Sau khi thi đỗ, ông được bổ nhiệm làm quan ở nội các Huế, sau đó chuyển sang làm đốc học tại Thanh Hoá và rồi Án sát ở Nghệ An. Tuy nhiên, sau vài tháng nhậm chức, mẹ ông qua đời và ông xin về quê chịu tang ba năm. Đến năm 1884, khi mới 50 tuổi, ông viện cớ đau mắt nặng và xin từ quan về làng.

Nguyễn Khuyến

“Nguyễn Khuyến ra làm quan giữa lúc nước mất nhà tan, cơ đồ nhà Nguyễn như sụp đổ hoàn toàn nên giấc mơ trị quốc bình thiên hạ của ông không thực hiện được.

Lúc này, Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp. Năm 1882, quân Pháp bắt đầu đánh ra Hà Nội. Năm 1885, chúng tấn công kinh thành Huế. Kinh thành thất thủ, Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, nhân dân hưởng ứng khắp nơi. Nhưng cuối cùng, phong trào Cần Vương tan rã.

Có thể nói, sống giữa thời kỳ các phong trào đấu tranh yêu nước bị dập tắt, Nguyễn Khuyến bất lực vì không làm được gì để thay đổi thời cuộc nên ông xin từ quan về ở ẩn. Từ đó dẫn đến tâm trạng bất mãn, bế tắc của ông.” – Wikipedia.

Quyết định từ quan về làng đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong cuộc đời Nguyễn Khuyến. Điều này thể hiện tinh thần yêu nước và nhân phẩm đáng quý của ông, khi ông kiên quyết không tham gia vào hệ thống quan lại mà thực chất là làm tay sai cho giặc. Khoảng thời gian này cũng giúp ông gần gũi hơn với cuộc sống gian khổ và nỗi đau mất nước của người dân làng quê.

Nguyễn Khuyến nổi bật trong nền văn học Việt Nam cổ điển với những đóng góp xuất sắc ở mảng thơ Nôm, thơ về làng quê và thơ trào phúng. Trong sự nghiệp thơ ca của mình, ông đã sáng tác nhiều bài thơ trào phúng nhưng phần lớn vẫn đậm chất trữ tình. Thơ Nguyễn Khuyến tập trung vào những chủ đề chính như cuộc sống và con người ở quê hương, phê phán những kẻ xấu trong xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến và bộc bạch những tâm sự riêng tư của mình.

Tác phẩm “Quế Sơn Thi Tập” của Nguyễn Khuyến với 200 bài thơ chữ Hán và 100 bài thơ chữ Nôm được xem là tác phẩm đại diện cho hành trình văn chương của ông. Bên cạnh đó, Nguyễn Khuyến còn nổi tiếng với nhiều tác phẩm khác như “Yên Đổ Thi Tập”, “Cẩm Ngữ”, “Bách Liêu Thi Văn Tập”, “Tiến sĩ giấy” và bài thơ “Bạn Đến Chơi Nhà”. Đặc biệt, ba bài thơ về mùa thu – “Thu Điếu”, “Thu Ẩm” và “Thu Vịnh” – cùng với những bài ca, hát ả đào, văn tế, và câu đối truyền miệng là minh chứng khẳng định tài năng xuất chúng của thi nhân.

Đặc sắc trong thơ Nguyễn Khuyến

Thơ Nguyễn Khuyến mang đậm phong vị dân tộc, thể hiện một tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước và một phong cách sống giản dị, thanh cao. Thơ ông thường sử dụng thể thơ lục bát, song thất lục bát,… gần gũi với đời sống của người dân. Ngôn ngữ mộc mạc, hình ảnh quen thuộc rất đỗi đời thường nhưng lại in sâu vào trái tim người dân Việt Nam.

Một vài điểm đặc sắc trong thơ Nguyễn Khuyến

Hồn thơ gắn liền với làng quê Việt Nam

Trong dòng chảy văn chương Việt Nam, Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ thành công nhất về chủ đề quê hương, làng cảnh Việt Nam. Nguyễn Khuyến còn được mệnh danh là “nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam” do nhà thơ Xuân Diệu đặt.

Trừ thời gian làm quan và lên Hà Nội dạy học, ông đã sống ở quê nhà hơn 40 năm. Do đó, ông am hiểu tường tận từ bờ ao, ruộng đồng, vườn tược, đến làng xóm phong tục. Tuy Nguyễn Khuyến không trực tiếp làm ruộng, trong cuốn “Tuyển chọn và trích dẫn những bài phê bình – bình luận văn học của các nhà văn – nghiên cứu Việt Nam – thế giới”, Chu Văn có viết:

“Người ta thì cày cuốc, cưa đục, đan lát, be tát, chài lưới. Tối tối, nhà đó có đồng tiền bát gạo. Ông già Tam dài lưng tốn vải, chẳng biết cấy cày, nề mộc gì, có mỗi một cây bút vốn liếng, và ít chữ để bụng.” 

Mặc dù nhà thơ Nguyễn Khuyến viết nhiều về mùa xuân và mùa hạ nhưng chính ba bài thơ mùa thu: “Thu ẩm”, “Thu điếu”, và “Thu vịnh” đã đưa tên tuổi ông trở nên bất hủ. Trái ngược với những hình ảnh xa lạ như “lá ngô đồng” hay “tiếng chày đập vải” trong thơ chữ Hán, ba tác phẩm Nôm này xuất hiện như những kiệt tác. Từng bài thơ mùa thu là một bức tranh trữ tình đầy mộc mạc, khắc họa một cách sống động cảnh sắc mùa thu tại đồng bằng Bắc Bộ với những nét riêng như “trời xanh”, “nước biếc”, “lá vàng” và “con ngõ vắng”. Khi thưởng thức ba bài thơ này, người đọc sẽ cảm nhận được bầu không khí thanh bình, êm dịu và tĩnh lặng từ bao đời nay.

Nguyễn Khuyến đa số sử dụng những hình ảnh quen thuộc, chân chất, gắn liền với quê hương như: “con trâu”, “con gà”, “ngõ trúc”, “đường làng”, “khúc sông”, “bãi chợ”, “vườn cà”, “cây cải”, “ao cá”, “bờ tre”:

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.”
(Thu điếu – Nguyễn Khuyến)

Điều khiến cho Nguyễn Khuyến thực sự trở thành nhà thơ của làng cảnh Việt Nam không dừng lại ở những vần thơ tả cảnh mà còn là tình cảm chân thành của ông đối với những người nông dân nơi đây. Trong cuốn “Nguyễn Khuyến và giai thoại”, tác giả Chu Văn đã viết: “Nếu gặp một vài ông có tuổi, Cụ dừng lại hỏi về cánh lúa sào mạ, ruộng khoai nào tốt xấu, trong nhà thì con gà con lợn, có hay ăn chóng lớn không? Gặp một đám đông chí chát đục tre, xẻ gỗ làm ngôi nhà mới, thợ thuyền râm ran, Cụ rẽ lối lần vào, cùng ngồi trên manh chiếu chủ nhà trải vội nơi vỉa hè, uống bát nước chè tươi. Cụ mời trầu các bác phó cả, phó hai, các chú thợ bạn, xuề xoà, thân thuộc.”   

Thơ say – cái say để quên đi nỗi buồn về thời thế của một kẻ bất lực

Sinh ra trong thời loạn lạc, Nguyễn Khuyến mang trong mình hoài bão của một anh hùng. Nhưng giữa lý tưởng cao cả và thực tế nghiệt ngã, ông lại cảm thấy lạc lõng, bất lực. Những giá trị mà ông từng theo đuổi bấy lâu nay – đạo học, nhân nghĩa đều trở nên vô ích trước những biến động của thời cuộc. Nguyễn Khuyến chua chát nhận ra rằng, trong thời loạn này, văn chương cũng trở nên vô dụng:

“Văn chương đời nay còn dùng làm gì nữa
Áo xiêm về già càng hổ thẹn nhiều”
(Xuân nhật thị gia nhi II – Nguyễn Khuyến)

Giữa lý tưởng cao quý và thực tế nghiệt ngã, ông luôn đấu tranh với chính mình. Cuối cùng, ông chọn con đường “chạy làng” – lui về ở ẩn, không phải vì muốn cao ngạo với đời mà là bởi sự bất lực trước những biến cố của thời cuộc, sự mục rỗng và phản bội của chốn quan trường với đất nước. Đó là lý do ông dùng cái say để quên đi sự đời, quên đi thực tại:  

Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt?
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy,
Độ năm ba chén đã say nhè.”
(Thu ẩm – Nguyễn Khuyến)

Trở về với quê hương đồng nội, trong căn nhà thấp le te, đôi lúc trên mắt ông bỗng thấy ướt dòng lệ nhòa, mắt ông lão đỏ hoe, cay cay. Nước mắt cay hòa cùng vị cay của rượu, uống cho say, cho quên nỗi đau đáu trong lòng, cho quên đi mọi muộn phiền cuộc sống. Cái say ấy luôn thường trực để rồi nó xé tim ông làm trăm mảnh, cái say của một kẻ luôn trốn tránh vì không còn đủ sức giúp người, giúp đời nữa.

Thơ say Nguyễn khuyến

Ông thà say trong men rượu để quên sự đời chứ không say trong men đời để quên mình là con người chính nghĩa. Nỗi đau đớn vì nghĩ đến cảnh mất quê hương, lòng trắc ẩn đối với nhân dân, cùng sự lo âu về cuộc sống thường nhật và sự phiền muộn trước những điều bất đắc đã khiến Nguyễn Khuyến rơi vào trạng thái tuyệt vọng và chán chường. Ông đã nhiều lần nghĩ đến cái chết, vì rượu không còn làm cho ông say nữa mà nó cứ gợi ra cho ông nhiều viễn cảnh đau đớn của cuộc đời. Chết như một cách giải thoát nhẹ nhàng đối với ông: “Một giấc ngon say chết cũng đành”.   

Ta tìm thấy trong từng bài thơ của Nguyễn Khuyến, tấm lòng yêu nước thương dân của một ông quan già ẩn dật đang sống trong thời buổi xã hội loạn lạc. Ông tìm đến hơi men để say, để quên đi sự đời tầm thường. Nhưng trong ông đâu đó vẫn phảng phất sự ưu thời mẫn thế, canh cánh khôn nguôi của một bậc hiền tài.

Nguyễn Khuyến say, ông say mà chả cần biết đến đời, biết đến người:

“Khi vui chén rượu say không biết,
Ngửa mặt lờ mờ ngọn núi xa.”
(Cáo quan về ở nhà)
Và trong ông sự giày vò không bao giờ ngơi nghỉ:

“Mạc quái bằng song liên nhật túy,
Ngã vi bất túy thục vi tinh.”

Dịch:
“Chớ lạ ngày nào cũng tựa cửa say sưa
Nếu ta mà không say thì tỉnh với ai?”

(Lão Thái – Nguyễn Khuyến)

Cái say trong thơ Nguyễn Khuyến là sự che lấp số phận, là căn phòng nhỏ chứa đựng linh hồn nhà thơ trốn khỏi thời cuộc, giữ cho thiên lương không bị hoen ố trước xã hội đen tối này.

Giọng điệu mỉa mai trào phúng trong thơ Nguyễn Khuyến

Trong những sáng tác của Nguyễn Khuyến, đặc biệt là những câu thơ nói về cái say của ông, ta bắt gặp không ít giọng điệu mỉa mai, châm biếm. Nguyễn Khuyến mỉa mai nhiều đối tượng có thói hư tật xấu và thời thế đang dung nạp những loại người đó, đó là “ông nghè mới đỗ”. Ở bài “Mừng ông nghè mới đỗ”, tuy là thơ “mừng” nhưng đọc bài thơ thì thấy hóa ra là Nguyễn Khuyến đang chửi thói “phú quý sinh lễ nghĩa” và bản tính ham mê tửu sắc của ông nghè mới đỗ. Ngay vừa lúc đỗ ông nghè, mà anh này đã bộc lộ bản chất xấu xa ấy, một người như vậy làm sao có thể làm quan để chăm lo cho cuộc sống của muôn dân.

thơ Nguyễn Khuyến

Sự mỉa mai nằm trọn trong một từ “hiển quí” (người tài đáng quý trọng) mà tác giả dùng để gọi ông nghè mê gái, ham rượu và thơ “mừng” hóa ra chẳng thấy “mừng” chỗ nào, mà trái lại còn thấy “lo”:   

“Anh mừng cho chú đỗ ông Nghè,
Chẳng đỗ thì trời cũng chẳng nghe.
Ân tứ dám đâu coi rẻ rúng,
Vinh quy ắt hẳn rước tùng xòe.
Rượu ngon ả nọ khôn đường tránh,
Hoãn đẹp nàng này khó nhẽ che.
Hiển quí đến nay đà mới rõ,
Rõ từ những lúc tổng chưa đe.”
(Mừng ông nghè mới đỗ – Nguyễn Khuyến)

Hay đây, Nguyễn Khuyến còn phê phán những con người trong cảnh đất nước trầm luân, trăm họ lầm than mà vẫn có bọn người hả hê, no đủ, mãn nguyện. Độ châm biếm đã đến độ sâu cay:

“Đãn văn lân phụ kỳ tân mạch,
Bất kiến thôn ông tống cựu bồi”

Dịch:
“Chỉ nghe tiếng mụ hàng xóm cầu đảo lúa mới
Không thấy ông lão trong làng đưa thứ rượu cũ đến”

(Hung niên III – Nguyễn Khuyến)

Nguyễn Khuyến châm biếm đả kích không chừa một ai, ngay cả chính mình cũng là đối tượng để ông mang ra mà giễu cợt. Giọng điệu mỉa mai trong thơ Nguyễn Khuyến không đơn thuần chỉ là một thủ pháp nghệ thuật mà còn là một cách nhìn đời, một quan niệm sống. Nó như một chiếc gương soi giúp chúng ta nhận ra những điều bất hợp lý. Sự mỉa mai ấy vừa mang tính giải trí, vừa có tác dụng giáo dục, thức tỉnh cho những con người thời bấy giờ.

Xem thêm:

Thơ của Nguyễn Khuyến cho tới nay vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho thế hệ chúng ta. Để thế hệ sau này trân quý những mối quan hệ, trân quý từng cảnh vật nơi quê, trân quý cả nền hòa bình chúng ta đang có.


Thưởng thức trọn vẹn các tác phẩm khác qua đường link mua sách phía dưới để ủng hộ DIMI BOOK tiếp tục tạo ra những nội dung chất lượng và phong phú nhé! Chân thành cảm ơn Quý độc giả đã yêu mến!

Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Xem sách chi tiết Thơ Nguyễn Khuyến - Văn học trong nhà trường tại đây

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *