Tôi đã từng là trẻ thơ, mọi người cũng vậy. Lúc ấy, chúng ta thật hồn nhiên, nhỉ? Lúc tôi khoảng độ lên ba tuổi, tôi cực kỳ tin vào sự hiện diện của “Ông Kẹ” trong mỗi buổi ăn – kẻ mà mẹ tôi nói sẽ bắt tôi đi nếu tôi không ngoan ngoãn ăn hết phần cơm của mình. 

Tôi khóc khi có ai đó bảo rằng bố mẹ nhặt tôi từ bãi rác, những giọt nước mắt ấy lại dễ dàng rơi khi ba tôi đòi đổi tôi để lấy mười hai tô bún cho cả nhà mỗi khi tôi không nghe lời. Lúc ấy, tôi thật ngây thơ và trí óc của trẻ thơ thì hoạt động theo một quy luật nào đó mà người lớn sẽ không bao giờ hiểu được. 

Đôi lúc, tôi thèm sở hữu tâm hồn của đứa trẻ – một tâm hồn sáng trong, dễ khóc cũng dễ cười, một tâm hồn có đầy màu sắc và có những suy nghĩ bị cho là “vớ vẩn”. Trí não tôi không thể sử dụng cỗ máy thời gian quay ngược về quá khứ, tôi chỉ có thể thỏa mãn mong ước bằng cách hòa mình vào những trang sách của thiếu nhi – nơi những câu chuyện mang trí tưởng tượng của tôi bay xa và hạ cánh ở xứ sở nào đó. Và tôi đã thành công lạc vào Xứ sở OZ – một xứ sở có sự tồn tại của phù thủy, của phép thuật và những câu chuyện thú vị xảy ra trên cuộc hành trình của cô bé Dorothy trong tác phẩm mang tên “Phù thủy xứ OZ”. 

Giới thiệu về tác tác phẩm “Phù thủy xứ OZ” và tác giả L. Frank Baum

“Phù thủy xứ Oz” (tên Tiếng Anh là “The Wizard of Oz”) là một cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi được viết bởi L. Frank Baum. Cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 1900 và đã trở thành một trong những tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng nhất của Mỹ. 

tác giả L. Frank Baum

L. Frank Baum là một nhà văn người Mỹ, sinh năm 1856 và mất năm 1919, ông nổi tiếng nhất với việc viết nên loạt sách “Oz”. Ông sinh ra tại Chittenango, New York và đã có một sự nghiệp đa dạng trước khi trở thành nhà văn, bao gồm việc làm diễn viên, nhà sản xuất và nhà viết kịch. 

Cuốn sách đã được chuyển thể thành nhiều hình thức khác nhau, bao gồm phim điện ảnh, phim truyền hình, nhạc kịch và nhiều phiên bản truyện tranh như được chuyển thể thành phim hấp dẫn của Netflix. Phiên bản phim nổi tiếng nhất của “Phù thủy xứ Oz” được sản xuất năm 1939, với Judy Garland thủ vai Dorothy. Bộ phim này đã trở thành một biểu tượng văn hóa của Mỹ và được yêu thích qua nhiều thế hệ.

Phù Thủy Xứ OZ

Sự nghiệp sáng tác của Baum gắn liền với rất nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi. Ông đã viết tổng cộng 14 cuốn sách về xứ Oz, cùng với nhiều tác phẩm khác cho thiếu nhi. Trong đó, “Phù thủy xứ Oz” thành công khi chiếm trọn được tình yêu của rất nhiều thế hệ trẻ em trên thế giới, liên tục lọt vào top sách bán chạy, trở thành một tác phẩm văn học kinh điển dành cho trẻ em. Câu chuyện diệu kỳ này đem đến nhiều bài học nhân văn về lòng dũng cảm, trí thông minh và tình yêu thương cho độc giả nhỏ tuổi và cả người trưởng thành. 

Phù thủy xứ OZ: Bài học về tình bạn, lòng dũng cảm và sự tự tin tại xứ sở phép thuật

Cuốn sách kể về cuộc phiêu lưu của cô bé Dorothy – người sống tại Kansas cùng với chú chó nhỏ Toto. Một ngày nọ, một cơn lốc xoáy cuốn Dorothy và Toto đến một vùng đất kỳ diệu mang tên “Oz”. Tại đây, Dorothy kết bạn với Bù Nhìn, Thợ rừng Thiếc và Sư Tử Nhát. Cả nhóm cùng nhau đi tìm Phù thủy vĩ đại xứ Oz để nhờ ông giúp Dorothy trở về nhà và giúp các bạn của cô có được những điều họ ao ước. Trên đường đi, họ phải đối mặt với nhiều thử thách và gặp gỡ những điều thú vị. 

Nhân vật Dorothy: Trẻ em sẽ như thế nào nếu nhận được tình yêu thương?

Dorothy – nhân vật chính của câu chuyện là một đứa bé đặc biệt, nguyên nhân của sự đặc biệt này là bởi cô bé được sống trong tình yêu thương, một tình yêu thực sự đủ đầy từ chú Henry và thím Em – những người không phải bố mẹ ruột thịt nhưng lại yêu thương Dorothy bằng tất cả tấm lòng. Chính tình yêu ấy là động lực để Dorothy luôn kiên trì tìm kiếm con đường trở về Kansas – một vùng đất khô cằn và xám xịt thay vì Xứ OZ đẹp đẽ và tràn đầy màu sắc. 

sách Phù Thủy Xứ OZ

Ở Dorothy, chúng ta luôn tìm thấy những phẩm chất bản năng nhưng đẹp đẽ nhất ở con người, đó là khi cô bé không ngại giúp đỡ anh Bù Nhìn và Thợ rừng Thiếc khi họ gặp khó khăn, hoặc khi cô bé dũng cảm tát Sư Tử Nhát khi nó sắp làm hại Toto bé nhỏ. Nếu đó là một người lớn, có lẽ ta sẽ e ngại Thợ rừng Thiếc vì có lẽ anh đang giở trò lừa đảo hoặc không dám phản kháng trước Sư Tử Nhát khi nó làm hại người bạn đồng hành của mình. 

Tại sao L. Frank Baum lại để Dorothy là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề của Xứ OZ mà không phải là một phù thủy có phép thuật cao siêu nào khác? Bởi vì, “Những điều đẹp đẽ nhất trên thế giới không thể nhìn thấy hay chạm vào được, chúng được cảm nhận bằng trái tim.” – (“Hoàng tử bé” – Antoine de Saint-Exupéry). Có lẽ, chỉ có trái tim của một đứa trẻ mới đủ thuần khiết để thực hiện những sứ mệnh cao cả và đẹp đẽ nhất. 

Tình bạn – giản dị mà chân thành

Điều nổi bật xuyên suốt mạch truyện có lẽ là tình bạn gắn bó của Dorothy, Bù Nhìn, Thợ rừng Thiếc và Sư Tử Nhát. Họ có thể không giống nhau nhưng họ đối xử với nhau bằng tình cảm chân thành nhất. Trong cuộc hành trình đi tìm Phù thủy vĩ đại xứ OZ, không dưới một lần các thành viên trong hội bạn này gặp bất trắc tưởng chừng như vĩnh viễn không thể hoàn thành cuộc hành trình, nhưng nhờ có sự giúp đỡ của những người bạn, họ lại tiếp tục chinh phục thứ mà họ ao ước.

tình bạn trong "Phù thủy xứ Oz"

Tình bạn luôn là mối quan hệ quý giá ngay từ lúc ta là một đứa trẻ đến khi ta trở nên già nua. Cách Dorothy, Bù Nhìn, Thợ rừng Thiếc và Sư Tử Nhát đối xử với nhau dạy cho ta bài học về tình bạn – sự trân trọng và lòng yêu thương sẽ là chìa khóa để mọi mối quan hệ trở nên thật đẹp đẽ và tuyệt vời.

Câu chuyện không chỉ dành cho thiếu nhi

Tuy “Phù thủy xứ OZ” là một câu chuyện thiếu nhi nhưng nó không chỉ dành cho riêng thiếu nhi. Có một câu nói của Dorothy với Bù Nhìn cứ làm tôi ấn tượng mãi: 

“Dù quê hương có tồi tàn, ảm đạm bao nhiêu, con người ta bằng xương bằng thịt vẫn mong sống ở đó hơn bất kỳ nơi nào dù đẹp đẽ đến mấy. Có nơi đâu bằng nhà mình”. 

Dorothy luôn có một mục tiêu nhất quán từ khi lạc vào Xứ OZ, cô bé chưa bao giờ thôi nhớ mong mái nhà có sự xuất hiện của chú Henry và thím Em, giống như mỗi người lớn chúng ta sau cuộc hành trình dài. Ngôi nhà là nơi ấm áp nhất, cũng là nơi chở che ta nhiều nhất, đó là luôn là cái đích trong mọi chuyến đi, cũng là động lực cho ta cố gắng mỗi ngày. 

Dù “Phù thủy xứ OZ” là truyện thiếu nhi nhưng nhiều chi tiết cũng đề cập đến những nỗi niềm của người lớn. Không những thế, những bài học được đề cập trong truyện, từ lòng yêu thương, sự dũng cảm và kiên trì cũng là những thông điệp dành cho cả người lớn. 

Phù Thủy Xứ OZ

Đôi khi, người lớn chúng ta quên mất những bài học vỡ lòng ngày xưa vẫn thường được dạy, chúng ta chùn bước khi gặp thử thách, có lúc vô cảm trong khi ta có trái tim, ta để những lo âu hằng ngày che lấp đi bản thể đẹp đẽ và thiện lành nhất. 

“Phù thủy xứ Oz” của L. Frank Baum đã có sức ảnh hưởng sâu rộng đến nền thi ca của toàn nhân loại, đặc biệt là văn học thiếu nhi. Tác phẩm đã mở đường cho lối viết truyện kỳ ảo, khuyến khích sự sáng tạo và trí tưởng tượng trong tâm hồn của trẻ thơ. Với các nhân vật độc đáo và câu chuyện đầy tính nhân văn, “Phù thủy xứ Oz” đã trở thành một tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển, không chỉ tạo cảm hứng cho những độc giả, tác giả khác mà còn được sử dụng rộng rãi trong giáo dục để truyền đạt những bài học quý giá về lòng dũng cảm, trí thông minh và tình yêu thương.

Xem thêm:

Dù là thiếu nhi hay người lớn, chúng ta cũng cần nghiền ngẫm những thông điệp hay, cần được xoa dịu và vỗ về “đứa trẻ tâm hồn” bằng nguồn năng lượng thuần khiết của trẻ thơ. Hãy thưởng thức câu chuyện “Phù thủy xứ OZ” bằng trái tim thuần túy và yêu thương nhất, để rồi thủ thỉ cho những đứa trẻ về cuộc hành trình của Dorothy và những người bạn để chúng được học những bài học vỡ lòng đầu tiên nhé!


Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *