“Đọc hiểu công trình kiến trúc” và “Đọc hiểu tác phẩm hội họa” là bộ đôi sách nghệ thuật được viết bởi sử gia kiến trúc Carol Davidson Cragoe và sử gia nghệ thuật Liz Rideal. Tổng hợp những phân tích sâu sắc về lịch sử kiến trúc và hội họa phương Tây, bộ đôi này sẽ là nguồn tư liệu hữu ích cho những ai yêu thích nghệ thuật, mong muốn tìm hiểu về nghệ thuật dưới góc nhìn của những học giả có chuyên môn.
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Đôi nét về tác giả Carol Davidson Cragoe và Liz Rideal
Carol Davidson Cragoe – tác giả của cuốn sách “Đọc hiểu công trình kiến trúc” – là một nhà văn, học giả, sử gia kiến trúc và nhà quy hoạch đô thị người Anh. Tốt nghiệp từ Học viện nghệ thuật cho nữ sinh lớn nhất Hoa Kỳ – Smith và có bằng Thạc sĩ lịch sử nghệ thuật tại Đại học New York, Carol Davidson Cragoe vì thế rất giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực kiến trúc và nghệ thuật.
Bà là biên tập viên về mảng kiến trúc cho Đại học London, đồng thời thường xuyên tham gia giảng dạy tại Cao đẳng Birkbeck. Bà cũng là tác giả của nhiều đầu sách và bài báo nổi tiếng về lịch sử kiến trúc Tây Âu. Những tác phẩm do Carol Davidson Cragoe viết cuốn hút người đọc không chỉ nhờ hình ảnh những công trình lộng lẫy mà còn bởi câu chuyện về lý do chúng ra đời. Ngoài “Đọc hiểu công trình kiến trúc”, một số tác phẩm nổi bật khác của Carol Davidson Cragoe có thể kể đến:
- Chuỗi bài về Victoria County History.
- Dự án nghiên cứu lịch sử và di sản kiến trúc của các nhà thờ Anh quốc thuộc tổ chức Di sản Anh.
Liz Rideal – tác giả cuốn sách “Đọc hiểu tác phẩm hội họa” – cũng là một cây bút đến từ Anh, kiêm nghệ sĩ, sử gia nghệ thuật và Giáo sư Mỹ thuật của Khoa hội họa, trường Mỹ thuật Slade. Liz Rideal tốt nghiệp đại học và nhận bằng Cử nhân Mỹ thuật & Văn học Anh năm 1976. Sau đó, bà tiếp tục học lấy chứng chỉ sau đại học về giáo dục năm 1978 và bắt đầu công việc giảng dạy tại trường Mỹ thuật Slade từ năm 1992 trở đi.
Năm 1985, Liz Rideal tham gia vào một số dự án nghệ thuật công cộng cũng như nghiên cứu sâu về photo-booth. Dù trước đó đã có nhiều người khác thử nghiệm công nghệ này nhưng ít ai khai thác hiệu quả công năng của nó như Liz Rideal.
Trong suốt sự nghiệp của mình, Liz Rideal có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật được trưng bày ở Bảo tàng Anh, BBC, thư viện Đại học Cambridge, thư viện Quốc hội, Bảo tàng Victoria & Albert,… Ngoài ra, bà cũng là diễn giả của Phòng trưng bày Chân dung Quốc gia London.
Review combo “Đọc hiểu công trình kiến trúc & tác phẩm hội họa”
“Đọc hiểu công trình kiến trúc” được NXB Rizzoli International phát hành vào năm 2008 và “Đọc hiểu tác phẩm hội họa” được NXB Bloomsbury Visual Arts phát hành vào năm 2014. Nếu Rizzoli là nhà xuất bản sách nghệ thuật nổi tiếng của Ý thì Bloomsbury lại là nhà xuất bản hàng đầu trong lĩnh vực thời trang và thiết kế của Anh. Combo sách kiến trúc và hội họa này được độc giả và các chuyên gia đánh giá cao.
Giới thiệu sách “Đọc hiểu công trình kiến trúc”
Công trình kiến trúc không chỉ đơn thuần là nơi trú chân và diễn ra các hoạt động sinh hoạt của cộng đồng con người, mà còn ẩn chứa nhiều câu chuyện và khía cạnh phức tạp về lịch sử, văn hóa. Nhà hàng, nhà thờ, cung điện, tòa tháp,… mỗi kiểu công trình mang những nét cầu kỳ riêng biệt, đôi khi còn thể hiện những đặc trưng văn hóa, tôn giáo khó nhầm lẫn. Thông qua “Đọc hiểu công trình kiến trúc”, Carol Davidson Cragoe sẽ phân tích các thành phần kiến trúc cơ bản của từng dạng công trình, giúp bạn có cái nhìn tổng thể về quy chuẩn kiến trúc trải dài từ thời Cổ đại cho đến ngày nay, đồng thời phân tích mối liên hệ giữa kiến trúc và đời sống.
Ví dụ, dựa vào đặc điểm và chức năng của các dạng công trình khác nhau, Carol Davidson Cragoe đã phân loại được 5 nhóm là: lâu đài và cung điện, công trình tôn giáo, công trình thương mại, công trình công cộng và nhà ở. Lâu đài hay thành trì là công trình quân sự đồ sộ, đảm nhiệm vai trò như một bức tường thành để bảo vệ an nguy của một cộng đồng người, đảm bảo đầy đủ các đặc điểm và chức năng để con người thuận lợi phòng thủ và tấn công.
Cung điện là nơi ở của vua chúa và tầng lớp quý tộc vương giả, luôn coi trọng sự xa hoa, quý phái của bậc “bề trên”. Tuy nhiên, Carol đề cập rằng ở thời kỳ trung cổ, hai công trình này thường được gộp thành một khi lâu đài cũng có những tiện nghi xa hoa còn cung điện có lớp lang phòng thủ kiên cố. Trong khi đó, công trình tôn giáo là không gian dành cho việc hành lễ, hay như công trình công cộng được sử dụng cho các mục đích dân sự và quản lý chung.
Carol cũng nhấn mạnh đến sự thay đổi trong thiết kế và thẩm mỹ của từng dạng công trình qua nhiều thế kỷ. Chẳng hạn, nhà ở trong xã hội cổ xưa thường được xây một tầng với nhiều phòng nằm về các phía. Đến thế kỷ 16, xu hướng “lên tầng” cho các không gian riêng tư bắt đầu xuất hiện. Còn ở xã hội hiện đại, mẫu nhà liền kề lại được ưu tiên hơn cả.
Nói về phong cách kiến trúc, Carol định nghĩa đây là thứ giúp chúng ta xác định thời gian, mục đích hay ai là người đã xây lên một công trình. Phong cách được thể hiện qua 2 thành phần chính là bố cục tổng thể và chi tiết trang trí. Đây là một yếu tố bất ổn định. Từ phong cách gốc, theo thời gian, nó sẽ được nâng cấp hoặc biến tấu sao cho phù hợp với phong cách nghệ thuật và thị hiếu đương thời. Ngoài ra, Carol còn hướng dẫn độc giả phân biệt một số phong cách kiến trúc điển hình như Tân cổ điển, Gothic, La Mã, Hy Lạp, Phục hưng, Hiện đại,…
“Kiến trúc – nghệ thuật của công trình – có ngôn ngữ của riêng nó và đọc hiểu các công trình kiến trúc cũng giống như việc đọc bất cứ ngôn ngữ nào: bạn cần hiểu các bộ phận cấu thành cơ bản trước khi bắt đầu, nhưng khi đã nắm chắc cấu trúc ngôn ngữ, bạn có thể đọc hiểu mọi thứ.
Ba khía cạnh chính cấu thành ngữ pháp của ngôn ngữ kiến trúc là: các phong cách theo thời kỳ, các loại công trình khác nhau và các vật liệu cấu thành; cả ba điều này ảnh hưởng lớn đến diện mạo của công trình…” – Trích dẫn hay trong “Đọc hiểu công trình kiến trúc”
Đánh giá tác phẩm “Đọc hiểu công trình kiến trúc”, tạp chí Interior Design nhận định:
“Cuốn cẩm nang nhỏ gọn này thực sự mê hoặc với thiết kế thu hút, thông tin chắt lọc, hình vẽ minh họa khéo léo được in màu đẹp mắt.”
Tóm lại, “Đọc hiểu công trình kiến trúc” có thể coi là một cuốn sổ tay giải mã phong cách, lịch sử và quá trình phát triển của các công trình từ bình dân đến biểu tượng thế giới. Sử dụng hình ảnh minh họa là những bản vẽ kiến trúc sống động, kết hợp với nội dung cô đọng, cuốn sách này sẽ phù hợp với sinh viên hoặc người mới tìm kiểu về kiến trúc muốn củng cố nền tảng kiến thức của mình.
Giới thiệu sách “Đọc hiểu tác phẩm hội họa”
Bạn đã bao giờ nhìn vào một bức tranh và tự hỏi đâu là yếu tố làm lên vẻ bắt mắt của nó? Hay như tại sao cùng một đối tượng nhưng qua nét của các tác giả khác nhau lại mang đến những cảm giác khác nhau?
Hội họa là tổ hợp của rất nhiều yếu tố. Để tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh, họa sĩ cần phối hợp hài hòa giữa bố cục, phong cách, ký hiệu, biểu tượng. Bên cạnh đó, cảm quan mà bức tranh mang đến còn phụ thuộc vào chất liệu bề mặt, dung môi, màu sắc,… Trong cuốn sách “Đọc hiểu tác phẩm hội họa”, tác giả Liz Rideal sẽ cùng bạn tìm hiểu cụ thể về từng yếu tố kể trên.
Thông qua một bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật kèm theo thông tin bình luận, cuốn sách cho phép độc giả tìm hiểu về những khái niệm cơ bản trong hội họa, khám phá cách “đọc vị” chi tiết những bức tranh dưới góc nhìn chuyên môn.
Nội dung sách “Đọc hiểu tác phẩm hội họa” bao gồm 2 phần chính:
- Ngữ pháp của những bức tranh: Trong phần này, tác giả đưa ra định nghĩa về 5 yếu tố cơ bản cấu thành một tác phẩm hội họa là hình dạng và vật liệu đỡ, dung môi và chất liệu, bố cục, phong cách và kỹ thuật, ký hiệu và biểu tượng. Bên cạnh đó, tác giả cũng bàn luận về họa sĩ – người tạo ra các bức tranh.
- Phân tích tranh chí tiết: Trong phần này, tác giả sẽ phân tích chi tiết 5 yếu tố cơ bản trên 50 bức tranh kinh điển của nền hội họa phương Tây từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 21.
Xem thêm:
- Tri thức về vạn vật – Vén màn thế giới trực quan chưa từng thấy
- Bách khoa thư về nghệ thuật: Lăng kính sắc màu qua mỗi trang sách
Tương tự như “Đọc hiểu công trình kiến trúc”, sách “Đọc hiểu tác phẩm hội họa” cũng có nội dung súc tích, tập trung giải thích vấn đề một cách trực diện nhất. Bộ đôi này nằm trong cùng một series mang tên “A crash course series”(Một loạt khóa học cấp tốc) để giúp độc giả tìm hiểu và trang bị kỹ năng thưởng thức nghệ thuật kiến trúc. Nếu yêu thích nghệ thuật, đặc biệt quan tâm đến kiến trúc và hội họa, combo Đọc hiểu công trình kiến trúc & tác phẩm hội họa sẽ là lựa chọn đáng tham khảo, giúp bạn bước đầu tìm hiểu về hai mảng nghệ thuật mang tính ứng dụng cao.
Thưởng thức trọn vẹn tác phẩm qua đường link mua sách phía dưới để ủng hộ DIMI BOOK tiếp tục tạo ra những nội dung chất lượng và phong phú nhé! Chân thành cảm ơn Quý độc giả đã yêu mến!
Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK, trích dẫn từ chính tác phẩm.
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.