Trong bức tranh thăng trầm của văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, “Đời thừa” của Nam Cao là một tác phẩm hiện thực trần trụi, mang đậm hơi thở của thời gian và nhân sinh. Như một đoạn nhạc buồn vang lên từ nơi sâu thẳm của tâm hồn, câu chuyện về chàng nhà văn nghèo tên Hộ đầy tài năng, đầy những mơ ước và khát khao, nhưng lại tự đánh giá cuộc đời mình là “đời thừa”. Tác phẩm như một lời nguyền thầm lặng về những giới hạn của số phận và những trăn trở về giá trị của cuộc sống, mà qua đó, chúng ta cũng được nhìn lại bản thân và sự vật xung quanh một cách sâu sắc hơn. 

Nam Cao – Cây bút “viết hộ” ngàn nỗi lòng

Nam Cao (1915 – 1951), tên thật là Trần Hữu Tri, sinh ra ở Đại Hoàng, Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Trước Cách mạng, sáng tác của ông chủ yếu xoay quanh hai đề tài chính là tầng lớp trí thức tiểu tư sản và người nông dân nghèo khổ. Những tác phẩm nổi bật đi sâu vào tim của nhiều thế hệ độc giả Việt bao gồm “Sống mòn”, “Chí Phèo”, “Lão Hạc”, “Mua nhà”, “Đời thừa”… 

nam cao

Sau Cách mạng, ông chưa kịp sáng tác nhiều hơn vì hy sinh quá sớm, chỉ để lại một số tác phẩm như truyện ngắn “Đôi mắt”, “Nhật ký ở rừng”, “Chuyện Biên giới”. Đằng sau giọng văn có vẻ vô tình, lạnh lùng lại là tấm lòng cảm thương sâu sắc với “đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than”. Đó là khát khao mãnh liệt mong muốn được cứu vãn và giữ gìn ánh sáng của lương tri và nhân phẩm con người. 

Phong Lê đã từng nhận xét về Nam Cao: “Năm năm cho một sự nghiệp không lẫn với ai, năm năm trung thành với hướng đi không hề nghiêng ngả… năm năm cày xới để tự biếm họa, tự khẳng định, để có Nam Cao như hiện nay ta có”.

Tóm tắt truyện “Đời thừa”

“Đời thừa” là câu chuyện về chàng trai Hộ – một tri thức nghèo, cuộc đời anh bị buộc phải đi theo một con đường ngoài ý muốn. Hộ là một người luôn khát khao chạm đến sự hoàn mỹ trong sáng tạo nghệ thuật, không ngừng cố gắng duy trì lý tưởng sống của mình. Nhưng cuộc đời Hộ không chỉ gắn với bản thân và những con chữ mà còn được tô điểm bởi tấm lòng nhân ái khi anh đã “cúi xuống nỗi đau khổ” của Từ – một người phụ nữ trẻ bị phụ tình cùng với đứa con nhỏ mới sinh. Chính Hộ đã dang tay cứu vớt, bảo vệ danh dự cho Từ, đem đến cho cô một gia đình, một bến đỗ an lành. Không ngoa khi nói rằng, Hộ là ân nhân của Từ.

nội dung đời thừa nam cao

Hộ vốn dĩ là một chàng nhà thơ nghèo, quyết định chăm lo thêm cho một người vợ và đứa con nhỏ không hề dễ dàng. Những gánh nặng tiền bạc đã làm Hộ từ bỏ dần những ước mơ sáng tạo của mình. Anh phải chấp nhận viết những truyện ngắn giải trí, rẻ tiền để kiếm sống, điều này làm Hộ cảm thấy nhục nhã và đau khổ. Anh tự trách mình là kẻ vô dụng, không thể vượt qua nghịch cảnh để theo đuổi đam mê. 

Tiếp nối những tác phẩm đặc trưng của Nam Cao, “Đời thừa” cho độc giả thấy một anh chàng Hộ quẫn túng – một hiện thực đầy đau đớn của tầng lớp tri thức những năm 1930 – 1945. Họ khát khao những điều đẹp đẽ và tiến bộ của tri thức, nghệ thuật nhưng phải oằn mình sống sót trong cái đói triền miên. 

Như Hà Minh Đức đã từng chia sẻ: “Nam Cao đã mạnh dạn phân tích và mổ xẻ tất cả, không né tránh như Thạch Lam; không cực đoan, phiến diện như Vũ Trọng Phụng, cũng không thi vị hóa như Nhất Linh, Khái Hưng, ngòi bút của Nam Cao luôn luôn tỉnh táo đúng mực”. Chính cái nhìn đúng mực của Nam Cao đã tạo nên một “Đời thừa” khắc họa rõ nét những dằn vặt của tầng lớp tri thức thời ấy – sự giằng co giữa “sống và viết”.

Nhân vật Hộ – Bi kịch điển hình của tầng lớp tri thức Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945

Bi kịch của Hộ là bi kịch của một con người phải hy sinh sự nghiệp để giữ lấy tình thương, giữ lấy cuộc sống gia đình. Hộ luôn sống trong tình trạng giằng xé giữa nguyên tắc tình thương và lí tưởng văn chương. Bi kịch này đã đẩy nhà văn Hộ đến một bế tắc không lối thoát. Hộ cũng muốn thay đổi cuộc sống, muốn tìm một lối ra, Hộ phủ định nhiều yếu tố nhạt nhẽo của đời sống hằng ngày nhưng phủ định rồi lại chẳng đi đến đâu. Ta chỉ thấy ở cuối truyện tác giả dựng lên hình ảnh Hộ thật đáng thương, đáng giận kia đã hồi tỉnh sau một cơn say mê mệt “Hộ chợt khóc hối hận, đau đớn. Hộ khóc nức nở, khóc không ra tiếng, khóc vì thương vợ, khóc vì thương mình và giận cả mình…”.

đời thừa nam cao

Đang trong thời trai trẻ tràn đầy nhiệt huyết, Hộ đã từng nuôi dưỡng hoài bão lớn về sự nghiệp cầm bút. Anh mong muốn rằng: “Cả một đời tôi, tôi sẽ viết một quyển thôi, nhưng quyển ấy sẽ ăn giải Nobel”. Đó là một tác phẩm “sẽ làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời”. Anh còn mong muốn một tác phẩm đó “phải chứa đựng một cái gì đó lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình. Nó làm cho người gần người hơn”. Với hoài bão ấy, cộng với lương tâm nghề nghiệp. Hộ đã từng nghiêm khắc với chính bản thân mình: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi… nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”. “Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. 

Rõ ràng Hộ là một nhà văn có ý thức trách nhiệm, có hoài bão lớn, nghiêm khắc với lương tâm mình trong quá trình sáng tác, muốn cống hiến cho xã hội những cái lớn lao, những cái có ý nghĩa… vậy mà chính cái xã hội ấy lại đày đọa Hộ trong cảnh nghèo nàn, túng quẫn. Cuộc sống cơ cực đã thẳng tay vùi dập ước mơ cao đẹp của Hộ. Vì cơm áo gạo tiền “hắn phải in cho nhiều cuốn văn viết vội vàng” để rồi sau đó Hộ xấu hổ, nhục nhã với chính bản thân mình. Hộ đau khổ, bực tức rồi trút gắt gỏng với vợ con, rồi tự xỉ vả mình: “anh…anh…chỉ là một thằng khốn nạn”.

Có lần, Hộ say xỉn và oán trách mẹ con Từ đã khiến anh khổ sở, quên đi ý định mua quà cho họ. Gánh nặng mà mẹ con Từ đè lên cuộc đời Hộ chính là bổn phận. Nếu Hộ từng có ý nghĩa sống tàn nhẫn, sống chỉ vì bản thân mình, thì đó chỉ là những ý nghĩ thoáng qua. Thực tế, Hộ cũng như hầu hết các nhân vật trí thức tiểu tư sản của Nam Cao, không ai đủ tàn nhẫn để chà đạp lên lý tưởng tình thương và bổn phận gia đình, không ai đủ tàn nhẫn để “giẫm lên vai kẻ khác” mà tiến về phía trước.

Ý nghĩa tác phẩm “Đời thừa”

Thông qua nhân vật Hộ trong truyện ngắn “Đời thừa”, Nam Cao đã cho ta thấy mối lo thường trực của người trí thức trước cuộc đấu tranh đang diễn ra và còn kéo dài giữa anh ta và cuộc sống. Một mối lo đè nặng và chuyển thành nổi kinh sợ vì sự sa ngã – một sự sa ngã về thể xác lẫn tinh thần. Cái vòng quay luẩn quẩn của những cơn say – tỉnh – rồi lại say, và trong cơn say Hộ đã hành động và suy nghĩ một cách vũ phu, đó là hiện tượng gần như đột xuất trong thế giới nhân vật của nhà văn Nam Cao. Tất cả chu trình ấy diễn ra trọn vẹn trong một ngày như là tiêu điểm thu gọn một đời.

Trong vô vàn những tác phẩm ngắn viết về nghiệp cầm bút, “Đời thừa” nổi bật như một tuyệt phẩm khắc họa sâu sắc bi kịch của nhà văn trong xã hội cũ. Đây là câu chuyện về một quá trình suy thoái không thể chống đỡ của người trí thức trước những thử thách khắc nghiệt của cuộc đời. Trên con đường trượt dài không lối thoát ấy, anh ta đồng thời rơi vào hai cái chết: cái chết cả về thể xác lẫn tinh thần, hoặc cái chết của người nghệ sĩ trong Hộ dẫn tới sự hủy hoại từ bên trong con người Hộ. Dù đó là cái chết tinh thần, nhưng nó không kém phần ám ảnh và như một điềm báo cho cái “chết” thực sự của Hộ và cả gia đình anh.

đời thừa nam cao

“Đời thừa” cho ta thấy được tấm bi kịch của người trí thức nghèo và lí tưởng trong xã hội cũ. Nam Cao đã thể hiện sinh động mối quan hệ giữa những khát vọng chân chính, ý thức sâu sắc về cuộc sống và nhân phẩm với hoàn cảnh xã hội. Sự kiếm tìm miếng cơm manh áo với những tinh thần “tẹp nhẹp” hằng ngày. Truyện ngắn “Đời thừa” là lời kết án đanh thép cái xã hội thực dân phong kiến ngột ngạt thối nát đã nhẫn tâm cướp đoạt giá trị con người, không cho người ta sống đàng hoàng cao đẹp mà khiến họ sống chăng cũng là sống kiếp “Sống mòn”, một kiếp “Đời thừa” mà thôi. Ý nghĩ nhân sinh sâu sắc ở tác phẩm này chính là ở chỗ đó. 

Nói cách khác, Nam Cao đã miêu tả được cuộc sống đầy bi kịch của người trí thức tiểu tư sản nghèo. Hộ là người có ước mơ, hoài bão cao đẹp, có nhân cách, có trí thức, tâm hồn biết rung cảm với cái đẹp… nhưng “cơm áo gạo tiền” của cuộc đời này đã ghì Hộ xuống sát đất, mộng ước tan tành, tâm hồn Hộ không thể cất cánh lên được. Hộ trở về với thực tại cuộc sống đắng cay, buồn tủi, mỏi mòn về tinh thần. Cuộc sống của Hộ là một thực tại đầy nghiệt ngã của sự nghèo túng. Cuộc sống của Hộ bị đầy đọa về tinh thần. Hộ phải chấp nhận cuộc sống đầy bi kịch ấy. Nhưng về bản chất Hộ vẫn là con người có những phẩm chất trong sáng, tốt đẹp.

Nam Cao là một nhà văn hiện thực sâu sắc, nhân văn, ông đã có một ý nghĩ về nhiệm vụ của một nhà văn là phải viết về sự thực của đời sống. Văn học nghệ thuật không chỉ là những áng văn hoa mỹ, tráng lệ mà phải là tiếng nói sâu thẳm từ những kiếp người sống lầm than, điều mà chính bản thân họ cũng chưa thực sự thấu hiểu. Nhà văn phải mạnh dạn nhìn thẳng vào cuộc đời với thái độ thẳng thắn và ý thức trách nhiệm, chống lại mọi biểu hiện lừa dối, lẫn tránh thực tế, chỉ viết về cái đẹp để tự an ủi về mình. 

Đặc điểm chung của các nhân vật trong đề tài người trí thức của Nam Cao

Trong các truyện ngắn của Nam Cao, nhân vật trí thức thường sống trong sự giằng xé nội tâm và có những khoảnh khắc tự thú nhận sự tàn nhẫn của mình với những người xung quanh. Ví dụ, trong “Đời thừa”, nhân vật Hộ đã bật khóc và thốt lên: “Anh… anh… chỉ là… một thằng… khốn nạn!… Không!… Anh chỉ là một người khổ sở!… Chính vì em mà anh khổ…”. 

Lời văn trực tiếp ở đây đã cùng một lúc làm nổi bật lên hai tâm trạng của hai nhân vật Từ và Hộ. Hộ tự trách mình, tự xé nát lòng mình trong cơn tuyệt vọng, bởi anh cảm thấy sự khốn nạn không chỉ từ ngoại cảnh, mà còn từ chính sự yếu đuối và bất lực của bản thân. Đằng sau những lời cay đắng ấy, ta thấy được một Hộ đầy tình yêu và trách nhiệm với gia đình, nhưng lại bất lực với hiện thực. Từ  hiểu  được  tâm  trạng  của  chồng, chị thông cảm với chồng và chắc chắn sẽ cảm thấy đau đớn sau những lời nói của Hộ. Là người vợ, Từ không chỉ thấu hiểu nỗi khổ tâm của chồng mà còn cảm thấy trách nhiệm nặng nề đối với sự khổ sở mà Hộ đang chịu đựng.

Trong các truyện ngắn về đề tài người trí thức tiểu tư sản, ngòi bút của Nam Cao thường làm nổi bật lên những mâu thuẫn trong gia đình để khắc họa bi kịch của người trí thức. Thay vì nghĩ về những ước mơ và hoài bão về nghệ thuật cao cả bằng tất cả lòng nhiệt huyết, họ lại bị những xung đột vụn vặt gia đình quấn lấy ngày này qua ngày khác không thể thoát ra. Lý tưởng về nghệ thuật và trí thức bị đè bẹp bởi hiện thực tàn khốc, và mỗi ngày trôi qua chỉ càng làm tăng thêm nỗi tuyệt vọng, đau đớn. 

Đang sống, nhưng lại không được sống! Đời thừa!

đời thừa

Đọc “Đời thừa”, tôi chợt nhớ đến câu nói của Jhumpa Lahiri: “Văn học là nơi tìm kiếm những câu trả lời cho những câu hỏi ta chưa bao giờ đặt.” Không chỉ tác phẩm này, mà các sáng tác khác của Nam Cao cũng khắc họa về những nhân vật và tình huống, mà là một cuộc phiêu lưu vào thế giới tâm lý, sự phức tạp của con người và những bài học sâu sắc về sự sống một cách khách quan.

Xem thêm:

Mỗi nhân vật trong “Đời thừa” là một tấm gương phản chiếu rõ nét những nỗi đau thương, hy vọng, và những mâu thuẫn trong cuộc sống. Họ không chỉ đối diện với những thử thách bên ngoài mà còn phải đấu tranh với bản thân, với những lựa chọn, đạo đức và với cái giá phải trả cho những quyết định của mình. Qua từng trang văn, Nam Cao phân tích sâu sắc những khía cạnh về nhân văn và tình cảm con người, đưa đến cho độc giả những suy ngẫm về ý nghĩa của cuộc sống và giá trị của mỗi cá nhân trong xã hội. Tác phẩm làm chúng ta suy ngẫm về chính bản thân mình, và khám phá ra rằng, qua văn học, chúng ta có thể tìm thấy những câu trả lời quan trọng cho những câu hỏi chưa từng nghĩ đến. 

“Bạn đang sống vì điều gì?”


Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Mua sách Đời Thừa (Tái Bản) tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *