Khi màn đêm bắt đầu buông xuống, phố huyện nhỏ bé như chìm vào một thế giới đầy mê hoặc, nơi ánh hoàng hôn nhuộm đỏ bầu trời và tiếng chợ tàn vọng lại từ xa. Chúng ta có thể tìm kiếm bức tranh ấy trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam – nơi khắc họa những mảnh đời nghèo khó nhưng đầy chất thơ. Dưới ngòi bút tinh tế của Thạch Lam, ánh mắt trong trẻo của hai chị em Liên và An đã mở ra trước mắt người đọc một thế giới đầy rung cảm, nơi từng nhành cây, ngọn cỏ đều có hồn và từng nhân vật đều hiện lên với những nỗi niềm sâu kín.
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Tác giả Thạch Lam
Nền văn học Việt Nam hiện đại đầu thế kỉ XX đã có những đổi mới một cách rõ nét. Khởi đầu là văn chương hiện thực phê phán, tiếp đến là văn chương Tự lực văn đoàn, trong đó tên tuổi sáng chói nhất được kể đến chính là Thạch Lam. Trong thời kỳ Văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX đặc biệt là giai đoạn Văn học 1930 – 1945, sự xuất hiện của Thạch Lam đã mở ra một bước tiến mới cho văn xuôi nói chung và mảng truyện ngắn nói riêng. Thạch Lam sinh năm 1909, mất năm 1942 nhưng ông sáng tác nhiều thể loại từ truyện ngắn, truyện dài đến những bài bình luận văn học và chính thể loại truyện ngắn ít ỏi lại làm nên thành công cho một Thạch Lam non trẻ thời ấy. Ông đã để lại cho đời ba tập truyện ngắn là “Gió đầu mùa” (in năm 1937) tiếp đến “Nắng trong vườn” (in năm 1938) và “Sợi tóc” (in năm 1942).
Tuy đời sống ngắn ngủi nhưng ông lại được hưởng tất cả những ưu ái và thuận lợi của Văn đàn, tất cả những bài viết, sáng tác của ông ngay khi được hoàn thành đều được in thành sách. Thạch Lam đã có những đóng góp to lớn vào tiến trình phát triển của Văn học Việt Nam hiện đại. Ngòi bút của Thạch Lam lặng lẽ, điềm tĩnh một cách bất ngờ và tả tỷ mỷ những thứ rất nhỏ, rất đẹp ở đủ mọi phương diện, mọi loại người một cách tinh vi.
Tóm tắt truyện “Hai đứa trẻ”
“Hai đứa trẻ” được in trong tập truyện “Nắng trong trong vườn” (năm 1938). Tác phẩm văn học thiếu nhi này là một bức tranh nhẹ nhàng và đượm buồn về cuộc sống của hai chị em Liên và An tại một phố huyện nghèo tại Việt Nam. Qua ánh mắt ngây thơ và nhạy cảm của hai chị em Liên và An, những mảnh đời cơ cực hiện lên rõ nét, từ những đứa trẻ nhặt nhạnh thanh tre, thanh nứa sau mỗi buổi chợ tàn, đến mẹ con chị Tý, bác Siêu, gia đình bác Xẩm với gánh nặng mưu sinh trên vai.
Mỗi buổi chiều, Liên và An ngồi bên cái quán nhỏ của mẹ, lặng lẽ ngắm nhìn phiên chợ tàn với những âm thanh và hình ảnh lắng đọng của buổi hoàng hôn. Khi màn đêm buông xuống, phố huyện chìm vào bóng tối, chỉ còn le lói ánh sáng từ những ngọn đèn dầu của các quán hàng. Trong không gian tĩnh lặng đó, Liên và An chờ đợi một cách háo hức và mong mỏi chuyến tàu đêm từ Hà Nội đi qua. Chuyến tàu mang theo ánh sáng rực rỡ, âm thanh sôi động và một hơi thở của cuộc sống đô thị, dù chỉ là thoáng qua nhưng đủ để thắp lên trong lòng hai đứa trẻ niềm hy vọng mong manh về một tương lai tươi sáng hơn.
Qua từng trang sách, Thạch Lam vẽ nên những mảnh ghép tĩnh lặng, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về cuộc sống và tâm hồn con người nơi phố huyện nghèo. Những chi tiết nhỏ nhặt, từ ánh đèn dầu le lói đến tiếng trống thu không xa xa, tất cả đều chứa đựng tình cảm, sự thấu hiểu và niềm khát khao về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhân vật Liên – đại diện của lòng nhân hậu và sự mơ mộng
Liên là hiện thân của cô bé giàu lòng nhân hậu, biết cảm thông những cảnh đời khốn khó. Tận sâu trong trái tim non nớt của Liên là sự rung cảm dạt dào với thiên nhiên và con người. Liên xót thương cho những đứa trẻ nghèo “đi nhặt nhạnh những thanh tre, thanh nứa” sau mỗi buổi chợ tàn, xót xa cho mẹ con chị Tí, bác Siêu, gia đình bác Xẩm với gánh nặng mưu sinh trên vai. Cảnh đời khốn khó ấy không ngoại trừ gia đình Liên nhưng tình yêu đời đã khơi nguồn cho tất cả vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện trong tâm hồn cô. Để tìm sự khuây khỏa, cô bé hướng nỗi buồn đến những nơi xa xôi, đắm chìm trong trí tưởng tượng giàu mơ mộng: “Liên lặng ngước nhìn lên các vì sao để tìm sông Ngân Hà và con vịt đi theo sao ông thần nông”. Liên thả hồn mình theo bầu trời bao la, để đêm tối, để những vì sao xoa dịu tâm hồn.
Cô thấy lòng bớt trĩu nặng khi ánh sáng của “vòm trời ngàn vì sao ganh nhau lấp lánh” và “vệt sáng của con đom đóm” đã soi vào mắt mình một chút ấm áp, một chút an ủi và một chút ước ao. Cô bé Liên ngây thơ, trong sáng đã giúp người đọc có cảm nhận vô cùng tinh tế trước cuộc sống xung quanh và những con người nơi phố huyện nghèo.
Đặc sắc trong cách xây dựng điểm nhìn trần thuật trong “Hai đứa trẻ”
Điểm nhìn trần thuật được đặt vào nhân vật Liên – một cô bé mới lớn, giàu lòng trắc ẩn và rất tinh tế. Tâm trạng của Liên trải qua nhiều giai đoạn, nhiều cung bậc cảm xúc. Khi chiều tà buông xuống, những âm thanh và màu sắc phố huyện khiến tâm trạng cô lâng lâng, khó tả, Liên cảm nhận được cái buồn man mác của buổi chiều quê. Khi chợ tàn, cô xót xa khi nhìn “mấy đứa trẻ con nhà nghèo ven chợ cúi lom khom trên mặt đất tìm tòi”, Liên “động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng”. Màn đêm buông xuống, tâm trạng Liên càng buồn hơn khi chứng kiến những con người phố huyện vất vả với gánh nặng mưu sinh.
Biện pháp duy nhất để cô bé tìm thấy sự khuây khỏa trong tâm hồn là chờ đợi đoàn tàu với tâm trạng háo hức. Tàu đến, phố huyện như bừng sáng hơn, “Liên lặng theo mơ tưởng” về một “Hà Nội xa xăm, Hà Nội rực sáng vui vẻ và huyên náo”, đó là Hà Nội trong ký ức tuổi thơ Liên với những kỷ niệm sâu nặng mà bấy lâu nay Liên thiết tha được sống lại những ngày hạnh phúc ấy dù chỉ trong khoảnh khắc. Bởi vậy, đêm nào Liên cũng đợi tàu như một thói quen khó bỏ. “Con tàu như đã mang một chút thế giới khác đi qua” – thế giới của đô thành sôi động, sầm uất vang dội đủ thứ âm thanh của cuộc sống đời thường, Liên thấy lòng mình thanh thản, niềm vui nhẹ khẽ len vào lòng.
Tác giả đã dẫn dắt câu chuyện theo mạch tâm lý của nhân vật Liên, tương ứng với mỗi cảnh là một sắc thái cảm xúc. Ban đầu là tâm trạng buồn man mác trước ngày tàn, sau đó Liên mong đợi một cái gì tươi sáng cho cuộc sống nghèo khổ, Liên lặng theo mơ tưởng và cuối cùng, Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi như chiếc đèn của chị Tý chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ. Nỗi buồn của Liên cứ tăng dần lên theo thời gian và tâm trạng. Từ dư âm, dư vị đó mà đưa người đọc vào tâm trạng buồn vui lẫn lộn trước một cái gì đó vừa thuộc về quá vãng, vừa hướng tới tương lai, diễn tả những gì mong manh, mơ hồ, khó tả nhất trong tâm hồn nhân vật.
Chất thơ thấm đẫm trong từng con chữ
Tác phẩm “Hai đứa trẻ” có câu từ như một bài thơ trữ tình đượm buồn. Giọng điệu trìu mến, thương cảm pha lẫn nỗi xót xa là giọng điệu chủ đạo của tác phẩm khi kể về những số phận đáng thương, mòn mỏi qua cái nhìn của nhân vật Liên. Diện mạo phố huyện được Thạch Lam tái hiện là một khung cảnh buồn, câu văn miêu tả thiên nhiên và con người mang đầy tâm trạng:
“Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve. Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập dần đầy và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị; Liên không hiểu sao nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”.
Giọng văn trữ tình ấy đã diễn tả một cách tinh tế những cung bậc tình cảm của nhân vật Liên – một nỗi buồn khe khẽ, vẩn vơ, mơ hồ của cô bé trong cảnh chiều tàn của phố huyện. Dưới con mắt của Liên, con người phố huyện mỗi người một dáng vẻ nhưng tất cả họ đều sống trong cảnh tẻ nhạt, tù túng đến xót xa. Đó là “Mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre, hay bất cứ thứ gì có thể dùng được của các người bán hàng để lại. Liên trông thấy động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó” hay là chị Tí ban ngày mò cua bắt tép tối dọn hàng nước chè tươi lèo tèo, leo lét ngọn đèn dầu, một gánh phở rong ế khách và một đám hát xẩm còn ế ẩm hơn, thằng con bò ra đất, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát…
Trong bức tranh đời buồn thảm ấy, hình bóng hai chị em Liên cũng âm thầm không kém, cái cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu, khách hàng là những người khốn khổ, đôi khi không có tiền mua nổi nửa bánh xà phòng hoặc chỉ đủ tiền cho cút rượu nhỏ “uống một hơi cạn sạch”. Khi đoàn tàu đến “Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực và huyên náo. Con tàu như đã đem một thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn đối với Liên, khác hẳn các vùng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa bác Siêu. Đêm tối vẫn bao bọc xung quanh, đêm của đất quê và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng”. Chất giọng trầm lắng, có sức gợi sâu xa. Tác giả đã hóa thân vào nhân vật để nói đến cái cảm quan xót thương của mình đối với những con người nghèo khổ phải sống quẩn quanh, lam lũ, tối tăm của phố huyện nghèo.
Xem thêm:
- Những ngày thơ ấu: Nỗi ám ảnh dai dẳng bởi vết thương của tuổi thơ.
- Cánh đồng bất tận: Ánh sáng hy vọng cho những kiếp người tủi cực
Qua những trang văn, Thạch Lam đã đưa người đọc trở về với những giá trị nhân văn cao đẹp, khơi gợi trong lòng mỗi người niềm trân quý đối với cuộc sống giản dị mà đầy ý nghĩa. Cuốn sách “Hai đứa trẻ” ẩn chứa niềm hy vọng, khát khao ánh sáng và sự tươi mới, dù nằm giữa bãi cát mênh mông của thời gian, vẫn mãi lung linh và chiếu rọi ánh sáng ấm áp, làm dịu đi những mỏi mệt của cuộc đời. Nếu bạn đang tìm kiếm tựa sách văn học thắp sáng hy vọng một cách nhẹ nhàng, chậm rãi thì hãy thưởng thức tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam nhé.
Thưởng thức trọn vẹn tác phẩm qua đường link mua sách phía dưới để ủng hộ DIMI BOOK tiếp tục tạo ra những nội dung chất lượng và phong phú nhé! Chân thành cảm ơn Quý độc giả đã yêu mến!
Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.