“Cánh Đồng Bất Tận” của Nguyễn Ngọc Tư là một tác phẩm truyện ngắn xuất sắc, mở ra cánh cửa đưa người đọc đến gần hơn với những mảnh đời trên cánh đồng bát ngát tại vùng đất Cửu Long. Tác phẩm là bức tranh sống động mang đến cho bạn đọc trải nghiệm chân thực và đậm chất nhân văn về những con người chất phác của miền Tây Việt Nam.
Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn.
(Trích tác phẩm)
Đọc “Cánh Đồng Bất Tận” bạn sẽ mở rộng tầm nhìn và đắm chìm trong vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống, thêm yêu nét đẹp văn hóa của con người miền Tây.
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Nguyễn Ngọc Tư – Ngòi bút dung dị tái hiện miền Tây Việt Nam
Nguyễn Ngọc Tư (sinh năm 1976 tại Đầm Dơi, Cà Mau) là một nhà văn, thành viên Hội nhà văn Việt Nam. Năm 1995, Nguyễn Ngọc Tư tốt nghiệp cấp ba và bắt đầu viết văn, đến năm 2001, cô đoạt giải Nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 với truyện ngắn Gánh xiếc rong, đây là tác phẩm đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của cô.
Sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư thường khai thác những đề tài gần gũi với đời sống của người dân miền Tây sông nước với lối viết giản dị, mộc mạc và giàu tính biểu cảm. Các tác phẩm của cô thường mang đến cho người đọc những suy nghĩ sâu sắc về con người, cuộc sống và những giá trị nhân văn.
Các tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Ngọc Tư có thể kể đến như: Trò chơi của bầy ong, Sông, Hành lý hư vô, Tản văn Hong tay khói lạnh,… Một số các tác phẩm của cô được chuyển thể thành kịch, phim điện ảnh là Biến mất ở thư viên, Tro tàn rực rỡ, Củi mục trôi về và Cánh đồng bất tận.
Giải thưởng tiêu biểu của Nguyễn Ngọc Tư:
- 2000: Giải Nhất cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 2 với tác phẩm Ngọn đèn không tắt, giải Mai vàng ở hạng mục Nhà văn xuất sắc.
- 2001: Giải B Hội nhà văn Việt Nam với tác phẩm Ngọn đèn không tắt.
- 2003: Là một trong Mười nhân vật trẻ xuất sắc tiêu biểu của năm 2002.
- 2006: Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2006 với tác phẩm Cánh đồng bất tận.
- 2008: Giải thưởng văn học ASEAN với tác phẩm Ngọn đèn không tắt và Cánh đồng bất tận.
- 2018: Giải thưởng LiBerator preis 2018 do Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin tại Đức (Litprom) bình chọn với tác phẩm Cánh đồng bất tận.
- 2019: Thuộc Top 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam 2018 do tạp chí Forbes bình chọn.
Nhờ sự yêu mến của độc giả, các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư được tái bản nhiều lần và được dịch ra tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Thụy Điển, tiếng Đức.
(Nguồn tổng hợp Internet)
Nguyễn Ngọc Tư chinh phục đọc giả qua truyện ngắn Cánh Đồng Bất Tận
Truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư được in lần đầu tiên trên trang 1 báo Văn nghệ số ra ngày 13/8/2005. Sau đó, tác phẩm này, được in trong tập truyện ngắn cùng tên do Nhà xuất bản Trẻ phát hành cùng năm 2005, và tính đến tháng 2 năm 2007 tập truyện đã tái bản đến lần thứ 12. Sự thành công này cho thấy sức hút lớn của tác phẩm văn học này trong lòng độc giả.
Không chỉ nhận được sự ủng hộ của bạn đọc trong nước mà tác phẩm còn được dịch ra tiếng Hàn, Thuỵ Điển và Đức. Có thể nói, truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” chính là tác phẩm thành công nhất của cô.
Đến năm 2010, với việc truyện ngắn “Cánh Đồng Bất Tận” được đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên đã tạo ra một làn sóng quan tâm mạnh mẽ từ khán giả.
Bộ phim không chỉ là một cơ hội để những người yêu thích văn học Việt Nam trải nghiệm lại câu chuyện trên màn ảnh rộng, mà còn giúp tác phẩm văn học của Nguyễn Ngọc Tư trở nên quen thuộc và gần gũi hơn đối với đông đảo người hâm mộ. Sự thành công của bộ phim không chỉ là một chiến tích trong lĩnh vực điện ảnh mà còn là một cánh cửa mở ra để tác phẩm văn học này được biết đến rộng rãi hơn trong cộng đồng độc giả và người hâm mộ nghệ thuật.
Hành trình mưu sinh giữa những “Cánh đồng bất tận”
Tác phẩm “Cánh đồng bất tận” vẫn mang bút pháp giản dị gọn ghẽ đầy ắp âm sắc Nam bộ, cách chọn lọc ngôn ngữ cử chỉ sống động như đẽo như tạc, đã phơi bày chân thực trước người đọc tâm hồn, tính cách, số phận của những mảnh đời nghèo khó xiêu dạt bơ phờ vì cơm áo trên ruộng đồng sông nước Cửu Long.
Mở đầu câu chuyện là hình ảnh một người cha (Út Vũ) mang theo hai đứa con (Nương và Điền) đi chăn vịt du mục trong mùa đồng cháy cạn nước vì hạn hán, đã tình cờ cưu mang một người đàn bà làm đĩ (Sương) bị đánh ghen tơi tả, không chốn nương thân.
Các nhân vật trong truyện hiện lên trong vòng tròn lẩn quẩn của đói nghèo, dốt nát, lam lũ và điều kiện sống tù túng ngột ngạt dần xô đẩy người này trở thành nạn nhân của người kia.
Một người cha, vốn từng là một người chân chất sống giản dị và yêu thương vợ con, giờ đây chứa đựng lòng hận thù sâu nặng vì vợ phản bội. Ông mang theo hai đứa con phiêu dạt nay đây mai đó và trả thù đời bằng cách dụ dỗ vợ của người khác rồi vứt bỏ họ giữa đường.
Hai đứa trẻ một trai một gái nhỏ nhoi cô độc nương tựa vào nhau trên dòng sông dài, cánh đồng rộng với những xóm làng đìu hiu xơ xác. Nương và Điền là nạn nhân của cuộc đổ vỡ gia đình phải sống vạ vật nay đây mai đó với đầy những tổn thương trong tâm hồn và thể xác “Cha vẫn thường đánh chị em tôi, thường đánh khi vừa ngủ dậy.”
Lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình thương, hai đứa trẻ phải phải tự học cách để sống, phải chứng kiến tất cả những cái xấu xa của người lớn, mà trong số đó người khiến chúng tổn thương nhất là cha ruột của mình. Nỗi đau của ảnh hai chị em làm cho người đọc xót xa, và phải thốt lên tại sao tác giả lại ác với Nương và Điền đến vậy?
Chính tác giả Nguyễn Ngọc Tư cũng phải tự suy ngẫm, “Có lần, tôi nghĩ, sao để hai đứa bé ngồi trong kẹt bồ lúa bắt gặp mẹ nó và ông bán vải làm gì. Nhưng rồi tôi nghĩ, liệu chúng chỉ nhìn mẹ chúng nắm tay ông kia đi dung dăng dung dẻ trên đường quang đãng thì có còn là nỗi ám ảnh, là bi kịch trong tâm hồn chúng không?” Nhưng hiện thực là vậy, đôi khi cuộc sống lại tàn nhẫn đến lạ thường.
Và Sương, một người đàn bà bất chấp tất cả bán bản thân để kiếm sống. Chị bất chấp mọi việc đi gạ gẫm chồng người khác để làm tiền, để rồi bị dân làng sỉ nhục. Nhưng khi được Nương và Điền cưu mang, nhờ sự chăm nom và bầu bạn của Nương và Điền khiến chị muốn được tốt đẹp hơn. Một tia hy vọng nhỏ giữa ba con người cô đơn đó đã xuất hiện, mong muốn có được tình yêu gia đình đã được nhen nhóm dần, nhưng “Chị xuất hiện không đúng lúc. Cha tôi có dấu hiệu mệt mỏi. Đàn bà, với cha, càng trải nghiệm càng chán chường.”
Chiếc ghe thuyền càng đi càng đẩy dần các nhân vật đến tận cùng bi thảm. Đồng khô, lúa cháy, đàn vịt là nguồn sống cuối cùng cũng bị chôn sống! “Sự báo ứng dường như đang ở rất gần”, báo ứng ấy rơi vào hai đứa trẻ côi cút đáng thương đó: Điền tự huỷ hoại bản năng đàn ông của mình, vô vọng chạy theo Sương và không bao giờ quay trở về nữa. Nương bị đám trai làng hãm hiếp ngay trước mặt người cha tội lỗi đang bị đè nghiến xuống bùn.
Truyện khép lại bằng cảnh: “Ông ta bò quanh nó, tìm bất cứ cái gì để có thể che cơ thể nó dưới mặt trời. Dường như đứa con gái đang chết, chỉ đôi mắt là rưng rức chớp mở không thôi. Câu đầu tiên nó hỏi:
– Không biết con bị có con không, hả cha?
Nó hơi sợ hãi. Cảm giác một cái gì, nhỏ xíu nhưng lanh lợi như con loăn quăn đang ngụp lặn trong nó.
(Trích tác phẩm)
Giống với cái nhìn của Thị Nở “đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người qua lại…” trong tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao. Một hình ảnh đau lòng bắt đầu hiện hình trước đôi mắt nhỏ của Nương: Đứa trẻ được sinh ra giữa những đồng cỏ vô tận, không có cha, sống lạc lõng, bất định, giống như cuộc sống của mẹ nó vậy.
Tuy nhiên Nguyễn Ngọc Tư không kết thúc truyện ngay với những hình ảnh ám ảnh đó, cô vẫn mang một hy vọng về một tương lai khác, một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ sau.
“Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ hay Dịu, Xuyến, Hường… Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn.“
(Trích tác phẩm)
Xem thêm:
- Tắt đèn – Bản án đanh thép tái hiện bức tranh xã hội Việt đầu thế kỉ XX
- Những người khốn khổ – Kiệt tác văn học hiện thực Pháp thế kỷ 19
Đọc “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, người đọc sẽ bắt gặp những tia hy vọng nhỏ giữa những mảnh đời nhỏ bé dần dần chìm vào tuyệt vọng. Đây không phải là truyện, mà chính là những thước phim thực tế của vùng Cửu Long khốn khó, lam lũ, lạc hậu và nghèo đói. Đây thực sự là một tác phẩm văn học Việt Nam xuất sắc đáng để đọc và suy ngẫm một lần.
Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.