Người lớn chúng ta thường chối bỏ nỗi buồn, chúng ta cũng có xu hướng giúp trẻ con xa lánh nỗi buồn. Nhưng ở “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng”, nỗi buồn có một vai trò quan trọng và là thứ ta không được quyền từ chối sự có mặt của nó. Thưởng thức tác phẩm “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh, độc giả đắm mình vào nhiều cung bậc cảm xúc của hành trình trưởng thành mà có thể bạn đã từng trải qua hoặc sẽ trải nghiệm trong tương lai.
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Tác giả Nguyễn Nhật Ánh
Nguyễn Nhật Ánh hiện là một trong những tác giả sách được yêu thích tại Việt Nam. Với hàng loạt tác phẩm dành cho cả thiếu nhi và người trưởng thành xúc động, sách của ông luôn được độc giả đón đọc ngay khi được “lên kệ”.
Tác giả Nguyễn Nhật Ánh được biết qua tác phẩm được in thành sách là một tập thơ “Thành phố tháng tư” và truyện dài đầu tiên là tác phẩm “Trước vòng chung kết” vào năm 1984 khi ông mới 13 tuổi. Đó là sự khởi đầu trên con đường nghệ thuật khi bước vào con đường văn chương của ông. Tài năng của Nguyễn Nhật Ánh được khẳng định sau khi các tác phẩm tiếp theo ra đời “Nữ sinh”, “Thằng quỷ nhỏ”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” và nhận rất nhiều sự yêu mến của bạn đọc đặc biệt là các em thiếu nhi.
“Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng” ra đời với sứ mệnh “làm lành” những vết thương tinh thần
Sau “Tôi là Bêtô”, “Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ”, “Chúc một ngày tốt lành”, “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” thì “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng” là cuốn sách thứ năm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có các nhân vật chính là những con vật đáng yêu, được miêu tả sống động qua ngòi bút tài hoa và đầy tình cảm của ông. Ra đời trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, tác phẩm này mang theo sứ mệnh chữa lành tâm hồn cho đọc giả cũng như chính Nguyễn Nhật Ánh.”
Tại buổi ra mắt sách, Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ: “Thời gian dịch bệnh, cuộc sống trở nên trầm uất, nặng nề. Mọi thứ đều xáo trộn, lại thêm những đau thương, mất mát khiến tất cả chúng ta đều thấy lòng hoang mang, lòng trĩu nặng, bất an. Nhưng cho dù hoàn cảnh nghiệt ngã, chúng ta vẫn phải sống tiếp”
“Tôi viết tác phẩm này từ tháng 3/2021. Tôi chọn viết về các con vật để tìm thấy sự bình yên, mặc dù trước đó tôi đã nghĩ đến một cuốn sách khác. Thế giới hồn nhiên, rộn ràng, tươi vui của các con vật ngộ nghĩnh giúp tâm hồn tôi lấy lại thăng bằng. Đối với tôi, đó giống như một liệu pháp tinh thần. Tôi hy vọng bạn đọc khi đọc cuốn sách này cũng sẽ thấy bình yên và ấm áp hơn trong những ngày tháng này.”
Nội dung chính của “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng”
Câu chuyện trong tác phẩm “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng” lấy bối cảnh ở một khu vườn nhỏ ở miền quê Việt Nam. Cốt truyện xoay quanh cuộc sống hằng ngày của các con vật, tác giả đã đặt cho mỗi con vật những biệt danh ấn tượng như: Chú cún “Su Su” vô tư với sở thích ăn và ngủ; chú gà choai “Cánh Cam” đỏm dáng thích làm trung tâm; bác chó “Tai Dài” tận tụy bảo vệ khu vườn; cô gà mái “Ướt Mưa” thẳng thắn hay lo toan; gà “Mắt Tròn” mộng mơ; vịt con “Gì Cũng Biết” thích tưởng tượng; nhà tâm lý bồ câu “Áo Tím” – chuyên gia của lời khuyên; cô giáo ngỗng “Bạch Tuyết” nghiêm khắc; hai con chuột láu cá tinh quái “Xám anh” và “Xám em” hay chú dế “Ánh Sao” khiêm tốn luôn giấu mình ca hát…
Thế giới nhân vật xuất hiện đông đúc như chính không khí rộn ràng trong câu chuyện. Mỗi nhân vật đều được Nguyễn Nhật Ánh xây dựng một cách hợp lý và có hoàn thành xuất sắc vai trò của mình. Trong đó, nhân vật gà “Mắt Tròn” được xem là nhân vật chính trong câu chuyện, khi các tình tiết xoay quanh quá khứ và cách suy nghĩ, hành động của chú và các cuộc phiêu lưu cùng các loài vật khác trong khu vườn cũng liên hệ tới chú. Nhân vật gà “Mắt Tròn” đã được tác giả miêu tả và thể hiện như một biểu tượng và là một ví dụ của các cảm xúc, những cảm nhận chập chững của đứa trẻ tuổi mới lớn.
Những thông điệp mang tính triết lý thông qua thế giới động vật
Xứng đáng là một trong các tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại được độc giả yêu thích, “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng” chứa đựng nhiều ý nghĩa về cuộc sống đáng suy ngẫm. Nguyễn Nhật Ánh rất hiểu tâm lý của một đứa trẻ nói riêng và tâm lý của con người nói chung. Ông đã chỉ ra sự mâu thuẫn trong các vấn đề của đời sống:
Sự phức tạp trong thế giới nội tâm con người
“Thành khẩn chỉ bộc lộ quyết tâm, còn làm sao biến quyết tâm đó thành hành động là một chuyện hoàn toàn khác. Cũng như bọn trẻ con khi hứa với các bậc làm cha làm mẹ, rằng con sẽ làm điều này, con sẽ không làm điều kia thì không hẳn là chúng quyết lừa dối các đấng sinh thành. Chẳng hạn chúng nghĩ chúng sẽ không liều lĩnh treo lên những cành cao dễ gãy. Nhưng rồi chúng cũng không cưỡng lại được sự quyến rũ của những trò nghịch ngợm đó.”
“Tình yêu cũng vậy thôi. Những lời thề thốt lúc yêu nhau không hẳn là những lời dối trá nhưng không ai có thể biết trước được tương lai. Trái tim nồng ấm trong lồng ngực của chúng ta đôi lúc nguội đi với những lý do hết sức bất ngờ, con à.”
Cảm xúc con người giống như một khối Rubik bí ẩn, luôn mang đến sự phức tạp và khó lường. Nhưng điều thú vị là, dù ta là trẻ con hay người lớn, dù đó là những cảm xúc đơn giản hay phức tạp, thì cũng đều có những quy luật riêng của nó. Đôi khi, ta có thể dễ dàng xếp lại và hiểu được một phần nào đó của chúng, như việc xoay và sắp xếp các mảnh của khối Rubik. Tuy nhiên, có những lúc, cảm xúc lại trở nên rối ren và khó giải thích, giống như khi một vài mảnh Rubik không hợp nhất và cần phải thử nghiệm nhiều cách để tìm ra lời giải thích hợp. Và hành trình tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng.
Đôi khi nỗi buồn là điều cần thiết
Người lớn chúng ta thường chối bỏ nỗi buồn, chúng ta cũng có xu hướng giúp trẻ con xa lánh nỗi buồn. Nhưng ở “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng”, nỗi buồn có một vai trò quan trọng và là thứ ta không được quyền từ chối sự có mặt của nó:
“Nỗi buồn, ờ thì nó vẫn ở đó, trong trái tim Mắt Tròn nhưng nó không làm trái tim con gà xây xát nữa. Mắt Tròn ngạc nhiên nhận ra nỗi buồn có thể phát sáng, trở nên đẹp đẽ dưới sự vỗ về của âm thanh… Thay vì nhấn chìm bạn, nỗi buồn sẽ giúp bạn giàu có hơn về mặt cảm xúc. Nó trở thành một giá trị mà bạn chợt nhận ra nó là một phần thanh xuân của bạn”.
Ngay trong tác phẩm tưởng chừng chỉ toàn niềm vui và sự đáng yêu của thế giới động vật, chúng ta vẫn phải đón nhận nỗi buồn. Nguyễn Nhật Ánh đã để nhân vật bác chó “Tai Dài” hi sinh khi bảo vệ khu vườn, một cái chết tạo nỗi buồn khôn nguôi cho các nhân vật trong truyện và cả độc giả. Cái chết luôn ám ảnh, và có lẽ đó là một trong những nỗi buồn sâu sắc nhất đối với bất kỳ ai gặp phải.
Khi con người ta nhận sự yêu thương và được yêu thương, chúng ta đều sẽ trải qua một sự mất mát thảm khốc ở phía sau đó, giống cái cách tất cả các nhân vật đều bàng hoàng và đau đớn khi phải đối mặt với sự ra đi của bác “Tai Dài”. Buồn không? Tất nhiên, nhưng mọi thứ trong truyện vẫn tiếp tục diễn ra và chú chó ấy đã trở thành một kí ức đẹp. Nỗi buồn sẽ gặm nhấm tâm hồn ta thật đau đớn trong một khoảng thời gian, và khi nó qua đi, con người biết “ta đã từng buồn”, và nó trở thành một thứ mảnh ghép cảm xúc không thể thiếu ở mỗi người.
Có lẽ Nguyễn Nhật Ánh mong muốn trẻ con và cả người lớn có cái nhìn tích cực hơn với những cảm xúc tiêu cực. Nỗi buồn luôn được đặt ở phía đối lập với niềm vui. Và nỗi buồn mang đến những vẻ đẹp mà niềm vui không bao giờ có, bởi mỗi cảm xúc là một mảnh ghép không trùng lặp trong bức tranh tổng thể mang tên “Cuộc đời”.
Xem thêm các tác phẩm khác của Nguyễn Nhật Ánh:
“Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng” là một tác phẩm dành cho những cô cậu bé mới lớn có những bước chân đầu tiên vào đời, và nó cũng dành cho cả người lớn chúng ta khi muốn tìm về một mảnh đất bình yên trong sự đồ sộ của văn học Việt Nam.
Thưởng thức trọn vẹn tác phẩm qua đường link mua sách phía dưới để ủng hộ DIMI BOOK tiếp tục tạo ra những nội dung chất lượng và phong phú nhé! Chân thành cảm ơn Quý độc giả đã yêu mến!
Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK, trích dẫn từ sách “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng”.
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.