Hai mươi triệu dân cùng của hết,
Bốn mươi năm nước mất quyền không.
Thương ôi công nghiệp tổ tông,
Nước tanh máu đỏ, non chồng thịt cao!

(Ái quốc – Phan Bội Châu)

Chứng kiến cảnh nô dịch của đồng bào, sự áp bức của kẻ ngoài ngày càng tàn nhẫn, Phan Bội Châu xót thương mỗi đồng bào và giang sơn đáng tự hào của cha ông để lại. Bài thơ “Ái Quốc” là dự đoán của ông cái kết của dân tộc khi tiếp tục bị đô hộ. Nếu không cứu nước thì sinh ra làm gì? Nếu không là ông, thì là ai?

Phan Bội Châu, tên thật là Phan Văn San, là một trong những nhà cách mạng tiên phong của Việt Nam đầu thế kỷ 20. Không chỉ trực tiếp lãnh đạo nhiều cuộc khởi nghĩa giải phóng dân tộc, ông còn góp phần khơi dậy lòng yêu nước của đồng bào bằng chính ngòi bút của mình. Cùng DIMI BOOK khám phá về cuộc đời và sự nghiệp của Phan Bội Châu để hiểu rõ hơn về người chí sĩ yêu nước này. 

Đôi nét về cuộc đời Phan Bội Châu

Phan Bội Châu (1867 – 1940) tên khai sinh là Phan Văn San, tự Hải Thụ (sau đổi thành Sào Nam), là một danh nhân, nhà cách mạng, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam. Ông sinh ra ở làng Đan Nhiễm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, từ bé đã nổi tiếng là thông minh. Ông được xem là một trong những nhà chí sĩ yêu nước tiêu biểu nhất trong phong trào cách mạng Duy Tân và phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX.

Phan Bội Châu có thể được xem là một “thần đồng”! Trong các tài liệu được ghi chép lại, Phan Bội Châu từng chỉ mất 3 ngày để học thuộc hết Tam Tự Kinh năm 6 tuổi, đọc hiểu sách Luận Ngữ năm 7 tuổi và thi đỗ đầu huyện năm 13 tuổi. Có tư tưởng thức thời, lòng yêu nước của Phan Bội Châu cũng được bộc lộ từ sớm. 

Đôi nét về cuộc đời Phan Bội Châu

Năm 17 tuổi, ông đã viết bài hịch đầu tiên (Hịch Bình Tây Thu Bắc) để ủng hộ Bắc Kỳ khởi nghĩa chống Pháp. Năm 19 tuổi, ông cùng bạn lập đội “Sĩ tử Cần Vương” để tự đứng lên khởi nghĩa chống thực dân. Tiếp theo đó, ông liên tục tổ chức và lãnh đạo nhiều cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, cho đến khi bị Pháp bắt và xử án tù chung thân vào năm 1925 (sau đổi thành quản thúc tại gia suốt quãng đời còn lại ở Huế). 

Sự nghiệp và cảm hứng sáng tác của Phan Bội Châu

Nói về tác giả Phan Bội Châu, ta phải nhắc đến song song giữa sự nghiệp cứu nước và sự nghiệp văn học. Những tác phẩm của ông đặc biệt được sáng tác với mục đích ủng hộ cách mạng, cổ vũ lòng yêu nước trong dân. 

Sự nghiệp cứu nước

Tư tưởng ái quốc của Phan Bội Châu bộc lộ ngay từ khi ông còn là một cậu bé sống trong gia đình trí thức yêu nước nghèo ở quê cha – làng Đan Nhiễm.   

Năm Phan Bội Châu 5 tuổi, khu vực miền trung Việt Nam – nơi gia đình ông sinh sống – vẫn thuộc sự cai quản của Vua Tự Đức, nhưng khu vực miền Nam đã dần bị Pháp chiếm đóng. Đến năm ông 7 tuổi, toàn bộ 6 tỉnh phía Nam (Nam Kỳ lục tỉnh) chính thức thuộc Pháp. Thời điểm này, Nghệ Tĩnh quê ông (Nghệ An và Hà Tĩnh hiện nay) đang diễn ra phong trào Văn Thân trong giới học giả, khẩu hiệu dẹp người Pháp, giết người công giáo (bình Tây, sát tả), phản đối triều đình nhà Nguyễn kí hòa ước với Pháp. Phan Bội Châu khi đó đã cùng các bạn trong lớp chơi trò bình Tây với súng tre và đạn vải thiều. Đây cũng chính là “cái nôi” nuôi dưỡng lòng yêu nước của Phan Bội Châu. 

Năm 1885, khi phong trào Cần Vương được vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết khởi xướng, Phan Bội Châu đã cùng bạn là Trần Văn Lương lập đội “Sĩ tử Cần Vương” với hơn 60 người tham gia khởi nghĩa, giúp vua cứu nước. Tuy nhiên, khi chỉ mới bắt đầu thu gom tiền bạc và vật dụng để chế tạo vũ khí, đội đã bị nhóm tuần tra của Pháp tấn công và giải tán. 

Sự nghiệp cứu nước của phan bội châu

Sau đó, Phan Bội Châu bắt đầu cuộc sống ẩn dật nhằm tránh rắc rối với thực dân Pháp, đảm bảo sự an nguy của gia đình. Mặc dù vậy, ông vẫn âm thầm mua sách chiến lược của Tôn Tử, Đào Duy Từ và Trần Hưng Đạo về nghiên cứu. Đồng thời, ông cũng nuôi dưỡng một số ít học trò mang tư tưởng yêu nước sâu sắc, thường xuyên gặp gỡ các chí sĩ theo phong trào Cần Vương khác, đặc biệt là những người liên quan đến nhà cách mạng Phan Đình Phùng, giúp phong trào có thể tiếp tục duy trì. 

Suốt từ năm 1901 – 1925, Phan Bội Châu liên tục chu du khắp đất nước, sang Trung Quốc và cả Nhật Bản để kết giao đồng chí, chiêu mộ nhân sĩ, tìm kiếm viện trợ nhằm thực hiện kế hoạch ba bước đưa quân Pháp ra khỏi Việt Nam. Thời gian này, Phan Bội Châu đã tổ chức và lãnh đạo nhiều phong trào quan trọng như phong trào Đông Du, thành lập Duy tân hội, Việt Nam Quang Phục hội.

Đương lúc hoạt động sôi nổi, Phan Bội Châu và phong trào Đông Du nhiều lần bị thực dân Pháp đàn áp, cuối cùng phải giải tán. Ông bị thực dân Pháp bắt đưa về Hà Nội và kết án tù chung thân năm 1925. Khi nhân dân cả nước biết tin, họ nổi dậy biểu tình khắp nơi nhằm gây áp lực với chính quyền bảo hộ, buộc thực dân Pháp phải ra lệnh ân xá cho Phan Bội Châu

Ông sau đó được đưa về giam lỏng, quản thúc tại gia ở gần Bến Ngự (Huế), không còn cơ hội hoạt động cách mạng. Nhưng thay vì bỏ cuộc, ông bắt đầu dùng ngòi bút rèn giũa lòng yêu nước ở thế hệ tương lai. Ông tình nguyện mở lớp dạy học cho trẻ và sáng tác văn thơ để thức tỉnh đồng bào. Sự nghiệp cống hiến cho công cuộc giải phóng đất nước của Phan Bội Châu chỉ dừng lại khi ông qua đời ở tuổi 73 (năm 1940). 

Sự nghiệp văn chương của Phan Bội Châu

Tác phẩm văn chương đầu tiên “Hịch Bình Tây Thu Bắc” được Phan Bội Châu viết ẩn danh năm 17 tuổi, mục đích kêu gọi thành lập các đơn bị kháng chiến địa phương. Tuy nhiên, lời kêu gọi của ông không nhận được phản hồi. Điều này khiến ông nhận ra rằng nếu không có địa vị và không dành được chức tước từ các cuộc thi chọn quan lại của triều đình, những kế hoạch của ông cũng khó lòng được hưởng ứng. 

Sau này khi bước chân vào giới nho sĩ và bắt đầu đi khắp đó đây để tìm đường cứu nước, trên hành trình từ Hương Cảng sang Nhật Bản năm 1905, Phan Bội Châu đã gặp nhà hoạt động chính trị lớn của Trung Hoa là Lương Khải Siêu. Ông được Lương Khải Siêu khuyên nên về nước và dùng văn thơ để thức tỉnh lòng yêu nước trong dân. Nhờ vậy, ông đã có cảm hứng viết lên tác phẩm mở đầu cho công tác tuyên truyền cách mạng của mình là “Việt Nam vong quốc sử”. 

Sự nghiệp văn chương của Phan Bội Châu

Sự nghiệp văn chương của Phan Bội Châu có thể tóm gọn qua 3 thời kỳ chính, bao gồm: 

  • Thuở thiếu thời: Năm 17 tuổi viết “Hịch Bình Tây thu Bắc”, năm 20 tuổi viết Song tuất lục”. 
  • Thời kỳ “Đắc ý”: Đây là giai đoạn ông được tự do hoạt động cách mạng, chu du khắp mọi nơi và viết đủ loại truyện ngắn, thơ, phú cổ vũ lòng yêu nước của đồng bào bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ. 
  • Thời kỳ “Ông già Bến ngự”: Thời kỳ này ông bị giam lỏng ở Huế, chủ yếu viết về nỗi thất vọng với bản thân và kỳ vọng vào thế hệ tương lai, sáng tác đa dạng thể loại từ tiểu thuyết, văn tế, niên biểu, hát nói, tiểu luận, phường vải,… bằng chữ Quốc ngữ. 

Cảm hứng sáng tác của Phan Bội Châu

Bằng tình yêu nước nồng nàn và mãnh liệt, tất cả những sáng tác của Phan Bội Châu đều hướng đến chung một mục đích là phục vụ cách mạng, góp sức tìm đường cứu nước, cứu dân. Mặc dù không chủ trương trở thành một nhà văn lỗi lạc, nhưng sau cùng, ở giai đoạn nào của sự nghiệp ông cũng để lại những kiệt tác lay động lòng người. 

Đọc từng câu thơ của ông, bất kỳ độc giả nào cũng cảm nhận được tinh thần cách mạng rực cháy, khát khao “xoay chuyển núi non”, “đạp càn khôn”. Dù sinh ra ở thời thế chịu cảnh vong nô ở làng quê nghèo, chí hướng của ông đã bùng cháy một thời và sáng mãi tới ngày nay. Là một nam nhi, Phan Bội Châu tin rằng sinh ra là để giành lại độc lập cho nước nhà. “Xuân” ở đây có thể cảm là mùa Xuân gắn liền với Tết đoàn viên, chỉ khi tự do mới thật sự có được những cái Tết ấm no.

Giang sơn còn tô vẽ mặt nam nhi,
Sinh thời thế phải xoay nên thời thế…
Đạp toang hai cánh càn khôn,
Đem xuân vẽ lại trong non nước nhà.

(Chơi xuân – Phan Bội Châu)

Nhờ chu du khắp đó đây, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa trên khắp thế giới, Phan Bội Châu đã có cơ hội tiếp thu tinh hoa của các nhà tư tưởng nổi tiếng châu Âu Voltaire, Rousseau, Darwin. Văn chương của ông cũng mang đậm tư tưởng đạo đức Nho giáo, đồng thời lấy cảm hứng từ những nhà cách mạng nổi tiếng Trung Quốc như Lương Khải Siêu hay Khang Hữu Vi. 

Ví dụ, có thể kể đến tác phẩm Tân sử học của Lương Quý Châu là nguồn cảm hứng lớn cho Phan Bội Châu trong việc hình thành tư tưởng cải cách bộ máy nhà nước theo hướng dân chủ. Bởi lẽ nội dung chính của tác phẩm này phê phán chính phủ Trung Quốc đương thời, tuyên bố rằng người dân Trung Quốc cần được thức tỉnh để có thể đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên hiện đại. 

Đặc trưng trong phong cách viết

Phong cách viết của nhà văn Phan Bội Châu đặc trưng bởi các yếu tố chính là tư duy sâu sắc, tư tưởng tự do và cách sử dụng ngôn từ tinh tế.

Cái tự do trong văn chương Phan Bội Châu biểu hiện ở chỗ mặc dù vẫn ít nhiều chịu ảnh hưởng của quan niệm phong kiến, nhưng so với những nhà nho xưa, ông đã phần nào phá bỏ được sự lạc hậu. Điển hình nhất là khi nói về vẻ đẹp của thiên nhiên nước nhà, thay vì mô tả bằng những từ ngữ mỹ miều, ông thường ưu tiên hình ảnh giản dị nhưng cũng không kém phần sâu sắc: 

“Nay ta hát một thiên ái quốc
Yêu gì hơn yêu nước nhà ta
Trang nghiêm bốn mặt sơn hà
Ông cha để lại cho ta lọ vàng
Trải mấy lớp tiền vương dựng mở
Bốn ngàn năm dãi gió dầm mưa
Biết bao công của người xưa
Gang sông tấc núi dạ dưa ruột tằm”

(Ái quốc ca – Phan Bội Châu)

Đọc các tác phẩm của Phan Bội Châu, ta có thể dễ dàng nhận thấy sự linh hoạt và tinh tế trong cách ông sử dụng ngôn từ cho từng mục đích viết khác nhau. Nói về quân xâm lược đang ngày đêm dày xéo quê hương, lời văn của ông đanh thép xen lẫn cả sự chỉ trích và mỉa mai. Đối với bọn tay sai bán nước, ông không ngại tỏ thái độ xem thường, khinh miệt. 

tác phẩm của phan bội châu

Ngược lại, ông luôn cổ vũ tinh thần kháng chiến của quân và dân với vẻ nhiệt huyết, hào hùng, kiên cường và mạnh mẽ. 

“Dậy! Dậy! Dậy!
Bên án một tiếng gà vừa gáy
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng
Xuân ơi xuân, xuân có biết hay chăng?
Buồn cùng sông, thẹn cùng núi, tủi cùng trăng
Hai mươi năm lẻ đã từng chua với xót
Trời đất may còn thân sống sót
Tháng ngày khuây khoả lũ đầu xanh
Thưa các cô các cậu lại các anh
Trời đã mới người càng nên đổi mới
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội…”

(Bài ca chúc Tết thanh niên – Phan Bội Châu)

Mặt khác, khi nhắc đến những người dân dân nghèo khổ, vừa phải sống dưới cảnh mất nước vừa phải chịu đói rét lầm than, ông lại thể hiện sự thương xót cùng cảm thông sâu sắc. 

“Gió dập mưa dồn dợn tứ tung,
Trời ôi sao nỡ hiếp thằng cùng?
Bùn lầy choán cả trăm đường ngả,
Tơi nón đành riêng một núi sông.
Nuôi xác kìa ai thêm nặng thịt,
Gò lưng khiến tớ quá đau lòng.
Cha trời con cũng con chung cả,
Tuồng bất bình kia có chán không?”

(Phu xe than trời mưa – Phan Bội Châu)

Phan Bội Châu: Những di sản vô giá để lại cho hậu thế 

Suốt cuộc đời phục vụ cho lý tưởng cứu nước cứu dân, Phan Bội Châu cũng đã để lại cho nền văn học Việt Nam một số lượng tác phẩm đồ sộ. Nổi bật nhất có thể kể đến: 

  • Việt Nam vong quốc sử (1905) 
  • Hải ngoại huyết thư (1906) 
  • Việt Nam Quốc sử khảo (1909) 
  • Ngục trung thư (1914) 
  • Việt Nam Quốc sử bình diễn ca (1927)
  • Rất nhiều tiểu thuyết, biên khảo, thi ca như: tập thơ Giác quần thư, Hà thành liệt sĩ ca, Nam quốc dân tu tri, Nữ quốc dân tu tri,… 

Ông còn là người khai sinh ra thể loại “anh hùng truyện” tại Việt Nam. Dòng văn viết về cuộc đời, sự nghiệp của những anh hùng đã chiến đấu và hy sinh để giành độc lập cho dân tộc, chẳng hạn: truyện Lê Thái Tổ, truyện Phạm Hồng Thái, tuồng Trưng nữ vương,… 

Ông đã dành cả cuộc đời để cống hiến vì đất nước. Đó cũng là giá trị lớn nhất mà Phan Bội Châu để lại cho hậu thế: một tinh thần yêu nước nồng nàn và nỗi khát khao hướng ra thế giới bên ngoài để đưa quê hương thoát khỏi ách đô hộ. Ông đã trở thành hình mẫu người chiến sĩ cách mạng lý tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền cảm hứng để người vạch ra con đường giải phóng đất nước sau này. 

Nhắc đến Phan Bội Châu, chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:

Phan Bội Châu – Bậc Anh hùng, vị Thiên sứ, đấng Xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”. 

Với tất cả sự nhiệt huyết dành cho công cuộc cứu nước cứu dân, ngay sau khi Phan Bội Châu qua đời, đồng bào cả nước đã đồng lòng để Huỳnh Thúc Kháng – bạn thân ông – xây dựng lăng mộ và đền thờ cho ông tại Huế. Sau này, nơi đây trở thành Di tích Quốc gia – Khu tưởng niệm Phan Bội Châu, đồng thời cũng là nơi cất giữ hơn 150 hiện vật, tài liệu về cuộc đời ông. 

nhà của phan bội châu

Ngay tại quê hương Nam Đàn, Nghệ An cũng có Di tích Quốc gia – khu lưu niệm Phan Bội Châu rộng hơn 6.000m2m, bao gồm cụm di tích làng Đan Nhiệm và cụm di tích làng Sa Nam. Năm 1997, khu lưu niệm này được Nhật Bản hỗ trợ xây dựng thêm một phòng trưng bày, lưu trữ hàng trăm hiện vật về Phan Bội Châu cho đến ngày nay. 

Xem thêm:

Phan Bội Châu là một trong những người anh hùng vĩ đại của dân tộc. Ông để lại dấu ấn sâu đậm trong cả lịch sử cách mạng và lịch sử văn học Việt Nam. Với tư tưởng thức thời cùng tinh thần yêu nước nồng nàn, ông sẵn sàng dành cả cuộc đời để đấu tranh vì tự do của dân tộc. Từ tất cả những giá trị mà ông đã để lại, không sai khi nói Phan Bội Châu là một chí sĩ yêu nước với tầm nhìn vượt thời gian. 


Nguồn trích dẫn: thivien.net
Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *