Khi nhắc đến “Đất rừng phương Nam”, không thể không nhớ đến tác phẩm văn học xuất sắc và các bộ phim điện ảnh chuyển thể cùng tên được đông đảo khán giả quan tâm. Ý nghĩa sâu sắc từ nội dung giúp tiểu thuyết này nhận được sự yêu thích của nhiều độc giả, tuy nhiên, không ít người đưa ra các ý kiến tranh cãi đối với nội dung bản phim chuyển thể mới nhất, được phát sóng vào tháng 10/ 2023.
Cùng DIMI BOOK đi sâu vào tìm hiểu về tác phẩm và bộ phim cùng tên này, có điều gì thú vị mà khiến cộng đồng yêu văn học Việt Nam tranh luận nhiều đến thế nhé!
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Đôi nét về tác phẩm “Đất rừng phương Nam” và bộ phim chuyển thể
Tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” là một tác phẩm văn học kinh điển của nhà văn Đoàn Giỏi, được xuất bản lần đầu vào năm 1957. Nội dung “Đất rừng phương Nam” chủ yếu xoay quanh cuộc sống của người dân miền Tây Nam Bộ trong nửa cuối thập niên 1940, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ. Câu chuyện kể về hành trình của cậu bé An, người đã bị lưu lạc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Qua đó tái hiện lại hình ảnh một vùng đất màu mỡ, hùng vĩ với những con người trung hậu, một lòng một dạ tin vào cách mạng, kháng chiến.
Về phần phim chuyển thể, “Đất rừng phương Nam” đã được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chuyển thể thành phim điện ảnh, khởi chiếu vào ngày 20 tháng 10 năm 2023. Tương tự như nội dung bản tiểu thuyết gốc, phim cũng kể về hành trình phiêu lưu đi tìm cha của cậu bé An trong thời kỳ đất nước còn loạn lạc, chiến tranh tàn khốc. Hình ảnh phim chú trọng vào miêu tả thiên nhiên và nét đẹp văn hóa đặc sắc của vùng đất Nam Kì Lục Tỉnh. Phim tái hiện tinh thần anh dũng đấu tranh chống Pháp đầu thế kỷ 20, khéo léo lồng ghép các các mối quan hệ gia đình, tình bạn, và tình thầy trò đầy cảm xúc.
Phim được kỳ vọng sẽ là một bản chuyển thể trung thực với nguyên tác, với sự tham gia của nhạc sĩ Đức Trí trong việc sáng tác nhạc phim, và Diệp Thế Vinh làm quay phim. Đặc biệt, Nguyễn Vinh Sơn, đạo diễn của series truyền hình năm 1997, sẽ tham gia dự án với vai trò cố vấn sản xuất.
Đoàn Giỏi – Nhà văn tiêu biểu Việt Nam thế kỷ 20
Đoàn Giỏi, một nhà văn Việt Nam xuất sắc đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả bằng những tác phẩm văn học chân thực và giàu chất thơ. Câu chuyện “Đất rừng phương Nam” của ông đã được chọn làm nội dung học trong sách giáo trình Ngữ văn lớp 6, qua đó trở thành một phần quan trọng trong dấu ấn văn hóa Việt Nam. Tiểu thuyết này cùng với “Cá bống mú” và “Đường về gia hương”, là những áng văn tiêu biểu, phản ánh cuộc sống thực tế xót xa mà cũng đầy màu sắc tình cảm thông qua lăng kính của một người con miền đất phương Nam.
Đoàn Giỏi sinh ra trong một gia đình địa chủ lớn ở Mỹ Tho, từng theo học tại trường Mỹ thuật Gia Định. Ông tham gia cách mạng năm 1945 và sau đó làm việc trong lĩnh vực thông tin và văn nghệ. Giai đoạn từ 1949 đến 1954, ông công tác tại Chi hội Văn nghệ Nam Bộ và viết bài cho các tạp chí văn học. Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc và tiếp tục sự nghiệp sáng tác của mình tại Đài Tiếng nói Việt Nam và Hội Văn nghệ Việt Nam.
Nguồn cảm hứng sáng tác của Đoàn Giỏi chủ yếu đến từ cuộc sống, thiên nhiên và con người Nam Bộ, nơi ông đã trải qua những năm tháng tuổi trẻ. Đoàn Giỏi đã được vinh danh với Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật lần thứ nhất vào năm 2001 – một minh chứng cho sự cống hiến hết mình trong diễn đàn văn học Việt Nam.
Đoàn Giỏi không chỉ là một nhà văn, mà còn là một nhà cách mạng, một nhà giáo dục, người đã dành cả cuộc đời mình để sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị văn hóa và giáo dục sâu sắc cho Việt Nam còn nguyên vẹn giá trị cho tới ngày nay.
Phân tích tóm tắt về phim chuyển thể
Phim “Đất rừng phương Nam” thu hút được nhiều sự chú ý và tranh luận từ giới chuyên môn và những fan cứng của tác phẩm gốc.
Nội dung so với truyện gốc
Phim “Đất rừng phương Nam” phiên bản điện ảnh kế thừa và phát triển dựa trên tiểu thuyết cùng tên. Bộ phim tái hiện hành trình phiêu lưu đầy gian nan của An – một cậu bé mất mẹ trên đường tìm kiếm cha. So với bản gốc, phim tăng thêm phần bi kịch cho cuộc đời của An. Nhân vật trong “Đất rừng phương Nam” này không chỉ mất cha mẹ trong quá trình sơ tán, mà mẹ của cậu còn bị sát hại bởi quân địch Pháp, khiến cho An phải lưu lạc đến miền Nam và được bà con che chở, cưu mang.
Kỹ xảo điện ảnh có gì đặc sắc?
Phim “Đất rừng phương Nam” đã thành công trong việc phác họa bối cảnh sống động của miền Tây Việt Nam. Những khung cảnh như thị trấn, chợ nổi, cảnh buôn bán tấp nập và người dân đang buôn bán trên những chiếc ghe thuyền trên sông nước.
Đội ngũ làm phim đã đầu tư công phu và dụng tâm trong việc phục dựng những phân cảnh này bằng phim trường, tạo ra những cảnh quay đẹp mắt và độc đáo, mang đậm nét của làng quê sông nước miền Tây của thế kỷ 20. Đặc biệt, những pha đánh nhau trực tiếp bằng võ công trong phim được thực hiện với sự đầu tư và chăm chút kỹ lưỡng về bối cảnh và kỹ xảo, tạo ra những thước phim đặc sắc và mãn nhãn cho người xem.
Sự thành công tại phòng vé của phim chuyển thể
Phim chuyển thể “Đất rừng phương Nam” đã đạt được thành công đáng kể tại phòng vé. Theo thông tin từ Box Office Việt Nam, sau chỉ 10 ngày công chiếu, bộ phim đã thu về tổng cộng hơn 45 tỷ đồng doanh thu. Trung bình mỗi ngày, đã có hơn 19.000 vé được bán ra với gần 5.000 suất chiếu.
Đất rừng phương Nam vẫn đạt thành tích khủng khi vượt qua mốc 100 tỷ đồng doanh thu phòng vé sau hơn 10 ngày công chiếu. Sự thành công này là minh chứng cho sức hút mạnh mẽ của tác phẩm văn học này đối với khán giả, và cũng là sự khẳng định cho vị thế của điện ảnh Việt Nam trên thị trường phòng vé.
Tranh cãi không hồi kết về phim chuyển thể
Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết, tác giả lấy cảm hứng sáng tác và bối cảnh của thời kỳ kháng chiến. Do bản chất là tiểu thuyết nên sẽ có những yếu tố hư cấu, là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nhưng việc thay đổi bối cảnh thời gian và các chi tiết nhân vật so với ghi chép lịch sử đã khiến khán giả có quan điểm trái chiều về sự trung thực và độ chân thực của tác phẩm.
Tóm tắt các quan điểm trái chiều của tác phẩm
Trước khi tham khảo các ý kiến trái chiều, chúng ta cùng xem qua về khái niệm của “Tiểu thuyết”: Tiểu thuyết là một thể loại văn xuôi có hư cấu, thông qua nhân vật, hoàn cảnh, sự việc để phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn và những vấn đề của cuộc sống con người, biểu hiện tính chất tường thuật, tính chất kể chuyện bằng ngôn ngữ văn xuôi theo những chủ đề xác định. (Wikipedia) Theo đó, việc tiểu thuyết xuất hiện các yếu tố hư cấu là điều dễ hiểu và không đi ngược lại bản chất và quy định của thể loại sáng tác.
Sau đây là các ý kiến trái chiều được thảo luận nhiều xoay quanh bản phim chuyển thể:
Phản đối: Một số khán giả và đánh giá viên cho rằng phim “Đất rừng phương Nam” đã sai lệch lịch sử và nâng tầm Thiên Địa Hội trong khi hạ thấp Việt Minh, tạo ra sự hiểu lầm về phong trào kháng chiến chống Pháp. Việc bổ sung các chi tiết hư cấu và thay đổi tên các nhóm nhân vật đã khiến bộ phim bị chỉ trích về tính chân thực và trung thực lịch sử.
Ủng hộ: Một số quan điểm về “Đất rừng phương Nam” khác cho rằng phim chỉ là tác phẩm truyện hư cấu, không nhất thiết phải bám sát lịch sử chính xác. Họ tin rằng bộ phim vẫn đánh giá cao tinh thần yêu nước và kháng chiến chống bạo quân ngoại xâm của người dân miền Nam Bộ, và không cần phải bị gò ép theo đúng sự kiện lịch sử.
Quan điểm cá nhân về phim chuyển thể
Theo tôi, việc chuyển thể một tác phẩm văn học thành phim điện ảnh là một quá trình phức tạp đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng.
- Bám sát nguyên tác: Đầu tiên, bộ phim nên bám sát nguyên tác để giữ được tinh thần của tác phẩm gốc. Việc này không chỉ giúp tái hiện chính xác nội dung và thông điệp của tác giả, mà còn giúp khán giả hiểu rõ hơn về tác phẩm gốc.
- Nghiên cứu kỹ bối cảnh lịch sử: Khi chuyển thể, nên lưu ý nghiên cứu kỹ bối cảnh lịch sử để tránh những sai lệch không cần thiết. Lịch sử và văn hóa của một thời kỳ là thứ cần sự truyền tải chính xác nếu không muốn tạo ra tranh cãi không đáng có. Tuy nhiên, những yếu tố phụ không ảnh hưởng tới nét đẹp văn hóa và lịch sử thì có thể sáng tạo để tạo ra những cái kết có hậu, nhân văn, mang ý nghĩa nhân đạo hơn cái kết thật (nếu có).
- Khuyến khích chuyển thể: Cuối cùng, việc chuyển thể các tác phẩm thành phim nên được khuyến khích vì nó không chỉ giúp phổ biến văn hóa và lịch sử Việt Nam đến với thế giới, mà còn giúp khán giả có thêm cơ hội để hiểu và đánh giá tác phẩm theo cách riêng của họ.
Xem thêm:
- Tắt đèn – Bản án đanh thép tái hiện bức tranh xã hội Việt đầu thế kỉ XX
- Tết ở làng Địa Ngục – Truyện kinh dị chứa đựng văn hóa Việt
Qua tác phẩm “Đất rừng phương Nam”, độc giả có thể thấy rõ sự phản ánh chân thực, sắc sảo của tác giả về những khía cạnh khác nhau của xã hội, từ văn hóa, lịch sử cho đến con người. Đây không chỉ là một tác phẩm văn học xuất sắc, mà còn là một công cụ hỗ trợ giáo dục hiệu quả, giúp khán giả hiểu rõ hơn về lịch sử và bối cảnh của đất nước lúc bấy giờ. Chính vì vậy việc chuyển thể phim sát với nguyên tác là điều quan trọng trong công cuộc lưu giữ và truyền bá những giá trị văn hóa của đất nước.
Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.