Cuốn sách “Tết ở làng Địa Ngục” của tác giả Thảo Trang đã gây ấn tượng mạnh mẽ với độc giả, đặc biệt là giới trẻ, bằng những yếu tố kinh dị được lấy cảm hứng từ chính những câu chuyện dân gian Việt Nam. Câu chuyện xoay quanh những sự kiện diễn ra trong dịp Tết ở một làng quê có tên là “làng Địa Ngục”, nơi chứa đầy những bí ẩn và sự kỳ bí, thậm chí là ma quái. Sự kết hợp giữa không khí Tết cổ truyền của Việt Nam với những yếu tố kinh dị tạo nên một bối cảnh độc đáo, cuốn hút người đọc.

Nếu bạn yêu thích văn hoá dân tộc Việt và các thể loại truyện ma kinh dị thì “Tết ở làng Địa Ngục” sẽ là một tác phẩm không thể nào bỏ qua nhé. 

Thảo Trang – Bén duyên tình cờ với thể loại kinh dị

Tác giả Thảo Trang, sinh năm 1991, không chỉ nổi tiếng với tư cách là một nhà văn mà còn là một doanh nhân trẻ. Cô là đồng sáng lập của một công ty sản xuất thực phẩm tại nước ngoài. Khởi điểm trong con đừng viết văn của tác giả 9X này cũng như nhiều người viết trẻ, Thảo Trang cũng đưa những tác phẩm của mình lên mạng xã hội.

Nguyễn Ngọc Thảo Trang là một trong số ít nhà văn Việt Nam chuyên viết về thể loại truyện ma, kinh dị. Các tác phẩm của cô thường khai thác đề tài tâm linh, huyền bí, đan xen giữa thế giới hiện thực; Thông qua các tác phẩm Thảo Trang mong muốn đưa niềm yêu thích văn hoá dân tộc vào truyện để lan tỏa đến với bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ hiện nay.

Nguyễn Ngọc Thảo Trang
Nguồn Internet

Với sự thành công của cuốn sách đầu tay “Tết ở làng địa ngục”, Nguyễn Ngọc Thảo Trang đã trở thành một trong những nhà văn trẻ đầy tiềm năng. Hiện nay các tác phẩm “Ngủ cùng người chết”, “Hồn ma xông đất”, “Thất tiên vong mạng”, “Đêm trăng đòi mạng”,… của cô đã và đang nhận được sự yêu thích của đông đảo độc giả, góp phần khẳng định vị trí của thể loại truyện ma, kinh dị trong nền văn học Việt Nam.

“Tết ở làng Địa Ngục” – Nguồn gốc chuỗi sự kiện kinh dị

“Có một buổi tối gần Tết, trời mưa, lạnh, buồn, không biết làm gì, tôi quyết định ngồi viết. Năm chữ đầu tiên tự nhiên xuất hiện trong đầu: Tết ở làng Địa Ngục. Đó cũng là tên cuốn tiểu thuyết đầu tay trên mạng của tôi.” (Thảo Trang nói về cảm hứng viết nên tác phẩm “Tết ở làng Địa Ngục”)

“Tết ở làng Địa Ngục” đã được bắt đầu trong một hoàn cảnh đặc biệt như vậy. Thời gian đầu, tác phẩm được đăng lên các diễn đàn đọc sách và nhận được nhiều sự quan tâm, yêu tích của độc giả. Sau đó Thảo Trang kết hợp với nhà xuất bản Đinh Tị Books xuất bản vào cuối năm 2021, ngay sau đó, “Tết ở làng Địa Ngục” trở thành cuốn sách bán chạy, hơn 4.000 bản. Cuốn sách cũng nhanh chóng ký hợp đồng chuyển thể thành Một bộ phim truyền hình dài 12 tập và một phim điện ảnh. Có thể nói tác phẩm “Tết ở làng Địa Ngục” đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng vào năm 2023.

Tết ở làng địa ngục
Nguồn Internet

“Thương em, anh cũng muốn vô

Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang

Phá Tam Giang ngày rày đã cạn

Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm…”

(Trích “Tết ở làng Địa Ngục”)

Câu chuyện “Tết ở làng Địa Ngục” xoay quanh những người dân của làng Địa Ngục, nơi mà dân làng đang cố gắng né tránh và thoát khỏi những nghiệp báo đáng sợ từ những linh hồn hận thù. Tổ tiên của người dân làng Địa Ngục là một toán cướp ghê rợn, dưới triều đại của chúa Nguyễn ở miền Đàng Trong. Sau cuộc tàn sát 193 nạn nhân, những kẻ còn sống sót của băng cướp đã trốn thoát khỏi sự truy lùng của binh lính triều đình, chỉ còn một số ít tìm được nơi ẩn náu tại một miền đất sương mù quanh năm bên cạnh núi, nơi họ quyết định đặt tên là Địa Ngục cho cộng đồng mới của mình, như một hình phạt tự gán cho bản thân vì những tội lỗi của tổ tiên.

Cuộc sống tại làng Địa Ngục trôi qua một cách ảm đạm cho đến một cái Tết, thời điểm mọi người trong làng đều mong chờ sự khởi đầu mới. Tuy nhiên, một bi kịch không lường trước đã xảy ra, khi ông Thập trưởng làng bắt đầu gặp phải những giấc mơ kỳ quái và chứng kiến cái chết của dân làng. Trước tình hình này, ông Thập quyết tâm tìm kiếm biện pháp cứu vãn tình hình bằng cách nhờ vả ông lão ăn xin què có tài bói toán và người đàn ông góa vợ do lời nguyền rượu sọ người (Tam Quỷ), nhưng mọi nỗ lực của họ dường như đã quá muộn.

câu chuyện báo thù
Nguồn Internet

Tai hoạ ập đến những người dân trong làng Địa Ngục một cách khủng khiếp: Cô Hạch cháu ông thầy lang bị cá rỉa đến chết, lão đồ tể bị nướng sống, ông đồ Lam tự vẫn,… Mọi sự kiện rốt cuộc đều là kế hoạch trả thù mưu mô của người phụ nữ mang thai còn sống sót sau cuộc tàn sát từ lâu, quyết tâm trở thành quỷ để biến làng Địa Ngục thành địa ngục trần gian để báo thù. 

Tác giả đem đến một bầu không khí đặc biệt quỷ dị, mang ấn tượng mạnh. Những bí ẩn và vụ án mạng liên tiếp mà không có lời giải đáp, tạo nên một không khí nặng nề với cảm giác bất lực trước số phận. Dân làng, trong sự hoang mang và tuyệt vọng, người dân không thể hiểu nổi vì sao họ phải chịu những cái chết thê thảm đến như vậy. Tuy nhiên, thực chất, họ đang phải gánh chịu hậu quả của những tội ác mà tổ tiên và chính họ đã gây ra trong quá khứ.

Thông điệp ý nghĩa đằng sau “Tết ở làng Địa Ngục”

“Một chút kinh dị, một chút máu me và thật nhiều tình yêu văn hoá.” Thảo Trang.

Với tinh thần ấy, Thảo Trang đã sử dụng các yếu tố ma quỷ và kinh dị làm chất liệu để lồng ghép những giá trị văn hoá truyền thống Việt vào tác phẩm “Tết ở làng Địa Ngục”.  Xuyên suốt tác phẩm bạn đọc đều sẽ thấy những hình ảnh chuyến đò đưa vong linh người đã khuất, những con đom đóm câu hồn, phương pháp gọi phách bằng chuông, đốt hình nhân thế mạng,… 

Hay qua cái cách những người dân trong làng “Địa ngục” dù sống trong hoàn cảnh đầy rẫy khó khăn, thách thức và áp lực vẫn cố gắng gìn giữ những tập tục khi đón Tết của người miền Việt xưa (thời chúa Nguyễn) như: đưa ông Táo về trời, gói bánh chưng, dựng cây nêu, tục xin chữ Phúc ngày Tết,… 

đốt hình nhân thế mạng
Nguồn Internet

Sự thành công của “Tết ở làng Địa Ngục” không chỉ đến từ cốt truyện hấp dẫn, ngôn ngữ giàu hình ảnh mà còn từ việc tác giả đã khéo léo khai thác các yếu tố văn hóa, tâm linh đặc sắc của Việt Nam, qua đó mang đến cho đọc giả những trải nghiệm mới lạ đầy ấn tượng.

Phim chuyển thể “Tết ở làng Địa Ngục”

“Tết ở Làng Địa Ngục” là một tác phẩm kinh dị Việt Nam được nhiều độc giả Việt yêu thích, mang đến cho người đọc những trải nghiệm đọc đầy ám ảnh và suy ngẫm khi khám phá những câu chuyện về luật nhân quả. 

Ngoài ra, “Tết ở Làng Địa Ngục” cũng được chuyển thể thành bộ phim điện ảnh cùng tên, công chiếu trên Netflix, K+ và nhận được nhiều sự ủng hộ của khán giả.

“Sau 4 tập đầu phát sóng, Tết ở làng Địa Ngục tạo thiện cảm với khán giả. Phim vươn lên dẫn đầu danh sách xem nhiều trên K+ và Netflix khu vực Việt. 

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết Tết ở làng Địa Ngục là một dự án nhiều thách thức với anh. “Tác phẩm thuộc thể loại kinh dị cổ trang, mang đậm dấu ấn văn hóa cùng các quan niệm tâm linh dân gian. Điều áp lực nhất với tôi chính là làm sao mang những nhân vật, bối cảnh từ trang sách lên màn ảnh đúng với sự tưởng tượng của độc giả và tác giả.”

Theo Báo Tuổi Trẻ

Cảm nhận một số khán giả về tác phẩm

Tuy nhiên vì là tác phẩm đầu tay của một tác giả trẻ trong thế hệ 9x nên sẽ có một số hạn chế nhỏ, một số ưu và nhược điểm của tác phẩm có thể nhận thấy rõ ràng đó là:

Ưu điểm

  • Cốt truyện độc đáo, lôi cuốn với yếu tố tâm linh, huyền bí.
  • Bút pháp miêu tả sinh động, xây dựng hình ảnh ma mị, ám ảnh.
  • Khắc họa nội tâm nhân vật đa dạng, từ thiện lương đến độc ác.
  • Truyền tải thông điệp sâu sắc về nhân quả báo ứng, luật luân hồi.
Tết ở làng Địa Ngục
Nguồn Internet

Nhược điểm

  • Một số chi tiết miêu tả bạo lực, rùng rợn có thể gây khó chịu cho người đọc.
  • Nhịp độ truyện đôi lúc chậm, chưa thật sự dồn dập.
  • Có quá nhiều chi tiết và tình huyến truyện chưa được giải thích rõ ràng và hợp lý.
  • Kết thúc truyện có thể gây tranh cãi cho một số độc giả.

Xem thêm các tựa sách lịch sử – văn hóa Việt Nam hay khác:

Tác phẩm “Tết ở làng Địa Ngục” không chỉ là một câu chuyện kinh dị thông thường mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, phong tục của người Việt, qua đó phản ánh những vấn đề xã hội, nhân văn sâu sắc của thời phong kiến chúa Nguyễn thế kỷ 19. Thông qua câu chuyện kinh dị này, tác giả Thảo Trang đã thành công mang tạo ra cho độc giả những cung bậc cảm xúc từ sợ hãi, hồi hộp mà còn là sự trăn trở, suy ngẫm về các giá trị truyền thống, quan niệm tâm linh, đồng thời là về sự đoàn kết và yêu thương trong cộng đồng.