Lưu Quang Vũ, một hồn thơ đầy sâu lắng và giàu cảm xúc mà bất kỳ ai yêu thơ ca Việt Nam không ai là không biết đến. Thơ của Lưu Quang Vũ không dữ dội, không sắc sảo như những vở kịch mà ông viết. Thay vào đó, chúng đặc trưng bởi sự nồng nàn pha lẫn chút trăn trở, suy tư. 

Hãy cùng DIMI BOOK khám phá thế giới thơ của Lưu Quang Vũ, nơi mà từng câu chữ góp phần tạo nên một hồn thơ “lạ”, tinh nhạy và bền bỉ với thời gian.

Vài nét về cuộc đời nhà thơ Lưu Quang Vũ 

Lưu Quang Vũ (1948 – 1988) là cố nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà văn tiên phong của nền văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Quê gốc của nhà thơ Lưu Quang Vũ ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng nhưng nơi sinh của ông lại ở huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Năm lên 6 (năm 1954), Lưu Quang Vũ cùng gia đình chuyển về sinh sống tại quê mẹ – Hà Nội.  

cuộc đời nhà thơ Lưu Quang Vũ 

Có ba mẹ là nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và Vũ Thị Khánh, năng khiếu nghệ thuật của nhà thơ Lưu Quang Vũ vì thế đã được nuôi dưỡng và sớm bộc lộ ngay từ khi còn nhỏ. Những hình ảnh miền quê trung du Bắc Bộ gắn liền với năm tháng tuổi thơ cũng đã trở thành chất liệu để ông viết lên những tác phẩm của mình sau này. 

Đến năm 17 tuổi (1956), nhà thơ Lưu Quang Vũ lên đường nhập ngũ, trở thành thợ máy ngành Vô tuyến điện tử máy bay tại Trường Hàng không Cát Bi (e-910), Hải Phòng. Sau đó, ông về phục vụ tại C4 – trung đoàn 921 (e-921), sân bay Nội Bài. Thời điểm này, tài năng thơ ca của Lưu Quang Vũ cũng bắt đầu nở rộ. 

Sau khi xuất ngũ, nhà thơ mưu sinh với đủ mọi nghề, từ làm ở xưởng cao su đến làm hợp đồng cho NXB Giải Phóng rồi vẽ pa-nô, áp phích. Ở độ tuổi 30, ông trở thành biên tập viên Tạp chí sân khấu, theo đuổi sự nghiệp sáng tác kịch. 

cuộc đời nhà thơ Lưu Quang Vũ 

Nhưng chỉ 10 năm sau đó (1988), lúc tài năng vào độ chín, ông không may qua đời trong một tai nạn ô tô cùng vợ là nữ sĩ Xuân Quỳnh và con trai nhỏ Lưu Quỳnh Thơ. Sự ra đi đột ngột này khiến những người yêu mến hai thi sĩ vô cùng đau lòng, là sự mất mát lớn của văn học Việt Nam.

Phong cách sáng tác của nhà thơ Lưu Quang Vũ 

Tuổi trẻ từng sống trong chiến tranh, trực tiếp đi ra chiến trường và trở về khi đất nước lâm vào thời kỳ hậu chiến cơ cực, phần lớn các vở kịch, truyện ngắn và thơ ca Lưu Quang Vũ viết đều xoay quanh chủ đề con người, gia đình, Tổ Quốc. Lời văn của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực, chứa đựng những tình tiết in đậm dấu ấn cá nhân trong từng giai đoạn của chính cuộc đời ông. 

“Dù đục dù trong, con sông vẫn chảy
Dù cao dù thấp, cây lá vẫn xanh
Dù người phàm tục hay kẻ tu hành
Vẫn phải sống từ những điều rất nhỏ.”

(Trích bài thơ “Tự sự” của Lưu Quang Vũ)

“Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.”

(Trích bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ)

Bên cạnh đó, ông cũng nổi tiếng với những bài thơ và những bức thư tình bay bổng, dịu dàng dành tặng cho người vợ thứ hai là nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. Khác với những vở kịch có phần sắc sảo và dữ dội, thơ tình Lưu Quang Vũ lại nhẹ nhàng và êm dịu hơn. Có nhận xét cho rằng thơ của Lưu Quang Vũ gửi Xuân Quỳnh dù không câu nào tỏ lời yêu nhưng mỗi con chữ đều toát ra sự lãng mạn của tình yêu.  

cuộc đời nhà thơ Lưu Quang Vũ 

Một số bài thơ tiêu biểu nhất của tác giả Lưu Quang Vũ bao gồm: 

  1. Tiếng Việt
  2. Phố ta
  3. Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa
  4. Em – tình yêu những năm đau xót và hy vọng
  5. Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi
  6. Bầy ong trong đêm sâu
  7. Và anh tồn tại
  8. Anh đã mất chi anh đã được gì
  9. Ru anh
  10. Những điều sỉ nhục và căm giận
  11. Gọi đò
  12. Tự sự
  13. Én
  14. Áo cũ
  15. Những người đi năm ấy 
  16. Qua sông Thương 
  17. Đêm hành quân
  18. Chuyện nhỏ bên sông
  19. Đất nước đàn bầu 
  20. Hoa vàng ở lại 
  21. Lý thương nhau 
  22. Mấy đoạn thơ 
  23. Những ngày chưa có em 
  24. Khúc hát 
  25. Mắt một mí 
  26. Thơ ru em ngủ
  27. Tiễn bạn 
  28. Gửi mẹ
  29. Gửi em và con 
  30. Thị trấn biển 

Thành tựu và giải thưởng của thi sĩ Lưu Quang Vũ

Ở độ tuổi 40, Lưu Quang Vũ là tác giả của gần 50 vở kịch, được nhiều đạo diễn nổi tiếng và các đoàn kịch, đoàn chèo chọn biểu diễn. Tác phẩm của ông đặc biệt nổi tiếng trong những năm 80. Một số vở kịch do Lưu Quang Vũ viết đã khuấy động những sân khấu lớn trong nước có thể kể đến: 

  • Hồn Trương Ba da hàng thịt
  • Bệnh sĩ
  • Khoảnh khắc và vô tận
  • Ông không phải bố tôi 
  • Tin ở hoa hồng
  • Nàng Sita
  • Lời thề thứ 9
  • Tôi và chúng ta
“Sống mãi tuổi 17”

Riêng vở kịch đầu tay “Sống mãi tuổi 17” viết về anh hùng Lý Tự Trọng của ông đã được trao tặng Huy chương vàng Hội diễn sân khấu. Ông cũng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 về nghệ thuật sân khấu vào năm 2000 – 12 năm sau ngày mất. 

10 bài thơ hay của Lưu Quang Vũ

Tên tuổi của Lưu Quang Vũ được biết đến với những tập thơ nổi tiếng là Hương cây (1968 trong tập Hương cây – Bếp lửa cũng Bằng Việt) với 20 bài thơ, Mây trắng của đời tôi (1989) với 30 bài thơ, Bầy ong trong đêm sâu (1993) với 40 bài thơ, Di cảo  (2008) với 29 bài thơ,… Ngoài ra, còn nhiều bài thơ lẻ khác chưa in thành tập. Dưới đây là một số bài thơ tiêu biểu nhất trong những tập thơ này: 

1. Áo cũ

“Áo cũ rồi, mỗi ngày thêm ngắn
Chỉ đứt sờn màu bạc hai vai
Thương áo cũ như là thương ký ức
Đựng trong hồn cho mắt phải cay cay.

Mẹ vá áo mới biết con chóng lớn
Mẹ không còn nhìn rõ chỉ để xâu kim
Áo con có đường khâu tay mẹ vá
Thương mẹ nhiều con càng yêu áo thêm.

Áo đã ở với con qua mùa qua tháng
Cũ rồi con vẫn quý vẫn thương
Con chẳng nỡ mỗi lần thay áo mới
Áo dài hơn thấy mẹ cũng già hơn.

Hãy biết thương lấy những manh áo cũ
Để càng thương lấy mẹ của ta
Hãy biết thương những gì đã cùng ta sống
Những gì trong năm tháng trôi qua…”

2. Bầy ong trong đêm sâu

“Tâm hồn anh dằn vặt cuộc đời anh
Thắp một ngọn đèn hồng như ánh lửa
Đêm sâu quá đêm nào biết ngủ
Chỉ con người đến ngủ giữa đêm thôi
Mà có ngủ đâu, người ta đợi mặt trời
Đợi lâu quá nên để cơn mơ chờ đợi vậy
Trong cơn mơ là cuộc đời thức dậy
Con ong vàng bé nhỏ đến tìm em
Con ong xanh có đôi mắt đen
Con ong trắng bơ vơ trong tổ vắng
Con ong đỏ là con ong trong thơ thẩn
Bay đi tìm hương nhụy mất từ lâu
Đã chết rồi ơi chú ong nâu.
Để hoa rụng mùa thu thương nhớ bạn
Anh là con ong bay giữa trời lận đận
Trời đêm dài chẳng có một ngôi sao
Em ở đâu, em ngủ ở phương nào
Môi em thở những điều gì khe khẽ?
Em, em gần hay em xa thế nhỉ
Đến bất ngờ lóa nắng giữa lòng đau
Anh có hẹn đâu, anh chả nói câu nào
Anh chỉ buồn thôi, em chỉ buồn thôi, ai biết?
Tóc em dài như một ngày mỏi mệt
Em đợi chi anh, em cần chi anh?
Anh đợi chờ em, không đợi sao đành?

Đêm như biển không bờ bóng tối rất thẳm sâu
Đời cũng giống như biển kia anh lại giống con tàu
Tàu anh đi đi hoài trên biển vắng
Mong tìm được một bóng hình bè bạn
Đến bây giờ anh gặp được tàu em
Anh mở gió tâm hồn cho buồm thắm kéo lên
Ai ngờ tàu em lại là tàu cướp biển
Em cướp hết cuộc đời anh, em lấy hết
Trói anh vào cột buồm của tình yêu
Bão táp nổi lên, chớp giật, tàu xiêu
Em đứng đó hãi hùng ngơ ngác
Anh cũng thương em suốt đời trên sóng nước
Cướp được tàu anh tưởng có ngọc vàng
Ngờ đâu chỉ là ván nát sàn hoang
Còn trơ lại hồn thơ tai ác quá.

Nhưng thôi em ơi đấy chỉ là lời ru trong giấc ngủ
Anh thương em đây anh lại êm đềm
Làm con ong vàng đến ngủ giữa tóc em
Con ong xanh có đôi mắt đen
Con ong trắng là con ong thương nhớ
Con ong đỏ chính niềm tin ấp ủ
Còn hạnh phúc cuối cùng là khúc hát chú ong nâu.”

3. Chuyện nhỏ bên sông

“Em mới về làm dâu thôn ta
Chuyện cái bến sông này em chả biết
Bãi cát lún bao mùa mưa trước
Mỗi câu hò gợi một chuyến đò đi.
Em biết chăng ngọn cỏ thơm kia
Con nghé ăn vào bỗng nhiên nhớ mẹ
Quẫy sóng trên sông là con cá mè
Hay đậu theo bầy là con chim dẽ
Con tép nhỏ thường kho với khế
Con bồ nông trên cát ướt lao xao…
Chuyện xóm chuyện nhà em chưa biết đâu
Trên bến sông này một chiều năm ấy
Mẹ đã tiễn cha đi bộ đội
Tiếng súng đòn Tây ngơ ngác hoàng hôn
Con rô sục bùn, con vạc kêu sương
Cha lội tắt qua dòng nước lạnh
Một nắm cơm đùm, một manh áo rách
Ngẩng lên ngang trời một mảnh trăng non…

Anh bảo hiểu em mà hiểu không tròn
Em đã yêu anh em yêu trọn vẹn
Em về với anh như mùa cam chín
Những gì anh quý lòng anh cũng thương
Quê em cách anh nhiều xóm nhiều làng
Nhưng vẫn uống chung một dòng nước ấy
Cũng có bến sông như nơi anh đấy
Cũng bãi cát dài, con dẽ con giang
Cũng trận mưa rào thơm ngọn cỏ non…
Nước tương ngon kho con bống bé
Em thương anh còn mẹ mất cha
Đánh Pháp hy sinh ở chiến trường xa
Cha hẳn biết mình thành đôi anh nhỉ ?

Cứ thế hai người tâm tình thủ thỉ
Nghe trọn chuyện này chắc chỉ dòng sông…
Qua mùa hoa gạo, tới mùa hoa vông
Người chồng trẻ lên đường đánh giặc
Chật bến sông bà con đủ mặt
Vui như hôm đón điện về làng…
Mía tím đôi bờ, phấn trắng thương thương
Muốn nói bao điều bạn tình ta hỡi!

Xưa cha tòng quân, mo cơm mẹ gói
Trốn khỏi nhà giàu lại tránh đồn Tây
Hôm nay anh đi cũng ở bến này.

Cột điện qua sông ngang dọc đường dây
Thôn xóm tiễn đưa, bạn bè tấp nập
Mấy núi đèo rồi anh cũng vượt
Chỉ nhớ quê nhiều, nhiều lắm nhớ em…

Anh đến đâu cũng sẽ gặp quê hương
Nhiều dòng sông rộng hơn sông tuổi nhỏ
Cũng đò sang ngang, cũng con tép nhỏ
Cũng nước đậm bờ chung thuỷ như em…”

4. Tự sự

“Dù đục dù trong, con sông vẫn chảy
Dù cao dù thấp, cây lá vẫn xanh
Dù người phàm tục hay kẻ tu hành
Vẫn phải sống từ những điều rất nhỏ

Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm
Đất ấp ôm cho mọi hạt nảy mầm
Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng

Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận ra ta
Ai trong đời cũng có thể tiến xa
Nếu có khả năng tự mình đứng dậy

Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy
Không chỉ dành cho một riêng ai.”

5. Đêm hành quân

“Anh nghĩ gì trong đêm hành quân
Trên những chặng đường xưa ra trận tuyến?
Nguỵ trang reo như rừng gió chuyển
Bước chân đi cuồn cuộn đường dài.

Thoảng mùi hoa thiên lý cửa nhà ai?
Một tiếng chim khuya gọi mùi vải đỏ
Nghe đất thở luống cày hồn hậu lạ
Ta muốn thành hạt cốm uống hương đêm.

Tiếng ai hò? Dáng lạ cũng thân quen
Đường nào vui bằng đường ra trận tuyến?
Nam Bắc lòng ta chung tiếng gọi mẹ hiền
Ta náo nức như suối về sông biển.

Nào đâu phải ngày đi không lưu luyến
Mắt người trong như nước giếng ban đầu
Mảnh trăng liềm nghiêng một nỗi nhớ nhau
Còn biết mấy hẹn hò dang dở:
Một cánh đồng chờ máy cày đến vỡ
Một giàn bầu trước ngõ bớt người chăm
Nhãn vườn ai mùa hạ hẹn về thăm…

Đêm nay phà đã sang mấy chuyến?
Ơi chị dân quân nụ cười tin mến
Ơi mẹ già đun nước sẵn chờ con
Giữa trời khuya nghe tiếng súng nổ dồn
Từ trận đánh xưa công đồn lửa đỏ
Người liệt sĩ nơi nghĩa trang nằm đó
Cũng lên đường, nhập với hàng quân.

Làm kẻ sinh sau giữa đời rộng mở
Mang khối căm hờn ngày trước chưa tan
Hờn căm mới lại chồng lên nợ cũ
Lửa cháy bom rơi…, ta cầm súng lên đường.

Chim cu ơi, mùa đã chín vàng
Tin chiến thắng bay về muôn xóm ngõ
Đêm náo nức giục bình minh hớn hở
Một khúc quân hành cả nước ngân vang!”

6. Đất nước đàn bầu

“Đi dọc một triền sông
Những chiếc trống đồng vùi trong cát
Những mảnh bình vỡ nát
Những mũi tên lăn lóc
Khắp đồi núi hoang vu
Những rìu đá cổ sơ những hang động khổng lồ
Những đống lửa còn tro tàn sót lại.

Đi tìm lại thời gian đã mất
Thuở biển cả điên cuồng gầm thét
Những con chim lạc mỏ dài
Bay qua vầng trăng lớn
Cánh sừng sững tắm hoàng hôn đỏ rực
Cất tiếng kêu hoang dại dưới đêm nồng.

Đi tìm lại những bông hoa xanh biếc
Những rễ cây quằn quại
Những ngà voi nhọn hoắt
Những tiếng hú dài ào ạt mưa rơi
Tôi đi tìm dòng máu của tôi
Hơi thở đầu sôi sục của tôi
Trong cuồn cuộn những ngực trần đen bóng
Những bộ lạc mình vẽ đầy rồng rắn
Quần hôn trên bờ bãi sông Hồng
Những mái tóc dài bay gió biển Đông
Những mái lá có bùi nhùi giữ lửa
Những người đàn bà tết cỏ cây che vú
Đã ngọt ngào dòng sữa
Điệu ru con đầu tiên
Bức tranh đầu tiên khắc mặt người lên đá
Điệu múa đầu tiên theo nhịp thuyền.

Buổi sáng tôi ra vườn
Hoa móng rồng thơm ngát
Lá xương xông mọc quanh vại nước
Dây trầu không quấn quít hàng cau
Đất rụng vàng hoa ngâu
Nước mưa rơi tí tách
Tôi lắng nghe như chú dế mèn con
Đi ra đồng cỏ ban đêm
Quạ đen đậu ngôi mộ cổ
Những con bướm đêm đập cánh thầm thì
Tôi trở về ngồi trong lòng bà
Bà kể chuyện thời con gái
Trốn nhà theo anh trai phường vải
Gánh hát chèo tỉnh Đông
Điệu hát con gà rừng
Cô Xuý Vân giả dại
Cô Xuý Vân không chịu sống yên
Điệu hát chập chờn
Con gà rừng mê sảng
Cô Xuý Vân nổi loạn
Đốt cháy tâm hồn tôi.

Anh con trai phường vải không về
Sông Cầu xa thăm thẳm
Vạt áo tứ thân lau nước mắt
Bà hát tôi nghe những điệu buồn
Đưa tôi về làng quan họ
Nhịp cầu ván ghép rung rình
Chẻ tre đan nón ba tầm
Đội lên quán dốc
Ngồi gốc cây đa
Thấy cô bán rượu
Ống quần cỏ may
Đồng đất thì dài
Đêm hội làng ngắn quá
Từ giã bạn ra về
Mưa bay mù mịt cả
Lòng nửa thương bên nọ
Nửa sầu bên kia
Nỗi cay cực ngàn xưa
Tôi mang suốt đời không nguôi được
Dân tộc tôi bốn ngàn năm áo rách
Những người chết đặc trong lòng đất
Những mặt vàng sốt rét
Những bộ xương đói khát vật vờ đi
Vó ngựa lao dồn dập
Giặc phương Bắc kéo về
Vung gươm dài đẫm máu
Bao đền đài bị đốt thành than
Bao cuốn sách bị quăng vào lửa
Bao đầu người bêu trên cọc gỗ
Con trai chinh chiến liên miên
Con gái mong chồng, hoá đá
Mỵ Châu chết không sao hiểu được
Vì đâu Trọng Thuỷ hoá quân thù?

Gió mùa thu
Tiếng đàn bầu nức nở
Chiều chiều ra ngõ
Sông dài cá lội biệt tăm
Thương cha nhớ mẹ
Mênh mông chớp bể mưa nguồn
Cái nỗi buồn dân tộc
Cái nỗi buồn bị đoạ đày lăng nhục
Của người quét đường, xẩm chợ, đò ngang
Của mom sông đánh dặm, đỉnh rừng đốt than
Đập đá sườn non, đi phu đi ở
Mà mỗi tháng giêng, hoa gạo nở
Vẫn sênh tiền gõ nhịp
Giải yếm sau lưng cũng tím hoa cà
Cháu lên Kẻ Chợ cùng bà
Nón quai thao, áo màu bay rực rỡ
Những lò rèn phập phù bễ lửa
Phường chạm bạc, phường đúc đồng
Phố hàng Hài thêu những chiếc hài cong.
Những cô gái dệt the và phất quạt
Những hàng Điếu hàng Buồm hàng Bát
Rùa trao gươm, chim lạ đến Tây Hồ
Lụa làng Trúc, rượu Kẻ Mơ
Phố Tràng Thi ngựa hí
Phố Tràng Thi những thầy khoá trẻ
Giấy hồng điều phấp phới bút hoa
Bao gương mặt ngày xưa
Bây giờ ai nhớ nữa?
Trên tranh khắc trên ngàn pho tượng cổ
Còn nóng rực tay người trong gỗ đá
Lung linh chim múa hoa cười.

Vọng quanh thành tiếng trống thúc xa xôi
Muôn cờ xí trập trùng đuốc lửa
Những đề đốc, những tướng quân áo đỏ
Những Đông bộ đầu, Chương Dương độ, Hàm tử quan
Thanh gươm cũ với câu thơ giữ nước
“Ngựa đá bao phen phải lấm bùn”
Cháu đi ra cửa bể Vân Đồn
Mùa thu biển lạnh
Những chú lính thú đời Trần đã chết
Bãi lầy sú vẹt mênh mông
Đảo chênh vênh dưới mù mịt mưa phùn
Hang đá ào ào gió hú
Cửa Vạn Tài, đảo Tràn Bàn sóng dữ
Thương nỗi mình lận đận vợ chồng sam.

Đêm bão gầm cồn cát chạy lang thang
Bà kể chuyện những bờ biển lạ
Cửa Thuận, cửa Hàn, những tháp Chàm sụp đổ
Những đoàn người xoã tóc hú tìm nhau.

Phương Nam xa mây trắng xoá một màu
Xác khiên mộc của bao đời chiến trận
Những người đi mở nước
Lưỡi cuốc mòn cha gửi lại cho con
Bốn bể Cà Mâu, mũi đất Hà Tiên
Với Kinh Bắc, Tràng An chung ruột thịt
Tiếng đàn bầu réo rắt
Lý ngựa ô, Lý ngựa ô
Như gió cuộn trên bình nguyên cháy khô
Ngựa ô chạy ướt đầm thân mảnh dẻ
Thương con ngựa ô xa mẹ
Bây giờ ăn cỏ nơi đâu?

Màu áo đen của đêm, màu của đất áo nâu
Luôn đánh vật với tai ương nước mắt
Đất chỉ sinh những bàn tay làm lụng
Không có những nhà ảo mộng đăm chiêu
Đất tả tơi trong định mệnh đói nghèo
Trong độc ác dối lừa, trong sỉ nhục
Người nô lệ da vàng bất khuất
Vươn giữa trời thơm ngát tấm lòng son
Tóc phơ phơ bạc trắng sợi đau buồn
Sao bà hát những lời da diết
Cháu nghe mãi vẫn lạ lùng tiếng Việt
Chữ “thương” liền với chữ “yêu”
Chữ “thương” đi cùng chữ “nhớ”
Dân tộc trải xót xa nhiều nỗi khổ
Phải thương nhau mới sống được trên đời
Những hoàng hôn chạng vạng cánh dơi
Tôi ra sông nằm xoài trong bãi sú
Phù sa ướt lấm lem gò má
Tôi về ngồi dưới lá úa cành xoan
Tuổi thơ buồn như một mảnh vườn hoang
Nơi ấp ủ con dế mèn cô độc
Trái sung non thì chát
Quả dọc già thì chua
Em đến cùng tôi như chùm vải đầu mùa
Tóc hoang dại loà xoà trên ngực nắng
Ngực em sáng như mặt trời sắp lặn
Tôi đầm đìa sương lạnh của bờ đê
Tôi thấm đầy nước mắt của trời khuya
Trăng đã hiện, đêm ca dao vằng vặc
Những cô Tấm thử hài trong tiếng nhạc
Những nàng Kiều hồi hộp bấm dây tơ
Đêm sử thi náo động tiếng quân hò
Sôi trong máu những bầy voi nguyên thuỷ
Sáng trong mắt những rừng gươm chớp loé
Những nỗi buồn tê dại ngón tay rung
Chim Lạc bay, cánh rợp cả sườn non
Rùa đẻ trứng nồng nàn trên cát bể
Rừng gầm thét, thác nguồn sao trắng thế
Đất mênh mông tràn ngập ánh mặt trời
Gió thổi lồng những đốm lửa không nguôi
Tôi nhận hết, tôi là người tiếp nối
Là dĩ vãng nhưng chẳng là bóng tối
Nước mắt tôi ướt đẫm những dây đàn
Quả bầu khô là tâm sự của vườn
Mặt đàn gỗ là của rừng xanh thẳm
Điệu bát ngát là của đồng của đất
Lời vụng về là tha thiết lòng tôi.

Đêm hội vui, tiếng trống giục liên hồi
Bà sống dậy, bà đừng buồn nữa nhé
Bà lại trẻ như ngày xưa hát ví
Người náu mình trong quả thị bước ra
Người hứng dừa từ giấy điệp bước ra
Người đã khuất cũng về đông đủ cả
Những tượng đá bỗng chập chờn nhẩy múa
Những cụ già say rượu hát nghêu ngao
Ngực em tròn anh chẳng dám nhìn lâu
Lời em nói có măng rừng muối bể
Hồn dân tộc dậy ta làm thi sĩ
Quá khứ nhiều mà ta chẳng già nua
Mọi tai ương khủng khiếp đã qua
Gà đã gáy xôn xao chào buổi sớm
Mai gắn lại những vết thương xé thịt
Dân tộc mình mở tới một trang vui
Hoa gạo hồng lại nở, bà ơi
Cháu đã đi từ lòng bà ấm áp
Để sống hết những vui buồn dân tộc
Những hoa bìm hoa súng nở trên ao
Những ban mai xanh biếc tiếng đàn bầu
Bà hiền hậu têm trầu bên chõng nước
Em đi gặt trên cánh đồng cổ tích
Lúa bàng hoàng chín rực những triền sông…

Trắng mây bay, ngợp gió những khu rừng
Cháu đã đi những tháng năm lửa cháy
Với trùng điệp bạn bè cùng tuổi
Áo quân trang xanh cây lá vườn bà
Đất chiến hào vẫn đồng đất quê ta
Máu đồng đội đã thấm vào đất ấy
Những đêm thức nghẹn ngào nghe đất gọi
Vây quanh mình bao gương mặt thân quen
Mặt người xưa hoà lẫn mặt anh em
Câu hát cũ lẫn vào câu hát mới
Dòng sông hét, biển gầm lên dữ dội
Những chân trời vụt mở bao la
Những chân trời chưa hề biết hôm qua
Tiếng đàn bầu, tiếng đàn bầu mong nhớ
Trong gió lộng, dưới mặt trời xứ sở
Vẫn cồn cào những cơn khát khôn nguôi
Đất phù sa vô tận dấu chân người
Những đoàn quân lại ra đi từ đất
Bà đứng đó miệng trầu cay thơm ngát
Vầng yêu thương soi sáng suốt cuộc đời
Khắp triền sông vang tiếng trẻ con cười
Đất nước đàn bầu
Đất nước ban mai…”

7. Gọi đò

“Tôi gọi đò bên sông
Đêm tối trăng liềm mỏng mảnh
Bãi dài gió thổi mênh mông

Tiếng tôi lẫn trong tiếng sóng rì rầm
Tiếng ngô mía lao xao lá động
Từ bờ bên kia xa thẳm
Tiếng ai đáp lại lời tôi?
Chẳng trông rõ bóng người
Chỉ nghe mái chèo khua nước
Chỉ thấy ngọn đèn vừa thắp
Sáng trên con đò đang nhẹ lướt sang

Tôi gọi đò bên sông
Lần nào cũng thế
Ngày bom đạn hay đêm mưa vắng vẻ
Bờ xa lúc nào cũng có tiếng người ơi
Đó là cha già tóc bạc áo vắt vai
Là em nhỏ bước chân thoăn thoắt
Hay cô gái tôi chưa nhìn rõ mặt
Chỉ nhớ một bàn tay, một hơi thở, câu chào
Giọng ân cần ấm cả đêm thâu…

Người đất này quen tỉnh thức từ lâu
trong giấc ngủ vẫn lắng nghe tiếng gọi
Mái chèo quen vượt qua trăm nước xoáy
Thắp ngọn đèn soi sáng những canh khuya

Đời bộ đội bao lần ra đi
Bao mưa nắng, bao mùa trăng bát ngát
Bao việc vội trên đường đánh giặc
Nhưng mỗi lần gọi đò bên sông
Nghe tiếng người ơi trìu mến lạ lùng
Tiếng ngô mía rì rầm trong gió
Tiếng đất nước cất lên cùng sóng vỗ
Nghe quen rồi mà mắt cứ rưng rưng…”

8. Gửi mẹ

“Trên đời chẳng ai lo cho ta bằng mẹ
Cũng chẳng ai ta làm khổ nhiều như mẹ của ta
Mẹ ơi nếu con được sống lại tuổi thơ
Con sẽ chẳng bao giờ mải chơi trốn học
Đứa con trai nhiều lỗi lầm ương ngạnh
Sẽ không lần nào làm mẹ xót xa.

Ước mẹ trẻ hoài như buổi mới gặp cha
Ước con được sống suốt đời bên mẹ
Mẹ muốn ăn cá thu con chẳng nề xuống bể
Chẳng ngại lên ngàn kiếm đọt măng mai
Nhưng xứ sở ta quân Mỹ tới rồi
Cùng bè bạn con lên đường đuổi giặc.

Mẹ vui vẻ gánh lấy phần khó nhọc
Việc cơ quan, việc Đảng, việc nhà
Đánh Pháp năm xưa, đánh Mỹ bây giờ
Quen vất vả, mẹ quản gì sương nắng.

Đêm nay con nằm rừng xa gió lạnh
Mẹ nghỉ chưa hay đã thức rồi?
Suốt một đời chưa có lúc nghỉ ngơi
Nghĩ thương mẹ, giận quân thù quá đỗi.

Lo trước mọi điều mẹ thường ít nói
Mắt tin yêu nhìn thấu tận đường xa
Mọi giả dối quanh co mọi tàn bạo hận thù
Đều nát vụn trước mắt hiền của mẹ.

Dẫu cuộc đời là con đường dài thế
Con sẽ đi qua mọi đèo dốc trông gai
Bằng đôi chân của mẹ, mẹ ơi.”

9. Tiễn bạn

“Ngày mai mày đi xa
Bỏ lại gian phòng, những bức tranh
Cái máy hát cũ
Tập apollinaire dịch giở
Quảng Trị mùa gió Lào
Cuộc chiến còn dai dẳng
Hai bên chĩa súng vào nhau
Tuổi trẻ buồn, những chuyến đi, bao câu hỏi không lời giải
Đất nước mênh mông nắng cháy
Mai Nguyễn mặc áo lính, khoác ba-lô
Khánh xuôi về Phòng, mình ở lại
Người ra đi không biết đi làm gì
Người ở lại không biết ở lại làm gì
Đêm mưa thức với nhau trong quán cà phê
Đốm thuốc cháy môi không nói.

Tinh mơ một thằng con giai râu rậm lên xe
Không cô gái nào vẫy theo
Ra tiễn chỉ có hai anh trông có vẻ dở người
Ngồi uống một ấm trà ở ngã tư chợ Hôm
Hẹn nhau viết thư rồi im lặng
Xe chạy Khánh bỗng vội vàng căn dặn:
“Đi đường cẩn thận
Gặp nơi ẩu đả phải tránh cho xa
Kẻo mang vạ vào thân”.

Chiếc xe khuất phố
Mây xám bay đầy trời.”

10. Tiếng Việt

“Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.

Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng
Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya
Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng
Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê.

Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa
Khi hun thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi
Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ
Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời.

“Đá cheo leo trâu trèo trâu trượt…”
Đi mòn đàng dứt cỏ đợi người thương
Đây muối mặn gừng cay lòng khế xót
Ta như chim trong tiếng Việt như rừng.

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.

Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận
Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta
Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất
Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già.

Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng
Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi
Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán
Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.

Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng
Cao quý thâm trầm rực rỡ vui tươi
Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người
Như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ.

Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ
Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay
Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay
Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt.

Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết
Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi
Như vị muối chung lòng biển mặn
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời.

Ai thuở trước nói những lời thứ nhất
Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu
Điều anh nói hôm nay, chiều sẽ tắt
Ai người sau nói tiếp những lời yêu?

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình…”

6 bài thơ tình của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh

Trong làng văn học Việt Nam, chuyện tình của nhà thơ của Lưu Quang Vũ và nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã trở thành một biểu tượng cho tình yêu đầy ngọt ngào và thơ mộng. Mối quan hệ này đã vượt qua điều tiếng và tồn tại suốt 15 năm. Tuy nhiên, tai nạn giao thông vào năm 1988 đã cướp đi mạng sống của đôi nghệ sĩ tài hoa đang ở đỉnh cao sáng tác, để lại cho đời và nền văn học Việt Nam vô vàn tiếc thương. 

nhà thơ lưu quang vũ và vợ xuân quỳnh

Để hiểu hơn về chuyện tình lãng mạn, đậm chất ngôn tình hiện thực này, hãy cùng đọc một số bài thơ của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh viết tặng cho nhau dưới đây: 

1. Và anh tồn tại (thơ Lưu Quang Vũ viết cho Xuân Quỳnh, năm 1976)

“Giữa bao la đường sá của con người
Thành phố rộng, hồ xa, chiều nổi gió
Ngày chóng tắt, cây vườn mau đổ lá
Khi tàu đông anh lỡ chuyến đi dài
Chỉ một người ở lại với anh thôi
Lúc anh vắng người ấy thường thức đợi
Khi anh khổ chỉ riêng người ấy tới
Anh yên lòng bên lửa ấm yêu thương
Người ấy chỉ vui khi anh hết lo buồn
Anh lạc bước, em đưa anh trở lại
Khi cằn cỗi thấy tháng ngày mệt mỏi
Em là sớm mai là tuổi trẻ của anh
Khi những điều giả dối vây quanh
Bàn tay ấy chở che và gìn giữ
Biết ơn em, em từ miền gió cát
Về với anh, bông cúc nhỏ hoa vàng
Anh thành người có ích cũng nhờ em
Anh biết sống vững vàng không sợ hãi
Như những nhà vườn, như người dệt vải
Ngày của đời thường thành ngày-ở-bên-em
Anh biết tình yêu không phải vô biên
Như tia nắng, chúng mình không sống mãi
Như câu thơ, chắc gì ai đọc lại
Ai biết ngày mai sẽ có những gì
Người đổi thay, năm tháng cũng qua đi
Giữa thế giới mong manh và biến đổi
“Anh yêu em và anh tồn tại”
Em của anh, đôi vai ấm dịu dàng
Người nhóm bếp mỗi chiều, người thức dậy lúc tinh sương

Em ở đấy, đời chẳng còn đáng ngại
Em ở đấy, bàn tay tin cậy
Bàn tay luôn đỏ lên vì giặt giũ mỗi ngày
Đôi mắt buồn của một xứ sở có nhiều mưa
Ngọn đèn sáng rụt rè trên cửa sổ
Đã quen lắm, anh vẫn còn bỡ ngỡ
Gọi tên em, môi vẫn lạ lùng sao.”

2. Thư viết cho quỳnh trên máy bay (thơ Lưu Quang Vũ viết cho Xuân Quỳnh, năm 1988)

“Có phải vì mười lăm năm yêu anh
Trái tim em đã mệt?
Cô gái bướng bỉnh
Cô gái hay cười ngày xưa
Mẹ của các con anh
Một tháng nay nằm viện.
Chiếc giường trắng, vách tường cũng trắng
Một mình em với giấc ngủ chập chờn
Thương trái tim nhiều vất vả lo buồn
Trái tim lỡ yêu người trai phiêu bạt
Luôn mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ, những ngọn lửa không có thật
Vẫn là gã trai nông nổi của em
Người chồng đoảng của em
15 mùa hè chói lọi, 15 mùa đông dài.
Người yêu ơi
Có nhịp tim nào buồn khổ vì anh?
Thôi đừng buồn nữa, đừng lo phiền
Rồi em sẽ khoẻ lên
Em phải khoẻ lên
Bởi ta còn rất nhiều dặm đường phải đi
Nhiều việc phải làm nhiều biển xa phải tới
Mùa hè náo động dưới kia
Tiếng ve trong vườn nắng
Và sau đê sông Hồng nước lớn
Đỏ phập phồng như một trái tim đau
Từ nơi xa anh vội về với em
Chiếc máy bay bay dọc sông Hồng
Hà Nội sau những đám mây
Anh dõi tìm: đâu, giữa chấm xanh nào
Có căn phòng bệnh viện nơi em ở?
Trái tim anh trong ngực em rồi đó
Hãy giữ gìn cho anh
Đêm hãy mơ những giấc mơ lành
Ngày yên tĩnh như anh luôn ở cạnh
Ta chỉ mới bắt đầu những ngày đẹp nhất
Vở kịch lớn, bài thơ hay nhất
Dành cho em, chưa kịp viết tặng em
Tấm màn nhung đỏ thắm
Mới bắt đầu kéo lên
Những ngọn nến lung linh quanh giá nhạc
Bao nỗi khổ niềm yêu thành tiếng hát
Trái tim hãy vì anh mà khoẻ mạnh
Trái tim của mùa hè, tổ ấm chở che anh.”

3. Trời trở rét (thơ Xuân Quỳnh viết cho Lưu Quang Vũ, năm 1983)

“Sao không cài khuy áo lại anh
Trời lạnh đấy, hôm nay trời trở rét
Gió nhiều quá phòng trở nên chật hẹp
Bụi mù ngoài đường phố ít người qua

Em từ nhà ra tới ngã tư
Gặp đèn đỏ trước hàng đinh thứ nhất
Chờ sang đường đèn xanh vừa bật
Em lại quay về, thành phố mùa đông

Em đi qua hiệu sách ngoại văn
Cô bán sách ngồi sau quầy lặng lẽ
Trong tủ kính sách nằm yên tĩnh thế
Nào ai hay bão táp ở từng trang

Đến hay là mặt nước hồ Gươm
Vừa xanh đấy như lòng người dễ hiểu
Trời trở gió, hồ trở nên mềm yếu
Nên đổi thay rồi một sắc ưu tư

Chỉ vui là những gánh hàng hoa
Rét nóng mặc thế nào hoa cũng nở
Hoa mỉm cười giễu người qua phố
Đang giấu trong áo ấm niềm lo

Em thấy mình cũng thật vẩn vơ
Lại đi thương cây bàng trước cửa
Cây dù nhỏ, gió dù gió dữ
Hết mùa này cây lại lên xanh

Sao không cài khuy áo lại anh
Trời lạnh đấy, hôm nay trời trở rét…”

4. Chỉ có sóng và em (thơ Xuân Quỳnh viết cho Lưu Quang Vũ, năm 1983)

“Đã xa rồi căn phòng nhỏ của em
Nơi che chở những người thương mến nhất
Con đường nắng, dòng sông trước mặt
Chuyến phà đông. Nỗi nhớ cứ quay về

Đêm tháng năm hoa phượng nở bên hè
Trang giấy trắng bộn bề bao ký ức
Ngọn đèn khuya một mình anh thức
Nghe tin đài báo nóng lại thương con

Anh yêu ơi, hãy tha lỗi cho em
Nếu đôi lúc giận hờn anh vô cớ
Những bực dọc trong ngày vất vả
Làm anh buồn mà em có vui đâu

Chỉ riêng điều được sống cùng nhau
Niềm sung sướng với em là lớn nhất
Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực
Giây phút nào tim đập chẳng vì anh

Một trời xanh, một biển tận cùng xanh
Và gió thổi và mây bay về núi
Lời thương nhớ ngàn lần em muốn nói
Nhưng bây giờ chỉ có sóng và em…”

5. Thời gian trắng (thơ Xuân Quỳnh viết cho Lưu Quang Vũ, năm 1988)

“Cửa bệnh viện, ngoài kia là quá khứ
Những vui buồn khao khát đã từng qua
Nào chỉ đâu những chuyện ngày thơ
Con đường gạch ao bèo hoa tím ngắt
Những ô ăn quan, que chuyền, bài hát
Những mùa hè chân đất, tóc râu ngô
Quá khứ em không chỉ ngày xưa
Mà ngay cả hôm nay thành quá khứ
Quá khứ của em ngoài cánh cửa
Gương mặt anh, gương mặt các con yêu…
Em ở đây không sớm không chiều
Thời gian trắng, không gian toàn màu trắng
Trái tim buồn sau lần áo mỏng
Từng đập vì anh vì những trang thơ
Trái tim nay mỗi phút mỗi giờ
Chỉ có đập cho mình em đau đớn
Trái tim này chẳng còn có ích
Cho anh yêu, cho công việc, bạn bè.
Khi cuộc đời trôi chảy ngoài kia
Thời gian trắng vẫn ngừng trong bệnh viện
Chăn màn trắng, nỗi lo và cái chết
Ngày với đêm có phân biệt gì đâu
Gương mặt người nhợt nhạt như nhau
Và quần áo một màu xanh ố cũ
Người ta khuyên “lúc này đừng suy nghĩ
Mà cũng đừng xúc động, lo âu”
Phía trước, phía sau, dưới đất, trên đầu
Dường trong suốt một màu vô tận trắng.
Muốn gánh đỡ cho em phần mệt nhọc
Tới thăm em, rồi anh lại ra đi
Đôi mắt lo âu, lời âu yếm sẻ chia
Lúc anh đến, anh đi thành quá khứ
Anh thuộc về những người ngoài cánh cửa
Của con đường, trang viết, câu thơ
Mùa vải thiều lại tới mùa dưa
Mùa hoa phượng chắc rơi hồng mái phố
Đường cuốn bụi bờ đê tràn ngập gió
Những phố phường lầm lụi với lo toan.
Dù cùng một thời gian, cùng một không gian
Ngoài cánh cửa với em là quá khứ
Còn hiện tại của em là nỗi nhớ
Thời gian ơi sao không đổi sắc màu.”

6. Hoa cúc xanh (thơ Xuân Quỳnh viết cho Lưu Quang Vũ, năm 1987)

“Hoa cúc xanh có hay là không có
Trong lầm lầy tuổi nhỏ của anh xưa
Một dòng sông lặng chảy từ xa
Thung lũng vắng sương bay đầy cửa sổ
Hoa cúc xanh có hay là không có
Một ngôi trường bé nhỏ cuối ngàn xa
Mơ ước của người hay mơ ước của hoa
Mà tươi mát mà dịu dàng đến thế
Cỏ mới mọc con chim rừng thơ bé
Nước trong ngần thầm thì với ngàn lau
Trái tim ta như nắng thuở ban đầu
Chưa chút gợn một lần cay đắng
Trên thềm cũ mùa thu vàng gió nắng
Đời yên bình chưa có những chia xa
Khắp mặt đầm xanh biếc một màu hoa
Hương thơm ngát cả một vùng xứ sở
Những cô gái da mịn màng như lụa
Những chàng trai đang độ tuổi hai mươi
Người yêu người, yêu hoa cỏ đất đai
Những câu chuyện xoay quanh mùa hái quả…
Hoa cúc xanh có hay là không có
Tháng năm nào ấp ủ thuở ngây thơ
Có hay không thung lũng của ngày xưa
Anh đã ở và em thường tới đó
Châu chấu xanh, chuồn chuồn kim thắm đỏ
Những ngả đường phơ phất gió heo may
Cả một vùng vương quốc tuổi thơ ngây
Bao mơ ước mượt mà như lá cỏ…
Anh đã nghĩ chắc là hoa đã có
Mọc xanh đầy thung lũng của ta xưa.

Anh giữ gìn sức khỏe, đừng uống thuốc nhiều, và mau về với em và các con. Nói với chị Mai là em vội nên không viết thư chưa tìm mua được mơ. Anh mua cho thằng Kít một đôi dép nhựa thật to, chân nó to lắm. Nếu anh đi rộng thì nó đi mới vừa.
Rất nhớ thương anh
Em đây.”

Xem thêm:

Ra đi khi tuổi đời còn trẻ nhưng những tác phẩm văn, thơ của Lưu Quang Vũ đã để lại một dấu ấn quan trọng, góp phần ảnh hưởng và làm giàu kho tàng thi ca – văn học Việt Nam. Sự xuất chúng của ông không chỉ được công nhận trong những năm 80 của thế kỷ XX – khi ông còn hoạt động sôi nổi – mà cho đến hiện tại, công chúng vẫn nhớ đến một Lưu Quang Vũ lãng mạn, nhạy cảm và tài hoa.


Thưởng thức trọn vẹn tác phẩm qua đường link mua sách phía dưới để ủng hộ DIMI BOOK tiếp tục tạo ra những nội dung chất lượng và phong phú nhé! Chân thành cảm ơn Quý độc giả đã yêu mến!

Nguồn thơ: https://www.thivien.net/

Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Xem sách chi tiết Gió Và Tình Yêu Thổi Trên Đất Nước Tôi - Tuyển Thơ tại đây

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *