Sách về tâm lý luôn được độc giả quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu về tâm lý giúp chúng ta hiểu hơn về bản thân mình cũng như tạo được mối quan hệ lâu dài, bền chặt với người thân, đối tác, nhân viên, lãnh đạo…
Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ đến bạn 5 cuốn sách về tâm lý học hay nhất để bạn dành thời gian tự trau dồi tri thức cho bản thân nhé.
NỘI DUNG BÀI VIẾT
1. Tâm lý học hài hước – tác giả Richard Wiseman
Đây là một trong những sách về tâm lý học khá hay mà tôi khuyên bạn nên mua về đọc để hiểu các vấn đề xung quanh cuộc sống hằng ngày. Cuốn sách là những câu chuyện về các thí nghiệm tâm lý học lý thú cùng với lối viết gần gũi, dễ hiểu sẽ khiến cho bạn quên đi sự khô khan vốn có của tâm lý học. Nội dung xoay quanh các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày nên bất kỳ ai cũng có thể đọc được.
Nếu bạn thường thắc mắc liệu ngày sinh, tên gọi…, hay yếu tố tâm linh, mê tín sẽ thật sự ảnh hưởng đến cuộc sống của con người như thế nào, thông qua lý giải đơn giản, bạn sẽ có được cái nhìn khách quan hơn về chính mình và hiểu hơn về tâm lý chung.
“Khoa học về những điều dị thường là gì, tại sao nó quan trọng, và những nghiên cứu bí mật về việc pha trà, sức mạnh của lời cầu nguyện, tính cách của trái cây, và sự khởi đầu của làn sóng người Mexico.
Từ rất lâu, tôi đã bị sự dị thường trong hành vi của con người mê hoặc.
Khi còn là sinh viên ngành tâm lý học, tôi từng ngồi hàng giờ ở nhà ga London’s King’s Cross để quan sát mọi người chờ gặp bạn đời của họ xuống tàu. Khoảnh khắc họ ôm ghì lấy nhau, tôi tiến đến, bấm đồng hồ bấm giờ được giấu trong túi áo khoác, và hỏi họ, “Xin lỗi, bạn có phiền không nếu tham gia vào một thí nghiệm tâm lý học? Bao nhiêu giây trôi qua kể từ khi tôi nói từ “Xin lỗi…?”. Kết quả tôi nhận được đã tiết lộ rằng mọi người đa phần đánh giá sai về quãng thời gian khi họ đang yêu, hoặc, như Einstein từng nói: “Ngồi bên một người phụ nữ đẹp thì một giờ chỉ như một phút, còn ngồi trên đống than nóng trong một phút thì tựa như cả một giờ – đó là tính tương đối.”
Tôi rất quan tâm đến những khía cạnh bất thường của tâm lý học. Tôi không phải là học giả đầu tiên bị cách tiếp cận nghiên cứu hành vi này thu hút. Mỗi thế hệ các nhà khoa học lại có một vài nhà nghiên cứu tập trung vào những điều kỳ lạ và bất thường.”
2. Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ – tác giả Trác Nhã
Cuốn sách nằm trong top sách tâm lý học hay nhất mọi thời đại sẽ giúp bạn lý giải vì sao thuật giao tiếp lại quan trọng quyết định thành công của một người.
Nói nhiều, nói lớn, nói phô trương liệu là cách tốt nhất thu hút lòng người? Tại sao giao tiếp quan trọng thế? Bí quyết giao tiếp hiệu quả nằm ở đâu? Các phương pháp nào trau dồi kỹ năng giao tiếp trong từng môi trường, trường hợp cụ thể?
Tất cả sẽ được giải đáp trong Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ. Sách được chia làm 3 phần với những nội dung chia sẻ cách để giao tiếp tốt nhất: Phần 1: Dám nói chuyện – Nắm vững kỹ năng giao tiếp; Phần 2: Kỹ năng giao tiếp với mỗi hoàn cảnh và đối tượng khác nhau; Phần 3: Nói năng khéo léo trong những tình huống khó xử
Học nói tốt sẽ dễ lấy được lòng thiên hạ, khi bạn hiểu và vận dụng đúng, bạn chắc chắn sẽ thành công trong các mối quan hệ và trong công việc.
3. Dám bị ghét – tác giả Koga Fumitake, Kishimi Ichiro
Cuốn sách tiếp theo tôi muốn chia sẻ trong danh sách 5 cuốn sách về tâm lý học hay nhất mọi thời đại là Dám bị ghét. Trong cuộc sống bạn có dũng cảm để người ta ghét mình? Thường chúng ta hay bị căng thẳng, áp lực khi có ai đó tỏ vẻ không thích mình, hoặc nặng hơn là ghét mình. Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ bị ghét?
Cuốn sách giúp bạn thêm yêu bản thân, tự tin vào quyết định quan trọng của chính mình, và thấy mình đáng được tôn trọng trong mọi hoàn cảnh, điều này sẽ giúp bạn thêm hạnh phúc và thành công hơn.
Đọc xong sách Dám bị ghét – cuốn sách hay về tâm lý học này sẽ giúp bạn đẩy lùi nỗi sợ hoàn cảnh, sợ đám đông, sợ sự ghét bỏ bởi người xung quanh, từ đó xây dựng sự tự tin cho bản thân.
Triết gia: Con người không sống trong thế giới khách quan mà sống trong thế giới chủ quan do chính mình tạo ra. Thế giới cậu đang thấy khác với thế giới tôi đang thấy, thêm nữa có lẽ là một thế giới khó có thể chia sẻ với bất kỳ ai khác.
Chàng thanh niên: Thầy nói vậy nghĩa là sao? Chẳng phải cả thầy và tôi đều đang sống trong cùng một thời đại, cùng một đất nước và cùng thấy những điều giống nhau sao?
Triết gia: Xem nào, trông cậu còn trẻ lắm, vậy cậu đã uống nước giếng vừa mới múc lên bao giờ chưa?
Chàng thanh niên: Nước giếng à? Thực ra thì đã khá lâu rồi, nhà bà tôi ở quê có một giếng nước. Uống nước giếng mát lạnh ở nhà bà vào những ngày hè nóng bức là một niềm vui lớn.
Triết gia: Có lẽ cậu cũng biết là nhiệt độ của nước giếng quanh năm ổn định ở mức 18 độ c. Đây là con số khách quan, ai đo cũng vậy. Nhưng nước giếng uống vào mùa hè, ta cảm thấy mát lạnh, còn uống vào mùa đông lại cảm thấy ấm áp. Nghĩa là dù nhiệt độ trên nhiệt kế luôn giữ ở mức 18 độ c nhưng cảm nhận vào mùa hè và mùa đông lại khác nhau.
Chàng thanh niên: Đó là ảo giác gây ra bởi sự thay đổi của môi trường.
Triết gia: Không, không phải là ảo giác. Đối với cậu lúc đó, nước giếng mát và ấm đều là sự thật không thể phủ nhận. Sống trong một thế giới chủ quan là như thế. Nhận định chủ quan rằng chúng ta “thấy như thế nào” là tất cả, và chúng ta không thể thoát khỏi nhận thức chủ quan của mình.
Bây giờ, thế giới trong mắt cậu là một mớ hỗn độn, phức tạp, kỳ quái. Nhưng, nếu bản thân cậu thay đổi, thế giới sẽ trở lại hình hài đơn giản. Vấn đề không phải thế giới như thế nào mà là cậu như thế nào.
Chàng thanh niên: Tôi như thế nào?
Triết gia: Đúng vậy. Có khi cậu đang nhìn thế giới qua cặp kính râm. Hiển nhiên thế giới nhìn qua đó phải u ám rồi. Vậy thì đừng rầu rĩ vì thế giới u ám nữa, chỉ cần bỏ kính râm ra là được.
Thế giới cậu thấy khi bỏ cặp kính râm ra có khi lại quá chói chang, khiến cậu buộc phải nhắm mắt lại, có khi khiến cậu lại muốn đeo kính vào. Dù vậy, cậu có dám bỏ luôn kính ra không? Cậu có dám nhìn thẳng vào thế giới này không? Cậu có cái can đảm đó không?
Chàng thanh niên: Can đảm ư?
Triết gia: Đúng vậy, đây là vấn đề can đảm.
Chàng thanh niên: … Thôi được rồi. Tôi có cả núi ý kiến phản bác nhưng có lẽ nên để sau. Tôi xin xác nhận lại là, thầy cho rằng “con người có thể thay đổi”? Và nếu tôi thay đổi, thế giới sẽ trở lại hình hài đơn giản của nó.
4. Tư duy nhanh và chậm – tác giả Danel Kahneman, đạt giải Nobel Kinh tế 2002
Một cuốn sách hay về tâm lý học rất đáng để mua và đọc. Cuốn sách bàn sâu về giới hạn của bộ não người khi sử dụng phương pháp tư duy nhanh.
Chúng ta nên biết được rằng não người hoạt động theo hai cơ chế, tư duy nhanh, mau lẹ, và tư duy suy tính kỹ càng, cần sự tập trung cao độ. Các thí nghiệm của tác tác đã chỉ ra được cơ chế hoạt động của não người khiến ta có những quyết định khó lý giải trong những việc xảy ra trong cuộc sống.
Cuốn sách đặc biệt đã giành được vô số giải thưởng danh giá: Sách khoa học hay nhất của Học viện Khoa học Quốc gia năm 2012, được tạp chí The New York Times bình chọn là sách hay nhất năm 2011, một trong những cuốn sách kinh tế xuất sắc năm 2011, chiến thắng giải thưởng cuốn sách được quan tâm nhất năm 2011 của tạp chí Los Angeles… Tư duy nhanh và chậm đáp ứng hai tiêu chí của một cuốn sách hay, thứ nhất nó thách thức quan điểm của người đọc, thứ hai, nó không phải là những trang sách với những con chữ khô cứng mà nó vô cùng vui nhộn và hấp dẫn. Không nghi ngờ gì nữa, đây là cuốn sách hàn lâm dành cho tất cả mọi người!
Sách tâm lý học hay ho này được chia làm 5 phần với các nội dung: Phần 1 – Hai hệ thống; Phần 2: suy nghiệm và sai lệch; Phần 3: Niềm tin thái quá; Phần 4: Những lựa chọn; Phần 5: Hai bản thể
5. Tâm lý học thành công – tác giả Carol S. Dweck
Cuốn sách cuối cùng trong 5 cuốn sách về tâm lý học hay nhất mọi thời đại mà tôi liệt kê trong bài viết này có tên Tâm lý học thành công.
Sách cho bạn sự hiểu biết về các yếu tố quan trọng nhất mang lại thành công trong công việc và cuộc sống của mỗi người. Tư duy luôn là tiền đề để bạn duy trì được mục tiêu, tạo động lực để thúc đẩy mình mỗi ngày, đặc biệt có tư duy bạn sẽ có được thành công hơn người.
Năng lực, trí tuệ có đầy nhưng tư duy kém, thiếu nhiều kỹ năng trong giao tiếp, phát triển bản thân, bảo thủ, sẽ khiến bạn khó có được thành công.
Tư duy mở, luôn ý thức được sự phát triển của bản thân để từ đó mang về nhiều giá trị cho chính mình, tự giúp mình thành công trên con đường mình chọn.
Bạn sở hữu loại tư duy nào? Tư duy cố định hay tư duy phát triển. Những người tư duy cố định thường cho rằng năng lực là cố định – và họ thường ít thành công hoặc khó duy trì sự thành công lâu bền còn những người có tư duy phát triển thì lại tin rằng năng lực có thể rèn luyện được.
Vậy tư duy có thay đổi được hay không và làm cách nào để thay đổi từ tư duy cố định sang tư duy phát triển? Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi, quyết tâm chấp nhận thử thách.
Tôi mong rằng 5 cuốn sách về tâm lý học hay nhất trong bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về mình, có được kiến thức để rèn luyện tư duy, năng lực của bản thân để đạt được mục tiêu cuối cùng của cuộc đời là thành công và hạnh phúc.