“Cổ học tinh hoa” được xuất bản đầu tiên từ năm 1926, liên tục được tái bản cho đến nay, đã khẳng định được giá trị triết lý và văn hóa sâu sắc. Cuốn sách này là kho tàng tri thức quý giá, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Nếu bạn là một người đam mê khám phá văn hóa cổ truyền Trung Hoa và Việt Nam thì “Cổ học tinh hoa” là lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn!

Cổ học tinh hoa: Nguồn cảm hứng cho cuộc sống tốt đẹp

“Cổ học tinh hoa” là tuyển tập những câu chuyện đạo lý, luân lý từ các tích xưa, sách kinh điển của Trung Hoa thời cổ, được hai vị học giả thâu lượm và biên soạn lại. Sách được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1926. Cho đến nay đã có nhiều phiên bản với hình thức trình bày và bổ sung khác nhau để đáp ứng thêm kiến thức cho nhu cầu tìm hiểu tinh hoa cổ học của độc giả Việt Nam.

Cổ học tinh hoa

Với tuyển tập gồm 250 câu chuyện ngắn, được chọn lọc từ các tác phẩm kinh điển như Khổng Tử tập ngữ, Ái Tử Xuân Thu, Hàn Thi ngoại truyện,… Được chọn dịch và biên soạn từ các tích xưa, phần lớn từ các sách kinh điển của Trung Hoa thời cổ. Mỗi câu chuyện nhỏ trong sách chứa đựng rất nhiều giá trị về triết lý sống từ đời xưa. Như các học về đạo đức, luân lý, giúp người đọc rèn luyện nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn.

Một số giá trị luôn sống mãi trong “Cổ học tinh hoa”

Qua cuốn sách “Cổ học tinh hoa”, độc giả sẽ được “ôn” lại những tinh túy cốt lõi của truyền thống văn hóa quý giá của Trung Hoa và Việt Nam, thông qua những câu truyện cổ giá trị ngàn đời. Về đạo làm người – thu thân, đạo đối nhân xử thế, đạo trung – hiếu – nghĩa- dũng, đạo vợ chồng,… Sau đây là một số truyện trong cuốn “Cổ học tinh hoa”:

Đạo hiếu

Hiếu kính cha mẹ là một truyền thống rất tốt đẹp và lâu đời của dân tộc Việt Nam chúng ta. Truyền thống đó từ xa xưa đã được giữ vững và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho đến ngày nay. Trong kinh tăng Chi đức Phật cũng có dạy rằng: “Này các tỳ kheo! Có hai người mà các thầy không thể nào đền ơn cho hết được, đó là cha và mẹ.”. Đối với bất thứ tình cảm nào rồi cũng nhạt phai với thời gian, chỉ có tình mẹ, cha thương con là ngàn năm bất tận. 

Cổ học tinh hoa 2023

Thầy Tử Lộ vào hầu đức Khổng Tử, nói rằng: – “Đội nặng đi đường xa thì tiện đâu nghỉ đấy, không đợi chọn chỗ, rồi mới nghỉ. Nhà nghèo, cha mẹ già, thì con làm nên thế nào, hay thế ấy, không đợi có quyền cao, chức trọng, mới chịu làm. Ngày trước Do này, lúc song thân còn, cơm thường đưa dưa muối, dường xa trăm dặm, phải đội gạo về nuôi song thân. Lúc song thân mất, làm quan ở nước Sở, xe ngựa hàng trăm, lương bổng hàng vạn, ăn những miếng  ngon, mặc những của tốt, mỗi khi nhớ đến song thân, lại muốn dưa muối, đội gạo để nuôi người như trước thì không sao được nữa! Cha mẹ già như bóng qua cửa sổ. Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, con muốn nuôi, mà cha mẹ không còn sống.

Đức Khổng Tử nói: “Do, nhà ngươi phụng sự song thân rất là phải. Lúc người còn thì hết lòng phụng dưỡng, lúc người mất, thì hết lòng thương tiếc.”

Gia Ngữ 

LỜI BÀN: Khi cha mẹ còn, hết lòng nuôi nấng, khi cha mẹ mất, hết lòng thương nhớ, đó thực là cái đạo hiếu của con đối với cha mẹ. Làm trái lại hẳn như thế là bất hiếu, mang một cái tội rất to! Làm trái lại một nửa như thế, “nghĩa là lúc cha mẹ còn, thì thờ ơ chểnh mảng, lúc cha mẹ mất thì nấu một mâm cao cỗ đầy, làm văn tế ruồi”, như thế cũng là bất hiếu, cho nên người con có hiếu, còn cha mẹ ngày nào, nên mừng ngày ấy, kíp ăn ở cho trọn đạo, chớ để đến lúc cha mẹ mất rồi, có hối lại cũng không sao được. Vì rằng làm con mà được còn có cha mẹ để báo đáp là một việc sung sướng ở đời, mà cũng là có duyên có phúc nữa.

Truyện “Người con có hiếu” trong “Cổ học tinh hoa”

Đạo Tu thân

Thấy người hay, thì phải cố mà bắt chước; thấy người dở thì phải tự xét xem có dở như thế không để mà sửa đổi. Chính mình có điều hay, thì phải cố mà giữ lấy; chính mình có điều dở, thì phải cố mà trừ đi. 

Người chê ta, mà chê phải, tức là thầy ta; người khen ta, mà khen phải, tức là bạn ta; còn người nịnh hót ta lại là người cừu địch hại ta vậy. Cho nên người quân tử trọng thầy, quí bạn và rất ghét cừu địch, thích điều phải mà không chán, nghe lời can mà biết răn… như thế dù muốn không hay cũng không được.

Kẻ tiểu nhân thì không thế. Cực bậy, mà lại ghét người chê mình; rất dở, mà lại thích người khen mình; bụng dạ như hổ lang, ăn ở như cầm thú, mà thấy người ta không phục, lại không bằng lòng; thân với kẻ siểm nịnh, xa cách kẻ can ngăn, thấy người chính trực thì cười, thấy người trung tín thì chê… Như thế thì dù muốn không dở cũng không được.

Tuân Tử

LỜI BÀN: Cái đạo tu thân rút lại chỉ có biết theo điều hay, biết tránh điều dở. Mà muốn tới cái mục đích ấy, thì không những là tự mình phải xét mình lại còn phải xét cái cách người ở với mình nữa. Đối với người, cần phải biết hai điều: Ai khen chê phải, khuyên răn hay, thì phục, thì bắt chước; ai chiều lòng nịnh hót, thì tránh cho xa, coi như quân cừu địch. “Nên ưa người ta khuyên mình hơn người ta khen mình” có như thế, thì mới tu thân được.

Truyện Tu thân trong “Cổ học tinh hoa”

Cổ học tinh hoa 2023

Đạo dạy con

Câu chuyện “Mẹ hiền dạy con”, một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất trong tập truyện “Cổ học tinh hoa”, kể về cách dạy con của bà mẹ Mạnh Tử. Bà nổi tiếng với cách dạy con hết sức sáng tạo và hiệu quả. Bà luôn chú trọng đến môi trường sống và cách ứng xử của con mình.

“Thầy Mạnh Tử, thuở nhỏ, nhà gần nghĩa địa, thấy người ta đào, chôn, lăn, khóc, về nhà cũng bắt trước đào, chôn, lăn khóc. Bà mẹ thấy thế nói: “Chỗ này không phải chỗ con ta ở được”. Rồi, dọn nhà ra gần chợ.

Thầy Mạnh Tử ở gần chợ, thấy người buôn bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước nô nghịch cách buôn bán điên đảo. Bà mẹ thấy thế, lại nói: “Chỗ này cũng không phải là chỗ con ta ở được”. Bèn dọn nhà đến ở cạnh trường học.

Thầy Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, cắp sách vở, về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép, cắp sách vở. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói: “Chỗ này là chỗ con ta ở được đây”.

Một hôm, thầy Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết lợn, về hỏi mẹ: “Người ta giết lợn làm gì thế?”. Bà mẹ nói đùa: “Để cho con ăn đấy”. Nói xong, bà nghĩ lại hối rằng: “Ta nói lỡ mồm rồi”. Con ta thơ ấu, trí thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng ra ta dạy nó nói dối hay sao? Rồi bà đi mua thịt lợn về cho con ăn thật.

Lại một hôm thầy Mạnh Tử đang đi học, bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi, trông thấy, liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, mà nói rằng: “Con đi học mà bỏ học thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy”.

Từ hôm đó thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần rồi về sau thành một bậc đại hiền. Thế chẳng nhờ có cái công giáo dục quý báu của bà mẹ hay sao?

Liệt Nữ Truyện

LỜI BÀN: Mẹ thầy Mạnh Từ thực là biết dạy con. Mấy lần dọn nhà, thế là hiểu cái lẽ gần mực thì đen gần đen thì rạng. Nói lỡ lời phải mua thịt cho con ăn, thế là hiểu cái lẽ chớ nên nói dối trẻ. Thấy nó bỏ học mà cầm dao cắt đứt tấm vải làm thí dụ, thế là hiểu cái lẽ học hành cốt phải chuyên cần. Người ta đã nói: người mẹ là thầy giáo thứ nhất của trẻ, nên người mẹ phải biết cách dạy trẻ mới được. Dạy con từ thuở còn thơ, cái buổi đầu là cái buổi khó, mà cái buổi ấy là ở trong tay người, người mẹ tức là người có trách nhiệm gia đình giáo dục rất to, không kém gì người cha, mà có lẽ hơn.

Truyện “Mẹ hiền dạy con” trong “Cổ học tinh hoa”

Câu chuyện “Mẹ hiền dạy con” là lời nhắc nhở cho các bậc cha mẹ về tầm quan trọng của việc giáo dục con cái. Cha mẹ cần quan tâm, dạy dỗ con từ nhỏ để con rèn luyện đạo đức, phẩm chất tốt đẹp.

Cổ học tinh hoa mới

Lòng cương trực

“Thôi Trữ là quyền thần nước Tề, định giết vua Trang Công, bèn hội họp sĩ phu lại ăn thề. Ai nấy đều sợ hãi, răm rắp vâng lời. Duy có Án Tử nghiễm nhiên như không nhất quyết không chịu thề.

Thôi Trữ bảo Án Tử: “Ngươi nghe ta. Ta lấy được nước thì ta cho một nửa. Nhược bằng không nghe, ta giết ngay lập tức.”

Lúc ấy, bốn mặt quân lính hầm hầm những muốn đưa gươm giáo ra đâm chém Án Tử. Chết đến nơi, mà Án Tử vẫn không biến sắc mặt, ung dung nói rằng: “Lấy lợi nhử người ta, mà bảo người ta phản bội quân thượng là bất nhân, lấy binh khí hiếp người ta mà làm người ta mất chí khí là bất dũng. Giết thì giết, ta đây không theo việc nhà ngươi làm.”

Thôi Trữ nghe nói, không dám làm gì Án Tử. Án Tử đứng dậy ung dung bước ra.

LỜI BÀN: Cường quyền thường muốn át công lý, tuy vậy công lý vẫn hay uốn được cường quyền. Thôi Trữ mạnh biết bao nhiêu, mà chỉ một câu nói của Án Tử cũng đủ làm cho phải lùi. Thế mới hay cái lòng người, cái lẽ phải có sức hơn là mũi gươm, ngọn giáo. Những người có lòng trung nghĩa, có tính cương quyết như Án Tử, cứng như sắt, đỏ tựa son, dù nguy cấp thế nào cũng không đổi đại tiết chính là những người giữ được công lý để đối phó với cường quyền.”

Truyện “Lòng cương trực” trong “Cổ học tinh hoa”

Nghiền ngẫm những câu chuyện trong sách “Cổ học tinh hoa” sẽ giúp ta trồng cho mình một cái gốc đạo đức vững chắc, giúp ta đối nhân xử thế khéo léo, đối với vợ chồng vẹn toàn và dạy con nên người thuận lợi.

Xem thêm:

Những giá trị không bao giờ xưa cũ trong “Cổ học tinh hoa” như những bài học để bạn tự “răn mình”. Vừa đón nhận những kiến thức tiên tiến của thời đại công nghệ, vừa giữ được những bản chất tốt đẹp của văn hóa truyền thống, ấy chính là người hiện đại thông thái.


Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “DIMI BOOK” hoặc “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Xem sách chi tiết Cổ Học Tinh Hoa tại đây

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ZaloGọi điệnFacebook