Sử ký Tư Mã Thiên là tác phẩm kinh điển viết về dòng chảy lịch sử Trung Hoa. Sử ký của Tư Mã Thiên đã đặt nền móng cho lịch sử Trung Quốc bên cạnh các tác phẩm văn học sử khác là Đông Chu liệt quốc, Tam quốc diễn nghĩa. Sách Sử ký là bộ thông sử đầu tiên của Trung Quốc cổ đại. Cuốn sách này lưu giữ, chỉnh lí lại các tư liệu lịch sử – văn hóa vô cùng phong phú trong hơn ba ngàn năm từ thời Ngũ đế vốn có trước sử cho tới giữa thời Tây Hán.

Đại sử gia Tư Mã Thiên

Tư Mã Thiên, tên tự là Tử Trường, sinh năm 145 trước Công nguyên, ở Long Môn hay là huyện Hàn Thành, tỉnh Thiểm Tây. Tổ tiên của ông từ đời Chu đã làm Thái sử. Tư Mã Thiên sống thời thơ ấu ở Long Môn, cày ruộng, chăn cừu, làm bạn với những người nông dân bình thường, và học các sách sử cổ. Lên mười tuổi, ông đã học Tả Truyện, Quốc Ngữ, Thế bản và thuộc lòng hầu hết những bài văn nổi tiếng của thời trước.

Nguồn Internet

Năm Tư Mã Thiên hai mươi tuổi, ông bảo con lên đường đi du lịch để xem tận mắt những nơi sau này Tư Mã Thiên sẽ phải viết sử. Có thể nói trừ miền Quảng Đông, Quảng Tây, còn từ Vân Nam, Tứ Xuyên cho đến Vạn Lý Trường Thành, ở đâu cũng có vết chân của ông. Ông là một trong những nhà du lịch lớn nhất của Trung Cổ. Những cuộc du lịch đã cung cấp cho ông vô số tài liệu, truyền thuyết, giúp ông thấy được thái độ của nhân dân đối với những nhân vật, những biến cố lịch sử và cho ông rất nhiều chi tiết điển hình về đời sống từng người trong lúc còn hàn vi.

Ông cũng là người đầu tiên viết một quyển thông sử bao gồm mọi mặt của xã hội. Ông đã tổng kết văn hoá Trung quốc lần thứ hai sau Khổng Tử và xứng đáng với lời khen của Quách Mạt Nhược “công lao của Tư Mã Thiên so với Khổng Tử không hơn không kém”. 

Sử ký Tư Mã Thiên – Tác phẩm văn hóa & lịch sử nổi tiếng xuyên suốt hơn 2000 năm

Sử ký, hay Thái sử công thư là cuốn sử của Tư Mã Thiên được viết từ năm 109 TCN đến 91 TCN. Cuốn sách này ghi lại lịch sử Trung Quốc trong hơn 2500 năm: từ thời Hoàng Đế thần thoại tới thời Tư Mã Thiên sống. Sử Ký của Tư Mã Thiên là văn bản lịch sử Trung Quốc có hệ thống đầu tiên, nó ảnh hưởng cực lớn tới việc chép sử và văn chương Trung Quốc sau này.

Bộ Sử ký được chia thành 5 phần,130 thiên khác nhau: Bản kỷ, Biểu, Thư, Thế gia và Liệt truyện.

1. “Bản kỷ”

Bản kỷ bao gồm 12 quyển đầu tiên của Sử ký, và phần lớn là khá tương tự với các ghi nhận từ các truyền thống biên niên sử của triều đình Trung Hoa cổ đại. Chẳng hạn như Xuân Thu. Năm quyển đầu tiên hoặc là mô tả những giai đoạn như Ngũ Đế hoặc là từng triều đại riêng, chẳng hạn như Hạ, Thương và Chu. Bảy quyển còn lại ghi lại tiểu sử của từng vị vua nổi tiếng, khởi đầu từ hoàng đế đầu tiên của nhà Tần cho đến những hoàng đế đầu tiên của nhà Hán. Trong thiên này, Tư Mã Thiên cũng cho vào tiểu sử những người cai trị thực tế của Trung Quốc, chẳng hạn như Hạng Vũ và Lã hậu, cũng như các nhà cai trị chưa bao giờ nắm quyền lực thực sự như Sở Nghĩa Đế và Hán Huệ Đế.

2. Biểu

Quyển 13-22 là “Biểu”, xây dựng bảng thời gian các sự kiện quan trọng. Chúng cho thấy các triều đại, sự kiện quan trọng và bản phả hệ của dòng dõi hoàng gia, mà Tư Mã Thiên nói rằng ông đã viết chúng vì “biên niên sử rất khó để theo dõi khi có quá nhiều dòng phả hệ khác nhau tồn tại cùng một lúc. Mỗi bảng trừ cái cuối cùng bắt đầu với một giới thiệu về giai đoạn mà nó mô tả.

Biểu được thể hiện bằng các bảng biểu lớn, có một trục là thời, một trục là địa điểm với các nhân vật, sự kiện được xếp cột, chia ô. Nhìn vào các bảng biểu này, độc giả xác định được sự kiện đó xảy ra ở đâu, vào thời điểm nào, cùng lúc đó đang có những điều gì khác xảy ra ở xung quanh một cách trực quan và dễ hiểu. Biểu giúp độc giả sàng lọc dữ kiện để tạo nên một hệ thống tra cứu đồ sộ, dễ dàng tìm thấy thông tin cần thiết ở những giai đoạn lịch sử phức tạp. 

3. Thư

“Thư” là phần ngắn nhất trong năm thiên của Sử ký, bao gồm tám quyển (23-30) nói về lịch sử phát triển của nghi lễ, âm nhạc, sáo, lịch, thiên văn học, hiến tế, sông ngòi, đường thủy, và quản trị tài chính.

4. Thế gia

“Thế gia” là phần dài lớn thứ hai trong năm thiên của Sử ký và bao gồm các quyển 31 đến 60, chiếm 23% tác phẩm. Trong phần này, các quyển trước là rất khác về nội dung so với các quyền sau. Nhiều quyển đầu tiên là biên niên về những nước chư hầu nổi bật nhất của nhà Chu, chẳng hạn như Tần và Lỗ. 

5. Liệt truyện

“Liệt truyện” là phần dài nhất trong năm thiên của Sử ký và bao gồm các quyển từ 61 đến 130, chiếm đến hơn 54% tác phẩm. 70 thiên “Liệt truyện” chủ yếu chứa hồ sơ tiểu sử của khoảng 130 người Trung Quốc cổ đại nổi bật. Từ Bá Di ở cuối cuối thời nhà Thương đến một số nhân vật sống cùng thời với Tư Mã Thiên.

Khoảng 40 quyển được dành riêng cho một nhân vật, một số là về hai nhân vật có liên quan đến nhau, còn lại là những nhóm nhỏ các nhân vật chia sẻ những vai trò nhất định, chẳng hạn như sát thủ, quan lại hoặc các học giả Khổng giáo.

Không giống như hầu hết các tiểu sử hiện đại, các ghi chép trong “Liệt truyện” dùng giai thoại để miêu tả đạo đức và nhân cách, do đó “mô tả sống động nhiều loại người khác nhau và về thời đại mà họ đang sống. “Liệt truyện” được phổ biến trong suốt lịch sử Trung Quốc, đã cung cấp một số lượng lớn các khái niệm vẫn được sử dụng bởi người Trung Quốc hiện đại.

Vì là bộ sách ghi chép sử đầy đủ đầu tiên còn lưu truyền lại, cuốn sách Sử ký Tư Mã Thiên là tư liệu cho rất nhiều người sau này sử dụng, đặc biệt nở rộ các tác phẩm dựa lịch sử viết vào thời nhà Minh-Thanh. Tại Việt Nam, cuốn sách Sử ký được dịch thành nhiều bản khác nhau theo các năm nhưng vẫn chưa đầy đủ. Đa phần các bản dịch đều thiếu phần văn bản quan trọng có giá trị xương sống cho toàn bộ tác phẩm là phần Biểu và Thư. 

Phần Biểu được cho là kém hấp dẫn trong mắt độc giả bởi vì khô khan, khó đọc, không có giá trị văn học. Vì vậy, hầu hết các dịch giả đều loại bỏ phần này. Tuy nhiên, mới đây dịch giả Nguyễn Đức Vịnh đã chuyển ngữ đầy đủ theo nguyên văn và tái hiện thành công phần Biểu trong ấn bản Sử ký của mình do NXB Văn Học phát hành. 

ĐẶT MUA SÁCH

Xem thêm:

Tác phẩm Sử ký Tư Mã Thiên là một tác phẩm lịch sử, văn hóa quý báu về giá trị và đồ sộ về nội dung. Đòi hỏi độc giả không chỉ đọc một lần mà phải đọc nhiều lần để hiểu hết được ý nghĩa mà tác giả muốn truyền đạt. Đối với những ai yêu thích nghiên cứu về lịch sử thì Sử ký là cuốn sách không thể bỏ qua.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *