Mình từng đọc được một bài viết thế này: “tại sao tôi chỉ muốn có một cuộc đời bình thường như bao người khác thôi nhưng số phận lại khốn khổ thế này?” Nếu bạn cũng từng có suy nghĩ như vậy, thì đoạn trích sau trong Tìm mình rồi lại sửa mình có phải là điều bạn vẫn luôn mơ ước?
“Tài chính của gia đình tôi không gọi là đại gia nhưng không quá thiếu thốn. Nhìn chung, khi muốn mua cho bản thân và gia đình thứ gì tôi không cần phải đắn đo quá nhiều. Nhà chúng tôi mặt phố, không thuộc trung tâm nhưng là một căn nhà khá lớn ở một con đường sầm uất. Ba mẹ ruột của tôi sống trong một căn nhà khá khang trang tại quê do chúng tôi mua. Cả hai ông bà đang tận hưởng những ngày bình lặng của tuổi già. Thỉnh thoảng tôi đưa các con về quê thăm ông bà và ngược lại, ba mẹ tôi cũng lên thăm con, cháu một vài lần trong năm.”
Nếu phải, vậy để mình nói bạn biết đây là cuộc sống bình thường mà cô gái Võ Phượng My đã đánh đổi bằng rất nhiều nước mắt và tuổi hờn.
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Võ Phượng My trong Tìm mình rồi lại sửa mình
Tìm mình rồi lại sửa mình là hành trình lột lớp vỏ hành đầy đau đớn nhưng cũng rất đáng quý của Võ Phượng My.
Sau những biến cố lớn nhỏ, cô ấy nhận ra mọi bất hạnh, đau khổ trong đời đều do suy nghĩ của mình mà ra. Thế là cô quyết định thay đổi bằng cách kết nối lại với bản thân để lắng nghe tiếng nói nội tâm của chính mình.
Quyển sách có 3 phần:
Chương 1: Câu chuyện của tôi
Chương này tác giả kể về câu chuyện nghịch cảnh của cô, khó khăn từ gia đình, niềm tin hạn hẹp được dạy bảo từ ba mẹ, chấp nhận làm công việc không yêu thích vì tiền, vấn đề hôn nhân và nuôi dạy con cái.
Chương 2: Tìm mình trong những tư duy mới
Khi phát hiện vấn đề đến từ trong chính niềm tin giới hạn của bản thân, cô quyết định tìm lại mình trong những tư duy mới như lập trình lại thái độ sống và chấp nhận bản thân không hoàn hảo.
“Phép màu nào đã thay đổi cục diện giúp cuộc sống chúng tôi tốt hơn?!” Chẳng có phép màu nào cả, thật sự chẳng có một vị thần thánh nào đã ra tay cứu giúp gia đình tôi trong những ngày cùng cực. Chính tôi đã thay đổi góc nhìn về biến cố này và chọn sống với thái độ biết ơn.”
Chương 3: Sửa mình trong những vai trò mới
Vai trò của Võ Phượng My là mẹ, là vợ. Trong chương này, cô kể lại quá trình lấy lại kết nối với con, nuôi con trong chánh niệm, v.v..
Bạn và tôi trong Tìm mình rồi lại sửa mình
Nếu bạn cũng từng giống tác giả, loay hoay trong cuộc hành trình tìm mình, muốn thay đổi nhưng không biết phải thay đổi cái gì, thay đổi như thế nào, hãy để cô ấy đồng hành cùng bạn trong cuộc hành trình sửa mình thông qua Tìm mình rồi lại sửa mình.
“Khóa học” Tìm mình rồi lại sửa mình có phải là một cuộc đầu tư đáng giá và đáng tin không?
Những kiến thức và thông tin trong cuốn sách này không chỉ là trải nghiệm của riêng bản thân tác giả mà còn là kiến thức cô thu nhặt được từ hàng chục khóa học phát triển bản thân mà tác giả tham gia trong suốt 10 năm qua. Do đó, bạn có thể tin tưởng đây là một cuộc đầu tư đáng giá.
Giống như khi còn ngồi trên ghế nhà trường, “khóa học Tìm mình rồi lại sửa mình” cũng có phần bài học và bài tập. Tuy nhiên bài tập đó là để chứng minh cái đúng của phần bài học, còn bài tập này là để giúp bạn tìm mình, khám phá ra vấn đề của bản thân. Bài học của Võ Phượng My sẽ giúp bạn sửa mình bằng thông tin từ các cuộc nghiên cứu (rất thuyết phục), và trải nghiệm từ chính vấn đề của tác giả như cách cô vượt qua thế nào, ví dụ về những câu chuyện của người khác.
Lưu ý khi làm bài tập:
Bạn nên làm bài tập trước để “tìm mình,” khám phá những thiếu sót trong tư duy của bản thân, rồi phần bài học của Võ Phượng My sẽ giúp bạn “sửa mình,” hoàn thiện bản thân.
Để đạt kết quả tốt nhất sau khóa học, khi làm bài tập bạn đừng ngần ngại thể hiện con người thật của bản thân, đừng phủ nhận cảm xúc tiêu cực vì xấu hổ. Bạn cứ thoải mái thể hiện ra những suy nghĩ của mình vì tác giả, người viết cuốn sách này cũng có những cảm xúc ấy. Ví như cô ấy từng ghen tỵ với những người thành công đến độ hủy theo dõi họ.
Khuyết điểm của quyển sách
Thỉnh thoảng tác giả dùng từ liên quan đến Phật giáo như nghiệp quả, cõi vô thường, chánh niệm, bản chất như nhiên, vô minh. Nó khiến quyển sách trở nên khó tiếp cận, không gần gũi với những người không theo đạo giáo này như mình. Nhưng chính khuyết điểm đó giúp người đọc theo đạo Phật có sự đồng cảm sâu sắc hơn với tác giả.
Khi chưa đọc xong quyển sách này, mình nghĩ nó không thu hút vì mình không rơi vào cảm giác “chìm đắm” trong câu chuyện. Tuy nhiên, khi đọc đến phần “trúng tim đen,” mình lại thấy quyển sách khá thú vị vì tác giả khai thác rất sâu vấn đề. Ví dụ, mình không hứng thú lắm ở phần tác giả nói về vai trò làm vợ, làm mẹ của bản thân vì mình chưa lập gia đình và sinh con. Nhưng khi đọc đến phần gia đình, mối quan hệ giữa ba mẹ và con cái, sự thừa hưởng những nỗi đau không mong muốn từ thế hệ trước, rồi áp đặt lên con cái của mình, bản thân bỗng thấy đau nhói. Đây có lẽ bắt nguồn từ sự được đồng cảm một cách sâu sắc, và bị nói trúng tim đen.
“Con chỉ đánh thức những khuôn mẫu chúng ta đã sao chép từ thế hệ trước.”
“Càng hiểu rõ về bản thân, chúng ta càng dễ bắt gặp những tình huống mà trước đây chúng ta từng là nạn nhân.”
Có lẽ mỗi khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, đau khổ, thất bại nào đó, bạn nghĩ một cuốn sách hay một ai đó có thể giúp bạn đưa ra giải pháp cụ thể thì có ích hơn rất nhiều một “khóa học” như Tìm mình rồi lại sửa mình để tìm về bản thân (nghe có vẻ chả liên quan gì.)
Vậy bạn thử nghĩ xem ai hiểu rõ hơn bản thân vấn đề của chính bạn? Ai có quyền đưa ra quyết định cuối cùng và ai sẽ chịu trách nhiệm đó? Tất cả đều là bạn. Bạn mới là người phải đối mặt với đau khổ đó, bạn là người đưa ra quyết định cuối cùng, bạn là người chịu trách nhiệm cho quyết định của mình. Do đó, việc kết nối với nội tâm, thay đổi cách nhìn của bản thân là điều tốt nhất bạn có thể làm cho nghịch cảnh của mình. Nếu đã hiểu rõ giá trị của quyển sách này, bạn có thể đặt mua nó ở đây. Trường hợp bạn đang tìm sách liên quan đến chủ đề làm mẹ, làm vợ, hay mối quan hệ với con cái như vai trò của Võ Phượng My, bạn có thể tham khảo quyển Hành trình làm mẹ hạnh phúc.