Thuở bé, bạn đã từng mơ về một thế giới kỳ diệu nơi có chú mèo biết nói, mọi vật xung quanh đều có linh hồn và chơi với bạn không?

Tác giả Lewis Carroll đã biến ước mơ đó thành hiện thực trong cuốn Alice ở xứ sở thần tiên. Đây là tựa sách không chỉ mở ra cho trẻ thơ một chuyến phiêu lưu vào thế giới đầy sự tự do và sáng tạo, mà còn giải phóng tâm hồn người lớn khỏi bị “giam cầm” trong thế giới hiện thực đầy “hẹp hòi”. Kể từ lần đầu xuất bản năm 1865, Alice ở xứ sở thần tiên luôn làm động lòng biết bao tâm hồn độc giả khát.

Lewis Carroll – Người mở ra thế giới tưởng tượng tràn ngập yêu thương cho trẻ em

Alice ở xứ sở thần tiên (tên tiếng Anh: Alice’s Adventures in Wonderland, tên tiếng Việt khác là Alice ở xứ sở diệu kỳ) là tựa sách thiếu nhi được sáng tác bởi Lewis Carroll (1832-1898), tên thật Charles Lutwidge Dodgson. Ông không chỉ là một nhà văn xuất sắc mà còn là một nhà toán học và diễn giả tại Đại học Oxford. Sinh ra ở Daresbury, Anh, Tác giả truyện Alice ở xứ sở thần tiên Lewis Carroll để lại dấu ấn không phai trong lòng độc giả với tác phẩm sách thiếu nhi Alice ở xứ sở thần tiên.

Lewis Carroll (1832-1898), tên thật Charles Lutwidge Dodgson.
Nguồn: Internet

Không dừng lại ở tác phẩm này, ông vẫn còn các tác phẩm văn học đáng chú ý khác như:

  • Through the Looking-Glass, and What Alice Found There (Alice ở xứ sở trong gương) (1871) được xem là Alice ở xứ sở thần tiên phần 2. Nó cũng đưa độc giả vào một cuộc phiêu lưu mới và kỳ ảo với những nhân vật độc đáo như Tweedledee và Tweedledum.
  • The Hunting of the Snark (Săn Lùng Chú Snark) (1876) là một bài thơ hài hước về chuyến phiêu lưu với các nhân vật kỳ lạ và đi tìm một sinh vật huyền bí gọi là “Snark.” Bài thơ này có phong cách và ngôn ngữ đặc sắc của Carroll.
  • Cuốn tiểu thuyết Sylvie and Bruno (Sylvie và Bruno) (1889) được chia làm hai phần, kết hợp giữa câu chuyện cho trẻ em và những phần thảo luận triết học và xã hội phức tạp. 

Sự nức tiếng của Alice ở xứ sở thần tiên

Vào cuối thế kỷ 19, Walter Besant đã viết rằng Alice ở xứ sở thần tiên “là một cuốn sách thuộc loại cực kỳ hiếm và sẽ thuộc về tất cả các thế hệ mai sau cho đến khi ngôn ngữ này trở nên lỗi thời”.

Không có câu chuyện nào trong văn học Anh hấp dẫn tôi hơn Alice in Wonderland của Lewis Carroll . Nó mê hoặc tôi ngay lần đầu tiên tôi đọc nó khi còn là một cậu học sinh.

—  Walt Disney trên tờ The American Weekly , 1946.

Tác phẩm Alice ở xứ sở thần tiên của nhà văn Lewis Carroll là một trong những câu chuyện ăn khách và có tầm ảnh hưởng trong ngành sách thiếu nhi và điện ảnh. Có đến hơn 20 bộ phim hoạt hình và điện ảnh được chuyển thể từ câu chuyện này, xuyên suốt từ năm 1903 cho tới nay. Điều này thể hiện sự yêu mến của khán giả dành cho tác phẩm này luôn nguyên vẹn, đồng thời nội dung về câu chuyện thế giới thần tiên sẽ luôn là hành trình phiêu lưu diệu kỳ cho mọi thế hệ trẻ em trong tương lai.

Tác phẩm Alice ở xứ sở thần tiên
Nguồn: Internet

Alice ở xứ sở thần tiên đã nhận được những đánh giá tích cực khi phát hành và hiện là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học Victoria. Văn học Victoria là văn học Anh dưới thời trị vì của Nữ hoàng Victoria (1837–1901). Thế kỷ 19 được một số người coi là Thời kỳ hoàng kim của văn học Anh, đặc biệt là đối với tiểu thuyết Anh.

Chưa bao giờ hết bản in, Alice ở xứ sở thần tiên đã được dịch sang 174 thứ tiếng. Di sản của tác phẩm này trải khắp các thể loại từ sách văn học cho tới các bản chuyển thể cho màn ảnh, đài phát thanh, nghệ thuật, múa ba lê, opera, nhạc kịch, công viên giải trí, trò chơi trên bàn và trò chơi điện tử. Tác giả Carroll xuất bản phần tiếp theo của nó vào năm 1871 với tựa đề Through the Looking-Glass và một phiên bản rút gọn dành cho trẻ nhỏ, The Nursery “Alice” vào năm 1890.

Vào năm 2015, Robert Douglas-Fairhurst trên tờ The Guardian đã viết,

Kể từ lần xuất bản đầu tiên của Cuộc phiêu lưu của Alice ở xứ sở thần tiên cách đây 150 năm, tác phẩm của Lewis Carroll đã tạo ra cả một ngành công nghiệp, từ phim ảnh và trò chơi trong công viên giải trí cho đến các sản phẩm như trang phục Alice “dễ thương và ngổ ngáo” (“không bao gồm váy lót và tất”). Cô bé có khuôn mặt trống rỗng nổi tiếng nhờ những bức tranh minh họa gốc của John Tenniel đã trở thành một vết mực văn hóa mà chúng ta có thể diễn giải theo bất kỳ cách nào chúng ta muốn.

– Wikipedia

Tóm tắt truyện Alice ở xứ sở thần tiên – Hành trình đầy kinh ngạc cho trẻ nhỏ

Tác phẩm Alice ở xứ sở thần tiên
Nguồn: Internet

Bước vào câu chuyện là hình ảnh cô bé Alice mười tuổi đang cảm thấy vô cùng nhàm chán vì chả có gì để làm trong chuyến dã ngoại. Chị của Alice thì đọc sách nhưng Alice có khoái sách đâu. So với việc ngồi im đọc sách cô bé cảm thấy hái hoa rồi tết vòng hoa từ những đóa hoa đó thì thú vị hơn nhiều.

Ai có ngờ, chuyến phiêu lưu thú vị thật sự của Alice bắt đầu khi cô nhìn thấy một chú thỏ trắng chạy ngay qua cánh đồng hoa đó. Ờ thì thỏ cũng thường thôi, vậy một chú thỏ mặc áo gi-lê, tay cầm đồng hồ quả quýt, miệng  kêu lên “Ôi trời ơi! Ôi trời ơi! Tôi sẽ bị quá muộn mất thôi” thì sao nhỉ?

nội dung truyện Alice ở xứ sở thần tiên
Nguồn: Internet

Đằng sau sự háo hức không thể cưỡng lại với những điều thú vị như những đứa trẻ khác, Alice phải chạy theo chú thỏ ta, rồi nhảy luôn vào một cái giếng dù nó sâu ơi là sâu. Sau sự háo hức lúc nhìn thấy chú thỏ trắng bận đồ chạy lướt qua cánh đồng hoa, Alice được chứng kiến nhiều điều thú vị hơn ở dưới cái giếng ấy.

Ví du như: chú chuột hoảng sợ đang bơi trong cái ao nước mắt của Alice, chú mèo Cheshire biết cười, tiếng lách cách của những tách trà chạm vào nhau, cùng những con vật kỳ lạ ăn một bữa ăn không bao giờ kết thúc, giọng nói the thé chói tai của hoàng hậu Cơ khi ra lệnh chém đầu những người xấu số, con lợn nằm trên đầu gối nữ công tước và hắt hơi liên tục, tiếng thét inh ỏi của con sư tử đầu chim, tiếng những con chuột lang bị trấn áp, và tiếng nức nở từ xa của Giả Ba Ba khốn khổ.

nội dung truyện Alice ở xứ sở thần tiên

Trước sự chào đón và vô vàng những điều đáng kinh ngạc mà thế giới trước đây của cô bé chưa hề nhìn thấy, Alice sẽ bắt đầu hành trình khám phá kỳ diệu của mình. Lewis Carroll đã hoàn hảo vẽ ra thế giới mà bất kỳ trẻ em nào cũng ao ước và tò mò trong cuốn sách Alice ở xứ sở thần tiên. Một thế giới mà nơi mà mọi trẻ em được thỏa sức bay bổng với trí tưởng tượng của mình. Cuốn sách này vừa là một câu chuyện giải trí, nhưng đồng thời cũng mang giá trị giáo dục cao cho các độc giả nhí.

Ý nghĩa của truyện Alice ở xứ sở thần tiên đối với mọi đôc giả

Có người nói, người lớn thật phiền phức, cứ thích gán ghép ý nghĩa nào đó cho chuyến phiêu lưu vô cùng thú vị của Alice ở xứ sở thần tiên. Nó chỉ là một chuyến đi với nhiều điều kỳ thú đối với các em nhỏ thôi.  Nhưng khi người lớn đọc tác phẩm này một cách trọn vẹn, thật khó cho họ để bỏ qua các bài học ý nghĩa ở tầng sâu hơn.

Tự do và sự tưởng tượng

Alice lạc vào xứ sở thần tiên là nơi mọi thứ đều có thể xảy ra, vì thế giới đó không bị giới hạn bởi logic thông thường trong hiện thực. Ví như: Alice có thể thay đổi kích thước chỉ bằng cách ăn hay uống cái gì đó, cô bé có thể nói chuyện với loài vật xung quanh, đánh golf bằng chim hồng hạc và nhím. Điều này làm nổi bật sức mạnh của trí tưởng tượng trong tâm trí mỗi con người. Tác phẩm khích lệ cả trẻ em và người lớn mở rộng trí tưởng tượng của mình và tin vào khả năng không giới hạn của nó. Chắc chắn rằng, kể cả khoa học cũng chứng minh, khai phóng được trí tưởng tượng có thể chìa khóa mở ra bất kỳ cánh cửa dẫn đến thành công trong cuộc sống hiện nay – thời đại mà sự sáng tạo vô cùng quan trọng.

Sự hỗn loạn và đối lập

Alice ở xứ sở thần tiên thường xuyên xuất hiện các sự kiện hỗn loạn và đối lập. Chẳng hạn, cuộc thi đánh golf hỗn loạn đến nỗi mọi người không biết khi nào thì đến lượt mình đánh bóng, 2 quả bóng golf (nhím) thì đánh lộn với nhau, cây gậy đánh golf (chim hồng hạc) thì chạy sang bên kia vườn và còn cố bay lên một cái cây. Điều này giống như con người trong thế giới hiện thực luôn có thể rơi vào khó khăn, thử thách, tình huống ngoài dự đoán trong cuộc sống. Dù mọi chuyện có ra sao chúng ta cũng phải học cách đối mặt để thích ứng với những tình huống không thể dự đoán trước đó.

nội dung truyện Alice ở xứ sở thần tiên
Nguồn: Internet

Sự phê phán và yếu tố hài hước

Trong Alice ở xứ sở thần tiên, Lewis Carroll thường xuyên thêm các yếu tố hài hước và phê phán vào câu chuyện của mình. Ông châm biếm và phê phán xã hội thông qua những nhân vật kỳ quặc và tình huống không logic, chẳng hạn nhân vật đầy tính thống trị như nữ hoàng cơ. Bà ta chỉ có một cách duy nhất để giải quyết mọi vấn đề lớn nhỏ “Hãy chặt đầu nó!” mà không cần phân biệt đúng sai.

“Hoàng hậu thì lý sự rằng nếu lại có việc nào đó không được thực hiện thì ngay lập tức bà ta sẽ cho hành quyết tất cả mọi người, tất tật không chừa một ai (chính tuyên bố này đã phủ lên đám đông bầu không khí lo lắng ảm đạm).”

Yếu tố hài hước trong sách Alice ở xứ sở thần tiên nhấn mạnh sự vô lý và không nhất quán trong thế giới thần tiên này. Nó khuyến khích cách nhìn khác nhau của người đọc về thế giới, mở rộng khả năng tưởng tượng của họ.

Những nhân vật, tình huống tưởng chừng rất hài hước này lại đang phản ánh suy nghĩ về thế giới hiện thực đầy bất công xung quanh của tác giả.

Tìm kiếm và tự khám phá

Alice chính là hình ảnh đại diện cho khía cạnh tìm kiếm và tự khám phá. Ban đầu cô nhảy vào cái giếng đó chỉ vì tò mò thôi nhưng để có thể nhỏ lại để chui vừa cánh cửa cô phải tìm cách như ăn hay uống cái gì đó. Cô rơi vào cái bẫy của to ra và bé lại. Có lúc cô to ra quá cỡ cái cửa, có lúc cô nhỏ lại mà quên lấy chìa khóa trên bàn. Cuối cùng cô biết cầm sẵn một cái nấm trong tay để thay đổi kích thước cơ thể phù hợp với hoàn cảnh.

Xứ sở thần tiên thường đặt Alice vào những tình huống mới và thách thức. Cô bé cần tìm hiểu, thử nghiệm, và rút kinh nghiệm để có thể vượt qua những hoàn cảnh đó. Đây không chỉ là hành trình phát triển của riêng Alice mà còn là tấm gương cho chúng ta học tập để trở nên linh hoạt hơn trong các tình huống của cuộc sống.

Mất phương hướng và trưởng thành

Ý nghĩa truyện Alice ở xứ sở thần tiên với người lớn
Nguồn: Internet

Trong cuộc phiêu lưu của Alice trong Alice ở xứ sở thần tiên, đoạn đối thoại của cô và chú mèo Cheshire vô cùng kinh điển.

“- Tớ nên đi con đường nào bây giờ?

– Điều đó tùy thuộc vào việc cậu muốn đến đâu.

– Tớ thật sự chẳng quan tâm lắm về cái nơi mà mình muốn đến.

– Thế thì cậu cũng không cần quan tâm là nên đi đường nào! Một khi mà cậu đã không quan tâm đến cái nơi mà mình tới thì đi đường nào mà chẳng được!”

Dù vô tư, không hề lo sợ nguy hiểm gì đang chờ cô bé phía dưới cái giếng nhưng Alice cũng có lúc hoang mang, không biết mình nên đi hướng nào. Nếu bạn cũng có lúc như thế, chú mèo Cheshire có lời khuyên. Đi đường nào mà chả được chỉ là bạn sẽ không biết điều gì đang đợi mình ở đích đến thôi. Dù bạn không biết món quà bất ngờ phía cuối con đường là gì nhưng chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được điều gì đó trong quá trình đi như những bài học đáng quý mà Alice đã học được vậy.

ĐẶT MUA SÁCH

Xem thêm:

Hành trình khám phá của Alice ở xứ sở thần tiên là cuộc phiêu lưu kỳ thú của các bạn nhỏ, cũng là lời nhắc nhở đầy màu nhiệm dành cho người lớn. Trí tưởng tượng của chúng ta đã từng bùng nổ thế đó, khả năng thích nghi của chúng ta với khó khăn đã từng linh hoạt thế đó. Bạn còn nhớ chứ? Hãy để truyện cổ tích Alice ở xứ sở thần tiên gợi lên hình ảnh cảm xúc trẻ thơ mà bạn từng là.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *