Hoàng tử bé là một tác phẩm kinh điển vô cùng nổi tiếng dành cho thiếu nhi, được dịch ra hơn 300 ngôn ngữ và bán được hàng triệu bản trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, tác phẩm này cũng có nhiều phiên bản, gồm Hoàng tử bé song ngữ Anh – Việt, Pháp – Việt. Mặc dù nổi tiếng là cuốn sách dành cho trẻ em, nhưng nội dung Hoàng tử bé lại được bộ phận lớn độc giả thắc mắc với nội dung tương đối khó hiểu, ẩn chứa  nhiều thông điệp sâu sắc, liệu Hoàng tử bé có thật sự là sách thiếu nhi, dành cho trẻ em không?

“ Dành tặng LÉON WERTH

Tôi xin các em nhỏ thứ lỗi cho tôi vì đã dành tặng cuốn sách này cho một người lớn. Tôi có một lý do nghiêm túc: Người lớn này là người bạn tốt nhất mà tôi có trên đời. Tôi có một lý do khác nữa: Người lớn này có thể hiểu mọi thứ, kể cả những cuốn sách thiếu nhi. Tôi có một lý do thứ ba: Người lớn này đang sống ở Pháp, nơi ông phải chịu đói và chịu rét. Ông rất cần được an ủi. Nếu tất cả những lý do trên vẫn chưa đủ thì tôi rất muốn dành tặng cuốn sách này cho chú bé thời thơ ấu của người lớn đó. Tất cả người lớn ban đầu đều là trẻ con mà. (Nhưng ít người trong số họ còn nhớ về điều đó.) Vì vậy, tôi xin sửa lời đề tặng của mình như sau:

DÀNH TẶNG LÉON WERTH KHI CÒN LÀ MỘT CHÚ BÉ”

(Trích Lời đề tặng trong bản dịch Hoàng tử bé của Bùi Giáng 

Có lẽ ngay từ trong lời đề tặng tác giả đã trả lời sách Hoàng tử bé là tặng cho “trẻ em”, những đứa bé trong hình hài trẻ con chân chính và tất cả những con người từng là trẻ em. Đúng vậy, có người lớn nào chưa từng là trẻ em, có chăng họ chỉ quên thôi. Hoàng tử bé xuất hiện để nhắc trong cơ thể “người to xác”, họ đã và đang sống kỳ cục, lạ lùng như thế nào. Tác phẩm này cũng nhắc họ nhớ lại khi là trẻ em mình đã nghĩ gì, mơ gì, thái độ của mình đối với cuộc sống ra sao. Làm sao để giữ mãi một tâm hồn tuổi thơ bất kể chúng ta có lớn đến đâu, trải qua biết bao nẻo đường? 

Hoàng tử bé

Nguồn: Internet

Đôi nét về tác giả Antoine de Saint Exupéry

Hoàng tử bé được sáng tác bởi nhà văn Antoine de Saint Exupéry sinh ngày 29 tháng 6 năm 1990 tại Lyon, Pháp. Ông mất trong một nhiệm vụ không quân vào ngày 31 tháng 7 năm 1944 trên không, biển Địa Trung Hải, trong Chiến tranh thế giới thứ hai. 

Dù được biết đến là một nhà văn, một người phi công, và là một nhà thám hiểm người Pháp, nhưng tác giả Hoàng tử bé say mê sự nghiệp làm phi công của mình đến mức đưa hình ảnh công việc ấy vào rất nhiều tác phẩm văn chương của mình. , Trong đó tác phẩm Hoàng tử bé là nổi tiếng nhất. Chẳng hạn, chuyến bay thám hiểm qua sa mạc Sahara đã ảnh hưởng đến tác phẩm này của ông.

Về công việc viết lách, Antoine de Saint-Exupéry bắt đầu từ những bài viết ký sự về cuộc sống phiêu lưu hàng không, sau đó chuyển sang các tác phẩm văn học khác như: 

  • Southern Mail (Courrier Sud) (1929) là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Saint-Exupéry, kể về những cuộc phiêu lưu của các phi công chuyển phát thư ở miền Nam.
  • Night Flight (Vol de Nuit) (1931) kể về câu chuyện xoay quanh những phi công vận chuyển hàng hóa qua đêm và sự nguy hiểm của công việc đó.
  • Wind, Sand and Start (Terre des hommes) (1939) là tập hợp các bài viết của Saint-Exupéry, kể về cuộc sống và những cuộc phiêu lưu của ông như một phi công chuyển phát thư.
  • Flight to Arras (Pilote de guerre) (1942) là một bức tranh về trải nghiệm của tác giả trong Chiến tranh thế giới thứ hai khi ông phục vụ trong Không quân Pháp.

Cuộc gặp gỡ của Hoàng tử bé và người phi công

Cuộc gặp gỡ của Hoàng tử bé và người phi công

Nguồn: Internet

Cuốn sách Hoàng tử bé bắt đầu với nhân vật tôi – một phi công bị mắc kẹt ở sa mạc Sahara. Trong lúc ông đang cố gắng sửa chữa máy bay của mình, Hoàng tử bé đột nhiên xuất hiện và nhờ ông vẽ giúp một con cừu. Dù ban đầu cảm thấy phiền chán vì sự xuất hiện của kẻ lạ mặt kỳ cục, nhưng dần dà “kẻ lạ mặt đầy ung dung” này cũng đã thu hút được sự chú ý của ông. Hay nói chính xác hơn Hoàng tử bé thành công khơi dậy “cậu bé tôi”, một đứa trẻ hồn nhiên, đầy sự sáng tạo từng bị người lớn phủ nhận.

Sau đó, người phi công được Hoàng tử bé kể lại cuộc sống ở hành tinh của cậu và cuộc phiêu lưu qua các hành tinh. Những câu chuyện đơn giản được miêu tả và kể lại bằng ngôn từ trong sáng thơ mộng, vậy mà tác giả Hoàng tử bé có thể thành công truyền tải những thông điệp ý nghĩa và sâu sắc.

Ý nghĩa đằng sau cuộc phiêu lưu của Hoàng tử bé

Câu chuyện Hoàng tử bé tràn ngập các hình ảnh mang tính biểu tượng. Mỗi nhân vật, sự vật, sự kiện lại đại diện cho một khía cạnh xã hội và kiểu tính cách con người mà tác giả xây dựng để đưa thông điệp nhân văn của mình vào.

Thế giới hồn nhiên của trẻ thơ

Nếu Hoàng tử bé đại diện cho một thế giới trẻ thơ hồn nhiên đầy sự sáng tạo và những người cậu gặp trên các hành tinh đại diện cho các kiểu người lớn nhàm chán, thì người phi công cậu gặp trên sa mạc Sahara chính là một đứa trẻ thích sáng tạo từng  bị người lớn phủ nhận. Họ cho rằng, hai bức tranh con trăn nuốt con voi và “chiếc mũ” của ông quá viển vông, suy nghĩ thực tế mới là đúng đắn. Giây phút vẽ con cừu trong cái hòm cho Hoàng tử bé là lúc tâm lý và con mắt nhìn sự vật như trẻ thơ của ông đã quay trở lại.

Tình yêu và tình bạn trong sáng

Hình ảnh bông hoa hồng đại diện cho tình yêu. Hoàng tử bé cảm thấy đau khổ khi phát hiện ra đó không phải đóa hoa duy nhất, thấy như bị dối lừa. Nhưng sau bài học về tình bạn và tình yêu với cáo, Hoàng tử bé nhận ra đóa hoa của cậu là duy nhất:

“Các bạn đẹp, nhưng các bạn trống rỗng,- cậu nói với họ.- Người ta không thể chết vì các bạn được. Phải, đoá hồng của tôi, một người qua đường tầm thường tưởng là nó giống các bạn. Nhưng đối với tôi thì nó quan trọng hơn tất cả các bạn, bởi vì chính tôi đã tưới nước cho nó. Bởi vì tôi đã che chở nó bằng tấm chắn gió. Bởi vì tôi đã bắt sâu chi nó (trừ hai ba con dành để thành bướm). Bởi vì tôi đã nghe nó phàn nàn, nghe nó khoe khoang, và cả lúc im lặng nữa. Bởi vì đó là đoá hồng của tôi.”

Ý nghĩa đằng sau cuộc phiêu lưu của Hoàng tử bé
Nguồn Internet

Tại sao con cáo lại muốn làm thân với Hoàng tử bé, muốn cậu thuần hóa mình dù biết cuối cùng họ phải nói vĩnh biệt? Quá trình quan trọng hơn kết quả. Ai bảo con cáo không có gì? Nó có. Quá trình chinh phục, cảm giác hồi hộp khi theo đuổi, thời gian đã từng có chính là “màu vàng của lúa mì” của cáo. Sau khi Hoàng tử bé thuần hóa cáo, họ có gì? Họ có vị trí “duy nhất” của nhau. Đối với cáo, Hoàng tử bé là duy nhất trên đời và với cậu bé, con cáo cũng thế, họ có một tình bạn không thể thay thế.

Ý nghĩa đằng sau cuộc phiêu lưu của Hoàng tử bé

Nguồn: Internet

Sự kỳ cục của người lớn

Ý nghĩa đằng sau cuộc phiêu lưu của Hoàng tử bé

Nguồn: Canva

Hoàng tử bé du ngoạn qua 6 tiểu tinh cầu trước khi đến trái đất. Ở nơi đầu tiên, vị vua cai trị tiểu hành tinh của mình mà không có một thần dân nào. Ông thích ra lệnh một cách vô nghĩa để kiểm soát mọi thứ nhưng ông không thể bắt mọi người, mọi sự vật làm theo ý mình được. “Nếu trẫm ra lệnh cho một vị tướng phải biến mình thành con chim biển và nếu như vị tướng không tuân theo thì đó không phải lỗi của ông ta. Đó là lỗi của trẫm”. Vị vua cố gắng tìm kiếm sự hợp lý để ra lệnh và khi sự thật hiển nhiên đó xảy ra “vì mệnh lệnh của mình”, vị vua vui, thỏa mãn, và hài lòng. Người lớn thèm khát quyền lực, không quan tâm đến chia sẻ hay kết nối với người khác thật kỳ cục.

Ở hành tinh thứ hai, Hoàng tử bé gặp một kẻ ưa phỉnh nịnh và kiêu ngạo. Trong mắt ông ta ai cũng là người hâm mộ, nên tai ông ta chỉ nghe được lời tán tụng mình thôi: ông ta đẹp nhất, ăn mặc chải chuốt nhất, giàu có và thông minh nhất. Người lớn thích đánh giá giá trị của người khác qua ngoại hình và vật chất thay vị giá trị nội tại của mỗi người.

Người đàn ông nát rượu trên tiểu hành tinh thứ ba dùng rượu để trốn tránh đau khổ và khó khăn ông ấy đang trải qua trong cuộc sống. Ông sống tách biệt và không kết nối với người khác. Đây là cách mà đại đa số người lớn dùng tưởng để chống lại nỗi đau của mình, nhưng thật ra là đang tự làm khổ mình. 

Doanh nhân ở hành tinh thứ tư thích làm ra vẻ mình là kẻ bận rộn với công việc. “Ta là một người nghiêm túc.” Ông ta nghĩ mình cai trị mọi thứ, sở hữu những vì sao, nhưng thật ra ông ta chẳng có gì, và cũng chẳng làm được gì cho những vì sao. Lúc nào cũng ngồi đếm sao và tính toán này nọ. Người lớn bị những con số làm cho mờ mắt.

Ở hành tinh thứ năm, người đốt đèn là biểu tượng của trách nhiệm và ý nghĩa của công việc. Ở đó một ngày chỉ có một phút và ông phải làm việc liên tục không thể ngủ. Người lớn cũng đang bị công việc chiếm hết thời gian, thậm chí là khoảng thời gian quan trọng như ngủ.

Nhà địa lý học ở hành tinh thứ sáu trông có vẻ rất thông thái, hiểu biết rất nhiều, hẳn phải đi qua rất nhiều nơi, nhưng trên thực tế ông chưa từng rời khỏi cái bàn. Ông chỉ ngồi một chỗ để phỏng vấn và ghi chép lại hồi ức của nhà thám hiểm. Người lớn trông có vẻ hiểu biết rất nhiều nhưng thật ra họ chẳng biết gì vì có chịu bước ra khỏi vùng an toàn của mình đâu.

Người lớn là những “đứa trẻ to xác” thích trốn vào cái vỏ “lý tính,” hiểu biết,” “quyền lực,” “vật chất,” “khổ đau,” và “giàu kinh nghiệm.” Nhưng họ quên mất rằng khi nhìn mọi chuyện ở góc độ của một đứa trẻ thơ, vấn đề cũng chẳng phức tạp đến vậy.

Tinh thần trách nhiệm

Ý nghĩa đằng sau cuộc phiêu lưu của Hoàng tử bé

Nguồn” Canva

Trên tinh cầu B612 của mình, Hoàng tử bé ngày ngày dọn sạch những cây bao báp non ở thời điểm chúng dễ loại bỏ nhất, dù công việc này đối với cậu vô cùng nhàm chán. Vậy tại sao cậu vẫn làm dù nó vô cùng tẻ nhạt? Vì cậu biết một khi để giống cây khổng lồ ấy lớn hơn, cậu không còn có thể ngăn chúng phát nát tiểu hành tinh của mình. Chi tiết này khiến mình nghĩ về tinh thần trách nhiệm. Tiểu tinh cầu B612 là của cậu, Hoàng tử bé có nhiệm vụ bảo vệ nó khỏi vỡ nát bởi cây bao báp. Cho nên dù việc nhổ cây bao báp non mỗi ngày rất chán, cậu vẫn làm. Tinh thần trách nhiệm nghe có vẻ đao to búa lớn nhưng bạn cứ hiểu đơn giản là cố gắng trong mọi việc đặc biệt là việc của mình. Xem việc nhổ cây bao báp non như việc vệ sinh, đánh răng hằng ngày, cũng không quá nhàm chán và mất nhiều thời gian nhưng chúng ta có một hàm răng sạch đẹp không bị sâu, có một hành tinh sạch sẽ không có cây bao báp. 

ĐẶT MUA SÁCH

Xem thêm:

Dù 2023 là kỷ niệm 80 năm “Hoàng tử bé” đến với tinh cầu này, trên thực tế truyện Hoàng tử bé vẫn còn nhiều chi tiết đắt giá chưa được đề khai thác hết. Dù đã đọc Hoàng tử bé hơn một lần nhưng lần nào cũng có nội dung cũ nào đó mới. Nó mới ở chỗ đúng thời điểm. Cây bao báp là đại diện cho thế giới người lớn thực dụng, khô khan, và tính toán. Hoàng tử bé phải nhổ bỏ nó đi mỗi ngày để giữ cho tiểu hành tinh B612 (thế giới ngây thơ của trẻ em) sạch sẽ. Tuy nhiên, loài cây này cũng mang một tầng ý nghĩa khác về tinh thần trách nhiệm. Có lẽ tiểu thuyết Hoàng tử bé là một trong số các quyển sách kinh điển đáng để đọc cả đời mà ở mỗi thời điểm khác nhau chúng ta lại nhận được một bài học thú vị khác nhau. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *