Cổ học tinh hoa là cuốn sách được Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Từ An Trần Lê Nhân biên dịch. Mục đích để bảo tồn tinh hoa của cổ học và mong các thế hệ sau nhớ đến nguồn gốc từ bao nhiêu nghìn năm về trước. 

Về cuốn sách Cổ học tinh hoa 

Cựu học của ta là gì? Cựu học của ta tức là Hán học nghĩa là một cái Học chung cho cả mấy dân tộc ở Á Đông đã chịu cái văn hóa của giống người Hán, tức là người Trung Hoa. 

Tại sao Cổ học tinh hoa lại được mọi người yêu mến đến vậy? Con người ngày nay phát triển toàn diện để phù hợp với thời đại mới. “Có mới, nới cũ” là điều mà các soạn giả lo lắng rồi một mai Cựu học sẽ mai một mất. Cha ông ta đã dày công gây dựng thì thế hệ sau này cũng nên nhớ về và bảo vệ những giá trị đó. 

Cổ học tinh hoa là cuốn sách in từ năm 1925, tập hợp 250 bài, tuyển tập gồm các tiểu phẩm văn xuôi, ngắn gọn và súc tích tương tự như những mẩu chuyện ngụ ngôn… Được chọn dịch và biên soạn từ các tích xưa, phần lớn từ các sách kinh điển của Trung Hoa thời cổ. Mỗi câu chuyện nhỏ trong sách chứa đựng rất nhiều giá trị về triết lý sống từ đời xưa. Ở cuối các câu chuyện soạn giả cũng góp “Lời Bàn”, cốt là để giải rõ các đại ý trong bài. 

Những giá trị trong Cổ học tinh hoa 

Tuy cuốn sách đã hơn 80 năm xuất bản, hay những câu chuyện trong sách đã có từ ngàn đời trước. Những đạo lý được gửi gắm trong đó đã âm thầm bồi đắp cho chúng ta một đời sống tình cảm phong phú, vị tha, nhân ái, bao dung.

Mở đầu bộ sách là truyện Không quên được cái cũ. Truyện kể về một người đàn bà đi cắt cỏ thi tự dưng nhớ đến cái trâm cài đầu bằng cỏ thi bị mất trong lần đi cắt cỏ thi trước đó nên ngồi khóc vì cái trâm đó là một “vật cũ”, “dùng đã lâu, mà ngày nay không sao thấy lại được nữa”.

Người ta thường nói: Quá khứ hóa thân trong hiện tại. “Cáo chết ba năm quay đầu về núi, con người ta, dù cho lông bông xiêu bạt đến thế nào, còn có chút tâm tình cũng không sao quên được gốc tích xứ sở mình.” Người nào cũng vậy, phải “có tổ, có tông”, có “nguồn cội gốc rễ” thì mới được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong cuộc đời. Bởi vậy lòng biết ơn đối với cội nguồn chính là tình cảm thiêng liêng và là động lực quan trọng nhất để mỗi người vun vén, xây đắp.  

Đạo làm người xưa đến nay không thể nào thiếu chữ Hiếu khi mà “Lúc song thân còn, cơm thường đưa dưa muối, đường xa trăm dặm, phải đội gạo về nuôi song thân. Cha mẹ già như bóng qua cửa sổ. Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, con muốn nuôi, mà cha mẹ không còn sống.”

Hiếu kính cha mẹ là một truyền thống rất tốt đẹp và lâu đời của dân tộc Việt Nam chúng ta. Truyền thống đó từ xa xưa đã được giữ vững và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho đến ngày nay. Trong kinh tăng Chi đức Phật cũng có dạy rằng: “Này các tỳ kheo! Có hai người mà các thầy không thể nào đền ơn cho hết được, đó là cha và mẹ.”. Đối với bất thứ tình cảm nào rồi cũng nhạt phai với thời gian, chỉ có tình mẹ, cha thương con là ngàn năm bất tận. 

Đời người phải trải qua bao nhiêu điều cần phải học, học nhớ về cội nguồn, học về chữ hiếu, học đối nhân xử thế, học làm vợ chồng… Những điều trên đều có trong cuốn Cổ học tinh hoa này. Nghiền ngẫm những câu chuyện trong sách Cổ Học Tinh Hoa sẽ giúp ta trồng cho mình một cái gốc đạo đức vững chắc, từ đó mới hoàn thiện trí tuệ để thu lượm những kiến thức hữu ích cho bản thân. Tuy có tên Cổ Học nhưng những tri thức trong sách sẽ chẳng bao giờ trở nên cũ mòn hay lạc hậu.

Lời kết

Cổ học tinh hoa là một cuốn sách phong phú về đạo lý, dễ đọc, cho người muốn tìm hiểu để luyện tâm tính. Những câu chuyện được dịch lại từ Khổng Tử tập ngữ, Ái Tử Xuân Thu, Hàn thi ngoại truyện, Tả truyện,… Đọc vào thời này vẫn còn tươi nguyên như mới, bởi chúng chứa những giá trị không bao giờ xưa cũ. Nhìn vào đời trước để tự răn mình, bao nhiêu bài học quý giá ở lịch sử. Vui đón hội nhập với những điều mới, mà không quên đi cái vốn cũ quý giá từ xưa. 

ĐẶT MUA SÁCH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *