“Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình
Chị cũng xinh mà em cũng xinh
Đôi lứa như in tờ giấy trắng
Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh
Xiếu mai chi dám tình trăng gió
Bồ liễu thôi đành phận mỏng manh
Còn thú vui kia sao chẳng vẽ
Trách người thợ vẽ khéo vô tình.”

(Tác phẩm “Tranh tố nữ” của Hồ Xuân Hương)

Hồ Xuân Hương là một trong những nữ thi sĩ nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam thế kỷ 19. Bà được biết đến phổ biến với cái tên “Bà chúa thơ Nôm” do nhà thơ Xuân Diệu gọi, bà luôn được biết đến với những bài thơ Nôm trào phúng, dí dỏm và thường mang tính chất gợi tình. 

Cho đến nay bản thân cuộc đời Hồ Xuân Hương và các tác phẩm của bà tiếp tục truyền cảm hứng cho các cuộc thảo luận về giới tính, tình dục và bình đẳng giới của xã hội.

Cuộc đời thăng trầm của nữ sĩ Hồ Xuân Hương 

Hồ Xuân Hương (1772–1822) sinh vào cuối thế kỷ 18 tại làng Quỳnh Đôi, tỉnh Nghệ An, Việt Nam. Tuy thông tin cụ thể về cuộc đời thời trẻ của bà rất ít, tuy nhiên thông qua các ghi chép và tác phẩm của Hồ Xuân Hương cũng có thể thấy được bà có tư chất thông minh và được giáo dục rất tốt, thông qua việc việc bà sử dụng thành thạo chữ Hán và chữ Nôm, bởi điều này không phổ biến đối với phụ nữ thời bấy giờ.

Hồ Xuân Hương

Bà được cho là đã kết hôn 2 lần nhưng cả hai lần đò đều không viên mãn, bởi cả 2 lần bà đều làm vợ lẽ của người ta. Trong các tác phẩm “Làm lẽ”, “Khóc Tổng Cóc” và “Khóc ông phủ Vĩnh Tường” của bà người ta thấy được cuộc hôn nhân đầu tiên bà làm lẽ của một hào phú có biệt hiệu Tổng Cóc sau đó lại làm lẽ cho Tú tài Phạm Viết Ngạn, bấy giờ tại nhiệm tri phủ Vĩnh Tường. 

“Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng,
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.
Năm thì mười họa hay chăng chớ,
Một tháng đôi lần có cũng không.
Câu kéo chẳng qua đà thói mọn,
Cắn răng chịu chẳng đặng lưng cong.
Thân này ví biết dường này nhỉ,
Thà trước thôi đành ở vậy xong.”

(Tác phẩm “Làm Lẽ” của Hồ Xuân Hương)

Những trải nghiệm này, cùng với việc chứng kiến sự bất công và phân biệt đối xử với phụ nữ trong xã hội phong kiến, đã làm sâu sắc thêm những cảm xúc và suy nghĩ của bà, từ đó tạo nên những bài thơ mang tính châm biếm, trào phúng, nhưng cũng đầy sự đau đáu và đồng cảm với thân phận người phụ nữ.

Hồ Xuân Hương cũng có mối quan hệ thân thiết với nhiều nhà nho và thi nhân cùng thời là Phạm Đình Hổ, Phạm Thái, Nguyễn Du, Phạm Quý Thích, Nguyễn Hầu, Trần Ngọc Quán, Trần Quang Tĩnh, Phan Huy Huân, Mai Sơn Phủ, Thạch Đình, Cự Đình, Thanh Liên, Tống Như Mai,… Những mối quan hệ này không chỉ giúp bà mở rộng kiến thức và tư duy, mà còn góp phần lan tỏa tiếng thơ của bà trong giới văn học.

Thế giới thơ ca tinh tế của Hồ Xuân Hương

Hồ Xuân Hương sống trong thời kỳ phong kiến, nơi mà xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng Nho giáo của Trung Quốc, quy định rõ ràng vai trò và vị trí của phụ nữ trong xã hội. Phụ nữ thường bị giới hạn trong các công việc gia đình và không được phép tham gia vào các hoạt động xã hội hoặc giáo dục cao cấp. Tuy nhiên, bất chấp những hạn chế này, Hồ Xuân Hương vẫn nổi bật với tài năng văn chương và sự sắc sảo trong tư tưởng của mình.

Hồ Xuân Hương bắt đầu sáng tác từ rất sớm, với các tác phẩm chủ yếu viết bằng chữ Nôm. Thơ của bà không chỉ là những bài thơ trào phúng, châm biếm xã hội mà còn là những lời tâm sự, trải lòng về cuộc đời và thân phận người phụ nữ. 

thơ của Hồ Xuân Hương

Một số tác phẩm nổi tiếng của bà bao gồm “Bánh trôi nước”, “Đèo Ba Dội”, “Lấy chồng chung”, “Quả mít”, “Động Hương Tích”, “Cái quạt”, “Đánh cờ”, “Sư hổ mang” và “Tự tình I – II – III”, … Các bài thơ của Hồ Xuân Hương đều thể hiện rõ nét tài năng sử dụng ngôn từ, lối chơi chữ, và tư duy sắc sảo.

“Mùa hè hây hẩy gió nồm đông,
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược trúc lỏng cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.
Đôi gò Bồng Đảo hương còn ngậm,
Một mạch Đào Nguyên suối chửa thông.
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì cũng dở ở không xong.”

(Tác phẩm “Thiếu nữ ngủ ngày” của Hồ Xuân Hương)

Những tác phẩm này không chỉ thể hiện sự sáng tạo và tinh thần mạnh mẽ của Hồ Xuân Hương mà còn là biểu hiện của một tài năng văn học vượt thời đại, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người và là nguồn cảm hứng không ngừng cho thế hệ sau.

Văn học về chủ đề phụ nữ trong tác phẩm của Hồ Xuân Hương

Hồ Xuân Hương nổi lên như một nhà thơ hàng đầu trong một xã hội do nam giới thống trị, sử dụng thơ ca để phê phán các chuẩn mực xã hội và bất bình đẳng giới. Tác phẩm của bà thường thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về bản chất con người, kết hợp với hài hước sắc bén và những ý tưởng táo bạo.

Các chủ đề phổ biến trong thơ của bà bao gồm tình yêu, thiên nhiên, những đồ vật thường ngày và những bất công xã hội, đặc biệt là những bất công mà phụ nữ phải đối mặt. Bà được biết đến với cách biểu đạt táo bạo, thẳng thắn và cách bà thách thức các chuẩn mực xã hội trong các tác phẩm của mình.

“Cả nể cho nên hoá dở dang,
Sự này có thấu hỡi chăng chàng.
Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc,
Phận liễu sao mà nảy nét ngang.
Cái tội trăm năm chàng chịu cả,
Chữ tình một khối thiếp xin mang.
Quản chi miệng thế lời chênh lệch,
Chẳng thế nhưng mà thế mấy ngoan.”

(Tác phẩm “Không chồng mà chửa” của của Hồ Xuân Hương)

Hình tượng người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương được khắc hoạ mạnh mẽ, táo bạo và đầy cá tính. Bà không chỉ miêu tả phụ nữ trong những tình huống thường ngày mà còn khắc họa sâu sắc nỗi lòng, tâm tư và khát vọng của họ trong xã hội phong kiến đầy áp bức. 

Sự sắc sảo và cái “ngông” trong thơ của Hồ Xuân Hương đã khiến cho tác phẩm của bà trở nên phong phú và đặc sắc hơn, nhưng cũng gây ra một số tranh cãi và chỉ trích trong xã hội lúc bấy giờ. Trong xã hội phong kiến, với những quy định rất chặt chẽ về đạo đức và hạnh phúc gia đình, việc sử dụng ngôn từ táo bạo và mạo hiểm trong thơ ca sẽ bị coi là không phù hợp với đức hạnh và gây tranh cãi.

Hồ Xuân Hương

Dù bị coi là quá táo bạo và không phù hợp với đạo đức phong kiến, nhưng thơ của Hồ Xuân Hương đã chạm tới trái tim nhiều người, được yêu thích và truyền tụng rộng rãi. Những áng thơ trải lòng đầy chân thực về những phong tục xưa, chứa chan tình cảm và tư tưởng của một phụ nữ dũng cảm, sắc sảo trong thời đại nhiều giáo điều hà khắc với phụ nữ.

Chỉ sau này, khi xã hội Việt phát triển hiện đại hơn, những nhận thức về giá trị của phụ nữ, của văn chương được nâng cao, Hồ Xuân Hương mới được công nhận là một trong những nữ sĩ tài năng, có tư tưởng vượt thời đại và có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong văn học Việt Nam.

Cuộc sống của bà phản ánh sự đấu tranh và khát vọng vượt qua những rào cản xã hội mà phụ nữ phải đối mặt. Hồ Xuân Hương đã dùng thơ ca để thể hiện những suy nghĩ, cảm xúc và quan điểm của mình về vai trò của phụ nữ trong xã hội, cũng như để phê phán những bất công và áp bức mà họ phải chịu đựng.

Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Hồ Xuân Hương là một minh chứng sống động cho tài năng, sự kiên cường và tinh thần đấu tranh cho quyền lợi của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Bà không chỉ để lại cho đời những tác phẩm thơ ca xuất sắc mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho phong trào nữ quyền và văn học dân tộc.

Xứng danh Bà chúa thơ Nôm

Hồ Xuân Hương đã để lại cho đời một di sản văn học vô giá, không chỉ là những bài thơ có nội dung đẹp đẽ mà còn ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa – chữ viết lúc bấy giờ. Bằng cách khéo léo kết hợp chữ Nôm cùng ngôn từ đồng dao và hình ảnh sinh động, bà đã khắc họa ra một thế giới văn học độc đáo, nơi mà mọi người có thể tìm thấy sự tinh tế và sự đẹp đẽ trong cuộc sống hàng ngày.

“Thân em thời trắng phận em tròn,
Bảy nổi ba chìm mấy nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,
Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son.”
(Tác phẩm “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương)

Ngôn từ trong thơ của Hồ Xuân Hương thường được chọn lọc cẩn thận và sắc bén, tạo ra những bức tranh văn học tinh tế và sâu sắc. Bà sử dụng các từ ngữ phong phú và hình ảnh sinh động, đã làm cho mỗi bài thơ của mình trở nên sống động và ấn tượng hơn. Hình ảnh trong thơ của Hồ Xuân Hương thường được mô tả một cách rất cụ thể và chi tiết, tạo ra một không gian văn học đặc biệt mà người đọc có thể đắm chìm và tận hưởng.

Hồ Xuân Hương

Những bài thơ của Hồ Xuân Hương cung cấp một cái nhìn sâu sắc về cuộc sống và khó khăn của phụ nữ trong thời kỳ phong kiến Việt Nam. Việc sáng tạo với ngôn ngữ Nôm của Hồ Xuân Hương không chỉ giúp bà thể hiện tài năng văn chương mà còn góp phần quan trọng trong việc phát triển và bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa dân tộc. Điều này đã tạo ra một di sản văn học quý của Việt Nam, làm cho tác phẩm của bà tiếp tục sống mãi trong lòng độc giả, trong kho tàng thơ ca Việt dù đã trải qua hàng trăm năm.

Tác phẩm của Hồ Xuân Hương vẫn tiếp tục là đề tài của nhiều nghiên cứu và phân tích sâu sắc bởi các nhà nghiên cứu văn học, cũng như là nguồn tư liệu quan trọng để đưa vào chương trình giáo dục phổ thông. Thơ của bà không chỉ là một phần của văn học dân gian mà còn là một kho tàng tinh thần để khám phá và hiểu rõ hơn về tư duy và cảm xúc của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

Xem thêm: 

Hãy khám phá thế giới tâm hồn phụ nữ qua thơ của Hồ Xuân Hương qua những bài thơ táo bạo và sắc bén, nơi mà phụ nữ không ngần ngại phản đối và phê phán những bất công và hạn chế đối với họ trong xã hội trọng nam khinh nữ. Chắc hẳn bạn sẽ phát hiện ra nhiều điều thú vị mà nhiều phụ nữ thời này chưa biết đấy!


Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Mua sách Văn Học Trong Nhà Trường : Thơ Hồ Xuân Hương tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *