Cuốn sách “Kinh Dịch Đạo của người quân tử” được học giả Nguyễn Hiến Lê nghiên cứu và chú dịch. Đây là một công trình khoa học đầy những ẩn số được tìm hiểu, đối chiếu, so sánh với các công trình nghiên cứu của các nhà triết học phương Đông, phương Tây. 

Nhắc đến Kinh Dịch có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến đây là một hình thức bói toán. Tuy nhiên, theo quan điểm của các triết gia đây là nhân sinh quan, cách đối nhân xử thế. Hay còn gọi là Đạo Dịch, đạo của các bậc chính nhân quân tử thời xưa. 

Kinh Dịch là gì? 

Kinh Dịch được coi là bộ sách nêu ra quy luật biến đổi phát triển của muôn sự muôn vật. Nho gia xếp nó là đứng đầu Ngũ kinh (Dịch, Thư, Thi, Lễ, Xuân Thu), Đạo gia coi nó là một trong Tam huyền (Lão Tử, Trang Tử, Kinh Dịch). Đây là một hệ thống tư tưởng triết học của người Trung Quốc cổ đại, tư tưởng triết học cơ bản dựa trên cơ sở của sự cân bằng thông qua đối kháng và thay đổi (chuyển dịch).

Ban đầu, Kinh Dịch được coi là một hệ thống để bói toán, nhưng sau đó được phát triển dần bởi các nhà triết học Trung Hoa. Cho tới nay, Kinh Dịch đã được bổ sung các nội dung nhằm diễn giải ý nghĩa cũng như truyền đạt các tư tưởng triết học cổ Á Đông và được coi là một tinh hoa của cổ học Trung Hoa. Nó được vận dụng vào rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống như thiên văn, địa lý, quân sự, định mệnh… 

sách Kinh Dịch Đạo

Quyển kinh không chỉ một người viết mà do nhiều người góp sức trong một ngàn năm từ Văn Vương nhà Chu đến đầu đời Tây Hán. Thời nào cũng có người tìm hiểu thêm, đem ý riêng của mình và tư tưởng của thời đại giọi vào nó, khiến cho ý nghĩa và công dụng của nó mỗi ngày một nhiều và một xa nguồn gốc. 

Kinh có nghĩa là một tác phẩm kinh điển, hàm ý rằng tác phẩm này miêu tả những quy luật của tạo hóa không thay đổi theo thời gian. Dịch có nghĩa là biến dịch thay đổi, vạn vật sinh ra, lớn lên, già rồi chết. Hay còn có nghĩa khác là giao dịch hoặc bất dịch. Tác phẩm đầu tiên nói về Kinh Dịch là cuốn Chu Lễ có ba loại Dịch: Liên Sơn Dịch, Quy Tàng Dịch và Chu Dịch.

Cấu trúc của Kinh dịch được gọi là quẻ tượng trưng cho 64 tổ hợp và được chia thành 6 hào. Mỗi hào được thể hiện dưới các đoạn thẳng nằm ngang và một đường đứt là âm, đường liền là dương. Cơ sở của Kinh Dịch là khái niệm âm dương và ngũ hành. Âm dương được mô tả nằm trong một cái vòng tròn thái cực. Sự thay đổi chung của quẻ là liên kết động của những thay đổi bên trong và bên ngoài.

Kinh Dịch đạo của người quân tử

“Kinh Dịch Đạo của người quân tử” là tựa sách được chọn lọc nội dung, giới thiệu đến độc giả những đạo dành cho phái nam hay người xưa gọi là quân tử. Có thể xem nội dung của cuốn sách này là một thứ triết lý mang tính hệ thống, nên muốn hiểu được, cần phải đọc nó với tư duy hệ thống và cấu trúc. Tác giả gợi ý đọc cuốn sách theo từng phần như sau:

Sách gồm 2 phần: 

– Phần 1: Giới thiệu, có 6 chương, từ I đến VI.

– Phần 2: Kinh và truyện: Kinh tác giả dịch tròn 64 quẻ. Truyện chỉ dịch Hệ từ truyện. 

Phần 1 là nền tảng nên độc giả cần đọc rất kỹ, chỗ nào không hiểu thì đánh đấu ở ngoài lề để sau coi lại. Đọc xong Chương IV rồi, nên tạm bỏ chương V và VI mà đọc tiếp ngay bản dịch 64 quẻ trong phần 2. 

sách Kinh Dịch Đạo

Mỗi ngày chỉ đọc 2, 3 quẻ, đọc kỹ cho hiểu. Đọc được độ mươi quẻ thì những quẻ sau sẽ thấy dễ hiểu. Chương IV giúp bạn hiểu 64 quẻ, mà 64 quẻ cũng giúp bạn hiểu thêm chương IV, vì vậy trong khi đọc 64 quẻ bạn nên thường tra lại chương IV. Lúc đó bạn sẽ hiểu những chỗ đã đánh dấu ở ngoài lề mà lần đầu tiên bạn chưa hiểu. Sau đó, bạn đọc kỹ Chương V, VI của phần 1, lúc này bạn hiểu được ý nghĩa trong hai chương quan trọng đó, nhất là Chương VI. Đọc lần đầu dù kỹ tới đâu cũng chưa gọi là hiểu hết, nhất là chưa nhớ được gì nhiều . Nghĩ một thời gian, bạn nên đọc lại lần thứ hai, lần này mau hơn lần trước. Rồi lâu lâu bạn nên coi lại những chỗ bạn cho là quan trọng cần nhớ. 

Dịch học chỉ xây dựng trên 64 quẻ do hai vạch âm, dương chồng lên nhau, đổi chỗ cho nhau ba bốn lần mà thành. Cho nên nó có một sức hấp dẫn lạ lùng, ai cũng tò mò muốn biết, mà những người có óc tưởng tượng dồi dào có thể dễ dàng cho mỗi quẻ một ý nghĩa mới, giảng mỗi quẻ theo vũ trụ quan, nhân sinh quan của mình, ý nghĩa đó càng huyền bí thì lại càng có vẻ thâm thúy. Do đó, không một danh nho nào từ đời Hán đến đời Thanh không tìm hiểu Kinh dịch, hiệu đính, chú thích và một số đã tạo cho nó một nội dung mới khác xa nội dung thời Văn Vương, Chu Công. Nó gần thành một thứ khoa học biến hoá theo thời đại. 

Kinh Dịch là bộ sách vừa cổ xưa vừa mới mẻ, vừa xa lạ, thâm sâu khó đoán, lại vừa dung dị giản đơn, là bộ pháp điển giải mã bí ẩn của vũ trụ nhân sinh. Từ xưa đến nay, loài người luôn gắng sức khám phá những bí ẩn của vũ trụ nhân sinh. Song cho đến nay, khi khoa học kỹ thuật đã phát triển cao độ, vẫn chưa thể giải mã được vũ trụ, lẽ nào tổ tiên của chúng ta đã làm được điều đó từ mấy ngàn năm trước? 

sách Kinh Dịch Đạo

Trong truyền thống Trung Quốc, Kinh Dịch được coi là một tài liệu quan trọng trong nghiên cứu và áp dụng triết học, tâm linh, tôn giáo, văn hóa, khoa học tự nhiên, y học, và kinh doanh. Nó được coi là một trong những kinh sách đạo đức và triết học cổ xưa nhất của Trung Quốc, với các chủ đề như đạo, lý, thiện, ác và cách mọi thứ trong vũ trụ tương tác với nhau.

Kinh Dịch cũng có thể được coi là đạo của người quân tử bởi vì nó thể hiện một triết lý tinh tế và phát triển cá nhân thông qua việc giúp cho người đọc hiểu rõ về sự tương tác giữa con người và thế giới xung quanh. Kinh Dịch khuyến khích người đọc tìm hiểu, phân tích và suy ngẫm về cuộc sống để đạt được sự thông minh và trưởng thành. Những người quân tử trong lịch sử Trung Quốc được coi là những người có đức tính cao, tôn trọng nhân phẩm, có đạo đức, khôn ngoan và trí tuệ. Kinh Dịch giúp hướng dẫn các nguyên tắc, cách hành xử của người quân tử này.

“Người quân tử giao du với nhau, tình như nước lã, kẻ tiểu nhân giao du với nhau nồng như rượu. Tình người quân tử nhạt mà càng thân, tình kẻ tiểu nhân nồng mà sẽ tới sự tuyệt giao…” (Trang tử – Nam Hoa Kinh – Nguyễn Hiến Lê trang 368).

Vì vậy, Kinh Dịch có thể được coi là đạo của người quân tử bởi vì nó giúp người đọc rèn luyện và phát triển bản thân, trở thành một người có đức tính, khôn ngoan và trí tuệ. Từ đó, người quân tử thuận lợi tương tác và thích ứng với thế giới xung quanh một cách thông minh và khéo léo.


Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “DIMI BOOK” hoặc “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Xem sách chi tiết tại đây

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *